Bàn tay con… không giống các em bé khác!
Nỗi lo lắng của mẹ tăng dần khi không thấy ba con vui vẻ, hạnh phúc, tíu tít nhắc đến con như kiểu những ông bố lên chức “bố” lần đầu. Ba chỉ nhắc mẹ dưỡng sức, gượng cười bảo rằng con khỏe, vài ngày nữa mẹ sẽ gặp được con thôi.
Cuối cùng rồi ngày đó cũng tới. Giây phút đầu tiên ôm con vào lòng, mẹ hồi hộp, vỡ òa. Gương mặt con xinh như một thiên thần. Con khỏe mạnh, xinh xắn. Mẹ líu ríu mở bao tay, bao chân con để ngắm nghía hết hình hài đứa con bé bỏng của mình. Đến bàn tay bên phải của con thì mẹ sững lại. Nó… không bình thường!
Đúng vậy. Nó không bình thường. Thay vì có 5 ngón xinh xinh, bàn tay con chỉ có vài mẩu thịt bé xíu nhô lên khỏi một mẩu thịt lớn. Mẹ chớp mắt mấy lần, cố nén, cố ý thức là thực hay mơ. Cuối cùng, nước mắt mẹ trào ra. Mẹ xin lỗi, bé con! Thế là con không có được một hình hài nguyên vẹn, bình thường như bao đứa trẻ khác rồi. Mẹ làm sao cho con được đây? Con là con gái. Lớn lên rồi con sẽ thế nào với bàn tay không lành lặn của mình? Chàng trai nào sẽ yêu con? Rồi làm sao mẹ có thể cho con học piano như mẹ hằng ước ao? Làm sao để con có thể chơi đùa với bạn bè những trò con gái như banh đũa?
Con không thể biết được mẹ cảm thấy đau như thế nào những ngày sau đó đâu. Cứ cầm lấy bàn tay con là mẹ khóc. Mẹ không biết làm sao cho con bây giờ. Ước gì mẹ có thể cho con bàn tay lành lặn của mình – bàn tay mà ba con luôn bảo rằng rất đẹp. Nhưng rồi, trong những giọt nước mắt và nỗi đau của mình, cuối cùng mẹ cũng tìm thấy niềm an ủi khi con hé mắt nhìn mẹ, khi con toét miệng cười.
Ừ, thì ba mẹ tự an ủi nhau thôi. Ba an ủi mẹ rằng cũng còn thật may khi con chỉ bị dị tật một bàn tay thôi. Con vẫn còn tất cả mọi thứ khác lành lặn. Con vẫn là một đứa trẻ hay cười, ngủ ngoan, bú ngoan và sở hữu một khuôn mặt vô cùng xinh xắn. Mẹ thích nghi dần với nỗi đau và với sự thật rằng con gái mình không hoàn hảo. Nhưng mẹ tự nhủ sẽ mang đến cho con một tâm hồn hoàn hảo, để con trở thành một đứa trẻ hoàn toàn không mặc cảm với khiếm khuyết của mình.
Con lớn dần. Qua thời bú mẹ, đến lúc cần ăn dặm. Ba mẹ lại vất vả tập cho con làm quen với việc cầm muỗng bằng tay trái. Mẹ dạy con cách cầm lấy đồ chơi, cách ôm búp bê bằng một bàn tay lành và một bàn tay khiếm khuyết của mình. Có những lúc mẹ thấy ba lặng đi, khi thấy con vụng về “vuốt” má ba bằng bàn tay không lành lặn.
Thời gian thoi đưa. Con bắt đầu thích nghi với chuyện “một bàn tay” của mình. Một ngày, lúc đó con gần 3 tuổi, mẹ chảy nước mắt và nghe tim mình nhói lên đủ thứ cảm xúc lạ kỳ khi thấy con hí hoáy cố cầm bút chì màu nguệch ngoạc những nét vẽ ngang dọc đầu tiên bằng bàn tay trái của mình. Mẹ thương con quá bé ơi. Nhưng con đã nhắc mẹ rằng con đã lớn rồi, con sẽ vào mẫu giáo, sẽ học vẽ, học tô màu như các bạn. Mẹ sợ một ngày nào đó con đi học về, và hỏi mẹ rằng tại sao các bạn lại có hai bàn tay mà con chỉ có một bàn tay!
Ba mẹ đã cùng con vượt qua mọi mặc cảm
Chuẩn bị cho con đi mẫu giáo, một ngày, mẹ vô tình đọc được câu chuyện “Bốn ngón tay”. Chuyện kể về một cậu bé bị mù bẩm sinh. Khi cậu lên 6, một việc xảy ra làm em không tự giải thích được. Buổi chiều nọ, em đang chơi đùa cùng các bạn, một cậu bé khác đã ném trái banh về phía em. Chợt nhớ ra cậu bé la lên: “Coi chừng! Quả banh sắp văng trúng đấy!”. Quả banh đã đập trúng người cậu, và cuộc sống của cậu không như trước đây nữa. Cậu bé không bị đau, nhưng cậu thật sự băn khoăn.
Cậu quyết định hỏi mẹ: “Làm sao cậu ta biết điều gì sắp xảy ra cho con trước khi chính con nhận biết được điều đó?”. Mẹ cậu thở dài, bởi cái giây phút bà e ngại đã đến! Đã đến cái thời khắc đầu tiên mà bà cần nói rõ cho con trai mình biết: “Con bị mù!”. Rất dịu dàng bà cầm bàn tay của con, vừa nắm từng ngón tay và đếm: “Một – hai – ba – bốn – năm. Các ngón tay này tựa như năm giác quan của con vậy. Ngón tay bé nhỏ này là nghe, ngón tay xinh xắn này là sờ chạm, ngón tay tí hon này là ngửi, còn ngón bé tí này là nếm..”.
Ngần ngừ một lúc, bà tiếp: “Còn ngón tay tí xíu này là nhìn. Mỗi giác quan của con như mỗi ngón tay, chúng chuyên chở bức thông điệp lên bộ não con”. Rồi bà gập ngón tay bà đặt tên “nhìn”, khép chặt nó vào lòng bàn tay của con, bà nói: “Con ạ! Con là một đứa trẻ khác với những đứa khác, vì con chỉ có bốn giác quan, như là chỉ có bốn ngón tay vậy: một – nghe, hai – sờ, ba – ngửi, bốn – nếm. Con không thể sử dụng giác quan nhìn. Bây giờ mẹ muốn chỉ cho con điều này. Hãy đứng lên con nhé!”.
Cậu đứng lên. Bà mẹ nhặt trái banh lên bảo: “Bây giờ con hãy đặt bàn tay của con trong tư thế bắt trái banh”. Cậu mở lòng bàn tay và trong khoảnh khắc cậu cảm nhận được quả banh cứng chạm vào các ngón tay của mình. Cậu bấu chặt quả banh và giơ lên cao.
“Giỏi! Giỏi!”, bà mẹ nói, “Mẹ muốn con không bao giờ quên điều con vừa làm. Con cũng có thể giơ cao quả banh bằng bốn ngón tay thay vì năm ngón. Con cũng có thể có và giữ được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với chỉ bốn giác quan thay vì năm nếu con bước vào cuộc sống bằng sự nỗ lực thường xuyên!”.
Lúc đọc câu chuyện đó, mẹ ngây người ra một lúc. Mẹ thấy cách dạy con của người mẹ trong câu chuyện kia hay quá! Ừ, khiếm khuyết một chút đâu có phải là lỗi của con. Đó là một thử thách nhỏ của tạo hóa. Và con hoàn toàn có thể vượt qua, có thể hòa nhập với bạn bè, có thể sống một cuộc đời hạnh phúc.
Mẹ viết những dòng này cho con khi chỉ vài tháng nữa thôi, con sẽ vào lớp Hai. Nhanh quá! Mới đó mà đã hơn bảy năm ròng. Bảy năm ba mẹ cùng con thích nghi, tập luyện, nỗ lực, để con vượt qua những giây phút ngơ ngác hỏi mẹ: “Con chuột cắn mất ngón tay con hả mẹ?” hay lúc con bực tức vì không thể nhào nặn đất sét bằng cả hai bàn tay khéo léo như các bạn của mình.
Bảy năm là một khoảng thời gian quá ngắn với một đời người. Nhưng con của mẹ giờ đây đã biết cách viết chữ, viết số, tô màu chỉ bằng một bàn tay. Con đã có thể nhoẻn cười, trả lời bạn khi bạn hỏi con: “Sao bạn viết bằng tay trái?” là: “Tại vì tớ có một bàn tay thôi” mà không hề cảm thấy xấu hổ, buồn bã hay hoang mang như những lần đầu tiên con hỏi mẹ vì sao. Giờ, con đã vụng về đánh được bản nhạc đầu tiên từ cây đàn organ mẹ mua cho con, bằng một bàn tay lành và một bàn tay khiếm khuyết.
Bản nhạc của con không thể hay như các bạn khác được, nhưng mẹ yêu nó vô cùng.
Mẹ muốn con biết rằng, cho dù có thế nào đi nữa, mọi đứa trẻ trên đời này vẫn là những thiên thần – những thiên thần với tâm hồn lành lặn vẹn nguyên, trong trẻo, tinh khôi, không hề khiếm khuyết.