Việc chuẩn bị sẵn một số loại thuốc và các vật dụng y tế thiết yếu trong gia đình là điều vô cùng hữu ích và quan trọng cho những trường hợp khẩn cấp liên quan tới sức khỏe. Vậy những loại thuốc nào cần có trong tủ thuốc gia đình? Các loại thiết bị y tế nào không thể thiếu? Hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây cùng Mẹ và Con nhé!
1. Tủ thuốc gia đình nên bao gồm những loại thuốc nào?
Chúng ta đều biết rằng mỗi gia đình nên có một tủ thuốc gia đình dự phòng, nhưng không phải ai cũng biết những loại thuốc nào cần thiết để chuẩn bị. Dưới đây là một số gợi ý cho gia đình bạn, gồm:
1.1 Thuốc tiêu hóa
Trong quá trình ăn uống hàng ngày, khó tránh khỏi những lúc chúng ta ăn phải những thực phẩm không tốt dẫn tới đầy bụng, khó tiêu hay tiêu chảy. Chính những lúc này, việc dự trữ thuốc tiêu hóa là rất cần thiết. Bên cạnh đó, với những người bị tiêu chảy thì nên dùng thêm Oresol để tránh mất nước. Lưu ý với những gia đình có trẻ nhỏ cần tìm hiểu kỹ các loại thuốc tiêu hóa dành riêng cho trẻ (có thể ở dạng bột hay viên uống,…).
1.2 Thuốc đau đầu, giảm đau
Đau đầu và đau nửa sau đầu là tình trạng dễ gặp, phổ biến gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi. Nguyên nhân của những cơn đau này có thể là do mệt mỏi, đi nắng…Trong những trường hợp này, cần trang bị cho tủ thuốc gia đình những loại đặc trị như Acetaminophen, aspirin, panadol extra,… Nếu tình trạng đau đầu, đau nửa đầu kéo dài thì cần đến gặp bác sĩ khám và điều trị nhé!
1.3 Thuốc hạ sốt, cảm cúm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sốt và cảm cúm. Đặc biệt cảm cúm là bệnh dễ lay sang trẻ nhỏ vì trẻ có sức đề kháng yếu. Do đó, trong tủ thuốc gia đình cần tích trữ thuốc sốt và thuốc cảm cúm dành cho người lớn và trẻ nhỏ. Thuốc dành cho người lớn như paracetamol dạng viên và paracetamol dạng bột dành cho trẻ nhỏ. Các loại thuốc trị cảm cúm thông thường như tiffy,..
1.4 Nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý có giá thành rẻ nhưng mang tới nhiều công dụng tuyệt vời. Chẳng hạn như khi ra ngoài bụi bặm, bạn có thể vệ sinh mắt, mũi. Hơn nữa, dùng nước muối sinh lý để súc miệng mỗi tối trước khi ngủ hay khi bị đau răng sẽ thấy hiệu quả bất ngờ. Đặc biệt trong thời buổi dịch bệnh ngày nay, việc sát khuẩn mắt, mũi, miệng hàng ngày với nước muối được các bác sĩ khuyến nghị thực hiện hành ngày để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn này.
1.5 Miếng dán salonpas
Trong sinh hoạt hàng ngày sẽ có những lúc chúng ta bị đau các vùng cơ bắp, cứng vai, đau lưng dạng nhẹ, các vết bầm tím, bong gân hay bị viêm khớp….Những lúc như vậy, miếng salonpas rất có hiệu quả để giảm đau các vùng trên. Thêm nữa, khi bạn bị đau đầu có thể cắt thành 2 miếng nhỏ và dán lên thái dương thì cơn đau sẽ giảm đi đáng kể.
1.6 Thuốc sát trùng
Những bất cẩn khiến sứt sát là điều không ai mong muốn nhưng cũng khó tránh khỏi hoàn toàn. Do vậy, hãy dự trữ trong tủ thuốc gia đình mình những loại thuốc sát trùng để tránh nhiễm trùng vết thương. Một số loại thuốc sát trùng nên có như Oxi già, cồn etanol 70 độ dùng để rửa các vết thương mới, vết thương ngoài da.
1.7 Các loại thuốc da liễu
Trường hợp bị bỏng, bị dị ứng, mẩn ngứa, nổi mề đay cấp tính hay chống muỗi cũng cần có thuốc trị kịp thời. Bạn có thể ra hiệu thuốc để mua về loại thuốc tương ứng để ở trong tủ thuốc gia đình.
2. Các loại thuốc cần có cho bé
Với những gia đình có trẻ nhỏ, việc chuẩn bị sẵn những loại thuốc thiết yếu và thường dùng cho bé là điều rất quan trọng. Dưới đây là danh sách thuốc cho bé mà ba mẹ cần chuẩn bị trong tủ thuốc gia đình mình, gồm:
– Thuốc hạ sốt: Trẻ sốt từ 38 độ trở lên và tùy theo độ tuổi thì ba mẹ nên cân nhắc lượng thuốc hạ sốt cho bé. Thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ nhỏ hiện nay là paracetamol với 4 dạng bào chế là viên nén, sủi hoà tan trong nước, dạng bột và thuốc dạng đặt (đặt ở hậu môn). Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi nên dùng dạng hòa tan trong nước.
– Nước muối sinh lý (NACL 9%): Nước muối sinh lý dùng cho trẻ nhỏ nên là dạng NACL 9% để nhỏ mắt, nhỏ mũi hay sát khuẩn vết thương nhẹ ngoài gia cho bé.
– Thuốc chống hăm cho bé: Trẻ thường xuyên phải mặc tã bỉm nên rất dễ bị hăm mông. Thêm nữa, những vùng trẻ cùng dễ bị hăm gồm cổ, nách, bẹn…Vậy nên, ba mẹ cần có sẵn kem chống hăm trong tủ thuốc gia đình. Loại thuốc hăm được nhiều gia đình an tâm lựa chọn hiện nay có thể nhắc đến kem trị hăm Bepanthen.
– Panthenol – thuốc sơ cứu khi bị bỏng: Không ai muốn con mình bị bỏng nhưng nếu trường hợp đó xảy ra thì ba mẹ cần kịp thời xử lý, thoa thuốc để tránh nhiễm trùng.Khi bị bỏng hãy xả/chườm nước lạnh vào vết bỏng từ 5 – 7 phút, sau đó thoa lên vết bỏng lớp thuốc panthenol để kháng viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Thuốc tiêu chảy: Bạn hãy mua sẵn gói thuốc Hidrasec 10mg hay 30mg (thành phần chủ yếu là racecadotril) để phòng trường hợp bé tiêu chảy.
– Thuốc ho: các loại thuốc ho dạng siro như Astex hoặc pectol.
3. Các vật dụng y tế cần có trong tủ thuốc gia đình
Các vật dụng y tế góp phần giúp bạn chẩn đoán hoặc điều trị chính xác hơn. Vậy trong tủ thuốc gia đình nên có những vật dụng cơ bản nào?
3.1 Cặp nhiệt độ
Cặp nhiệt độ giúp đưa ra số đo chuẩn xác với những người có biểu hiện ốm, sốt. Đặc biệt với trẻ nhỏ, việc đo nhiệt độ chính xác sẽ giúp ích cho quá trình dùng thuốc hạ sốt vì từng độ tuổi sẽ có mức nhiệt được uống thuốc khác nhau. Ví dụ như trẻ dưới 3 tháng được khuyến nghị nên uống thuốc khi trên 38 độ C với lượng thuốc theo cân nặng. Hiện nay, có 2 dạng cặp nhiệt độ là nhiệt kế và máy đo nhiệt độ. Gia đình có trẻ nhỏ nên dùng dạng máy để nhanh chóng và tiện lợi hơn.
3.2 Máy đo huyết áp
Với những gia đình có người già, người mắc bệnh huyết áp hay tim mạch, việc dùng máy đo huyết áp sẽ giúp bạn kiểm tra và theo dõi tần số huyết áp, nhịp tim. Đây cũng là một thiết bị hữu ích nên có trong tủ thuốc gia đình.
3.3 Băng gạc y tế, bông, băng keo
Băng gạc y tế, bông và băng keo là những vật dụng dùng để băng bó, che vết thương hở, tránh gây nhiễm trùng.
3.4 Kéo y tế
Một chiếc chuyên dụng để cắt băng gạc, băng kéo sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Các gia đình cần tránh sử dụng kéo trong nhà bếp vì có thể gây nhiễm khuẩn cho vết thương hở.
3.5 Túi chườm nóng/lạnh
Túi chườm giúp hạ sốt, giảm sưng do chấn thương, giảm đau ở vị trí chấn thương hoặc giảm đau trong những ngày “đèn đỏ” của phụ nữ.
4. Lưu ý khi lắp đặt tủ thuốc gia đình
Việc bảo quản, lưu trữ trong tủ thuốc gia đình một cách khoa học có thể tránh các rủi ro cũng như giúp thuốc không bị hỏng. Nếu nhà có tủ thuốc gia đình hoặc đang có ý định lắp tủ thuốc gia đình, bạn cần lưu ý:
– Lựa chọn vị trí đặt tủ thuốc phù hợp: Hãy chọn nơi trên cao, xa tầm với trẻ em. Lưu ý cần đặt tủ thuốc gia đình cần phải có nhiệt độ mát mẻ, khô ráo, không có ánh sáng chiếu vào. Ngoài ra, nên đặt ở nơi dễ lấy, không để tủ thuốc trong nhà kho hoặc các vị trí quá khó tiếp cận để dễ dàng lấy thuốc trong trường hợp khẩn cấp
– Nên có chốt khóa: Nếu nhà có trẻ nhỏ thì nên lắp đặt khóa để bé không quậy phá.
– Thường xuyên kiểm tra: Kiểm tra tủ thuốc gia đình thường xuyên khoảng 1-2 tháng để bỏ những loại thuốc đã hết hạn và bổ sung những thuốc sắp hoặc đã hết. Nếu thuốc vẫn còn hạn nhưng đã mở ra sử dụng thì nên bỏ đi sau 6 tháng lưu trữ.
– Sắp xếp thuốc khoa học: Bên trong tủ thuốc gia đình nên được chia làm nhiều khu vực khác nhau như khu vực riêng cho thuốc trẻ em, khu vực riêng cho các loại thuốc điều trị bệnh cần dùng hằng ngày,… Ngoài ra, cần thường xuyên sắp xếp lại vị trí từng loại thuốc sao cho phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Tủ thuốc gia đình là một trong những vật dụng cơ bản nên có trong mỗi gia đình nhỏ. Thỉnh thoảng bạn nên lưu ý tới lượng thuốc trong tủ để “tiếp tế” kịp thời nhé! Chúc bạn và gia đình luôn có thật nhiều sức khỏe.