Thấy ông nội gối tay nằm trên võng, cháu cũng vào võng nằm y chang nội. Thấy bà nội hay ngồi bó gối, cháu cũng làm theo. Thấy chú Út thường ra vườn nghe điện thoại, cháu cũng mang điện thoại ra vườn, nép sát gốc cây bi ba bi bô. Có lần cháu lấy hộp trang điểm của mẹ, bôi khắp mặt như chú hề. Dường như cái gì người lớn làm, cháu cũng bắt chước theo.
Có lần ba mẹ cháu cãi nhau to tiếng, cháu cũng hét toáng lên, vừa hét vừa khóc sợ hãi. Mẹ tôi la: “Tụi con làm gì để cháu khóc quá trời vậy, đừng tưởng con bé còn nhỏ không biết gì, muốn làm gì trước mặt nó thì làm, gây tổn thương con trẻ…”. Lần đầu có cháu, mẹ tôi quý bé như vàng. Trong khi chị dâu tôi quan niệm cứ để con bé phát triển tự nhiên, thì mẹ tôi “bác” ngay: “Dạy con từ lúc này cũng giống như xây móng làm nhà vậy. Móng có kiên cố thì nhà mới vững!”.
Chị dâu bận việc công sở, mỗi sáng tranh thủ mua thức ăn cho con gái, những bữa khác nhờ mẹ nấu. Mẹ cho cháu ăn và chơi cùng cháu. Chị dâu chọn sữa ngoại, mua nhiều thức ăn bổ dưỡng, mong con phát triển chiều cao, thông minh… Khi cháu bệnh, sụt cân, hay lỡ bị muỗi đốt là chị cứ hoảng lên, rồi tìm cách bồi bổ, mua thêm nhiều thức ăn bổ dưỡng nhờ mẹ ở nhà “bù đắp” cho cháu. Khổ nỗi, con bé ngán những thứ ấy.
Mỗi lần cho ăn, mẹ tôi phải dụ cháu đủ thứ. Mẹ bảo, đâu phải cứ nhồi nhét con ăn là thương con. Mẹ không muốn mâu thuẫn với con dâu, nên ngoài việc nuôi dưỡng cháu, bà âm thầm chỉ dạy cháu theo cách riêng.
Giai đoạn này cháu gái ngọng líu ngọng lo, lại ưa nói. Vì gần gũi, mẹ tôi hiểu cháu muốn nói gì, nên ai cũng khen mẹ làm “phiên dịch” giỏi. Cách đây vài tháng, cháu chỉ phát âm được một chữ. Chẳng hạn, thay vì gọi đầy đủ là “chị Thư”, cháu chỉ gọi “Thư”. Bây giờ mẹ dạy cháu tập nói tiếng đôi, vừa giải thích để cháu hiểu, phải gọi chị Thư bằng chị. Thấy người lớn to tiếng, đôi khi cháu cũng bắt chước nạt nộ, bà giải thích cháu hiểu, không nên thế, vì cháu còn nhỏ.
Thỉnh thoảng bà đưa cháu ra ngoài để hít thở không khí thiên nhiên, làm quen với hàng xóm và mọi vật xung quanh để giúp cháu tự tin khi tiếp xúc với người lạ, với môi trường mới. Gặp người lạ, bà dạy cháu cách xưng hô, chào hỏi, thể hiện sự lễ phép trong giao tiếp, biết kính trên nhường dưới, xưng gọi chính xác, rõ ràng. Hay muốn chơi đồ của bạn, cũng phải xin phép bằng từ “mượn”. Mẹ tôi hay ôm ấp, vuốt ve, trò chuyện cùng cháu. Cháu đã biết lắng nghe, thỉnh thoảng biểu hiện thái độ yêu-ghét rõ ràng.
Ở nhà, có lẽ mẹ tôi là người hiểu cháu nhất. Những lúc cháu nằm thừ ra, mắt nhìn xa xăm, bà đã vội xuýt xoa “sao cháu tôi buồn thế?”. Rồi bà ôm cháu, nựng nịu, chọc ghẹo. Cháu lên ba, đã biết lễ phép, tự tin, biết thể hiện trạng thái cảm xúc rõ ràng thông qua ngôn ngữ. Điều đó phải qua quá trình giáo dục, chứ không phải để cháu phát triển tự nhiên mà có. Theo thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, quá trình hình thành nhân cách một đứa trẻ thường theo giai đoạn ba năm. Người ta chú ý đến các mốc 6, 12, 18 tuổi mà quên đi giai đoạn ba năm đầu đời. Đây là giai đoạn nền tảng để hình thành nhân cách.
So sánh đứa trẻ được dạy bảo ở tuổi lên ba với đứa trẻ phát triển tự nhiên, sẽ thấy rõ sự khác biệt. Trẻ được dạy bảo sẽ khôn ngoan, tự tin, tự khẳng định được “giá trị” của mình. Vì thế, song song việc bồi dưỡng thể lực, trí tuệ, nên bồi dưỡng nhân cách để sau này bé trở thành những đứa trẻ ngoan hiền, thông minh, biết vượt qua thử thách, biết giúp đỡ, chia sẻ, không làm tổn hại bản thân và người khác.
Nhà có trẻ lên ba, dường như ai cũng bận rộn theo trẻ. Trẻ lôi cuốn cả nhà bởi những câu hỏi ngộ nghĩnh, không dứt. Từ những câu hỏi của trẻ, chúng tôi luôn tìm cách trả lời sao cho hay nhất, dễ hiểu và cố gắng định hình nhân cách cho trẻ thông qua những câu trả lời.