Các chương trình giảng dạy của nhà trường hiện nay đã đề cập tới giáo dục giới tính. Tuy nhiên, vẫn cần sự hợp sức của phụ huynh và giáo viên để định hướng vấn đề này cho con cái, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Việc chủ động tìm hiểu kiến thức giáo dục sức khỏe giới tính dưới sự hướng dẫn của bố mẹ sẽ giúp bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về tình dục an toàn. Dưới đây là một số thông tin về giới tính và tình dục mà trẻ vị thành niên nên biết.
1. Suy nghĩ đúng về tình dục
Nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng quan hệ tình dục chỉ xảy ra khi cho dương vật vào âm đạo. Tuy nhiên, thực tế quan hệ tình dục còn có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:
- Quan hệ tình dục bằng miệng
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
- Kích thích bộ phận sinh dục đối phương bằng tay
- Quan hệ ngoài (Tình dục không xâm nhập)
- Thủ dâm (hành vi tự kích thích vào bộ phận sinh dục của mình để thỏa mãn nhu cầu sinh lý)
Hướng dẫn cho trẻ về các hình thức khác nhau của quan hệ tình dục khi giáo dục giới tính sẽ giúp trẻ nhận diện được những hành vi xâm hại. Từ đó có cách phòng tránh và đối phó nếu gặp phải.
Ngoài ra, mọi sự bắt ép, đe dọa để thực hiện các hoạt động trên đều xuất phát từ mối quan hệ không lành mạnh, thậm chí là nguy hiểm. Trong quá trình giáo dục giới tính cho con, mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ một số kỹ năng và bản lĩnh để thoát khỏi các mối quan hệ này.
2. Giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục không giống nhau
Bên cạnh các vấn đề về tình dục, trẻ trong độ tuổi dậy thì cũng bắt đầu có những tò mò về xu hướng tính dục và giới tính của bản thân. Về mặt giải phẫu sinh lý, phần lớn chúng ta công nhận hai giới tính là nam và nữ. Tuy nhiên, việc xác định giới tính của một người không đơn giản như vậy.
Giới tính sinh học
Giới tính sinh học (Biological sex) là qua những đặc điểm sinh học như bộ phận sinh dục, nhiễm sắc thể hay cơ quan sinh sản bên trong cơ thể. Thông thường, giới tính sinh học sẽ được xác định thông qua các yếu tố sinh học như giải phẫu, nội tiết tố, nhiễm sắc thể,… Từ đó chúng ta sẽ biết được một người là nam hay nữ.
Tuy nhiên, để việc giáo dục giới tính cho trẻ được rõ ràng và chính xác hơn, mẹ cũng cần lưu ý giới tính sinh học không chỉ có hai giới nam hoặc nữ mà còn có trường hợp liên giới (một người khi sinh ra có cả cơ quan sinh dục của nam và nữ hoặc có cơ quan sinh dục đặc trưng của một giới nhưng nhiễm sắc thể đại diện cho giới còn lại).
Bản dạng giới
Bản dạng giới (Gender Identity) là cảm nhận bên trong của một người về giới tính của mình, là cách bạn nhận thức bản thân thuộc giới tính nào và muốn được xưng hô là anh hay chị. Thông thường, bản dạng giới được hình thành từ những yếu tố về văn hóa, xã hội, môi trường sống và có thể giống hoặc khác với giới tính sinh học.
Những đứa trẻ tuổi vị thành niên có thể bị ảnh hưởng bởi bạn bè, phim ảnh, sách vở,… dẫn đến những nhận định sai lầm về bản dạng giới mà khi giáo dục giới tính cho con, mẹ cần chia sẻ thật kỹ để con có thể hiểu đúng về bản dạng giới của mình.
Xu hướng tính dục
Một trong những điều mà mẹ cần hướng dẫn cho trẻ trong quá trình giáo dục giới tính chính là xu hướng tính dục. Khái niệm xu hướng tính dục sẽ dùng để chỉ sự hấp dẫn về tình cảm hoặc tình dục với người khác.
3. Phân nhóm xu hướng tính dục
Trên thực tế, có đến 46 thuật ngữ dùng để chỉ các xu hướng tính dục nhưng về cơ bản, xu hướng tính dục được chia làm 3 nhóm:
- Dị tính (Heterosexual): Có cảm xúc và tình cảm với người có giới tính khác mình.
- Lưỡng tính (Bisexual): Có cảm xúc và tình cảm với cả 2 giới nam và nữ.
- Đồng tính (Homosexual): Có tình cảm và cảm xúc với những người có giới tính giống mình.
Xu hướng tính dục dần trở nên rõ ràng hơn ở tuổi vị thành niên. Khi giáo dục giới tính cho con, mẹ cần nhấn mạnh việc xu hướng tình dục có thể xuất hiện một cách rõ rệt kể cả khi trẻ chưa có kinh nghiệm về tình dục và không có gì đáng xấu hổ về việc này.
Ở độ tuổi này, nhiều bạn trẻ sẽ tự hỏi liệu mình thuộc về xu hướng tính dục nào. Đây cũng là thời điểm mở ra những tò mò, khám phá sự hấp dẫn về giới tính và tình dục. Do đó, có thể trẻ sẽ có những tưởng tượng hoặc tò mò về người cùng giới và cho rằng thuộc giới tính thứ 3.
4. Người ở tuổi vị thành niên có nên quan hệ tình dục không?
Khi giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là có nên quan hệ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cụ thể ở đây là lứa tuổi vị thành niên. Mẹ nên chia sẻ cùng trẻ rằng:
Việc quyết định xem bản thân đã sẵn sàng quan hệ tình dục hay chưa là quyết định quan trọng mang tính cá nhân. Tức là mọi trách nhiệm và rủi ro (như mang thai hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục) sẽ do trẻ gánh vác và chịu trách nhiệm đầu tiên.
Do đó, trước khi quyết định về việc này, trẻ cần xem xét nhiều yếu tố bao gồm:
- Giá trị của bản thân
- Việc học tập ở trường và mục tiêu nghề nghiệp
- Con thực sự muốn quan hệ hay bị người khác bắt ép?
- Con có đủ sức chịu đựng rủi ro về thể chất và tinh thần nếu chúng xảy ra sau khi quan hệ hay không?
Cần nhớ rằng quan hệ tình dục khi chưa sẵn sàng, quan hệ tình dục với người mà con không tin tưởng hoặc tôn trọng rất dễ tác động xấu đến tâm lý và thể chất của chính con.
Quan hệ tình dục không phải là cách duy nhất để duy trì một mối quan hệ tình cảm. Khi còn đang ngồi ghế nhà trường, có rất nhiều cách thể hiện tình cảm khác nhau như trò chuyện thân mật, đi dạo cùng nhau, nắm tay, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập hoặc cùng nhau tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội…
5. Không có ham muốn quan hệ tình dục có phải là bệnh?
Khi tìm hiểu kiến thức về giáo dục giới tính, bạn trẻ sẽ nhận thấy rằng mỗi người có ham muốn tình dục khác nhau và trong một số trường hợp, con có thể không có ham muốn với chuyện chăn gối. Mẹ nên trấn an con rằng không có gì đáng lo nếu con không hứng thú hay ham muốn quan hệ ở tuổi vị thành niên.
Ham muốn này bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như:
- Căng thẳng
- Yếu tố về hormone
- Kinh nghiệm sống
- Bệnh lý
- Mức độ thoải mái của bạn trong mối quan hệ
- Tính cách của bạn (bạn là người cẩn trọng hay người tự do, phóng khoáng, khép mình…)
- Mức độ thu hút của đối phương đối với bạn
6. Kiến thức về an toàn tình dục mẹ cần hướng dẫn cho trẻ
6.1 Giáo dục giới tính: Các biện pháp tránh thai
Giáo dục về các biện pháp tránh thai là một trong những kiến thức giáo dục giới tính quan trọng cho trẻ đang tuổi dậy thì. Sử dụng bao cao su là biện pháp tránh thai phổ biến nhất. Đừng ngần ngại mua chúng tại các hiệu thuốc, cửa hàng bao cao su, cửa hàng tiện lợi hoặc trên internet nhé!
Khi chọn mua bao cao su, cần lưu ý những yếu tố sau:
- Kiểm tra bao bì sản phẩm, nhãn mác, hạn sử dụng cẩn thận
- Chọn mua sản phẩm của những nhãn hàng uy tín
- Chọn mua loại bao cao su phù hợp với kích thước “cậu nhỏ”
Ngoài ra, cũng có nhiều hình thức ngừa thai khác như thuốc viên tránh thai, thuốc tiêm, que cấy, đặt vòng, miếng dán tránh thai, phim tránh thai… Một số phương pháp sẽ cần được thực hiện tại các cơ sở y tế dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
6.2 Giáo dục giới tính: Các bệnh lây qua đường tình dục
Bệnh lây qua đường tình dục có thể là do vi khuẩn, ký sinh trùng và virus. Một số bệnh có thể chữa được và không gây nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những bệnh có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có tỷ lệ người mắc cao nhất hiện nay là:
- Lậu
- Giang mai
- Viêm âm đạo
- HIV
- Herpes sinh dục
- Sùi mào gà
- Viêm gan siêu vi B
- Chlamydia
Để giảm nguy cơ mắc phải các bệnh này, hãy sử dụng bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ tình dục. Người thực sự quan tâm con, yêu con sẽ mong muốn bạn được an toàn. Tức là họ tôn trọng ý muốn của con về việc có quan hệ tình dục hay không và sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe tình dục cho bạn.
Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là việc vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi mạng xã hội và internet phát triển quá nhanh thì trẻ càng dễ tiếp cận với những nguồn xấu, làm sai lệch về kiến thức giới tính và tình dục. Do vậy, ba mẹ hãy chủ động cùng con trò chuyện về vấn đề này nhé!