Nguyên tắc “5 không”
- Không “úm” con quá kỹ
Hiện nay, tình trạng “con một” rất phổ biến trong xã hội. Là con một có nhiều lợi thế, được cha mẹ dồn tình thương cho mình trọn vẹn nhất, đứa trẻ ít nhiều đều có niềm tự hào. Thế nhưng, kiểu “úm” quá kỹ con một của chị Thu, chuyên viên mạng của một công ty công nghệ thông tin (Q.3) lại suýt hại con. Con trai chị nay đã là học sinh lớp 11, cao lớn, cứng cáp nhưng chưa bao giờ được ra khỏi phạm vi nhà nửa kilômét mà không có sự cho phép và giám sát của mẹ. Từ nhỏ tới lớn, cháu chưa từng được mẹ duyệt cho đi picnic, cắm trại qua đêm hoặc dã ngoại, thậm chí đến việc đi tham quan viện bảo tàng cùng các bạn trong lớp cũng không. Cháu đừng hòng mơ tưởng tới việc sắm một món quà đi tiệc sinh nhật hoặc đi party nào đó của bạn bè. Lí giải cho việc “úm” con quá chặt như thế, chị Thu bảo: “Bây giờ xã hội nhiều tệ nạn, cạm bẫy quá, buông lỏng thì sợ con sẽ mau hư”. Hậu quả của nỗi sợ đó là con chị rất bức xúc, phát biểu: “Chính mẹ đã biến con thành con ngỗng tồ trong mắt bạn bè, cái gì cũng mù tịt!”. Cháu trở nên lầm lì, cáu kỉnh, khó gần, tránh hẳn việc phải chạm mặt và không muốn nói chuyện với mẹ.
Thật ra, ở độ tuổi đang lớn, trẻ có rất nhiều nhu cầu khám phá bản thân, khám phá thế giới xung quanh, cần có những mối quan hệ lớn hơn gia đình để hòa nhập và phát triển bản thân. Ngoài việc vui chơi, học hành, trẻ cũng cần được tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để có cái nhìn rộng hơn, hiểu biết hơn về cuộc sống. Khi cha mẹ cấm đoán, cắt các nhu cầu đó, trói buộc trẻ vào khuôn khổ nhất định có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực ở trẻ như bỏ học, bỏ nhà đi bụi, hằn học với người khác, thậm chí… tự tử vì trẻ “sốc tâm lý”.
- Không nuông chiều con quá mức
Có những đứa trẻ được chiều chuộng, cung phụng quá mức sẽ sẵn sàng ỷ lại, biết tận dụng ưu thế đó để vòi vĩnh, bắt người khác phải phục tùng mình răm rắp. Các cháu sẽ quen thói ra lệnh, ra điều kiện trao đổi khi được cha mẹ, người thân yêu cầu việc gì đó. Sự chiều chuộng thái quá, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của con moị lúc moị nơi khiến cho trẻ tự cho rằng mình có những đặc quyền, đặc lợi riêng. Khi được đáp ứng moị yêu cầu, trẻ dễ trở thành người ích kỷ, tham lam, thậm chí trở nên độc đoán và dĩ nhiên khi trưởng thành, trẻ cũng khó tìm được sự thoả mãn, thành công trong cuộc sống.
- Không áp đặt, không chỉ trích
Bạn không thể bắt con trở thành thiên tài, thành thần đồng khi bé chỉ là một đứa trẻ bình thường như bao trẻ khác. Cũng không nên đặt chỉ tiêu học sinh giỏi, xuất sắc lên học lực của con bạn, làm như thế trẻ chỉ cảm thấy mệt mỏi vì áp lực học tập quá căng thẳng, không có niềm yêu thích và mất luôn sự phấn đấu trong học tập vì nghĩ rằng cha mẹ buộc mình học cho cha mẹ chứ không phải học cho chính bản thân trẻ. Quá trình học tập, rèn luyện và phát triển của trẻ không bao giờ tránh khỏi những sai lầm. Cha mẹ không nên vì một sai lầm của trẻ mà buông lời chỉ trích nặng nề, trẻ sẽ cảm thấy mình là đứa con vô tích sự, dễ dẫn đến mặc cảm, tự ti, trẻ sẽ thu mình lại và tiếp tục mắc sai lầm khác. Thay vì mắng nhiếc, chỉ trích, hãy giải thích cho trẻ hiểu những lỗi lầm của chúng, giúp trẻ nhận ra sai lầm và biết cách khắc phục.
- Không quá kì vọng vào con
Con bạn là đứa trẻ tài năng, thông minh là điều đáng tự hào nhưng không vì thế mà bạn đặt tất cả kì vọng lớn lao vào con. Hãy khuyến khích con phấn đấu nhưng không nhất thiết phải giành được thành quả bằng mọi giá. Hãy để trẻ cảm thấy thoải mái lựa chọn, nếu thật sự yêu thích một điều gì đó, trẻ sẽ không ngừng nỗ lực để đạt được.
- Không “nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Thông thường, đứa con đầu lòng được cha mẹ dành hết tình cảm và sự chăm sóc trong những năm đầu đời. Khi có em, tình cảm ấy bị chia sẻ, đứa trẻ dễ bị sốc vì bỗng chốc “ra rìa”. Cha mẹ hãy khéo léo gần gũi con, giúp chị em, anh em gần gũi nhau, xoá dần khoảng cách giữa chúng. Cha mẹ cũng không nên cưng chiều con nhỏ mà bỏ bê con lớn. Các con cần được đối xử công bằng, như thế, trẻ lớn lên sẽ không cảm thấy thiệt thòi, không ấm ức điều gì. Cha mẹ nên chia đều cho các con về mặt tình cảm, sự quan tâm chăm sóc và cả vật chất.
Các nguyên tắc mềm dẻo khác
- Tôn trọng con, giúp con phát triển cái tôi và sự tự tin, dạn dĩ, độc lập nhưng cha mẹ cũng cần đặt ra những giới hạn, phạm vi mà trẻ không được vượt qua. Điều này giúp trẻ biết cách kiềm chế bản thân, biết cách quản lý cảm xúc, học cách chấp nhận khó khăn, thất bại để dễ thích nghi với cuộc sống khi trưởng thành.
- Cho con tự do kết bạn, tự do lựa chọn những thú vui giải trí(dĩ nhiên phải lành mạnh và bổ ích). Khuyến khích con tham gia sinh hoạt đội nhóm để phát triển kỹ năng giao tiếp.
- Dạy con biết quan tâm và chia sẻ khó khăn với người khác, không từ chối các việc làm từ thiện dù nhỏ như quyên góp tiền, tập sách cũ cho trẻ em nghèo, giúp đỡ nạn nhân bão lụt. Trẻ lớn lên sẽ có lòng bao dung sâu sắc.
- Cha mẹ cũng nên chỉ cho con ý thức trách nhiệm đối với gia đình, người thân bằng việc giúp đỡ công việc nhà phù hợp với lứa tuổi và khả năng.
- Dạy con nhận biết giá trị của đồng tiền qua sức lao động, dạy con biết cách xài tiền hợp lý. Bên cạnh đó cũng giúp con hiểu rõ giá trị bản thân để không bị đồng tiền chi phối.
Tùy theo độ tuổi, tính cách, tâm lý riêng của mỗi đứa con mà cha mẹ sẽ ứng dụng linh hoạt các nguyên tắc này để nuôi dạy con thật tốt. Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch mà cha mẹ nào cũng phải ghi nhớ: muốn nuôi dạy con tốt, trước hết, cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con noi theo.
Hãy là người bạn của con
Thay vì ở mãi vị trí cứng ngắc của cha mẹ, hãy thử đóng vai trò là người bạn của con, bạn sẽ dễ dàng gần gũi trẻ và hiểu con mình nhiều hơn.
– Luôn luôn gợi ý cho con kể về trường lớp, bạn bè, những niềm vui khi ở trường cũng như những khó khăn trong học tập mà trẻ gặp phải. Quan tâm đến cả việc trẻ dành tình cảm thế nào với giáo viên chủ nhiệm. Ở lứa tuổi cấp 1, nhiều trẻ thường rất sợ giáo viên chủ nhiệm. Ở cấp 2, cấp 3 nhiều em vì bồng bột nên dễ thần tượng giáo viên chủ nhiệm khác phái (thường là giáo viên trẻ) nên có những tình cảm sai lệch làm ảnh hưởng đến tâm lý và học tập. Cha mẹ nên hiểu con để can thiệp kịp thời, giúp con thoát khỏi những ngộ nhận để tập trung cho việc học.
– Tìm hiểu xem con mình đam mê những gì. Nếu đó là những đam mê lành mạnh(như nghệ thuật hoặc thể thao…) thì cha mẹ nên kịp thời ủng hộ và khuyến khích trẻ theo đuổi đam mê đó. Hãy là người đồng hành cùng con trong mọi việc, trẻ sẽ cảm nhận được sự yêu thương của bạn và sẽ phấn đấu để xứng đáng với tình yêu thương đó.
– Thường xuyên tổ chức những chuyến đi chơi xa cùng gia đình, cho phép con rủ bạn bè thân thiết theo cùng, bạn sẽ có dịp được nghe bọn trẻ trò chuyện, tâm sự, chia sẻ những trải nghiệm trong suốt chuyến đi, qua đó, bạn sẽ hiểu thấu đáo tâm lý của con hơn.
– Cho phép trẻ nuôi những con thú yêu thích như chó, mèo, hamster… Cùng con chăm sóc thú nuôi hoặc cây kiểng hàng ngày giúp con có được niềm vui, trẻ thấy việc chăm sóc ai đó không chỉ là trách nhiệm mà còn la niềm vui.
– Hãy cùng con đi mua sắm quần áo, phụ kiện, bạn đóng vai trò tư vấn cho con cách chọn trang phục phù hợp, trẻ trung và giá cả hợp lý.
– Cuối tuần hoặc dịp rảnh rỗi, hãy cùng con đi nhà sách và chọn những quyển sách chúng yêu thích. Sau đó, bạn có thể cùng đọc sách và chia sẻ cảm nghĩ với trẻ. Có thể bạn và con không cùng ý kiến, nhưng khi cả hai ra sức bảo vệ cho lập luận của mình cũng là cách bạn giúp con bảo vệ chính kiến của mình. Hãy xem đó là một trò vui và cố gắng cùng con duy trì.