Người mẹ trước cảnh ấy đành thở dài. Nhưng chị không biết rằng nhiều phụ huynh khác vô tình chứng kiến câu chuyện kín đáo nói với nhau: “Bé thế mà đã xấc xược. Hỗn không chịu nổi! Con mình, học giỏi học dở gì cũng được nhưng phải biết lễ phép đầu tiên. Mà con nít, không dạy cho nó từ đầu thì chẳng thể nào tự dưng lễ phép được đâu!”.
Hỗn hay… “cá tính”?
Cuộc sống đầy đủ dần, nhiều gia đình lại chỉ có một đứa con duy nhất nên bao nhiêu yêu thương, chiều chuộng, bao nhiêu quan tâm dồn cả vào cho trẻ. Trẻ ý thức được rất sớm chuyện này. Trẻ nhận ra ở nhà, những người như cô giúp việc, chú tài xế tuy “lớn” thế mà chẳng bao giờ dám trái lời trẻ, một điều hai điều đều cố gắng chiều theo. Rồi thì ba mẹ thấy vậy mà rất “sợ” mình, hễ mình giận dữ, bỏ ăn, hễ mình làm mình làm mẩy là muốn gì cũng được. Những chuyện mắt thấy tai nghe này ngấm ngày qua ngày vào trong tư tưởng, suy nghĩ và nhận thức của trẻ. Chưa kịp lớn, bé đã bắt đầu phát hiện ra “cái tôi” của mình, rằng mình là trung tâm, rằng mình muốn gì mọi người phải lắng nghe, phải chiều theo thế ấy.
Đây là mầm mống đầu tiên để cho trẻ… hỗn. Nhiều phụ huynh lại nhầm lẫn, cho rằng đây là cách giúp trẻ tự tin thể hiện “cá tính” của mình. Trẻ bướng bỉnh, cãi lời, trẻ ăn nói xấc xược, nhiều ông bố bà mẹ vẫn cười xòa cho qua, tự an ủi mình rằng: Cái thời bố mẹ nói gì con cái một dạ hai vâng, răm rắp nghe theo mà trong lòng đầy đè nén giờ đã qua rồi. Con nít bây giờ phải để cho nó phát huy cá tính của mình, để thật vững vàng tự tin, không sợ sệt người lớn, tư duy độc lập mới tốt cho trẻ chứ!
Với suy nghĩ này nên thay vì uốn nắn khi nghe trẻ vô lễ, không ít phụ huynh lại tán đồng cho qua, thậm chí khuyến khích con. Lớn lên một chút, trẻ lại được cho học trường “quốc tế” (kỳ thực là các trường dân lập). Vì đóng học phí rất cao nên nhiều bảo mẫu, giáo viên được yêu cầu phải chiều chuộng trẻ tối đa, không được để trẻ về nhà “méc” bố mẹ rằng ở trong lớp con bị cô la, bị phạt hay bị điểm trừ. Từ đó mới có chuyện cô nói chưa dứt câu, ở dưới học trò đã cắt ngang, tỉnh queo bảo: “Sai rồi cô!” và đến khi bị phân tích là không được như thế thì trẻ thản nhiên… bĩu môi mà giáo viên vẫn phải thở dài hướng cả lớp qua chuyện khác!
Thực tế, theo các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới, việc uốn nắn cho trẻ lễ phép, lịch sự không hề bị giới hạn ở phương đông hoặc phương tây. Trẻ em ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… chỉ tự tin, mạnh dạn chứ không hề “hỗn”. Trẻ vẫn biết vâng lời, vẫn biết im lặng lắng nghe, vẫn phải chịu phạt (có thể không phải là hình phạt đòn mà là những hình phạt như không được đi chơi, phải dọn vườn, phải vệ sinh nhà cửa…). Sự lễ phép, biết tôn trọng người khác – nhất là người lớn tuổi hơn mình, biết vâng lời bố mẹ, thầy cô rõ ràng vẫn còn nguyên giá trị của nó. Và nếu như con bạn không được uốn nắn để biết được sớm những điều này thì hậu quả đến với trẻ sẽ là trẻ dễ bị xa lánh, ghét bỏ, trẻ khó lòng hòa nhập, trẻ trở nên ích kỷ và tự kiêu, trẻ tưởng mình là trung tâm vũ trụ nên dễ bị hụt hẫng khi gặp phải những điều không như ý…
Làm sao dạy con lễ phép?
Bạn không muốn đánh con, không muốn quát tháo o ép trẻ, không muốn giữ những nguyên tắc “cổ hủ” như cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, áo mặc sao qua khỏi đầu, trứng chẳng bao giờ khôn hơn vịt, cha mẹ có sai cũng là cha mẹ, con cái phải vâng lời…? Ồ vâng, không cần phải làm vậy con của bạn mới thành đứa trẻ lễ phép, răm rắp vâng lời đâu! Bạn vẫn có thể dung hòa hai tư tưởng giáo dục xưa và nay, phương đông và phương tây, để con mạnh dạn, tự tin, có chính kiến từ nhỏ nhưng lại rất lễ phép, lịch sự, biết kính trên nhường dưới, biết đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng…
Đây là một số gợi ý mang tính căn bản dành cho bạn:
+ Ngay từ khi con còn nhỏ, bạn cần hình thành cho con những thói quen ứng xử đơn giản nhất, như nhận hoặc đưa bất cứ vật gì cho người lớn phải đưa bằng hai tay, không được cắt ngang khi người khác đang nói chưa hết ý, khi ăn cơm luôn biết mời ông bà, bố mẹ và những người khác, đi đâu phải biết chào hỏi những câu như: “Thưa ba con đi học!”, “Thưa bà nội con đi học mới về!”… Kiên trì làm mẫu và nhắc nhở con suốt những năm con còn thơ bé, đừng đợi đến lúc cái tôi của trẻ đã phát triển quá cao bạn mới uốn thì cực khó.
+ Dạy con những từ ngữ quan trọng như: “Xin lỗi”, “Cảm ơn” và giúp bé biết ứng dụng vào tình huống thực tế trong giao tiếp. Hãy nhớ rằng bạn coi trọng ý kiến của trẻ và luôn hướng con đến sự dạn dĩ, nhưng điều đó không có nghĩa là cho phép trẻ được xem thường người khác, bỏ qua cả những chuẩn mực giao tiếp lịch sự bình thường. Đặc biệt, đừng để bé tự cho mình cái quyền đánh giá mình “cao” hơn những người khác như người giúp việc, anh lái xe… để rồi quên cả những câu xin lỗi, cảm ơn với các đối tượng này.
+ Khi bé lên 3 tuổi, bạn nhất thiết phải dạy con cách chào hỏi, vì đây là tuổi bé bắt đầu đến trường, mở rộng giao tiếp. Bé cần phải được tập cho những động tác như khoanh tay khi chào người lớn, nói những câu: “Cháu chào ông ạ!”, “Thưa bà con về!”… Cho dù bạn cho con học ở trường mẫu giáo “quốc tế” hay Việt Nam thì cũng đừng quên nhắc con lễ phép chào cô giáo, bảo mẫu, các bác bảo vệ ở trường. Những điều nhỏ nhặt này sẽ khiến con bạn trở thành đứa trẻ lễ phép lúc nào không biết.
+ Khi con bắt đầu có thể ngồi ăn chung với gia đình, bạn cũng cần bắt đầu ngay từ lúc này uốn nắn sự lễ phép, lịch sự trong ăn uống cho con. Nhắc nhở con từng chút, từng chút những chi tiết nhỏ nhặt như không được đu đưa ghế, không nhoài người trên bàn, chờ người khác gắp xong mới đến lượt mình, phải mời mọi người rồi mới ăn cơm, không đùa nghịch làm đổ thức ăn…
+ Con đến tuổi bắt đầu đi cùng với bố mẹ ra ngoài ăn, hoặc dự những tiệc tùng cùng bố mẹ, bạn lại phải hướng dẫn, uốn nắn ngay cho trẻ những sự lễ phép, lịch sự mới như không đùa giỡn quá ồn ào khi đang ở nơi công cộng (ví dụ trong một tiệm gà rán) vì sẽ ảnh hưởng đến những thực khách khác cần yên tĩnh ở xung quanh, không nói khi đang nhai thức ăn trong miệng, không được chê các món ăn cho dù đó là món bé không thích. Bạn có thể giải thích cho con một cách đầy tình cảm là người khác đã cố gắng hết sức, rất vất vả để làm ra những món ăn này và việc mở miệng chê thẳng thừng như thế sẽ khiến người khác mất vui.
+ Bé cũng cần được nhắc những chi tiết rất nhỏ về sự lịch sự, lễ phép khi ăn cùng người khác. Ví dụ như “ăn thì ăn cho hết, để thì để cho còn”, không được bới tung cả đĩa thức ăn để chọn cho mình một miếng ngon, sau đó mặc kệ người ăn sau phải ăn một dĩa thức ăn không còn gọn gàng như thế. Muỗng cá nhân của bé đang ăn không được cho vào tô canh chung để múc, vì như vậy sẽ mất vệ sinh và không lịch sự, là thái độ vô phép với người lớn. Bạn đừng e ngại rằng thời buổi bây giờ phát triển rồi, dạy trẻ làm gì những điều “lạc hậu” ấy. Hãy biết là sự lễ phép, lịch sự thì không bao giờ “lạc hậu” cả. Bé sẽ được yêu quý hơn rất nhiều nếu biết hết mọi cách ứng xử nề nếp, thông minh, lịch sự thế này.
+ Con lớn hơn chút nữa, bạn có thể dạy con sự lễ phép khi nghe điện thoại, khi trả lời câu hỏi thăm của người lớn. Nhiều đứa trẻ tự nhấc điện thoại gọi tới và trả lời rất vô lễ, kiểu như: “Ai đó?”, “Hỏi ai?”, “Ba không có nhà!” rồi… cúp máy cái rụp! Một lần nữa, lại phải chia sẻ với bạn rằng đừng xem đó là chuyện nhỏ. Không thể nào có được một người tự dưng mà… biết cư xử phải phép, lịch sự. Điều đó phải được bắt nguồn ngay từ ngày tháng này, khi con còn thơ bé. Bạn cần dạy con luôn chào người bên kia điện thoại, biết cách trả lời: “Dạ, ba con đi vắng rồi. Chú có muốn nhắn lại gì không ạ?”, và nhất là luôn chờ người lớn cúp máy trước rồi mới cúp.
Đừng tiếc lời khen khi con cư xử lễ phép ở nhà, ở trường hay nơi công cộng. Trẻ sẽ cảm thấy rất thích thú và nhận ra mọi người đều khen ngợi, ủng hộ khi trẻ làm như thế.