Đau bàng quang có thể báo hiệu bất cứ điều gì, từ nhiễm trùng nhẹ đến tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như ung thư. Các triệu chứng có thể bao gồm từ khó chịu ở vùng bụng dưới đến nóng rát khi đi tiểu. Dưới đây sẽ là 4 nguyên nhân gây đau bàng quang phổ biến nhất.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nguyên nhân gây đau bàng quang thường gặp
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hay đôi khi còn được gọi là nhiễm trùng bàng quang thường tấn công phụ nữ hơn nam giới và nguyên nhân là do cấu trúc sinh học của cơ thể. Niệu đạo nữ gần với những khu vực có vi khuẩn tự nhiên hơn, chẳng hạn như hậu môn và âm đạo. Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia (Mỹ), niệu đạo phụ nữ cũng ngắn hơn niệu đạo của nam giới.
Hơn một nửa số phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu vào một thời điểm nào đó trong đời và những bệnh nhiễm trùng này có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Và một số khảo sát, thống kê cũng chỉ ra rằng, phụ nữ trẻ có xu hướng mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn khi bắt đầu hoạt động tình dục.
Trong khi đó, phụ nữ lớn tuổi dễ bị nhiễm trùng tiểu sau khi mãn kinh – khi nồng độ estrogen trong âm đạo giảm xuống. Estrogen đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường tiết niệu và sau khi mãn kinh, mô âm đạo mỏng đi, khiến âm đạo dễ bị nhiễm trùng hơn và gây nhiễm trùng, dẫn đến triệu chứng đau bàng quang.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Therapeutic Advances in Urology, ở phụ nữ trên 65 tuổi, tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu cao gấp đôi so với tỷ lệ ở phụ nữ nói chung. Nghiên cứu tương tự cho biết thêm rằng tỷ lệ nhiễm trùng tiểu cao nhất xảy ra trong những năm phụ nữ có xu hướng quan hệ tình dục nhiều hơn (thường là từ 18 đến 39 tuổi).
Đau bàng quang là dấu hiệu nhiễm trùng tiểu phổ biến
Ở phụ nữ trẻ, đau bàng quang là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng tiểu, cùng với việc đi tiểu thường xuyên và có cảm giác đau khi đi tiểu. Các triệu chứng ở phụ nữ lớn tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu ngoài đau bàng quang thì còn bao gồm đau cơ, đau bụng, mệt mỏi và suy nhược.
Viêm bàng quang kẽ: Một lý do gây đau bàng quang nghiêm trọng
Hiện nay, có đến hơn 3 triệu phụ nữ Mỹ phải sống chung với chứng đau vùng chậu liên quan đến viêm bàng quang kẽ, một tình trạng thành bàng quang bị kích thích và viêm. Viêm bàng quang kẽ là một nguyên nhân dẫn đến đau bàng quang nghiêm trọng.
Những cơn đau bàng quang do viêm bàng quang kẽ có thể dao động từ mức độ đau âm ỉ đến đau dữ dội. Ngoài ra, bạn còn có cảm giác liên tục muốn đi tiểu và lúc nào cũng trong trạng thái “khẩn cấp”, cần phải đi tiểu gấp. Tình trạng này có thể xảy ra tới 60 lần một ngày – thậm chí ngay sau khi bạn vừa đi tiểu xong.
Các chuyên gia cho biết, iêm bàng quang kẽ không phải do nhiễm trùng đường tiết niệu, mặc dù các triệu chứng có thể trầm trọng hơn nếu bạn bị viêm bàng quang kẽ và nhiễm trùng tiểu cùng một lúc.
Và mặc dù nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm bàng quang kẽ vẫn chưa được xác định thì các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố như căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống, dị ứng và việc dùng một số loại thuốc,… có thể dẫn đến tình trạng này.
Đau bàng quang có thể xảy ra trong thời kỳ mãn kinh / tiền mãn kinh
Tình trạng đau bàng quang ở chị em phụ nữ có thể là kết quả của việc da âm đạo mỏng đi. Điều này được gọi là teo cơ và phổ biến nhất là trong thời kỳ mãn kinh [hoặc tiền mãn kinh], do lúc này cơ thể đã mất đi estrogen của các mô xung quanh âm đạo. Khi nồng độ estrogen suy giảm, các mô của âm đạo co lại và trở nên mỏng hơn.
Việc bổ sung estrogen đường uống không giúp ích gì cho tình trạng đau bàng quang ở chị em phụ nữ do sự thay đổi trong hệ thống sinh sản. Tuy nhiên, kem bôi estrogen âm đạo có thể làm giảm các triệu chứng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc thêm một số phương pháp điều trị khác tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn. Thông thường, bác sĩ không thực hiện quá nhiều can thiệp nếu nguyên nhân đau bàng quang là do mất đi estrogen trong thời kỳ mãn kinh / tiền mãn kinh.
Ung thư bàng quang: Nguyên nhân đau bàng quang hiếm gặp nhưng nguy hiểm
Ung thư bàng quang rất hiếm gặp, đặc biệt là ở phụ nữ. Trong số hơn 82.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang vào năm 2023, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ước tính chỉ có khoảng một phần tư là phụ nữ.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn không có nguy cơ mắc bệnh. Thậm chí, phụ nữ cũng có nhiều khả năng tử vong vì ung thư bàng quang hơn so với nam giới do các dấu hiệu bệnh chỉ rõ rệt khi khối u phát triển lớn và bắt đầu có dấu hiệu cảnh báo.
Triệu chứng phổ biến nhất ở phụ nữ bị ung thư bàng quang là đau bàng quang và có máu trong nước tiểu. Ngoài ra, một số phụ nữ còn có cảm giác đau, rát khi đi tiểu.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung: Mối đe dọa của phụ nữ trên 30 có thể đề phòng?
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch. Hầu hết mọi người cần phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc một phần khối u. Tất cả hoặc một phần của bàng quang sẽ bị cắt bỏ trong những trường hợp nghiêm trọng.
Đau bàng quang cũng có thể do lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu hoặc u nang buồng trứng,… Ngoài ra, các vấn đề về đường tiêu hóa như bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng đôi khi có thể là nguyên nhân gây đau bàng quang, ngoài 4 nguyên nhân kể trên. Do đó, tốt nhất đừng tự chẩn đoán cơn đau bàng quang của mình. Hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị tối ưu nhất!