Thời điểm các cặp đôi dễ chia tay nhau nhất không phải là khi đã kết hôn lâu mà đó chính là thời điểm trong 5 năm đầu tiên sau hôn nhân. Cơm áo gạo tiền, vỡ mộng vì thực tế hôn nhân khác xa tưởng tượng, muốn có cuộc sống tự do,… khiến nhiều người rơi vào trạng thái khủng hoảng hôn nhân 5 năm đầu.
Nguyên nhân khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu
Khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và là một thách thức đối với các cặp đôi quyết định “về chung một nhà”. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến khủng hoảng này bao gồm:
Chưa thích nghi được với cuộc sống hôn nhân
Trong 5 năm đầu của hôn nhân, cả hai vợ chồng phải thích nghi với cuộc sống mới, thay đổi về vai trò và trách nhiệm. Bạn thậm chí phải từ bỏ một số thói quen, sở thích của mình. Hơn nữa, phụ nữ còn phải thích nghi với việc về làm dâu, tập làm quen với lối sống, văn hóa của gia đình nhà chồng. Điều này có thể vô tình tạo áp lực cho bạn và đối phương.
Vấn đề tài chính
Khó khăn tài chính hoặc xung đột liên quan đến tiền bạc có thể gây căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng sau hôn nhân. Nếu cả hai bất đồng quan điểm về tài chính hoặc không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, đang gặp khó khăn trong kinh tế,… thì rất dễ tan vỡ trong giai đoạn này.
Hôn nhân không màu hồng như bạn tưởng tượng
Hầu hết khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu đều là do thực tế hôn nhân khác với những gì mà bạn tưởng tượng. Khi yêu, đối phương luôn là một phiên bản hoàn hảo nhưng khi kết hôn, bạn sẽ nhận thấy người ấy cũng có những điểm chưa được như mong đợi.
Hay bạn kỳ vọng sau khi 2 người về chung một nhà sẽ có nhiều thời gian bên nhau hơn, hạnh phúc hơn nhưng thực tế cả 2 đều bận rộn, ít dành thời gian cho nhau hơn và sự lãng mạn cũng dần ít đi.
Có thể nói, 5 năm đầu sau hôn nhân chính là thời điểm “vỡ mộng” khi bạn dần nhận ra thực tế cuộc sống hôn nhân khác xa những gì bạn tưởng tượng. Và nếu bạn không thể chấp nhận được sự khác biệt này, bạn rất dễ rơi vào khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu.
Các áp lực từ môi trường xã hội
Các áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội và văn hóa, phong tục tập quán có thể gây thêm căng thẳng vào hôn nhân. Mọi người sẽ hỏi vợ chồng bạn sao kết hôn mà chưa sinh con, chưa mua nhà, mua xe,… Những đòi hỏi và kỳ vọng từ người khác có thể tạo ra sự áp lực không cần thiết đối với các cặp vợ chồng và dễ dẫn đến mâu thuẫn.
Khả năng giao tiếp kém
Khả năng giao tiếp là một yếu tố quan trọng trong hôn nhân. Nếu cặp đôi không thể giao tiếp hiệu quả với nhau để thể hiện cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn, khủng hoảng có thể xảy ra.
Không có thời gian riêng tư
Cuộc sống hôn nhân không có thời gian cho bản thân có thể khiến nhiều người cảm thấy choáng ngợp và nhớ về sự tự do thời điểm độc thân. Đây là một trong những lý do khiến nhiều đôi vợ chồng ly hôn trong vòng 5 năm đầu tiên sau khi về chung nhà.
Không hòa hợp với nhau
Khi sống chung, sẽ có 1001 vấn đề bạn và người ấy cần đối mặt, từ thói quen, quan điểm sống, sở thích khi ngủ,… Nhiều đôi vợ chồng nhận ra mình không phù hợp với đối phương, chẳng hạn như người thích ngủ máy lạnh người thì không, người thích nấu ăn tại nhà còn người thích ăn ngoài…
Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng vẫn có thể gây ra khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu và làm cho nhiều cặp đôi tan vỡ.
Làm thế nào để vượt qua khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu?
Vượt qua khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu có thể là một thách thức với các cặp đôi. Tuy nhiên, có một số cách để tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hôn nhân của bạn. Dưới đây là một số gợi ý để giúp bạn và người ấy có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng này:
- Giao tiếp: Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong mọi mối quan hệ hôn nhân. Hãy dành thời gian để thảo luận về cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của cả hai. Lắng nghe đối phương và trao đổi bằng thái độ tích cực, cởi mở để giúp cả hai có thể hiểu rõ hơn về nhau.
- Thấu hiểu và chấp nhận: Mỗi người đều có sở thích, giới hạn, và nhu cầu riêng. Khi bạn hiểu được điều này, bạn có thể tránh những xung đột không cần thiết và đối xử với đối phương một cách tốt hơn.
- Quản lý xung đột: Xung đột là không tránh khỏi trong hôn nhân, nhưng cách bạn xử lý mâu thuẫn khi vợ chồng cãi nhau lại cực kỳ quan trọng. Học cách thảo luận một cách xây dựng, tránh tranh cãi và lựa chọn từ ngữ thích hợp trong khi thảo luận vấn đề. Điều này sẽ giúp bạn và người ấy tránh được khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu.
- Đặt ra mục tiêu chung: Tạo ra mục tiêu và kế hoạch cụ thể cho tương lai của cả hai bạn. Có mục tiêu chung có thể tạo sự kết nối và giúp hai bạn đồng lòng với nhau hơn.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu bạn hay người ấy đang trải qua khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu và không biết mình cần làm gì, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người nhiều kinh nghiệm trong hôn nhân hoặc tham khảo sự tư vấn của chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa tâm sự, chia sẻ và kể lể, nói xấu đối phương để tránh làm tổn thương người ấy bạn nhé.
- Dành thời gian cho riêng mình: Không bao giờ quên chăm sóc bản thân. Dành thời gian riêng để thư giãn, phát triển sở thích cá nhân và duy trì sức khỏe tinh thần cũng sẽ giúp bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn trong cuộc sống hôn nhân của cả 2.
- Giữ lửa tình yêu: Không quên việc duy trì lửa tình yêu và lãng mạn trong hôn nhân. Tạo thời gian cho các hoạt động tình yêu và làm mới mối quan hệ của bạn bằng cách tạo bất ngờ và hạnh phúc cho người ấy.
Hôn nhân đôi khi gặp khó khăn trong 5 năm đầu, nhưng với sự hiểu biết, tôn trọng và tình yêu, nhiều cặp đôi có thể vượt qua mọi khủng hoảng và xây dựng một mối quan hệ hạnh phúc và bền vững. Vì thế, đừng quá lo lắng về khủng hoảng hôn nhân trong 5 năm đầu bạn nhé.