Mẹ&Con - Cả lớp đang chăm chú với bài chính tả được cô giáo viết trên bảng, tự dưng bé H.N – một cậu bé vốn có học lực giỏi và luôn nằm trong top đầu lớp – bỗng cầm thước gõ mạnh xuống bàn khiến cả lớp đều giật mình quay lại. Cô giáo bực mình la. Bé yêu, mùa thi đến rồi đó! Mẹo sắp xếp thông minh cho tủ áo gọn gàng 10 dấu hiệu cho thấy bé của bạn thông minh hơn người

Nhưng cũng liền ngay đó, cô nhận ra cậu bé không phải đang đùa giỡn mà có biểu hiện bất thường rõ rệt về tâm lý. Mặc kệ cô giáo lo lắng đến gần, lay hỏi: ‘Con sao vậy?’, cậu bé vẫn gõ liên tiếp thước xuống bàn như đang trút bực tức, nước mắt chảy vòng quanh, và mặt cúi gằm… 

Học quá hóa… ngây!

Đến khi gia đình lập tức lên đón và đưa bé vào bệnh viện, cô giáo mới cho biết: H.N đã có biểu hiện học hành sút kém khoảng một tháng nay. Ban đầu, thấy điểm của bé giảm sút hẳn so với bình thường, cô la, cho rằng N. ham chơi, không chịu học hành chăm chỉ.

Cô phê vào sổ liên lạc, nhắc nhở phụ huynh chú ý đến cháu hơn. Song, trái ngược với suy nghĩ của cô, gia đình gọi điện, cho biết bé vẫn rất tập trung. Ngày nào đi học về nhà, cho bé ăn uống, tắm rửa xong là phụ huynh cũng yêu cầu bé ngồi vào bàn ngay. “Đến cả phim hoạt hình tôi cũng không cho xem vì nghĩ rằng sắp mùa thi rồi. Bài vở hôm nào cũng phải học thật kỹ. Bố mẹ dò xem đã thuộc chưa mới cho đi ngủ!”, chị Mai – mẹ của bé phân trần.  

me-oi-con-stress

Tương tự như H.N, cô bé Thanh T. – chỉ mới học lớp 5, cũng có một lịch học dày đặc đến mức khó tin. “Sáng cháu học ở trường. Buổi chiều, 3 buổi cháu học chương trình “nâng cao”. Ba buổi khác cháu học chương trình tiếng Anh, sau đó là học đàn organ. Về đến nhà, tắm rửa ăn cơm xong, tôi bắt đầu ngồi vào bàn “học” cùng với cháu. Cháu phải làm hết bài tập ngày mai, soạn xong bài, và thuộc hết các bài học thuộc lòng rồi mới lên giường ngủ. Bình thường cháu ngủ lúc 9 giờ. Nhưng mùa thi, lại chuẩn bị cho cháu lên lớp 6, cháu học theo cường độ căng thẳng hơn. Có hôm đến hơn 10 giờ mới ngủ…”.

Nỗ lực là thế, song ngược với kỳ vọng của mẹ (mong cho bé có kết quả học tập thật cao và “giải quyết” xong chương trình Anh văn mà bé đang theo học), Thanh T. ngày càng có biểu hiện sợ học, chán nản, hay than nhức đầu. “Ban đầu tôi cũng tưởng cháu nó mê chơi, lười học nên rầy la, thậm chí là phạt. Nhưng càng lúc, càng thấy con có biểu hiện ngủ không ngon giấc, hay ú ớ, hoảng sợ. Một ngày, khi cháu than là con tức ngực và khó thở quá, tôi mới lo lắng đưa cháu đến bệnh viện khám thử. Sau gần một buổi sáng làm nhiều xét nghiệm và kiểm tra, bác sĩ thông báo cho tôi một kết quả khiến tôi sững sờ: Cháu có biểu hiện stress, rối loạn tâm lý do quá căng thẳng trong học tập. Bác sĩ còn khuyên tôi nên mau chóng chuyển cháu sang khám tại Khoa khám Tâm thần – Thần kinh trẻ em!!!”, chị Lan H. – phụ huynh của bé nói trong nước mắt.

Mùa thi, đừng làm tăng thêm áp lực cho trẻ

Các bác sĩ chuyên ngành thời gian qua đã nhiều lần lên tiếng, báo động về tình trạng các cháu bé bị stress, rối loạn tâm lý nặng nề mỗi mùa thi. Bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp (Khoa khám Tâm thần – Thần kinh trẻ em) cho hay, năm nào, vào khoảng từ đầu tháng 5 đến khoảng tháng 6-7, khoa cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp đáng thương như thế. Các cháu đều ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, thế nhưng lại chịu một sự kỳ vọng quá lớn từ phụ huynh, cộng với chương trình học dày đặc, hết học chính khóa đến học thêm. Thế là stress! Có bé được đưa đến khám, mới 10 tuổi mà đã trầm lặng, có biểu hiện nóng nảy, cáu gắt, không hề giống một “đứa trẻ” bình thường.

Bên cạnh ca nặng với biểu hiện rõ rệt về mặt tâm lý như thế, một số trường hợp “nhẹ” hơn, trẻ có những dấu hiệu chán ăn, nôn ói, đau bụng, tức ngực khó thở… Phụ huynh ban đầu chỉ tưởng rằng con ăn uống không đầy đủ, không hợp vệ sinh. Nhưng thực chất, đó cũng rất có thể là những biểu hiện chứng tỏ cơ thể bé bỏng của trẻ đang muốn “nổi loạn”.

me-oi-con-stress

Một trong những điều đáng tiếc là không ít bé được đưa đến điều trị đều từng có kết quả học tập rất tốt, thậm chí là xuất sắc ở những năm đầu. “Tôi có biết đâu, thấy nó học giỏi thì rất mừng, ra sức cho đi học thêm, ép cháu học để luôn giữ được vị trí đứng đầu ấy. Đọc trên báo, thấy con người ta mới 15 tuổi đã đạt điểm gần tuyệt đối các kỳ thi tiếng Anh quốc tế, thấy các cháu đó toàn nói đã học tiếng Anh từ hồi… lớp 2, lớp 3, thế là tôi cũng muốn con mình đi học tiếng Anh sớm để tạo nền tảng vững chắc cho bé!”, một phụ huynh đưa con đến khám đã thật lòng chia sẻ.

Bác sĩ Diệp nhấn mạnh: “Phụ huynh nên đặc biệt chú ý đến từng biểu hiện bất thường của trẻ. Đừng ỷ y cho rằng cháu lười, đóng kịch, giả vờ than đau bụng nhức đầu để khỏi phải học bài. Chỉ cần quan sát kỹ lưỡng sinh hoạt, biểu hiện của trẻ, sẽ nhận ra trẻ có phải chịu áp lực việc học hay không. Nên tuyệt đối tránh việc ép cháu học chỉ vì thành tích hoặc kỳ vọng ở cháu quá nhiều. Tôi đã khám nhiều trường hợp, các cháu chỉ mới lớp 5, lớp 6 mà đến khám vẫn còn lẩm nhẩm học bài vì sợ đến chiều về nhà không học kịp…”.

Theo các số liệu của Khoa Tâm thần – Thần kinh trẻ em, Bệnh viện tâm thần TP.HCM, tính từ năm 2003 đến nay, năm nào, lượng bệnh nhi đến khám ở bệnh viện cũng tăng trung bình 20-30%. Việc cân bằng giữa học hành, vui chơi giải trí cho trẻ là hết sức cần thiết. Phụ huynh và thầy cô chỉ nên khuyến khích, động viên trẻ học, giúp trẻ cảm thấy niềm vui khi được biết thêm một điều mới mẻ, chứ không nên tạo nên quá nhiều áp lực, biến mỗi mùa thi thành một mùa… kinh hoàng với trẻ! 

Với các trường tiểu học ở Singapore, phương pháp chính luôn là giúp các cháu tự học. Nhà trường dành không nhiều thời gian cho việc giảng dạy kiến thức, còn các cháu tự bộc lộ, phát huy tất cả khả năng của mình.

Có rất nhiều giờ ngoại khóa “buồn cười” ví dụ đến siêu thị, làm sao các cháu phải tự lên tận tầng 15, rồi tìm đường xuống mà không có bố mẹ đi kèm? Hoặc tất cả các cháu học hết bậc tiểu học đều phải biết… bơi.

Một hiệu trưởng giải thích: “Bậc tiểu học, trung học cơ sở không bao giờ nhồi nhét, bắt các cháu học quá sự tiếp thu của các cháu mà quan trọng là dạy các cháu các kỹ năng sống, kỹ năng tư duy độc lập và phát triển trí tuệ, thể chất. Đến bậc trung học phổ thông tự các cháu sẽ bật lên được trong sự học!”. 

 

Tags:

Bài viết liên quan