Mẹ béo phì khi mang thai có thể gây nguy hại cho bé
Không chỉ nặng nề, khó khăn khi mang thai, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy các bà mẹ béo phì có nguy cơ sinh ra những đứa bé dị tật. Những bé này còn có thể thường xuyên bị dị tật ở tim, hẹp hậu môn, các cơ quan sinh dục phát triển không bình thường, thiếu các chi hoặc phát triển không hoàn thiện và thoát vị hoành. Nguy hiểm hơn, bé có thể gặp nhiều nguy cơ không an toàn khác.
Em bé của các mẹ thừa cân cũng thường béo hơn và ít cơ bắp hơn bé của những mẹ có cân nặng bình thường và khi trưởng thành, chúng có xu hướng béo phì. Đó là chưa kể mẹ béo phì khi mang thai rất dễ bị các biến chứng như huyết áp cao, tiền kinh giật, sản kinh và bệnh tiểu đường… Những biến chứng này kéo dài cho đến khi sinh và kể cả sinh mổ.
Vì vậy, nếu bạn là người “tròn trịa” trước đó thì có thể giảm nguồn cung cấp thực phẩm; thay vì 2.500 kcalo, chỉ nên bổ sung 1.800 kcalo/ngày, nhất là trong những tháng cuối. Khi mang thai, phụ nữ béo phì có thể chỉ cần tăng thêm rất ít cân (khoảng 5-6 kg, so với phụ nữ bình thường cần tăng thêm từ 11-15 kg).
Một chế độ dinh dưỡng cân đối
Hơn bao giờ hết, chế độ dinh dưỡng của các mẹ “không thon thả” phải được cân bằng nhằm đảm bảo lượng dinh dưỡng hợp lý cho bạn và thai nhi.
Bạn chỉ nên ăn đủ: Cho dù khi mang thai người phụ nữ không chỉ ăn cho mình mà còn phải nuôi thai nhi, thức ăn bảo đảm cân đối chất đạm, đường, xơ… Ăn đủ protein (thịt, cá, trứng, sữa), lipit (chất béo) và gluxit (đường và bột). Tăng nguồn cung cấp vitamin A, B, D, axit folic (rau xanh), sắt, canxi và magiê (rau xanh, nước khoáng). Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều bánh, kẹo, nhất là đồ ăn sẵn. Bạn cũng nên tránh việc để cho cơ thể quá đói hay quá no, đồng thời giảm chất béo, đường và tuyệt đối không nên ăn vặt. Để kiểm soát tốt cân nặng, bạn cần đi khám thai thường xuyên và kiểm tra cân nặng của mình, các bác sĩ sẽ cho lời khuyên điều tiết ăn uống hợp lý.
Bên cạnh đó, bạn cần duy trì vận động hằng ngày: Việc tập luyện rất cần thiết với các thai phụ “không thon thả lắm” và bạn có thể duy trì trì tập luyện từ những tháng đầu thai kỳ đến sau khi sinh (đối với các mẹ không có tiền sử sảy thai). Tập luyện thời kỳ mang thai không chỉ giúp cơ thể dẻo dai hơn mà còn làm cho quá trình trao đổi chất giữa mẹ và con được tốt hơn, tăng sức đề kháng của cơ thể mẹ, giảm được nhiễm độc thai nghén, có thể duy trì nguồn sữa dài hơn và chất lượng hơn.
Với mẹ béo phì, việc luyện tập nhẹ mỗi ngày (như đi bộ) còn là cách thức tốt giúp bạn đốt cháy calo và giảm huyết áp. Nếu từng phẫu thuật giảm béo, bạn cần theo dõi tình trạng thiếu hụt sắt, folate, và các vi chất quan trọng khác trong thời gian mang thai.