Có phải tại con không mẹ?
Ngày phân chia tài sản và đường ai nấy đi, chị Thu Nguyệt (Quận 6) được giữ quyền nuôi bé Su Kem. Cứ nghĩ con mới 6 tuổi, sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều, chị thoải mái buông lỏng cảm xúc của mình: Thỉnh thoảng khóc trước mặt con, bỏ cơm, nằm vật vờ trong phòng ngủ. Thậm chí có lúc, chị gọi điện cho người thân ngay trước mặt bé, tâm sự rằng chồng vừa ly dị xong đã cưới ngay “cái con kia” rồi, và giờ thì lòi ra là họ đã có với nhau một đứa con trai từ trước.
Kể lể, tâm sự vậy cho nhẹ người thôi, chị không ngờ rằng đến một ngày, đi làm về, chị nhận ra con đang ngồi thừ người ở một góc ban-công, nhìn ra ngoài trời trầm mặc như bà cụ non. Chị hỏi: “Con mệt hả? Có đau ở đâu không?” thì con bé bỗng… thở dài, rồi ngước nhìn chị: “Mẹ ơi, có phải tại con không mẹ? Tại con nên ba mới đi hả mẹ?”.
Chia sẻ với chuyên viên tư vấn, chị nức nở: “Mình chưa bao giờ hình dung một đứa trẻ 6 tuổi lại… ngồi thừ người im lặng cả tiếng đồng hồ để nhìn đăm đăm ra ngoài trời và phát biểu một câu như thế. Thật sự mình đã quá tổn thương sau những ngày hậu li hôn, nên đã không để tâm gì lắm đến những chuyển biến tâm lý của con. Mình không biết rằng điều đó lại ảnh hưởng con nặng nề đến vậy!”.
Thực tế, khi gia đình đổ vỡ, rất nhiều ông bố bà mẹ chỉ hành xử theo tình cảm cá nhân, không hề có những kiến thức nền tảng căn bản về xử trí sự cố, để giúp nâng đỡ tinh thần cho con trẻ. Có người mắng nhiếc nhau, đập bàn đập ghế ngay trong nhà từ lúc chìa ra tờ đơn đến tận lúc đã đường ai nấy đi. Có người giữ mối oán hận trong lòng nên dùng con làm “vũ khí” chống lại “kẻ thù” kia. Có người lại tự hành hạ bản thân, thậm chí cáu gắt với con trẻ. Cũng có người bỗng dưng… quay ngoắt 180 độ, đâm ra dễ dãi quá mức với con, con muốn gì chiều nấy y như một cách “bù đắp” cho con sau ly hôn, mà không biết rằng chính hành động này tưởng tốt cho trẻ kỳ thực vẫn là không tốt!
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Nguyệt (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) nhấn mạnh: “Tất cả những ứng xử bất thường của cha mẹ sau khi ly hôn đều gây nên một cú sốc rất lớn cho trẻ. Tối kỵ nhất là việc cha mẹ dùng con cái để làm vũ khí, nhằm trả đũa, làm cho người kia đau đớn. Tôi từng tư vấn cho nhiều trường hợp, mẹ cấm con không được nhận quà của bố. Bố cho gì thì… vứt thẳng tay vào sọt rác. Ngay cả ông bà nội muốn thăm cháu, mẹ cũng mắng nhiếc ngay qua điện thoại rằng chẳng có cháu chắt gì ở đây cả. Trẻ vô tình nghe thấy. Trẻ cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa những xung đột này và sẽ có những biểu hiện phản kháng lại hoàn cảnh. Một là trẻ sẽ trở nên hung hăng, bướng bỉnh, ít chịu nghe lời. Hai là trẻ có thể trở nên mặc cảm, tự tin, tự trách bản thân, cho mình là người có lỗi trong chuyện ba mẹ chia tay, từ đó sống khép kín, e dè, thậm chí bị trầm cảm nặng…”.
Ứng xử thế nào với con sau ly hôn?
Chia tay là chuyện chẳng đặng đừng. Chẳng ai muốn lập nên một gia đình, có con có cái với nhau rồi sau đó đổ vỡ. Tuy nhiên, phải nhìn vào một thực tế rằng một khi gia đình không còn hàn gắn được nữa thì chuyện kết thúc để tạo nên khởi đầu mới là cần thiết, thay vì cứ trì kéo tình trạng cãi cọ, lạnh nhạt, xung đột với nhau.
Song, trước bước ngoặc quá lớn trong đời mang tên ly hôn này, cha mẹ cần thật sự bình tĩnh, ngồi lại với nhau, để nghĩ cho con! Nhiều bà mẹ quan niệm: “Ổng đã cặp bồ cặp bịch, có người này người kia bên ngoài thì làm gì mà còn chút lòng tốt nào nghĩ đến con nữa chứ!”. Thật sự không phải vậy! Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tan vỡ, nhưng bạn cần nhìn nhận một thực tế rằng chẳng có cha mẹ nào không thương con, trừ những trường hợp quá mức đặc biệt, gặp phải người quá mức vô trách nhiệm và nhẫn tâm cùng con trẻ.
Chị Nguyễn Hồng Nga (Quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Ngày vợ chồng chia tay, mình quá sốc với chuyện phản bội của anh nên đã có những phản ứng rất quyết liệt. Nhưng một lần, bắt gặp ánh mắt thất thần của con, mình chợt hiểu rằng mình làm vậy thì… tội cho con quá! Vậy là đành ngồi xuống, hai vợ chồng bình tĩnh bàn với nhau, phối hợp từng chút để giải thích cho con, nâng đỡ cho con, để đưa con về với cuộc sống bình thường, chấp nhận nhẹ nhàng chuyện ba mẹ không còn có thể sống với nhau”.
Theo chuyên viên tư vấn Thu Hiên (tổng đài 1088), trước cơn sóng lớn ly hôn, cha mẹ nên nói chuyện nhẹ nhàng, trung thực và thật bình tĩnh với trẻ về chuyện chia tay. Hãy luôn nhấn mạnh để trẻ hiểu rằng trẻ không có lỗi gì trong chuyện này, ngay cả bố và mẹ cũng không có lỗi gì trong chuyện này, chỉ vì bố mẹ có những vấn đề của người lớn và việc xa nhau này là giải pháp tốt nhất. Bạn cần nói với con việc bố/mẹ yêu con như thế nào, rằng tình yêu đó không hề thay đổi dù bố mẹ không thể sống với nhau. Đừng khóc trước mặt con một cách quá suy sụp và đau khổ. Bạn có thể chảy nước mắt một cách tự nhiên, nhưng hãy để có hiểu rằng đó chỉ là nỗi buồn và mẹ con mình sẽ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sau ly hôn, bạn cũng cần chú ý đến việc thiết lập một mối quan hệ hỗ trợ và hợp tác với “người kia”. Việc cư xử nhẹ nhàng, lịch sự với nhau, tôn trọng nhau của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Bạn có thể tạo cơ hội cho “người xưa” của mình được đến thăm, đưa con đi chơi, được trò chuyện với con. Đừng vì sự tự ái của bản thân mà tước đoạt của con cái quyền này. Hãy luôn nhớ rằng trẻ có quyền có đủ cha và mẹ, cho dù cha mẹ vì hoàn cảnh nào đó không thể sống gần bên nhau cũng vậy.
Điều cuối cùng bạn cần ghi nhớ là hãy luôn an ủi, động viên, theo sát từng biến chuyển tâm lý của con. Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường mà bản thân bạn cảm thấy lúng túng, bạn cần thiết phải đến gặp chuyên viên tư vấn, bác sĩ tâm lý để có được những lời khuyên quan trọng. Đừng chỉ trói buộc mình trong nỗi đau đã qua. Con cần bạn bình tĩnh bước tiếp! Chỉ bằng những nỗ lực hết mình như thế, bạn mới có hi vọng trả lại cho con một cuộc sống bình thường, để trẻ có thể tiếp tục kết bạn, tiếp tục tin vào cuộc sống, tiếp tục yêu thương bố mẹ và yêu thương chính bản thân mình…
Những điều bạn có thể làm cho con…
– Nên cố gắng giúp trẻ đi học và có những sinh hoạt bình thường như có bạn, đi chơi với bạn…
– Hướng dẫn con biểu lộ cảm xúc, chia sẻ cảm giác buồn thay vì đè nén nó trong lòng.
– Chăm lo cho sức khỏe bản thân và sức khỏe của trẻ.
– Không chỉ trích hoặc oán trách người cũ của mình trước mặt trẻ.
– Cho phép con tiếp xúc với bố / mẹ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Ngay cả việc ông bà nội ngoại muốn thăm trẻ cũng là việc tốt. Đừng vì oán trách chồng hoặc gia đình chồng mà cấm luôn con giữ mối liên lạc với những người cùng huyết thống của mình.
– Nếu cần, bạn có thể đưa trẻ đến gặp một chuyên viên tâm lý để giúp đỡ cho trẻ.