1. Dạy con các kỹ năng dành cho con trai
Nếu như với bé gái, các kỹ năng căn bản cần biết là nấu ăn, cắm hoa, thêu thùa, may vá… thì ở các bé trai, những kỹ năng quan trọng cần biết nên là sơn một cánh cửa, đóng một cây đinh, vặn chặt các con ốc vít, tìm cách sửa một số thiết bị hư hỏng trong nhà, lắp ráp hoặc sửa chữa một số chi tiết đơn giản của chiếc xe đạp, kể cả thay bóng đèn và các thiết bị điện gia dụng (nếu bé đã trên 12 tuổi).
Bạn có thể “nhăn mặt” nghĩ thầm: Khó vậy sao con trai mình làm được?! Kỳ thực, nếu bạn tìm cho bé một bộ dụng cụ phù hợp, cho bé chơi các trò chơi “nam tính” thế này từ sớm hoặc được phụ giúp bố thì chẳng có gì quá sức với con cả.
Ngoài những kỹ năng “thuần” cho con trai này, bạn cũng nên dạy trẻ giúp mẹ việc nhà từ sớm. Đừng quan niệm việc nhà là việc của… con gái! Một bé trai cũng cần biết cách giặt quần áo, gấp quần áo, rửa chén, nấu một bữa ăn đơn giản, dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Hãy hình dung bạn vắng nhà vài ngày cho một chuyến công tác, con trai bạn chẳng lẽ không thể làm bất cứ thứ gì và nhất định chờ mẹ về?
2. Ít nhất một môn thể thao
Con trai gắn liền với yếu tố “khỏe”, “mạnh”. Sẽ là vô cùng thiệt thòi cho con khi đến tuổi đi học bé lại yếu ớt, mảnh khảnh. Thêm vào đó, chính thông qua các môn thể thao, trẻ sẽ sớm học được tinh thần đồng đội, sự quyết tâm, sự nỗ lực, biết thế nào là “chơi đẹp”, thế nào là ứng xử “thượng võ” với đối thủ… Những tố chất này là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển nhân cách của một bé trai.
Môn thể thao chọn cho bé trai nên có yếu tố mạnh mẽ và phối hợp đồng đội. Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, võ thuật là những môn rất thích hợp với các bé trai.
Nếu con không thích chơi thể thao…?
H: Con trai tôi có thiên hướng sống nội tâm, thích sự trầm lắng. Đã nhiều lần tôi gợi ý đăng ký cho con tham gia học một môn thể thao nào đó nhưng cháu tỏ vẻ rất gượng gạo, không thích. Tôi có cần “ép” con?
Đ: Không cần thiết phải “ép” trẻ làm điều con không thích. Tuy nhiên, bạn có thể nhờ anh xã khuyến khích con cùng “ra sân”, để bắt đầu bằng việc chạy bộ, bằng các bài tập thể dục thông thường. Khi đi cùng bố và khi thấy không khí tập luyện của người khác, trẻ sẽ dần thay đổi. Bạn cũng có thể đưa ra nhiều gợi ý cho con chọn một. Thực tế, bóng bàn hay một số môn võ thuật vẫn rất thích hợp cho trẻ có thiên hướng sống nội tâm, trầm lắng.
3. Dạy con không mau nước mắt
Hãy bắt đầu bằng những lời nhắc nhở nhẹ nhàng: “Con trai thì không khóc chỉ vì té ngã chút xíu như vậy, con ạ!”. Có thể bé vẫn hay mè nheo lắm, song khi nghe và “thấm” dần, được nhắc nhở nhiều dần, bé sẽ hình thành được cách thể hiện sự mạnh mẽ nhiều hơn.
Bạn cũng cần tạo mọi cơ hội cho con trai sớm thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán, đúng như giới tính của mình. Chẳng hạn, thay vì xách hộ con mọi thứ, nên để bé trai tự xoay xở. Khi bạn xách nặng, hãy nói với con: “Con xách hộ mẹ cái này nhé!” và đưa cho con một túi nhỏ vừa sức bé. Khi một bé trai tập xe đạp và bị ngã, hãy giả bộ… ngó lơ để con tự đứng lên, tự dựng chiếc xe đạp nhỏ của mình lên, thay vì chạy tới xuýt xoa: “Ôi con tôi! Con có đau không? Thôi để mẹ đền cho nhé!”.
4. Hình thành cho trẻ tình yêu gia đình
Một bé trai sẽ là một người đàn ông trụ cột sau này. Cách con đối xử thế nào với gia đình mai sau phụ thuộc rất nhiều vào cách uốn nắn, dạy dỗ từ thơ bé. Ví dụ nếu con thấy bố đánh mẹ nhiều lần, chắc chắn lớn lên, con rất dễ trở thành một người hung bạo, thích xử trí mọi việc trong nhà với vợ mình bằng bạo lực. Nếu con từng thấy bố bỏ bê bữa cơm tối của gia đình, chỉ đi nhậu suốt thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sau này con… cũng thế!
Ngược lại, khi con có một người bố đầy trách nhiệm với gia đình, sẵn sàng xuống bếp đỡ đần công việc nhà với mẹ, sẵn sàng dành thời gian lắng nghe con, chia sẻ với con những khó khăn thì khi lớn lên, bé sẽ trở thành một người đàn ông hoàn hảo như thế.
Việc dạy bảo này phụ thuộc rất nhiều vào người bố. Bố sao, con vậy! Vì thế, những gì cần dạy con đơn giản là những gì bạn cần uốn nắn chính mình và cho con cảm nhận.
Bạn cần nhớ!
Sự mạnh mẽ không đối lập với tình cảm, yêu thương. Đừng nhầm lẫn rằng dạy con biết yêu thương gia đình, biết thể hiện tình cảm với mẹ, với chị, với người thân… sẽ làm bé bớt đi sự “mạnh mẽ” mà trở nên “ủy mị”, “mềm yếu”.
Khi bé học được cách nói với bạn rằng: “Con yêu bố mẹ!”, bạn nên mừng. Đó chính là nền tảng để con bạn trở thành một người đàn ông biết trân quý gia đình mai sau.
5. Tập nếm trải thất bại
Thất bại là điều dễ dàng quật ngã sự tự ái của đàn ông. Thất bại có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của một bé trai hơn một bé gái. Chính vì vậy, bạn cần giúp con nếm trải và đương đầu với thất bại từ rất sớm.
Cho con thấy thất bại không là điều dễ sợ như con tưởng. Đó chỉ là thử thách và thành công vẫn đang đợi con khi con đứng dậy. Bạn có thể chia sẻ với con chính những thất bại của mình. Không cần giữ hình tượng “người hùng” với trẻ. Những câu chuyện chân thật của bạn: “Hồi đó, bố từng đá bóng rất kém!”, “Lúc bằng tuổi con, bố thậm chí không làm được như con thế này đâu!” khiến con trai bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi đối đầu cùng thất bại – điều mà bé không thể tránh được ở trên đời.
Khi con trai thấy bạn thất bại và xử trí, vượt qua chông gai đó tốt, trẻ sẽ hiểu rằng không có vấn đề gì khi mắc lỗi. Một cậu bé không sợ mắc lỗi sẽ trở thành một người đàn ông vững vàng chấp nhận và chinh phục những thử thách lớn sau này.
6. Dạy con vai trò “lãnh đạo”
Kỹ năng lãnh đạo rất cần thiết cho một bé trai. Một bé gái có thể không cần thật sự giỏi kỹ năng này nhưng một bé trai luôn rất cần. Nên nhớ, không phải chỉ đến khi đi làm, con mới cần biết đến kỹ năng lãnh đạo. Một người đàn ông không nhất thiết lúc nào cũng phải là ông chủ ở nơi làm việc. Tuy nhiên, người đàn ông luôn luôn là người chủ gia đình, là người đảm nhận những việc khó khăn khi đi cùng một nhóm bạn, nói cách khác, luôn là những “đầu tàu”.
Chính vì vậy, với bé trai, từ khi con còn rất nhỏ, bạn hãy tập cho con suy nghĩ và quyết định, tập cho con chơi với nhóm bạn và thử vai trò người trưởng nhóm của mình.
Một gợi ý rất đáng giá cho bạn là có thể cho con tham dự các lớp hướng đạo sinh từ sớm. Ở những nhóm hướng đạo sinh, kỹ năng lãnh đạo này của trẻ sẽ được rèn luyện rất nghiêm túc. Điều đó thật sự hữu ích cho con bạn về sau.
7. Dạy con biết che chở và yêu thương phụ nữ
Đòi hỏi đầu tiên là người bố không sử dụng bạo lực trong gia đình. Bạn cần giúp con ý thức được rằng “mạnh” nghĩa là bảo vệ và chở che chứ không phải là chèn ép hay bắt nạt người yếu thế.
Nghe có vẻ “cao siêu” nhưng kỳ thực đơn giản lắm. Nếu như bạn luôn chủ động xách giúp vợ mình các vật nặng, luôn nói con hỏi xem mẹ có mệt không, luôn dạy con cách nhường nhịn một chút cho em gái…, trẻ sẽ dần dần xác lập được rất rõ vai trò “che chở”, “bảo vệ” của mình.