Mẹ&Con – Dù ở độ tuổi nào thì khả năng tập trung đều rất cần cho trẻ. Tám cách dưới đây sẽ giúp khả năng tập trung của bé yêu nhà bạn tốt hơn đấy.

Cách giúp bé tập trung. Bắt đầu đi học, dù là học mẫu giáo hay vào cấp 1, khả năng tập trung vẫn là một đòi hỏi quan trọng với bé. Nếu bé biết cách tập trung tốt, bé sẽ nhanh chóng học được những điều mới mẻ, được cô giáo khen ngợi, hoàn tất nhanh những “nhiệm vụ” được giao.

Ngược lại, bé sẽ rất lúng túng khi không theo kịp bài, lại bị cô thường xuyên la rầy, nhắc nhở. Làm cách nào giúp con rèn luyện khả năng quan trọng này? Mẹ có thể làm được đấy!

1. Cho trẻ ngủ đủ giấc

Có thể bạn sẽ rất bất ngờ khi biết yếu tố đầu tiên để hình thành khả năng tập trung lại là một việc tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì. Nhưng bạn cứ thử một đêm không ngủ đủ giấc, ngày hôm sau hiệu quả công việc giảm sút, bạn sẽ hiểu ngay tại sao ngủ đủ lại là yếu tố quan trọng đầu tiên để rèn luyện cho bé khả năng tập trung.

Không ngủ đủ giấc khiến khả năng tập trung của bé kém đi nhiều so với khi được ngủ đẫy giấc. Trẻ cần ngủ 8 tiếng mỗi đêm, bắt đầu vào lúc 9 giờ tối. Buổi trưa, bé cũng cần ngủ nhưng chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ.

8 cach giup be tap trung

(Ảnh minh họa)

2. Chơi trò chơi

Trẻ em rất hiếu động, dễ bị xao nhãng bởi những yếu tố ngoại cảnh xung quanh. Để rèn khả năng tập trung cho con, bạn nên bắt đầu từ chuyện đơn giản nhất là chuyện chơi.

Bên cạnh những trò chơi vận động, cho phép bé chạy nhảy thoải mái, từ khoảng 3 tuổi trở đi, bạn nên cho bé làm quen dần với những trò chơi buộc phải ngồi im ít nhất 15 – 30 phút.

Ví dụ như xâu hạt cườm (chọn hạt to để an toàn cho bé), xếp các khối chồng lên nhau, xếp các mảnh ghép thành hình, xây lâu đài cát, vẽ, tô màu, v.v.. Ban đầu sẽ rất khó khăn nhưng dần dần bé sẽ quen và kéo dài được thời gian chơi những trò cần tập trung này.

3. Tạo không gian yên tĩnh trong nhà 

Sống trong môi trường ồn ào khiến trẻ dễ bị kích động, khó hình thành được khả năng tập trung tốt. Do đó, bạn nên cố gắng giữ cho không gian trong nhà yên tĩnh. Với những bé từ 5 tuổi trở lên, tạo cho con góc học tập riêng là điều cần thiết. Nó phải gọn gàng, không có đồ chơi gây xao nhãng xung quanh.

Bạn cần tập cho con làm quen với việc sinh hoạt vào những giờ nhất định, như giờ nào học, giờ nào ăn, giờ nào tắm, v.v.. Đặc biệt, với những bé đã bước chân vào lớp một càng cần học cách tập trung hơn. Hạn chế tối đa việc sai vặt, gọi bé ra ngoài ăn uống, v.v. trong lúc bé đang tự học.

8 cach giup be tap trung1

(Ảnh minh họa)

4. Cho bé tập “thiền”

Nghe thật lạ nhưng nó chính là cách giúp bé tập trung theo phương pháp của một tiến sĩ y khoa người Ý. Bạn hãy tổ chức một buổi “ngồi thiền” cho gia đình, có bé cùng tham gia. Mọi người ngồi thành vòng tròn, xếp bằng, nhắm mắt lại và thở đều khoảng 10 lần, tập trung lắng nghe âm thanh xung quanh (không được nói).

Sau khoảng vài phút, mọi người mở mắt và kể xem đã nghe được những gì. Qua mỗi tuần, bạn có thể tăng dần thời gian lên một chút và kiên trì làm đều đặn hàng ngày.

Trò chơi này áp dụng trong nhà hoặc ngoài trời đều được. Bạn nhớ đừng quên động viên, khen ngợi trẻ nhé. Có những trẻ chỉ 6 – 7 tuổi, sau một thời gian được mẹ tập cho cách này, đã có thể yên tĩnh “ngồi thiền” hệt như người lớn đến khoảng 30 phút.

5. Vận dụng nhiều giác quan

Nhiều mẹ ngạc nhiên thấy trẻ hàng xóm chỉ mất 5 phút đồng hồ để thuộc lòng một đoạn thơ, còn con mình thì học 30 phút vẫn vấp tới vấp lui.

Bạn nên biết một điều thú vị rằng, nếu trẻ chỉ nhìn bằng mắt, khả năng tập trung và ghi nhớ sẽ không cao. Ngược lại, nếu trẻ vừa nhìn vào sách, vừa nghe âm thanh và đọc theo mẹ thì kết quả sẽ tốt hơn nhiều.

Chưa kể, nếu được cảm nhận bằng sự tương tác/ trải nghiệm thực tế, ví dụ học về con gà thì bé được nhìn thấy con gà sống, khả năng tập trung chú ý, ghi nhớ sự vật của bé sẽ tăng lên rất nhiều lần. Bạn cũng nhớ đặt câu hỏi về sự vật đó sẽ giúp bé hứng thú, học tốt hơn.

6. Tận dụng tối đa tính hiếu kỳ của trẻ

Bản tính của một đứa trẻ vốn dĩ rất hiếu kỳ, tò mò với những điều mới mẻ. Bạn có thể thấy trẻ ngồi rất ngoan trong khoảng 5 – 10 phút ngắm một chiếc ô tô đồ chơi chuyển động, một chú gà con, một con sâu di chuyển trên lá cây, v.v..

Hãy nắm bắt đặc điểm này để giúp bé luyện khả năng tập trung, nhất là ở những trẻ còn quá nhỏ (3 – 4 tuổi). Với trẻ lớn hơn, bạn cũng có thể biến những thứ bạn cần bé quan tâm chú ý thành những thứ gây tò mò.

Ví dụ, bạn cầm vài trái táo ra và chơi trò “làm toán” với bé, chắc chắn bé sẽ thích thú “học bài” với dụng cụ học tập sinh động này hơn là dán mắt vào cuốn sách và con số.

8 cach giup be tap trung2

(Ảnh minh họa)

7. Rèn luyện thông qua cuộc sống hàng ngày

Có rất nhiều cách để bạn giúp bé tăng khả năng tập trung từ những hoạt động hàng ngày. Ví dụ, khi bày mâm cơm, bạn có thể đố con: “Con đếm xem có bao nhiêu cái chén?”, “Hôm nay có món ăn gì mới?”. Lúc dọn dẹp nhà, hỏi bé xem: “Đố con cây chổi mẹ cất ở đâu?”, “Mẹ đã thay đổi cái gì trong phòng con?”.

Từ những chi tiết nhỏ đó sẽ giúp bé rèn luyện trí nhớ, nâng cao khả năng quan sát, tập trung vào mục tiêu cần tìm hiểu của mình. Nếu được bạn rèn bằng cách này, khi bắt đầu đi học, bé sẽ chú ý tốt hơn những gì cô giáo dạy, ít cảm thấy “khó khăn” với những “nhiệm vụ” đòi hỏi phải nhìn, quan sát, ghi nhớ.

8. Không để bé gắng sức

Khi trẻ vào cấp 1, nếu thấy kết quả học tập của con không được tốt, nhiều mẹ chọn cách ép con học thêm như cách tốt nhất. Nhưng ngược với mong muốn của mẹ, càng “ép” bé càng có dấu hiệu lơ đãng, mất rất nhiều thời gian chỉ để thuộc một đoạn thơ ngắn hay làm xong một vài phép toán.

Thật ra, sự gắng sức này chỉ làm giảm sút khả năng tập trung của trẻ mà thôi, chứ không giúp đạt kết quả tốt hơn. Nên cố gắng duy trì một thời khóa biểu cân đối để bé có giờ học, giờ chơi phù hợp.

Bạn sẽ thấy trong trạng thái cân bằng về sức khỏe, không chịu áp lực từ bài vở ở trường hay đòi hỏi của bố mẹ, sức tập trung của bé và kết quả những việc bé làm sẽ tốt hơn nhiều.

Ở độ tuổi từ 7 đến 9, khả năng tập trung của trẻ có bước đột phá do sự phát triển không ngừng của não bộ. Trí nhớ ngắn hạn và các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ đã tốt hơn rất nhiều ở độ tuổi này, giúp bé có thể nhớ lại cũng như sắp xếp từng bước phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bạn sẽ khá khó khăn khi đòi hỏi điều này ở một đứa trẻ dưới 5 tuổi.

Tags:

Bài viết liên quan