Mẹ&Con - “Cô ơi, bạn Tin giành đồ chơi của con…”, “Mẹ kêu bạn đó tránh ra cho con chơi xích đu trước!”, “Sao anh hai lại bấm tivi qua kênh khác, em đang xem phim hoạt hình mà…”. Cứ thế, bạn đinh tai nhức óc với những điệp khúc “tranh giành” này. Tại sao lúc nhỏ con khá ngoan, mà khi lớn lên lại có xu hướng thích giành phần hơn với mọi người - từ bố mẹ, bạn bè, đến cả đứa em nhỏ xíu? 3 cách nghĩ sai trong việc dạy con 5 kỹ năng dạy bé lớn khôn 5 điều không nên làm trong cách nuôi dạy con

Con không thích… nhường!

Chưa bao giờ chị Thiên Trân (Quận 5) lại cảm thấy sốc như thế với thiên thần bé bỏng của mình. Bé Tina mới hơn 5 tuổi. Mọi thứ ở con đều khá ổn và làm chị hài lòng, duy chỉ có tật “tranh giành” là khiến chị đau đầu. Than thở với chuyên viên tâm lý, chị giãy bày: “Nói thật ban đầu tôi cứ nghĩ là con khôn lanh, nhanh nhẹn, nhạy bén nên có được… cái tốt trong mọi trò chơi. Tôi không can ngăn, thậm chí có phần ngấm ngầm hài lòng vì thấy so với những đứa trẻ khá nhút nhát khác, con luôn trội hơn. Cho con thi mấy game nhỏ nhỏ, con luôn chạy lên sân khấu trước, giành phần hát trước, nói trước và rất dạn dĩ so với bạn bè. Có lần tôi còn bật cười khi thấy con ra sân chơi tập thể, cái xích đu mà con thích đã có bạn đang chơi, vậy mà con chạy lại nói gì với bạn, cuối cùng bé đó đành xuống để con leo lên xích đu đong đưa… Tôi nghĩ có phần lỗi của mình vì đã nhìn nhận lầm những điều này là tốt!”.

Quả thật, không ít phụ huynh vẫn giữ trong lòng ý nghĩ “nhường nhịn thường thua thiệt” nên khi thấy những “mầm mống” của tật xấu thích tranh giành ở trẻ như chị Thiên Trân đã thoải mái… cho qua! Các ông bố, bà mẹ tặc lưỡi nghĩ rằng trẻ nhỏ thôi mà, nó lanh lẹ một chút càng đỡ lo con mình bị “ăn hiếp”. Thế nhưng, theo thời gian, khi thói quen thích tranh giành ấy ngấm sâu, bé luôn đòi hỏi mình phải có ngay thứ mình thích, không biết chờ tới lượt, thậm chí muốn gây sự, bắt nạt các bạn, các em nhỏ hơn mình thì bố mẹ mới bắt đầu lo lắng, đau đầu.

me-phai-lam-sao-day-con-biet-nhuong-nhin-day

Chị Trân bộc bạch chuyện của con: “Không uốn, không chỉnh con những lần con giành đồ chơi với bạn khác dù là người đến sau nên càng lúc con càng quen kiểu ấy. Hết tranh giành với các bạn bên ngoài, con quay về giành với chính em bé trong nhà. Hai chị em chơi với nhau, nhưng hễ tôi mua đồ chơi gì về, con cũng đòi chọn trước, xong mới bỏ cái còn lại cho em. Tivi con giành mở, bánh trái tôi mua về, con sẵn sàng xô ngã em bé chỉ để được miếng lớn hơn. Bé em thì rất hiền, lại chỉ mới 3 tuổi nên lần nào cũng chỉ biết khóc thét khi bị chị giành. Tôi bắt đầu thấy lo lắng thật sự khi nhận ra đó không chỉ là kiểu giành vui vui của trẻ con mà đã tạo nên luôn thói quen khó bỏ!”.

Thế đấy, tận thâm tâm, không ông bố bà mẹ nào muốn con mình bị “thiệt thòi”, nhưng bạn hãy lưu ý đến điểm này: Nếu con không hiểu được ý nghĩa của nhường nhịn và không bao giờ chịu nhường nhịn thì người thật sự thiệt thòi sẽ chính là… bản thân bé. Bởi lẽ chẳng bạn nào thích chơi với một đứa trẻ luôn có xu hướng thích tranh giành. Ở độ tuổi mầm non, có thể bé dễ dàng “thắng” bạn bè cùng tuổi, nhưng lớn lên dần, càng lúc bé sẽ càng dễ bị cô lập trong lớp, trong đội nhóm. Sự tranh giành cũng sẽ khiến con luôn trong trạng thái phải “chiến đấu” với bạn bè, nên sẽ không cảm nhận được niềm vui được chơi chung, được chờ đến lượt, được có những tình bạn chân thành.

Không chỉ thế, người thân trong gia đình, đặc biệt là anh chị em ruột của bé cũng sẽ rất dễ bất hòa nhau. Bạn có bao giờ phải “nổi điên” lên khi suốt ngày phân xử với những lời méc như thế này chưa: “Chị giành đồ chơi của con!”, “Cái này của con, sao nó lại giật!”, “Sao chị được miếng bánh lớn mà con lại có miếng bánh nhỏ?”. Những trận ẩu đả, đánh nhau ngay khi bố mẹ vừa khuất dạng ra ngoài, những ánh mắt gườm gườm nhìn nhau, luôn chờ để… thoi nhau một cú cho “bõ ghét”, bạn đừng để đến lúc đó mới uốn nắn trẻ, sẽ là muộn đấy! 

Tập con biết nhường nhau!

Trước khi dạy con biết nhường nhịn, hãy dạy con một nguyên tắc đơn giản hơn và dễ thực hiện với tâm lý của bé hơn, đó là chờ đến lượt mình! Vào siêu thị, bạn hãy nói cho con biết chúng ta cần xếp hàng, tuần tự như thế này, tính tiền xong con mới có thể ăn chiếc bánh mà con thích. Khi bé nói chuyện, dạy con không “nhảy vào miệng” người khác mà bình tĩnh chờ đến phiên mình nói. Ra sân chơi tập thể, khi thấy bạn khác đang chơi chiếc xích đu mà con thích, bạn hãy hướng dẫn con đứng chờ hoặc nói với bạn kia rằng: “Khi nào bạn chơi xong thì cho mình chơi nhé!”.

Tất cả những việc này nghe thì “nghiêm trọng” nhưng thật ra chỉ là những thứ rất thông thường trong đời sống hàng ngày. Bạn có thể uốn nắn con một cách rất nhẹ nhàng, làm gương cho con xem, chỉnh con khi con làm không đúng. Nếu bé lỡ đã có thói quen hay tranh giành rồi thì bạn sẽ mất công hơn, nhưng vẫn có thể dùng sự cương quyết của mình để yêu cầu con học cách chờ đến lượt.

Một khi đã quen với việc “chờ đến lượt”, bạn có thể bắt đầu giúp con chạm dần đến khái niệm “cao” hơn: Biết nhường nhịn lẫn nhau! Luôn nhớ rằng trẻ còn rất ham chơi, còn rất quyết liệt trong việc bảo vệ “những thứ của mình”. Vì thế bạn đừng vội vàng trong việc ép con nhường nhịn, sẽ phản tác dụng đấy!

me-phai-lam-sao-day-con-biet-nhuong-nhin-day

Nhường nhịn là trạng thái bé chấp nhận “chịu thiệt” một chút để người khác có thứ tốt hơn. Đây là một điều hoàn toàn không dễ làm – kể cả với người lớn nên bạn đừng vội chụp cho bé những cái mũ như “ích kỷ”, “xấu tính”… khi bé không chịu nhường em (thật sự bé không giành của em là đã tốt lắm rồi!). Hãy cố gắng nhất để có sự công bằng, đừng luôn đòi hỏi con nhường chỉ vì “con lớn hơn em”, “vì bạn là khách đến chơi”. Trẻ sẽ cảm thấy tủi thân, bực dọc, cho rằng bố mẹ không thương mình bằng em chứ không thật sự hiểu được khái niệm “nhường nhịn” bằng cách thế này.

Tuy nhiên, một đôi khi bạn có thể hướng con đến sự nhường nhịn bằng cách khơi gợi tình cảm trong con. Đừng quên rằng trẻ rất trong sáng, nhạy cảm, giàu tình yêu thương và bé sẽ tự động nhường, cảm nhận được niềm vui thật sự của sự nhường nhịn nếu bạn biết khéo léo ngợi khen, khơi gợi tình cảm từ trong bé. Ví dụ như có thể nói với con: “Con nhường chiếc bánh này cho bạn kia nhé! Bạn không có mẹ, phải đi bán vé số. Bạn rất đói. Nếu con nhường cho bạn, chắc bạn sẽ mừng lắm…”; “Con nhường cho em xem trước tivi chương trình em thích được không? Em sẽ vui và cảm ơn con nhiều lắm. Con của mẹ là một người anh rất thương yêu em, đúng không?”.

Lưu ý, chỉ thuyết phục bé chứ không ép buộc. Và bạn cũng đừng “lợi dụng” sự dễ tính của bé này để bắt bé luôn phải nhường cho bé kia. Hãy cố gắng đưa ra những cách giải quyết ổn thỏa cho cả hai, thỉnh thoảng mới nhường và nhường trong chừng mực mà bé hiểu, chấp nhận được. Bằng cách ấy, bé sẽ thấy chuyện “nhường nhịn” cũng không đến nỗi quá thiệt thòi gì! 

Mẹo cho mẹ

Thường xuyên tạo điều kiện cho bé sẻ chia những gì mình có, giúp đỡ những người xung quanh chính là cách khéo léo để dạy con biết “nhường nhịn” thay vì “tranh giành”. Ví dụ khi bé vào siêu thị, dù đã xếp hàng nhưng bạn vẫn có thể giải thích với con rằng nên nhường cho một cô đang mang thai vì cô đang có em bé, đi lại khó khăn, dễ bị mệt chẳng hạn. Những điều bạn làm hàng ngày chính là tấm gương cho con đấy! 

Tags:

Bài viết liên quan