Sẽ thế nào nếu bé không thích có em?
Thật dễ dàng, may mắn biết mấy nếu trẻ sinh ra trong một gia tộc với rất nhiều anh chị em họ, đã từng thấy những gia đình cô dì cậu mợ có rất nhiều em. Với những ký ức in sâu và hiểu rõ “khái niệm” có anh, có chị, có em đông đúc mới vui, trẻ sẽ rất hào hứng chấp nhận ngay việc bạn báo tin nhà chuẩn bị có thêm thành viên mới.
Thậm chí, nhiều trẻ thấy mình trưởng thành hơn với vai trò mới này. Thay vì chờ mẹ đút cho từng muỗng cơm, trẻ bắt đầu chủ động, biết loay hoay tự ăn, biết phụ mẹ việc này việc kia, biết lên tiếng “bảo vệ” em khi có cô dì nào đó chọc ghẹo. Ai đó đùa với trẻ: “Mai mốt có em rồi, con có để dành kẹo bánh cho em không?”, trẻ sẽ háo hức gật đầu, đầy vẻ “ta đây đã lớn”!
Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ rất ít trẻ có được cái may mắn sống trong gia tộc đông đúc, tiếp xúc nhiều với các anh chị em họ như thế này. Với nhịp sống thành phố tất bật, sự thăm hỏi thưa thớt dần đi, mỗi gia đình chỉ là “tế bào” đơn lẻ, với ít thành viên, ít con, việc trẻ sốc khi biết rằng phải chia sẻ tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ cho một “đứa em” sẽ thường xảy ra hơn.
Tâm lý này càng rõ rệt khi đứa con sơ sinh của bạn chào đời. Bé nhận ra mẹ không còn dành nhiều thời gian cho mình, không còn ẵm bồng mình nhiều, không để ý từng li từng tí đến mình nữa. Một số trẻ trở nên ghét em. Một số khác phản ứng dữ dội hơn, tìm cách… đánh em, ngắt nhéo em hoặc thậm chí là nói những điều khiến bạn phát hoảng. Một số trẻ khác không phản ứng mạnh với em nhưng trở nên lầm lì, khép kín. Trẻ không vui cười như trước nữa mà lặng lẽ trong thế giới của riêng mình, với vài món đồ chơi của mình. Hãy cẩn thận, vì nếu bạn không khéo léo phát hiện các chuyển biến này và có những điều chỉnh kịp thời, bé có thể bị trầm cảm.
Những biểu hiện cho thấy trẻ sốc
– Trở nên ít nói, trầm lặng.
– Buồn bã, dễ khóc, dễ tủi thân.
– Nghịch ngợm, hiếu động hơn hẳn, hay làm những trò quấy quả, đùa nghịch mong gây sự chú ý nơi bạn.
– Nóng nảy, dễ cáu gắt, sẵn sàng đánh người khác hoặc đập phá đồ chơi.
– Cãi lại bố mẹ (nhất là mẹ) từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
– Phản ứng rất giận dữ khi có ai đấy nhắc đến em bé.
– Kể xấu về em với người khác khi được người khác hỏi thăm. Ví dụ như trẻ bảo em bé xấu hoắc, em bé hư, hay khóc, hôi rình…
– Giành đồ chơi, giành đồ ăn của em.
– Cố tình đập phá, làm hỏng những đồ vật bạn dành riêng cho bé sơ sinh.
– Mức độ cao nhất là trẻ bảo con ghét mẹ, con ghét em, hoặc cố tình đánh, làm đau em bé.
Giảm sốc cho con
Nên dành một thời gian dài để chuẩn bị tâm lý cho con và tiếp tục làm điều đó ngay cả sau khi em bé thứ hai ra đời. Hãy kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích có những nhân vật là “hai anh em nhà Sóc”, “hai chị em Khỉ con”… và để trẻ thấm thía sâu sắc rằng mẹ Sóc, mẹ Khỉ, mẹ Gà trong những câu chuyện ấy yêu thương tất cả các con mình như nhau.Luôn nhớ, con bạn là một đứa trẻ! Bạn là người lớn mà còn thoáng thấy ganh tỵ nếu như “bị thay thế” bởi một nhân vật bất kỳ nào khác. Vậy thì việc này ở trẻ con hoàn toàn đáng thông cảm. Đừng bao giờ đòi hỏi trẻ theo kiểu: Con là anh là chị thì phải thương em chứ! Hãy biết rằng tâm lý mất mát này rất dễ xảy ra và bạn là người có trách nhiệm để bé chịu cảm giác đó thấp nhất có thể.
Nếu nhà có vật nuôi, ví dụ mèo mẹ có 2-3 chú mèo con, bạn cũng có thể chỉ cho con xem, cho con thật sự cảm nhận hai chú mèo con, hai chú gà “anh em” chơi đùa với nhau như thế nào, cùng ăn cùng ngủ với nhau ra sao. Những bài thơ kiểu như “Làm anh khó đấy / Phải đâu chuyện đùa / Với em gái bé / Phải người lớn cơ…” cũng có thể dạy cho trẻ. Bạn nên đặt ra cho con những trách nhiệm và làm cho trẻ tự hào rằng trẻ thật sự đang trưởng thành, đáng quý biết bao khi biết nhường nhịn em, chăm sóc, yêu thương em, đỡ đần cho cha mẹ…
Vai trò của bố lúc này cũng vô cùng quan trọng. Nếu như sau khi sinh bé thứ hai, bạn phải dành nhiều thời gian cho đứa con sơ sinh của mình thì hãy bàn luận với anh xã để anh ấy có thể thay bạn gần gũi, quan tâm, chăm sóc và hỏi han nhiều hơn đến bé đầu lòng. Ngay khi thấy con có dấu hiệu buồn phiền hay tủi thân, bố nên chuyện trò với con, đi chơi với con, kể cho con nghe hồi mới sinh con cũng giống như em…
Tuyệt đối không nên!
Không được đùa với trẻ bằng những câu như: “Có em là con… ra rìa rồi nhé!”. Bạn cũng cần dặn những người trong họ hàng thân thiết, tiếp xúc nhiều với trẻ không nói đùa những câu này. Nếu có ai đó đùa với trẻ và trẻ mách lại với bạn hoặc bạn trực tiếp nghe (người khác nói đùa như thế trước mặt cả bạn và con), cần ôm trẻ, nhấn mạnh ngay: “Không có đâu con ha! Cả hai đứa con đều là những gì yêu thương nhất của mẹ. Không bao giờ có chuyện mẹ thương em thì hết thương con!”. Cần nghiêm túc với việc này, vì những câu đùa như thế ảnh hưởng rất sâu trong tâm trí non nớt của trẻ, khiến trẻ đề phòng, nghi ngờ và không còn thương em nữa!
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ có em
– Suốt chín tháng thai kỳ, bạn có thể kể nhiều cho bé nghe về một em bé trong bụng mẹ, cho bé để tay lên bụng bạn, cho bé nghe em đạp, để bé hiểu rằng em bé và bé sẽ có một mối quan hệ rất đặc biệt, và bé cần bảo vệ, che chở cho em.
– Đưa trẻ cùng đi mua sắm đồ cho em bé trước khi sinh, cho bé cùng ngắm nghía những món đồ bé con con, tạo tâm lý háo hức mong chờ.
– Dù mệt mỏi với việc thai nghén đến đâu, bạn cũng nên hạn chế tối đa sự quát nạt, la rầy trẻ. Có thể nhờ người thân san sẻ việc nhà, giảm áp lực công việc để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời chăm sóc tốt cho con. Đó là cách giúp trẻ không cảm thấy bị “bỏ rơi”. Bạn nên biết: Một câu la mắng lỡ lời của bạn trong giai đoạn “nhạy cảm” này có thể khiến bé nghĩ rằng mẹ hết thương mình rồi, chỉ còn thương em bé thôi. Tâm lý đó có thể khiến bé ghét em!