Mẹ&Con - Bạn đã từng nghe tới chỉ số thông minh (IQ), chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) khá nhiều. Nhưng bạn có biết rằng chỉ số “can đảm”, chỉ số “vượt khó” AQ cũng quan trọng không kém? Những thói quen hằng ngày giúp bạn thông minh hơn Cách ăn uống thông minh dành cho bầu

AQ là viết tắt của Adversity Quotient – chỉ số biểu thị khả năng vượt qua thử thách, chuyện không như ý… gọi tắt là chỉ số vượt khó. Một đứa trẻ có chỉ số AQ cao sẽ là người rất dễ thành công trên bước đường học vấn lẫn khi bước vào đời. Bởi lẽ, trẻ tiềm ẩn trong mình một sức bật mà chính cha mẹ có thể cũng không ngờ. Trẻ không dựa dẫm, không ỷ lại vào cha mẹ. Khi đối diện với thử thách, trẻ có xu hướng lạc quan và mạnh mẽ tiến về phía trước. Thú vị hơn nữa, AQ là một chỉ số không phải… trên trời rớt xuống. Nó là chỉ số mà bạn có thể giúp nâng cao cho con từ ngày thơ bé, bằng những bước hiệu quả sau đây.

1. Xây dựng sự tự tin

Đứa trẻ tự tin sẽ luôn chủ động mày mò tìm cách “giải quyết tình huống” khi gặp khó khăn, thay vì quay sang nhìn mẹ chờ đợi và… cầu cứu. Muốn thế, bạn cần tập cho con. Hãy mạnh dạn cho bé thử những điều “khó khăn” hơn một chút so với tuổi của bé ngay từ nhỏ. Tất nhiên, bạn cần giữ an toàn cho trẻ, không khiến trẻ bơ vơ và hoảng sợ khi thử những điều này.

Chẳng hạn, thay vì luôn cúi xuống mang giày cho con, bạn hãy đứng bên cạnh và bảo con tự mang đi. Bé lóng ngóng, vụng về, làm không được? Không sao cả! Con có thử thì con mới biết mức độ khó dễ của nó và mới học được những kinh nghiệm của riêng mình. Kích thích con khám phá những điều chưa bao giờ làm (xin nhắc lại lần nữa là làm điều này trong giới hạn an toàn!) như mặc áo phao và cho con thử xuống nước, cho con trải nghiệm một vài trò chơi “cảm giác mạnh”, cho con thử nấu ăn dưới sự kiểm soát của bạn… Chỉ cần không “úm” con, một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy trẻ tự tin hơn hẳn. 

me-co-biet-aq-cua-tre-cung-quan-trong-khong-kem-iq-va-eq-dau-nhe

2. Luôn nói: “Con lớn rồi…”

 

Mẹ có biết?

 

Khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ đứng trên bục cao nhất để nhận thưởng (các giải thưởng về toán học, về âm nhạc, về thể thao…), hãy biết rằng đằng sau những “vinh quang” ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của trẻ.

 

Không áp lực và không đặt nặng “giải thưởng”, nhưng những đứa trẻ này luôn hiểu rõ giá trị của khổ luyện, nói cách khác là luôn có một chỉ số AQ cao. Trẻ biết cách âm thầm đặt cho bản thân những mục tiêu để vượt qua. Trẻ sẵn sàng can đảm đương đầu và đương đầu có hiệu quả trước một thử thách, khó khăn nào đó trong quá trình học tập và rèn luyện.

 

Chỉ số AQ không chỉ mang đến cho trẻ cơ hội trở nên xuất sắc và thành công hơn trẻ khác mà còn khiến trẻ tự lập, ít dựa dẫm vào cha mẹ, tin tưởng vào “nội lực” của chính mình!

 

Nhiều bà mẹ cứ lặp đi lặp lại với con mình: “Con còn nhỏ lắm! Chưa làm cái đó được!”. Ồ, bạn nghĩ xem, thế thì bao giờ con mới… lớn?

Trái lại, khi bạn nói với con: “Con lớn rồi, con tự làm việc này nhé!”, bạn sẽ khuyến khích con nhiều hơn. Ví dụ, hãy nói: “Con lớn rồi, con tự xúc ăn đi!” và đưa cho con một chiếc muỗng. Quan sát con nhưng chỉ can thiệp khi thật sự có điều gì đó nguy hiểm, còn lại, bạn nên để cho trẻ hiểu trẻ thật sự “lớn” rồi. Tương tự, nên tăng cường các câu nói: “Con lớn rồi, con tự gấp chăn màn của mình đi!”, “Con lớn rồi, con có thể tự kéo hành lý của con đấy!” (và để bé tự xoay sở kéo chiếc va li bé xíu của mình ngoài sân bay). Khi được nhắc hằng ngày rằng mình đã “lớn rồi”, trẻ sẽ có xu hướng tự nỗ lực nhiều hơn. Điều này giúp chỉ số AQ “vượt khó” của trẻ cũng nâng lên lúc nào không biết. 

3. Kích thích khả năng sáng tạo

Khi gặp một thử thách khó khăn, để vượt qua, trẻ cần có khả năng sáng tạo tốt. Ví dụ để giải quyết một tình huống khó, trẻ không chỉ phải tự tin ở mình, phải kiên trì mà còn phải có cái đầu “ngộ nghĩnh”, biết nghĩ đến những điều đứa trẻ khác chưa chắc nghĩ đến nữa.

Để kích thích khả năng sáng tạo của trẻ (điều sẽ góp phần nâng cao chỉ số AQ cho trẻ sau này), bạn nên cho con sớm được chơi những trò chơi có tính mày mò, quan sát, xoay sở… Ví dụ như tô màu, vẽ tranh, nặn tượng đất sét, các trò chơi kích thích trí tuệ, các môn thể thao vận động, tập cho trẻ nấu nướng, làm ra các “tác phẩm” theo cách của riêng mình.

me-co-biet-aq-cua-tre-cung-quan-trong-khong-kem-iq-va-eq-dau-nhe

4. Để trẻ tự quyết định

Cha mẹ có thói quen thích quyết định thay con quá nhiều. Từ chuyện nhỏ như vào quán chọn món ăn nào, đi chơi mặc bộ đồ nào đến chuyện lớn hơn như con thích học môn năng khiếu nào hè này, cha mẹ đều thích quyết định thay con.

Kết quả là trẻ chỉ chờ đợi vào cha mẹ, sẽ chỉ ngoan ngoãn làm theo đúng những gì cha mẹ muốn và không còn tin tưởng vào trực giác của chính trẻ nữa! Điều này vô cùng quan trọng. Trực giác không được “sử dụng” sẽ không còn độ “nhạy”. Trẻ thụ động và chờ đợi khi gặp tình huống không như ý. Ví dụ đi lạc mẹ, trẻ sẽ chỉ đứng đấy òa lên khóc hoảng loạn. Ngược lại, một đứa trẻ luôn được tạo cơ hội cho quyết định nhiều vấn đề trong cuộc sống đời thường trong tình huống ấy sẽ biết lắng nghe trực giác của mình. Trẻ sẽ biết nhìn quanh và thấy chú bảo vệ kia là người đáng tin cậy (“trực giác” của trẻ mách bảo điều ấy vì chú mặc đồng phục, vì chú có nụ cười thân thiện, vì mọi người đều đến gần và hỏi han chú những điều họ không biết…). Trẻ sẽ biết cách bước tới để rành rọt nói rằng: “Con bị lạc mẹ, chú có thể tìm mẹ giúp con không?”.

Trực giác nhạy bén không phải là điều một sớm một chiều có được. Bạn nên để cho con quyết định càng nhiều thứ càng tốt. Sẽ có những quyết định sai lầm, như trẻ chọn một trong hai món ăn và cuối cùng lại thấy món ăn đó… quá tệ chẳng hạn. Nhưng qua chính những “thất bại”, trực giác sẽ mách bảo trẻ nhiều hơn. Trẻ sẽ có được những “tiếng nói từ bên trong” mách bảo việc gì nên làm, việc gì sẽ mang đến kết quả tốt trong tình huống xấu…

5. Cho trẻ luyện tập thể thao

Thể thao là cách để rèn chỉ số AQ cho trẻ rất lý tưởng. Bất kỳ môn thể thao nào cũng tôi luyện trẻ và giúp trẻ học được những bài học quý như: Cần kiên trì, không có gì “dễ” cả, khó khăn nào cũng có hướng giải quyết, “thua” là bình thường vì ngày mai có thể mình sẽ “thắng”…

me-co-biet-aq-cua-tre-cung-quan-trong-khong-kem-iq-va-eq-dau-nhe

6. Hướng con đến sự lạc quan

Bạn đừng giữ vẻ mặt ủ dột thường xuyên trước con, đừng cáu kỉnh và than thở với con những điều đầy bi quan như: “Trời ơi, sao mưa hoài vầy nè!”, “Đụng cái gì là hư cái đó, ngày hôm nay tệ thế không biết!”, “Tiền bạc không thấy đâu mà sao cứ phải chi tiêu quá nhiều vậy”… Bạn tưởng con không hiểu ư? Tất cả những sự “u ám” của bạn sẽ hằn sâu trong đầu trẻ, ngay từ khi trẻ còn chưa thật sự hiểu “tiền” là gì, “ngày tệ” là ngày ra sao.

Ngay từ khi con còn nhỏ xíu, hãy hướng trẻ đến nụ cười, đến những suy nghĩ tích cực. Chỉ cho con xem những mầm non đang mọc lên, cho con thấy một con cún con cố gắng học cách chạy nhảy. Trời mưa không đi chơi được, bạn có thể mỉm cười bảo con rằng: “Mưa rồi! Mẹ con mình không thể ra công viên. Vậy mẹ con mình sẽ cùng bày trò nấu ăn nhé?”. Bạn thấy đấy, trẻ sẽ nhận ra chẳng có hoàn cảnh nào là “xấu” cả. Khi ta biết xoay sở, mọi thứ đều sẽ đầy ắp tiếng cười.

7. Cho con chơi với người lớn

Bạn cần duy trì những giờ chơi của con với bạn bè cùng lứa. Nhưng song song đó, đừng quên tạo thêm cơ hội cho con trải nghiệm bên những người trưởng thành đáng tin cậy. Trải nghiệm đó sẽ mở rộng thế giới của bé, khiến con cư xử theo kiểu “lớn” hơn và vững vàng hơn.

8. Dạy con cách bình tĩnh và suy luận hợp lý

Khi rơi vào một tình huống bất ngờ, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, trẻ sẽ dễ có phản ứng khóc lóc, hoảng sợ. Điều này rất bình thường với tâm lý trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tập cho con qua từng việc thật nhỏ hàng ngày, để trẻ biết chế ngự những cảm xúc tiêu cực đó, bình tĩnh hơn.

Ví dụ con rất sợ một con chó và khóc toáng lên, ôm chầm lấy mẹ. Bạn hãy giúp con nhận ra việc khóc như thế có thể khiến con cho sủa dữ dội hơn. Thay vào đó, con có thể quan sát kỹ lại để nhận ra con chó bị xích chặt nên nó chỉ sủa chứ không thể làm gì con. Con nên lùi lại như thế nào để có được khoảng cách an toàn với nó, nên tìm sự giúp đỡ của ai xung quanh nếu không có mẹ ở bên? 

Để có một thói quen bình tĩnh khi xử lý những tình huống bất ngờ, trẻ cần được rèn khả năng quan sát, biết xác định vấn đề, tìm nguyên nhân và các phương án có thể giải quyết. Cần giúp trẻ biết tiếp nhận thông tin, chọn lọc và xử lý thông tin. Không đánh giá, phán xét hiện tượng mà cần đánh giá mức độ nguy hiểm. Qua đó mới tìm ra cách giải quyết vấn đề phù hợp, nhanh và hiệu quả. 

Tags:

Bài viết liên quan