Chắc hẳn thuốc tẩy giun đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Cùng Mẹ và Con ghi nhớ những lưu ý khi dùng thuốc xổ giun sau đây để phát huy hiệu quả nhất nhé!
Thuốc xổ giun bao gồm những loại nào?
Thuốc xổ giun là những loại thuốc có thể tiêu diệt các loại giun ký sinh trong đường ruột bằng cách ngăn tổng hợp các nguồn dinh dưỡng cho giun. Từ đó các loại giun sẽ chết hay tê liệt và cơ thể sẽ dễ dàng đào thải giun qua phân.
Hiện nay các bạn có thể dễ dàng tìm mua được nhiều loại thuốc xổ giun tại nhà thuốc. Tuy nhiên loại phổ biến nhất có thể kể đến là:
- Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở trong ruột, bao gồm: mebendazole, albendazole, thiabendazole, pyrantel có tác dụng loại bỏ hầu hết các loại giun thông thường như: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun mỏ, giun đũa, thậm chí cả sán dây
- Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở ngoài ruột: Nếu ivermectin có hiệu quả loại bỏ giun lươn, giun chỉ cao thì diethylcarbamazin sẽ là lựa chọn hàng đầu để điều trị giun chỉ bạch huyết
Vì sao nên dùng thuốc tẩy giun?
Uống thuốc xổ giun đúng cách, định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng/lần) là cách đơn giản và hữu hiệu để phòng tránh các bệnh về hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe đường ruột, tạo cảm giác ngon miệng, giúp cơ thể hấp thu tốt các dưỡng chất thiết yếu, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn.
Những đối tượng nên tẩy giun
Trên thực tế cả người lớn và trẻ nhỏ đều có khả năng bị nhiễm giun thông qua sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt là trẻ nhỏ thường là đối tượng dễ bị nhiễm giun hơn. Do tính cách vô tư chưa có ý thức về việc vệ sinh cá nhân hay giữ vệ sinh cho cơ thể nên khi sinh hoạt tập thể trong gia đình, trường học, nhà trẻ… rất dễ bị nhiễm giun đặc biệt là giun kim.
Bên cạnh đó trẻ dễ nhiễm giun móc, giun đũa, giun tóc khi sống ở môi trường có nguồn nước bẩn, điều kiện môi trường kém cộng với thói quen đi chân trần trên đất.
*Đặc biệt những trẻ thường xuyên mút đầu ngón tay thì càng nên dùng thuốc tẩy giun định kỳ. Vì tay chính là vị trí dễ trở thành trung gian để truyền giun vào cơ thể.
Dấu hiệu cho thấy nên tẩy giun
Tẩy giun nên thực hiện định kỳ, tuy nhiên nếu bạn quan sát thấy bản thân, người thân. Đặc biệt là trẻ nhỏ có những biểu hiện sau đây thì nên nghĩ đến việc tẩy giun ngay:
- Thường xuyên xảy ra các cơn đau bụng, tập trung nhiều ở vùng quanh rốn, đi ngoài có phân lỏng hay đặc hơn bình thường
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao hay bỏ bữa, sụt cân…
- Giấc ngủ bị đảo lộn, hay quấy khóc ngủ không sâu. Bụng căng cứng, to hơn bình thường. Triệu chứng đặc biệt nhất của nhiễm giun kim là ngứa hậu môn
- Bên cạnh đó, nhiều trường hợp ấu trùng giun di chuyển vào phổi nên dễ dẫn đến các triệu chứng như: khò khè, đau tức ngực, khó thở… lúc này người nhiễm giun thường dễ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh viêm phổi
Uống thuốc tẩy giun đúng cách
Khi bị nhiễm giun nên tẩy giun định kỳ. Đối với người lớn và trẻ trên 2 tuổi nên tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm (6 tháng/ lần). Đối với trẻ dưới 2 tuổi nếu bố mẹ nghi ngờ trẻ đang bị nhiễm giun thì nên đến cơ sở y tế để thăm khám và tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bố mẹ nên chọn những dòng thuốc xổ giun có 1 trong 2 hoạt chất là Albendazol hoặc Mebendazol. Vì chúng có phổ tính rộng nên có thể tẩy được nhiều loại giun. Bên cạnh đó, đây là thuốc không kê đơn nên bạn có thể dễ dàng mua tại các nhà thuốc.
Hiện nay các loại thuốc tẩy giun đã hiện đại hơn nên bạn không cần phải để bụng đói để thu hút giun “ăn” thuốc như những dòng thuốc cũ. Vì vậy bạn có thể dùng thuốc vào bất kỳ thời điểm nào tiện cho bạn. Tuy nhiên thời điểm tốt nhất là sáng sớm hay bạn có thể dùng thuốc sau bữa tối khoảng 2 tiếng.
Sau khi dùng thuốc 1 ngày, các bạn nên theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nổi mề đay, đau đầu… thì rất có thể bạn đã bị dị ứng với một thành phần trong thuốc. Thông thường các dấu hiệu dị ứng nhẹ này sẽ giảm dần theo thời gian khi bạn nghỉ ngơi. Tuy nhiên nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng mạnh như: lã người, mệt mỏi, sốt cao, nôn nhiều… bạn nên mang theo vỏ thuốc đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.
Những đối tượng không nên dùng thuốc tẩy giun
Thuốc xổ giun mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng dùng thuốc xổ giun được. Sau đây là những đối tượng không nên dùng thuốc xổ giun:
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Đây là giai đoạn mà hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện nên dễ gặp nhiều tác dụng phụ khi dùng thuốc xổ giun
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu: Phụ nữ mang thai đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ chưa ổn định, nếu dùng thuốc xổ giun không đúng cách rất dễ sảy thai hay dị dạng thai nhi
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc tẩy giun có thể bị đào thải qua đường sữa mẹ, dẫn đến tình trạng trẻ hấp thu các thành phần từ thuốc một cách gián tiếp. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải uống thuốc xổ giun thì mẹ nên ngưng cho con bú từ 2 – 3 ngày để thuốc có thời gian đào thải ra hết khỏi cơ thể
- Người bị suy gan, suy thận, hen suyễn, người đang mắc bệnh cấp tính, sốt trên 38,5 ०C: Những tác dụng phụ thường gặp của thuốc xổ giun sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh
- Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc
Lưu ý khi tẩy giun để tránh nhiễm giun chéo và tái nhiễm
- Việc tẩy giun định kỳ sẽ giúp cơ thể giảm lượng giun trong đường ruột. Tuy nhiên, giun rất dễ nhiễm chéo. Vì vậy, nên tẩy giun một lần cả nhà để tránh tình trạng nhiễm giun chéo
- Để tránh tái nhiễm giun bạn nên giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, làm sạch môi trường sống, diệt ruồi, muỗi, gián trong khu vực sinh sống thường xuyên, dùng thức ăn sạch, nấu chín kỹ, rửa tay trước mỗi lần dùng bữa
Tẩy giun là một trong những biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình. Vì vậy, bố mẹ hãy ghi nhớ và đánh dấu lại mốc thời gian dùng thuốc tẩy giun của cả nhà nhé! Mẹ và Con chúc gia đình bạn nhiều sức khỏe.