Vào những ngày hè nóng bức, rất nhiều trường hợp bé bị khô da, da bong tróc từng mảng do ánh nắng mặt trời gay gắt, sử dụng máy lạnh không đúng cách. Đặc biệt, clo trong nước hồ bơi cũng là một trong những tác nhân khiến da trẻ bị ảnh hưởng xấu.
Vậy bố mẹ cần làm gì để bảo vệ làn da non nớt của trẻ? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu những cách chăm sóc bé bị da khô đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả dưới đây nhé!
Những cách chăm sóc bé bị khô da mẹ nên biết
Giảm thời gian tắm
Khi tắm, da của trẻ sẽ bị lấy đi lớp dầu tự nhiên dẫn tới khô da. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa sau khi tắm cho bé hàng ngày.
- Đầu tiên, bố mẹ cần biết cách tắm cho trẻ sơ sinh và cũng nên hạn chế việc tắm bé quá lâu (trên 30 phút). Thay vào đó, chỉ nên tắm cho bé bị khô da trong khoảng 10 phút.
- Điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp (ấm, không quá nóng) và sử dụng ít xà phòng. Theo các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên chọn loại sữa tắm không mùi, ít chất tẩy rửa và dịu nhẹ cho làn da bé.
- Sau khi tắm xong, bố mẹ nên thoa kem dưỡng ẩm giúp cung cấp độ ẩm và đồng thời làm mềm da bé một cách tốt nhất. Bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn những sản phẩm kem dưỡng ẩm phù hợp nhất đối với từng loại da của trẻ.
Thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, bố mẹ nên nhanh chóng lau khô cho trẻ bằng khăn lông sạch và mềm mại. Sau khi cơ thể bé đã khô ráo, bố mẹ tiếp tục thoa kem dưỡng ẩm cho bé.
Theo các chuyên gia, việc thoa kem dưỡng ẩm cho bé ngay sau khi tắm vài phút có tác dụng giúp nước đọng lại trên da của trẻ nhiều hơn, từ đó tăng cường độ ẩm thích hợp, hạn chế tình trạng bé bị khô da.
Khi thoa kem dưỡng ẩm cho bé, phụ huynh cần lưu ý nguyên tắc chung là bôi càng dày càng tốt. Trong trường hợp, bé bị khô da ngay cả khi đã sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày, bố mẹ có thể thử chuyển sang dùng kem dưỡng da hoặc thuốc mỡ đặc hơn.
Theo các bác sĩ, thuốc mỡ có khả năng giữ độ ẩm rất tốt cho của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có thể gây ra cảm giác nhờn dính khó chịu. Do đó, khi sử dụng thuốc mỡ, bố mẹ nên lưu ý chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ thoa lên da của con.
Bố mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé bị khô da 2 lần trong 1 ngày (sau khi tắm).
Đừng để trẻ bị khô da tiếp xúc với muối hoặc clo khô
Theo các chuyên gia, clo và nước muối đều là những tác nhân có thể khiến bé bị khô da.
Do đó, sau khi cho trẻ đi bơi trong hồ hoặc biển, bố mẹ nên lưu ý tắm lại cho con thật sạch bằng bằng nước ngọt (nước máy). Sau đó lau khô da và tiếp tục bước thoa kem dưỡng ẩm toàn thân cho bé khi da vẫn còn ẩm.
Hạn chế mở máy tạo ẩm
Đối với những ngày thời tiết hanh khô, không khí trong nhà trở nên nóng khô (hoặc lạnh khô), bố mẹ nên cân nhắc sử dụng máy làm ẩm, với khả năng phun sương, giúp làm mát không gian sống và giúp trẻ không bị khô da do thời tiết.
Cung cấp đủ nước cho bé
Uống nước đúng cách không chỉ tốt cho sức khỏe của trẻ, mà còn là liều thuốc hữu hiệu cho làn da bé. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con uống nhiều nước thường xuyên, để bù đắp độ ẩm bị bốc hơi khỏi da.
Để việc chăm sóc da cho bé đạt được kết quả tối ưu nhất, bạn nên kết hợp giữa việc uống nhiều nhiều nước và sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ.
Bảo vệ bé bị khô da khỏi các yếu tố tác động
Khi trẻ ra ngoài trong điều kiện thời tiết xấu (quá nắng, hoặc quá lạnh), bộ mẹ nên đảm bảo sử dụng các biện pháp bảo hộ cho bé như đeo găng tay, mang áo chống nắng, quàng khăn, đeo khẩu trang, đội nón, đeo kính râm…để da trẻ không bị cháy nắng, hay khô da do thời tiết lạnh.
Hạn chế tiếp xúc với các thành phần thô ráp
Theo đó, bố mẹ không nên thoa phấn em bé hoặc nước hoa cho bé bị khô da; sử dụng các sản phẩm giặt tẩy không mùi. Trong trường hợp da bé đặc biệt nhạy cảm, bố mẹ nên giặt quần áo của bé thật kỷ, nhằm loại bỏ hết cặn xà phòng có thể gây hại cho da.
Hạn chế để trẻ mặc quần áo chật hoặc với chất liệu thô ráp. Một số loại vải như len có thể gây kích ứng, đặc biệt đối với bé bị khô da.
Bé bị khô da tiềm ẩn những bệnh lý nguy hiểm nào?
Trên thực tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều có thể bị khô da như người trưởng thành. Thậm chí, do da của trẻ mỏng hơn, non nớt hơn nên dễ bị khô hơn.
Nếu bé bị khô da, kèm xuất hiện các mảng đỏ ngứa rất có thể trẻ bị chàm (hay còn gọi là viêm da cơ địa ở trẻ). Nhưng nếu được chăm sóc và dưỡng ẩm đúng cách, những vết chàm ấy cũng sẽ nhanh chóng biến mất. Do đó, bạn chỉ cần đưa trẻ đến bác sĩ da liễu khi các mảng da không thuyên giảm, tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ngày càng nặng dù bạn đã cố gắng chăm sóc tại nhà.
Trong một số hiếm trường hợp, bé bị khô da có thể là dấu hiệu của bệnh vảy cá (ichthyosis). Theo đó, bệnh này khiến da trẻ bị khô, đóng vảy và thỉnh thoảng nổi mẩn đỏ. Lòng bàn tay và lòng bàn chân thường dày lên. Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải bệnh vảy cá, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bác sĩ da liễu để được đánh giá và điều trị.
Trên đây là những cách chăm sóc và khắc phục tình trạng trẻ bị khô da. Hy vọng với những thông tin này, bố mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm để bảo vệ làn da của trẻ nói riêng và sức khỏe toàn diện của trẻ nói chung.