Mẹ&Con – STDs có nghĩa là bệnh lây truyền qua đường tình dục! Thật kinh khủng khi nghĩ đến chuyện mình mắc STDs. Càng kinh khủng hơn nữa nếu như bạn biết mình mắc STDs trong lúc đang mang trong người một mầm sống. Bạn rất sợ hãi khi đọc đến tựa bài này, nhưng… nhất thiết cần phải đọc. Vì sao ư? Vì chuyện đó đã từng xảy ra, với không ít bà bầu

Nguy hiểm cho bạn, nguy hiểm cả cho con!

Có thể nhắc đến một số bệnh STDs đáng sợ như: Bệnh Chlamydia, bệnh lậu, HIV, giang mai… Các loại bệnh này, như giang mai chẳng hạn sẽ vượt qua nhau thai và tiến tới xâm hại thai nhi trong tử cung. Những bệnh khác như bệnh lậu, bệnh chlamydia, rộp bộ phận sinh dục sẽ lây cho bé khi bé từ bụng bạn thoát ra ngoài trong lúc sinh. Còn HIV thì sẽ xâm nhập vào tử cung và tác động tới thai nhi, đặc biệt là khi bạn cho bé bú.

Thai phụ nhiễm STDs sẽ gặp nguy cơ vỡ màng ối sớm. Với thai nhi, có nguy cơ thai chết lưu, nhẹ cân, viêm màng kết (nhiễm khuẩn mắt), viêm phổi, hủy hoại dây thần kinh, mù hoặc điếc, viêm gan, viêm màng não, bệnh gan kinh niên, xơ gan…

Tại sao phải nhắc bạn về những chuyện này? Không phải là “bi quan” hay làm trầm trọng hóa mọi chuyện lên, nhưng rất tiếc phải chia sẻ với bạn rằng chuyện không ít đức lang quân chịu không nổi giai đoạn “cấm vận” dài đằng đẵng của vợ lúc mang thai đi… tìm “phở” hiện nay không ít! Chẳng may chuyện đó xảy ra, và chẳng may chồng lại không biết (hoặc chủ quan không muốn) sử dụng các biện pháp an toàn, dẫn đến mắc bệnh rồi mang về lây lại cho vợ ngay lúc vợ đang mang thai đã từng xảy ra.

nhiễm STDs lúc mang thai

Ảnh minh hoạ

Một nguy cơ khác có thể dẫn đến tình trạng này là vợ hoặc chồng đã từng mắc STDs từ trước lúc vợ mang thai, nhưng lại chủ quan không để ý, không khám sức khỏe tổng quát, cứ thế để tự nhiên cho có thai. Lúc này, bào thai trong bụng lớn lên sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng với STDs.

Nói như thế nghĩa là điều đầu tiên, quan trọng nhất cần nhắc bạn: Trước khi tính đến chuyện mang thai, bắt buộc phải xem xét lại tiền sử, khả năng mắc STDs của cả hai vợ chồng. Đừng bao giờ cho rằng STDs là chuyện của những người “không đứng đắn” ngoài đường, chẳng bao giờ có thể xảy đến với mình. Chính sự chủ quan này đã khiến nhiều người chết dở sống dở khi rơi vào tình huống nguy hiểm.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây rủi ro đặc biệt với mẹ và em bé chưa sinh, vì thế, điều quan trọng bắt buộc trước lúc mang thai là phải kiểm tra xem bố mẹ có mắc bệnh không.

Hãy kiểm tra lại hết để chắc chắn rằng cả bạn và người bạn đời đều hoàn toàn khỏe mạnh, không hề có STDs vào thời điểm bạn dự tính mang thai. Nếu một trong hai người có bệnh, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tùy trường hợp có cách xử lý tốt nhất: Có nên có thai hay không, có thể điều trị dứt điểm trước khi có con hay không, nếu có thai thì phải làm gì để giữ an toàn cho bạn và cho bé…

Điều thứ hai, quan trọng không kém là cần thiết yêu cầu sự chung thủy của vợ chồng, nhất là khi vợ mang thai. Đây là điều đặc biệt cần nhắc nhở với các đức lang quân vì nếu không, không chỉ bản thân mình mà cả gia đình, vợ con mình đều sẽ “lãnh đủ” ngay vì những cuộc đi “tìm phở” ấy. Trường hợp bạn muốn an toàn hơn, vợ chồng khi gần gũi nhau trong chín tháng thai kỳ có thể sử dụng các biện pháp an toàn. Nên nhớ rằng STDs tuy cực kỳ nguy hiểm nhưng cách phòng ngừa lại hết sức giản đơn: Chỉ cần có nền tảng lòng chung thủy, một vợ một chồng thì bạn không phải âu lo với những nguy cơ đi kèm nữa.

Lưu ý đặc biệt

Khá nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không có triệu chứng rõ rệt nên hầu hết phụ nữ không biết mình bị bệnh, dẫn đến gây nguy hiểm cho thai nhi trong bụng. Một số bệnh STDs có thể dễ dàng chữa khỏi bằng thuốc nhưng một số khác thì không.

Bảo vệ thai nhi thế nào trước STDs?

Bạn đã phòng ngừa, đã kiểm tra sức khỏe đầy đủ, nhưng vì một lý do nào đó trong chín tháng thai kỳ lại phát hiện mình nhiễm STDs. Cần làm gì trong trường hợp ấy?

* Với Herpes sinh dục:

  • Bé sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh từ mẹ. Nếu mắc bệnh, bé sẽ phát triển các vết loét ở da, miệng và nhiễm trùng mắt. Điều may mắn là thông thường, những triệu chứng này có thể được xử lý an toàn với thuốc kháng virus để tránh nhiễm trùng lan tới não và cơ quan nội tạng của bé. Tuy nhiên, điều không may là một xác suất bé sơ sinh vẫn bị biến chứng làm tổn thương não.
  • Nếu phát hiện nhiễm virus Herpes trong lần khám thai đầu, bác sĩ có thể cho bạn dùng một loại thuốc kháng virus. Nếu bạn phát triển bệnh gần ngày sinh, nguy cơ truyền bệnh cho bào thai sẽ ít hơn. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ phải chọn sinh mổ để bảo vệ bé khỏi nhiễm trùng.

* Với Chlamydia:

  • Khoảng 10% phụ nữ mang thai mắc Chlamydia. Thai phụ mắc Chlamydia có nguy cơ gia tăng chuyển dạ sớm, có thể phải đối mặt với sảy thai. Nếu sinh thường, bé cũng có thể bị nhiễm bệnh từ mẹ, sẽ dễ bị nhiễm trùng mắt, viêm phổi, phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Nếu bạn mắc bệnh, cần nghiêm ngặt tuân theo từng hướng dẫn của bác sĩ để giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ cho bé. Ngoài ra, chuyện phải chọn cách sinh mổ thay vì sinh thường lúc này cũng là yêu cầu gần như bắt buộc.

* Với bệnh lậu:

  • Mắc bệnh lậu khi đang mang thai thì trẻ có thể nhiễm vi khuẩn lậu trong lúc sinh khi đi qua âm đạo. Do đó, sẽ phải chọn cách sinh mổ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cố gắng phòng ngừa nhiễm khuẩn mắt cho trẻ sơ sinh bằng cách nhỏ ngay sau khi sinh thuốc đặc hiệu.
  • Mắc bệnh lậu khi mang thai nếu không được điều trị có thể gây sảy thai, sinh non. Do đó, chẳng may phát hiện bệnh, bạn phải trao đổi với bác sĩ để tùy từng trường hợp có cách điều trị, theo dõi thích hợp nhất.

* Với nhiễm khuẩn âm đạo:

  • Khoảng 16% phụ nữ mang thai nhiễm khuẩn âm đạo. Bệnh làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh non, do đó nếu mắc bệnh, bạn sẽ phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để giảm các triệu chứng.
  • Không giống các bệnh STDs khác, một lưu ý nhỏ với bệnh này là thai phụ cần tránh thụt rửa nhiều vùng âm đạo vì đây chính là một trong những nguyên nhân có thể gây nhiễm khuẩn âm đạo.

* Với những bệnh STDs nguy hiểm khác:

  • Bệnh giang mai, lậu, trùng roi có thể điều trị cùng với thuốc kháng sinh dành cho bà bầu. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn cũng biết rằng không có biện pháp điều trị nào nếu như bạn nhiễm HIV/AIDS.
  • Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ có thể đành phải yêu cầu bạn đình chỉ thai, bỏ thai. Do đó, lại phải nhắc một lần nữa với bạn rằng đừng chủ quan. Cần thiết phải đề phòng ngay từ đầu chứ đừng đợi đến khi… mắc bệnh!

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 800.000 – 1 triệu người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Con số này không hề nhỏ nên bạn không thể chủ quan, lơ là. Trước khi mang thai và trong quá trình mang thai, cần thực hiện các xét nghiệm đầy đủ để có thể phòng ngừa, phát hiện kịp thời, có hướng điều trị hợp lý nếu chẳng may mắc bệnh.

Tags:

Bài viết liên quan