Năm 1995, hãng phim Pixar Mỹ cho ra đời bộ phim hoạt hình vi tính đặc sắc ‘Câu chuyện đồ chơi’ (Toy Story), kể về cậu bé Andy 6 tuổi với những món đồ chơi có linh hồn, cảm xúc, xung đột hệt như con người, chinh phục không chỉ trẻ em mà còn khiến cả người lớn cũng bị thu hút.
Các nhân vật trong “Toy story”
Thật vậy, đồ chơi là tài sản, là niềm vui thích, là kho báu, niềm ao ước, tự hào… của mọi đứa trẻ trên đời. Cha mẹ nên coi đồ chơi là “dụng cụ học tập” và giờ chơi là giờ “học” của con.
Vì sao đồ chơi quan trọng?
Các nhà giáo dục đã chỉ ra rằng: Trò chơi liên quan đến sự phát triển nhân cách và xã hội tính của trẻ. Nhiều phẩm chất được củng cố qua hành vi ứng xử khi tham gia trò chơi: trung thực, quan tâm và tôn trọng người khác, cởi mở, khiêm tốn, chủ động… Khi chơi, trẻ biết điều chỉnh giọng nói, cách dùng từ, cách xưng hô thế nào cho hợp lý.
Ngày nay, các bậc cha mẹ bận rộn thường sinh ít con, chỗ ở chật chội,con cái ít được chơi trò chơi sáng tạo và vận động cần thiết, ít được chơi trong các nhóm có độ tuổi khác nhau mà dành quá nhiều thì giờ để chơi điện tử. Hầu hết trẻ phải chơi một mình. Mặt tích cực là trẻ có thể tập trung vào trò chơi, dễ dàng sử dụng và triển khai ý tưởng mới theo cách của mình mà không bị chi phối bởi người cùng chơi (lắp ráp, xâu hạt, ghép hình,…). Những trò chơi cá nhân giúp trẻ nhận biết mặt mạnh – mặt yếu của mình và có những nhận thức về bản thân: phát hiện “tài lẻ”, chức năng của các giác quan, sự thay đổi và các tư thế của cơ thể khi vận động, tăng khả năng tự lực, tự tin, mạnh dạn và sáng tạo, phát triển nhân cách.
Chọn đồ chơi thế nào?
Cùng với việc quan tâm phòng tránh tai nạn cho trẻ khi chơi (chọn đồ chơi làm bằng vật liệu an toàn, không dễ vỡ, không sắc nhọn, phù hợp lứa tuổi, kích thước đủ lớn để bé không thể nuốt), có 9 điều cha mẹ cần quan sát và uốn nắn tính khí cho con:
1. “Có mới nới cũ”
Có trẻ hay mè nheo, vòi vĩnh đòi mua đồ chơi mới liên tục. Lúc đầu, vì yêu chiều hoặc sợ con mình “thua kém bạn bè” nên nhiều phụ huynh sẵn sàng nhân nhượng và đáp ứng mọi yêu cầu của con, để rồi sự thái quá của cha mẹ vô tình biến con thành trẻ hư lúc nào không hay. Khi trẻ nhõng nhẽo không đúng lúc, đúng chỗ, cha mẹ phải phân tích để trẻ biết hành động đúng – sai. Kiên quyết nói với trẻ cái gì được, cái gì không. Khi đã nói “không” thì không được thay đổi dù bé có khóc lóc ăn vạ (nếu được 1 lần, bé sẽ nghĩ là có thể cha mẹ thấy bé khóc mà đồng ý, về sau bé sẽ dùng nước mắt làm vũ khí và không ngừng… leo thang).
Một mặt cha mẹ tôn trọng những thái độ và quyết định của con, để bé tự giác trong các hoạt động cá nhân và hình thành sự tự tin (chọn món ăn, thức uống, chọn quần áo để mặc đi chơi), mặt khác cần đặt ra những giới hạn trong việc đòi hỏi người lớn chiều theo ý mình, mua sắm những món đồ chơi, đồ dùng phí phạm.
2. Bày bừa đồ chơi ra nhà
Nên lập cho trẻ 1 cái “kho” chứa đồ chơi (bằng thùng giấy, hộp carton, rổ nhựa,…), chơi xong thì xếp gọn lại cất đi để rèn tính cẩn thận, ngăn nắp, sạch sẽ.Đa số trẻ thích thức khuya, không chịu ngủ đúng giờ cha mẹ quy định. Thậm chí, có trẻ đã vào giường lại tìm cách câu giờ đòi uống nước, đi tiểu rồi “lẻn ra” chơi, vì không chịu nổi sức cám dỗ của các món đồ chơi đang sẵn sàng. Đó là chưa kể, mọi người, nhất là ông bố thường giẫm phải đồ chơi lăn lóc trên sàn, vừa hỏng đồ chơi vừa ầm ĩ nhà cửa. Khuất mắt trông coi sẽ khiến bé giờ nào việc nấy.
3. Phá phách
Trẻ bẻ gãy tay chân búp bê, kéo đuôi mèo, xé rách thú nhồi bông hoặc tháo tung đồ chơi ra quăng mỗi món một nơi. Cấu nhẹ vào người con, hỏi “có đau không?” rồi so sánh: “các bạn” đồ chơi, cây cảnh, con vật cũng biết đau vậy, lần sau bé đừng nghịch ác. Nếu bé thích khám phá, trò lắp ráp sẽ thỏa mãn sự tìm tòi và đổi mới.
4. Chơi ẩu
Một đặc điểm của trẻ là tính đại khái, nhận thức vấn đề một cách sơ sài, bỏ sót chi tiết, dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót. Trẻ dễ bị phân tán do tập trung kém, bị nhiễu bởi tác động mới lạ, có trí nhớ tốt nhưng nhớ máy móc theo kiểu học vẹt, vì thế cha mẹ cần hướng dẫn cách nhớ theo thứ tự để bộ nhớ của trẻ dung nạp những gì cần thiết. Khi tham gia trò chơi, trẻ phải tập trung vào tình huống, nội dung, chủ đề và luật chơi, nếu không, đương nhiên sẽ bị thua cuộc. Trẻ có tư duy trực quan, cụ thể nên trò chơi cần có hình ảnh, âm thanh, vật liệu để dễ hình dung được hiện tượng, sự vật, những khái niệm về không gian, thời gian. Chơi với bộ khối hình chẳng hạn, bé sẽ dần rút ra được cho mình những kết luận quan trọng: khối tròn lăn được còn khối vuông thì không hoặc từ vài em búp bê và thú bông, bé có thể cùng bạn chơi đồ hàng, chơi trò cô giáo, bác sĩ, chú công an giao thông,…
5. Ganh tị
Thói ganh tị là một trong những biểu hiện tâm lý bình thường của trẻ. Trẻ so sánh mình với các trẻ con khác (chúng nhiều đồ chơi hơn, đồ chơi đắt tiền hơn, được chơi nhiều hơn), từ đó nảy sinh ấm ức, căm ghét và muốn trả đũa bằng cách giành giật, phá hoại đồ chơi. Cha mẹ cần có thái độ và cách cư xử đúng đắn để giúp trẻ hạn chế và vượt qua tính xấu này. Bằng các phương tiện truyền thông như tivi, báo đài hay các tấm gương cụ thể xung quanh, chỉ cho con thấy những bạn cùng trang lứa không có điều kiện như trẻ đang có. Trẻ sẽ hiểu mình còn may mắn hơn nhiều bạn khác và bớt tị nạnh.
6. Trút giận lên đồ chơi
Một đứa trẻ tức giận, khóc lóc và la hét có thể nghĩ đó là cách thức duy nhất chúng được hiểu và đồ chơi chính là nguồn lý tưởng để chúng dễ dàng thể hiện cảm xúc, nổi giận, thậm chí quăng quật, giẫm đạp lên. Cha mẹ cần giúp trẻ chấp nhận kỷ luật. Trẻ cần được yêu thương và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu, nhưng cũng phải hiểu rằng mình không phải là vua, không phải cứ cần thứ gì là đòi và hét lên.
Phụ huynh không thể ngờ sự trừng phạt, trách mắng không hề giúp trẻ vâng lời hơn mà chủ yếu làm trẻ chai sạn với các biện pháp kỷ luật. Cha mẹ hay gây gổ với nhau cũng gây hệ lụy rối nhiễu tâm lý trẻ. Trẻ muốn có được hình ảnh uy quyền của người cha và “phóng chiếu” bằng những hành động bắt nạt, đánh lộn, thậm chí trả thù (lỳ, phá phách đồ chơi, sẵn sàng phản kháng khi không vừa ý).
7. Mau chán
Trẻ đang ở thời kỳcảm xúc không ổn định, hay thay đổi, mau giận mau quên, “cả thèm chóng chán”. Cần rèn luyện sự bình tĩnh cho trẻ bằng những đồ chơi xếp hình từ đơn giản đến khó dần, trò này đòi hỏi trẻ kiên nhẫn tìm những mảnh ghép. Với những mẫu Lego: ban đầu bé chỉ biết xếp chúng chồng lên nhau, về sau có thể tao nên nhiều hình thù khác nhau. Càng về sau, khả năng tưởng tượng và sáng tạo của bé tăng lên.
Nên thay đổi trò chơi để tăng tính hấp dẫn: đá bóng, chạy, nhảy dây… là những bài tập cần thiết cho khả năng vận động thô của trẻ. Khả năng vận động tinh được rèn luyện qua việc phối hợp tay chân thành thục, khéo léo, ở mức độ tinh vi hơn như đạp xe đạp hai bánh, múa hát, banh đũa, học thủ công, thêu thùa…. Người lớn cần nhắc nhở trẻ sửa những thói quen xấu (cúi gằm mặt, bặm môi, méo miệng, tư thế ngồi gù vẹo… )
8. Chơi ăn gian
Bé muốn là người chiến thắng nên đôi khi chơi ăn gian. Dạy con biết chấp nhận thắng-thua, học cách thừa nhận thất bại, ăn mừng chiến thắng, chấp nhận thử thách, khách quan, chuộng lẽ phải, không để cảm tính ích kỷ chi phối.…Tự trọng là phẩm chất quý giá của con người, từ tự trọng sẽ dẫn đến tự giác và tự chủ.
9. Không biết tự giải quyết vấn đề
Khi chơi, trẻ lúng túng, ngờ nghệch không có cách lý giải, phản ứng. Hãy để trẻ tự làm mọi thứ cho bản thân và có trách nhiệm với việc mình làm.Tìm ra cách giải quyết vấn đề là một kỹ năng cần thiết rất đáng học khi còn nhỏ, vì nó giúp ích nhiều cho trẻ mai sau. Cha mẹ sẽ ngạc nhiên phát hiện con mình tài giỏi và biết cách xoay xở khi có cơ hội giải quyết vấn đề của bản thân theo cách riêng của mình. Thông qua việc xử lý những khó khăn, trẻ học được những kỹ năng thiết yếu để thành công trong cuộc sống.
Vui chơi là một hoạt động kích thích toàn bộ chức năng của con người, có tầm quan trọng trong quá trình phát triển trí tuệ, tâm lý, ngôn ngữ, cảm giác, giao tiếp và quan hệ xã hội. Với trẻ em, trò chơi giúp các giác quan được tinh nhạy hơn, tri giác, tưởng tượng phát triển mạnh mẽ, cơ bắp dẻo dai, linh hoạt hơn, sự hô hấp, tuần hoàn được tăng cường đồng thời góp phần xây dựng nhân cách đang trưởng thành.
Có nhiều loại trò chơi:
– Trò chơi tưởng tượng (đóng vai, diễn kịch, bán đồ hàng, búp bê…)
– Trò chơi vận động (đu quay, đá bóng, đạp xe, bơi lội, nhảy dây, cầu tuột, thú nhún,…)
– Trò chơi trí tuệ (nặn đất, xếp giấy, đan lát, vẽ, chơi cờ,…)
– Trò chơi học tập (giải toán đố, giải mật mã, ký hiệu…)
– Trò chơi phát triển ngôn ngữ (giải ô chữ, nhìn hình đoán chữ, tìm những từ đồng âm khác nghĩa, sưu tầm tục ngữ – ca dao – dân ca, điền vào ô trống, hát đối đáp,…)
– Trò chơi dân gian (banh đũa, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, cướp cờ, đánh khăng, trốn tìm,…).
Có nhiều hình thức chơi:
– Chơi một mình.
– Chơi với nhiều người.
– Chơi với đồ vật, con vật.
Ngày nay, trò chơi còn được ứng dụng như một trong các phương pháp thông dụng chữa bệnh: Giúp trẻ bại não, liệt cứng, trẻ tự kỷ tập thăng bằng, phát triển vận động, tri giác.