Những “tuyệt chiêu” này sẽ giúp uốn nắn bé sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng ngay từ khi con còn nhỏ xíu!
1. Cha mẹ làm gương
Con cái là sự “phản chiếu” hoàn hảo nhất hình ảnh của chính cha mẹ chúng. Bạn đừng hòng dạy con gọn gàng, ngăn nắp nếu như chính bạn là chúa bày bừa. Hãy thử tưởng tượng mà xem: Bé sẽ như thế nào nếu thấy cha mẹ về đến nhà là vứt khăn một nơi, áo một nơi, giày một nẻo. Rồi thì chén bát dơ không rửa, báo cũ nằm tràn ngập từ phòng ngủ ra đến phòng khách… Đấy nhé, công thức đơn giản thứ nhất: Hãy là một ông bố, bà mẹ ngăn nắp, gọn gàng trước khi dạy cho bé có được tính cách này.
2. Đánh dấu đồ vật theo màu sắc
Bé có thể phân biệt màu sắc từ rất sớm. Bạn hãy tận dụng điều đó để phân định một số đồ vật trong nhà theo màu sắc, giúp bé dễ nhận biết hơn. Ví dụ: Ly uống nước của ba màu vàng, của mẹ màu xanh, của bé yêu màu hồng. Bàn chải đánh răng của ba màu vàng, của mẹ màu xanh, của bé yêu màu hồng. Tương tự với khăn mặt, với dép mang trong nhà.
Nếu có hai đứa con, bạn cũng phân biệt màu sắc như thế với tủ đồ chơi của từng bé, giường ngủ, gối của từng bé… Bằng cách này, bạn có thể phát hiện ra ngay bàn chải của ai để không đúng chỗ, đôi dép của bé nào vứt bừa bãi ngoài sân. Bé cũng theo đó mà nhận biết được đâu là đồ vật của mình và có ý thức gọn gàng tốt hơn, vì chẳng thể uống xong vứt cái ly hồng của mình lung tung trong khi ly vàng, ly xanh được nằm ngay ngắn trên chỗ úp ly được.
3. Sớm cho bé có không gian riêng
Không gian riêng không nhất thiết phải là cả một căn phòng riêng nếu như gia đình bạn không có điều kiện và nhà cửa khá chật chội. Không gian riêng của bé có thể đơn giản là một góc nhỏ với kệ tủ đồ chơi của bé, hay một góc học tập, một kệ sách, một chiếc giường… Cho bé biết rằng đây là khu vực của con và con phải có trách nhiệm giữ gìn cho nó ngăn nắp, dọn dẹp, lau chùi nó hàng ngày.
Có thể hướng dẫn cho con từng bước đơn giản nhất như với bàn học, sau khi học xong con nên xếp tập vở trên bàn ra sao, dụng cụ học tập để ở chỗ nào. Với kệ sách, có thể dạy bé cách xếp sách theo thứ tự từ cuốn lớn đến cuốn nhỏ, dạy bé cách lấy sách ra rồi lại để vào đúng nơi…
4. Cung cấp “công cụ”
Đừng bảo con xếp gọn đồ chơi trong khi đó là cả một mớ… hỗn độn đủ mọi thứ và con chẳng biết làm cách nào để xử lý cả. Hãy cho bé nhiều thùng giấy được dán nhãn khác nhau. Ví dụ như: “Bóng”, “Thú nhồi bông”, “Đồ hàng”, “Xếp hình”… Bằng cách này, bé sẽ biết cách cho thứ gì vào đâu và mỗi cần tìm món đồ chơi nào chỉ cần lấy ra đúng 1 thùng giấy đó thôi. Tương tự, tủ quần áo của con, hãy dán cho bé từng cái nhãn (bằng chữ hay bằng hình ảnh cũng được) để bé biết ngăn nào xếp áo, ngăn nào xếp quần, ngăn nào xếp vớ… Bé yêu của bạn sẽ cảm thấy mọi thứ trở nên thật đơn giản, dễ thực hiện.
5. Cho con biết trách nhiệm của bé với vật dụng
Với bất cứ vật dụng nào của con, từ đồ chơi, quần áo, sách vở… bạn đều nên cho bé biết bé có trách nhiệm gì với chúng. Ví dụ như một món đồ chơi của bé, bạn hãy hỏi con đây là đồ chơi của con hay của em, của ba, của mẹ? Nếu đây là đồ chơi của con thì con cần bảo quản nó thế nào, xếp vào đâu sau khi chơi? Đặt ra cho bé cả những câu hỏi như: Nếu con không làm đúng như thế thì sao, mẹ sẽ lấy món đồ chơi đó cho bạn khác để bạn ấy sắp xếp gọn gàng hơn nhé? Dần dần, bé sẽ ý thức được rằng nếu đây là đồ vật của mình thì mình phải có trách nhiệm với nó, không thể bắt mẹ đi dọn đồ chơi sau khi bé đã chơi…
6. Đưa ra hình phạt
Bé sẽ không tự giác ngăn nắp, gọn gàng nếu bạn không có những quy định, hình phạt rõ ràng với trẻ. Hãy đề ra những quy tắc nề nếp trong gia đình: Ví dụ như chén bát ăn xong phải xếp vào đâu, ai rửa, rác để ở đâu, quần áo sau khi phơi khô ai sẽ xếp, xếp vào đâu… Bạn không cần quá áp đặt mà có thể thỏa thuận với bé, gợi ý cho bé tự nói. Ví dụ: Nếu không dẹp đồ chơi sau khi chơi thì bị phạt như thế nào? Vì bé tự suy nghĩ, đưa ra hình phạt nên bé không có lý do gì để không chấp hành nếu vi phạm cả. Hãy cương quyết với con, phạt bé một vài lần theo đúng những gì đã thỏa thuận, bé sẽ biết và lần sau thực hiện tốt hơn.
7. Biến việc nhà thành… trò chơi!
Bé sẽ rất ngán ngẩm với việc xếp quần áo, nhưng sẽ hào hứng lên hẳn nếu như cùng thi xem mẹ và con ai xếp quần áo nhanh, gọn và đẹp hơn. Đứa trẻ nào cũng thích được thể hiện mình qua những “trò chơi” kiểu như thế. Bạn có vô vàn thứ để thi với con, ví dụ như thi xem ai gấp mền gối đẹp hơn, ai chà dép sạch hơn, thi xem ai giặt khăn mặt nhanh hơn… Những trò chơi nho nhỏ cuốn hút bé, làm bé thích thú và không ngần ngại làm quen với khái niệm sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng.
8. Tổng kết hàng tuần, khen thưởng
Hãy tạo ra một không khí thi đua giữa những đứa con của bạn hoặc giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Mỗi tuần, mọi người sẽ cùng nhìn lại, “chấm điểm” xem giường của ai gọn gàng nhất, dép của ai để đúng nơi quy định, khăn của ai treo ngay ngắn trên dây, bàn của ai gọn và đẹp nhất… Nếu bé có tiến bộ, đừng ngại thưởng cho con! Bạn cũng có thể nhận xét và hướng dẫn thêm cho con những điều cần thiết. Trẻ em khó thay đổi một sớm một chiều. Nhưng bằng cách này, sau một thời gian, bạn sẽ thấy con gọn gàng, ngăn nắp hơn nhiều.
Ngăn nắp mang lại ích lợi gì cho trẻ?
– Bé không thể có sức khỏe tốt nếu như cứ ở trong một môi trường phòng ốc, nhà cửa luộm thuộm, dơ bẩn, đụng đâu cũng thấy rác và mọi thứ cứ hỗn loạn cả lên. Bạn nên biết, sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của con đều ít nhiều phụ thuộc vào sự sạch sẽ và ngăn nắp.
– Bạn không muốn mỗi khi đến giờ đi học của con, bạn phải nháo nhào theo để phụ con tìm: Khi thì cuốn sách để đâu đó, khi thì đôi giày tự dưng… chỉ còn một chiếc, khi thì chiếc khăn quàng nằm đâu không biết nằm đâu đấy chứ? Con ngăn nắp không chỉ giúp tiết kiệm thời gian của con mà tiết kiệm được cả thời gian cho chính mẹ!
– Ngăn nắp và thành công luôn là “đôi bạn cùng tiến”. Trừ những trường hợp hiếm hoi như kiểu con bạn là một… thiên tài, còn lại, càng ngăn nắp bao nhiêu, khi lớn lên bé càng dễ thành công trong cuộc sống bấy nhiêu.