Mẹ&Con - Tuổi ấu thơ của bạn ngày xưa, 3-4 anh chị em sàn sàn tuổi, chia nhau một chiếc giường rộng kê ở góc nhà là chuyện bình thường. Nhưng giờ thì khác rồi. Khi mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con, khi cuộc sống càng lúc càng tiện nghi, đủ đầy hơn thì việc trang hoàng, chăm chút một không gian cho riêng con từ lúc con bé xíu đã không còn lạ nữa. Tuy nhiên, phòng cho “thiên thần bé bỏng” cũng có những đòi hỏi, yêu cầu nhất định mà bạn cần chú ý. Cả nhà vẫn chơi thoải mái và ngủ ngon giấc dù nhà có một phòng ngủ Nên và không nên khi kê giường phòng ngủ Hạnh phúc nhờ treo tranh uyên ương trong phòng ngủ

An toàn là yếu tố hàng đầu!

– Nhiều gia đình quyết định làm phòng riêng cho con ngay khi con mới được vài tháng tuổi. Nhiều gia đình khác quyết định cho bé “ra riêng” khi bé lên 4, lên 5. Việc này tùy bạn chọn. Theo các chuyên gia tâm lý, cho bé có không gian riêng càng sớm càng giúp bé phát huy tính tự lập, dạn dĩ, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Tuy nhiên, hãy luôn đảm bảo rằng nếu bạn quyết định để con một mình trong không gian riêng thì không gian đó bắt buộc phải an toàn cho trẻ.

– Một số yếu tố cơ bản cần lưu ý là phòng của trẻ không được có cửa mở ra ban công. Nếu có, cần đảm bảo ban công có chấn song đủ cao, đủ kín, bé không nhoài người qua được. Bạn cần luôn nhắc nhở mình rằng trẻ con rất hiếu động, chỉ cần một chút bất cẩn có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì thế, với từng chi tiết nhỏ nhất trong phòng, từ ổ điện, đồ gỗ, kệ tủ, giường… bạn đều phải đặt câu hỏi cho mình: Liệu chúng có an toàn với bé không?

phong-cua-thien-than

– Trong phòng của trẻ nhỏ, không nên trưng bày hoặc trang trí bằng những vật sắc nhọn, dễ vỡ để tránh trường hợp trẻ bị những tai nạn không đáng. Cạnh ghế, cạnh tủ, cạnh bàn… phải đảm bảo không sắc nhọn. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng các loại chắn bọc bảo vệ bằng cao su, hoặc lót sàn nhà bằng mút nỉ… để tránh cho con chuyện té ngã, va đập, chấn thương.

– Hết sức thận trọng với các tủ giường, bàn ghế có gắn bánh xe. Vì tuy chúng tiện lợi cho bạn khi di chuyển, nhưng lại dễ gây tai nạn với trẻ. Trường hợp dùng đồ nội thất có gắn bánh xe, phải chú ý khóa định vị hết bánh xe lại, tránh để trẻ tự ý di chuyển, xê dịch đồ.

– Tất cả mọi thứ trong phòng trẻ, từ tường, sàn nhà, rèm cửa hay giường tủ đều nên là những thứ có thể làm sạch một cách dễ dàng. Tuổi còn nhỏ, trẻ chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh nên hay bày bừa, tô vẽ lung tung, hoặc dễ làm đổ đồ ăn thức uống khắp nơi. Sẽ rất vất vả cho bạn nếu như các đồ đạc trong phòng lại khó lau chùi, giặt giũ.

Một vài điểm cần lưu ý

– Khi thiết kế phòng trẻ, bạn cần lưu ý đảm bảo 4 chức năng chính là: nghỉ ngơi, vui chơi, học tập và lưu trữ. Ví dụ, với chức năng nghỉ ngơi, nên bố trí phòng của trẻ ở vị trí yên tĩnh trong nhà. Con thường phải đi ngủ sớm hơn và bé sẽ rất khó ngủ nếu như vẫn có thể nghe được tiếng người lớn cười đùa vọng vào từ phòng khách.

– Tránh chọn những căn phòng kín, tối, không có cửa sổ để làm phòng cho trẻ. Bé rất cần không khí trong lành, ánh sáng tự nhiên. Ở trong một căn phòng phải mở đèn suốt cả ngày hoàn toàn không tốt cho con bạn. Tuy nhiên, cũng không nên chọn phòng có cửa sổ quá rộng, ngay hướng nắng, ánh sáng chói gắt. Trong trường hợp đó, bạn cần tìm cách sử dụng rèm cửa linh hoạt để điều chỉnh, hạn chế bớt nguồn ánh sáng.

– Gam màu lựa chọn cho phòng của trẻ nhỏ nên là gam màu sáng, tươi vui, ví dụ như hồng, xanh dương, vàng, xanh lá… Điều này tác động tích cực đến sức khỏe, sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

– Tùy bé trai hay bé gái, tùy sở thích của bé, có thể chọn những chủ đề trang trí cho phòng là các nhân vật hoạt hình phù hợp, không gian cổ tích, hoặc chim muông hoa lá. Tuy nhiên, bạn lưu ý là thiết kế phòng trẻ em không “đơn giản” như nhiều người nghĩ. Con bạn dù còn nhỏ cũng đã có “cá tính” của riêng mình. Nên hỏi ý kiến trẻ, cùng chọn lựa với trẻ để con có được không gian hoàn hảo nhất giúp phát huy trí tưởng tượng.

phong-cua-thien-than

– Trẻ em phát triển rất nhanh cả về thể chất lẫn suy nghĩ. Vì vậy, khi chọn lựa đồ gỗ cho phòng của trẻ, hãy đảm bảo các đồ nội thất này có khả năng thích nghi lâu dài. Ví dụ như đồ nội thất phải có thể điều chỉnh, thay đổi kích cỡ cho phù hợp với “độ lớn” của trẻ, hoặc có thể làm mới bằng việc thay thế một bộ phận, chi tiết nào đó. Cách lựa chọn thông minh từ ban đầu này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí, không phải mua mới sau từng năm.

– Giường ngủ là một trong những thứ cần được chú ý đặc biệt. Nếu bạn có từ hai bé trở lên và muốn các bé ở chung phòng, có thể sử dụng giường tầng để tiết kiệm không gian. Tuy nhiên, hãy tính toán thật kỹ về chất liệu, thiết kế, chiều cao… Vài gợi ý của các nhà sản xuất là nên sử dụng chất liệu gỗ, thành giường tầng trên nên cao một chút để có thể giữ an toàn cho trẻ khi ngủ.

– Chú ý đến ánh sáng của đèn ngủ. Có thể dán thêm một số mẫu trang trí dạ quang hình trăng sao trên trần nhà, giúp tạo cảm giác dễ chịu cho bé sau khi bạn đã tắt đèn. Ngoài ra, cũng không nên đặt gương, tivi ở đây vì các vật dụng này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé yêu.

– Cuối cùng, phòng của con thường có rất nhiều quần áo, đồ chơi… Để giữ cho căn phòng gọn gàng, bạn nên chuẩn bị những kệ, thùng phù hợp để hướng dẫn con phân loại, sắp xếp đồ đạc, đồ chơi, hình thành cho bé thói quen ngăn nắp từ khi còn nhỏ. 

Tags:

Bài viết liên quan