Mẹ và Con - Không phải lúc nào sự nhường nhịn cũng được xuất phát từ mong muốn của trẻ. Đôi khi việc nhường nhịn cũng không mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, vì con cũng cần bảo vệ được quyền lợi và sự tôn trọng của mình. Vậy cha mẹ nên làm gì để giúp con hiểu được khi nào cần nhường nhịn, khi nào cần tranh giành đúng cách?

Nếu như trẻ nhường nhịn chỉ vì để được mọi người khen ngợi hoặc được răn đe từ nhỏ rằng phải ngoan ngoãn, không được tranh giành, điều này sẽ khiến con không có được niềm vui chia sẻ thật sự. Nghiêm trọng hơn, việc nhường nhịn xuất phát từ tâm lý không thoải mái sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của trẻ trong các mối quan hệ và có xu hướng không thích cố gắng.

Dạy trẻ biết nhường nhịn không phải lúc nào cũng tốt. Bởi đôi khi trẻ cũng cần một chút “tranh giành” để sống thật với cảm xúc của mình. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm cách dạy con như thế nào là phù hợp qua bài viết sau đây nhé!

Ranh giới của nhường nhịn và tranh giành

Theo các chuyên gia tâm lý, có 3 ý nghĩa chung đặc trưng của nhường nhịn và tranh giành như: biết tôn trọng quyền lợi của bản thân, hiểu được nhu cầu của đối phương và tìm ra được thỏa thuận để giải quyết vấn đề, đạt được sự thỏa hiệp bình đẳng.

Việc những đứa trẻ tranh giành với nhau không quá xa lạ với bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, việc trẻ con tranh giành là chúng muốn giữ cho nguyện vọng của bản thân, nhưng quan trọng hơn bạn phải biết cách dạy con làm sao để vẫn có được sự tôn trọng từ đối phương và giữ lại được quyền lợi của trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ cũng cần biết được cảm nhận và tâm trạng của bạn bè/anh/chị/em, con đồng ý trao đi một sự thỏa hiệp nhất định, nhường nhịn một chút lợi ích cá nhân của mình để cả đôi bên đều đạt được sự hài lòng tương đối.

Dạy con tâm lý: Khi nào nên dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành 6

Quá trình từ tranh giành đến nhường nhịn này đều xuất phát từ nội tâm của trẻ. Vì thế, cha mẹ không nhất thiết chỉ dạy trẻ biết nhường nhịn. Bởi mọi thứ đều nên đến từ mong muốn của trẻ, không nên bắt ép con phải nhường nhịn và cho rằng đây là nghĩa vụ của trẻ. Điều này chỉ khiến cho chúng cảm thấy mình bị đối xử thiếu công bằng, dễ nảy sinh những hành vi tiêu cực về sau.

Một đứa trẻ chỉ biết nhường nhịn sẽ không có khả năng đàm phán, không biết cách bảo vệ quyền lợi của bản thân và có thể trở nên nhu nhược, dễ bị ức hiếp. Nếu kéo dài, con có nguy cơ mắc phải các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc… Đồng thời, cũng có một số trẻ có thể bộc phát cơn tức giận “khủng khiếp” do quá trình nhẫn nhịn kéo dài quá lâu, lúc này con đã bị sang chấn tâm lý nặng nề.

Dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành ra sao?

Đầu tiên, để dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành hợp lý, bạn cần tạo cho trẻ nhiều cơ hội có thể bộc lộ và biểu đạt được cảm nhận từ nội tâm của mình. Khi tâm tư và hệ thống cảm giác của trẻ chưa thật sự trưởng thành và hoàn thiện, con không có kinh nghiệm nào quý giá hơn là được trải nghiệm được cảm xúc thật sự của mình. Trẻ cần được nói lên tâm tư tình cảm, cảm nhận của mình về một vấn đề nào đó. Để tốt hơn, cha mẹ có thể cho trẻ được tham gia các hoạt động ngoài trời, các trò chơi vận động, thể dục thể thao, các loại cờ trí tuệ cùng với bạn bè hoặc anh chị em trong gia đình.

Trong quá trình được giao lưu, trẻ sẽ được thoải mái thể hiện các cảm xúc thật sự của mình với mọi người. Điều này rất quan trọng, vì nó được xem như là nguồn “dinh dưỡng” rất cần thiết cho sự trưởng thành về mặt tâm lý của trẻ. Chẳng hạn như trong lúc vui chơi, trẻ có xảy ra những tranh chấp đồ chơi với bạn bè, cha mẹ hãy khoan bảo trẻ nên nhường nhịn chỉ vì giữ “thể diện” cho bản thân, mà hãy bình tĩnh quan sát xem con sẽ xử lý tình huống như thế nào. Thông qua đó, cha mẹ cũng có thể nắm bắt được cá tính, nội tâm cũng như tâm tư nguyện vọng, hoài nghi của trẻ.

Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng, trẻ con thật sự không hẳn là yêu thích một món đồ chơi nào quá mức để có thể giành giật “quyết liệt” với bạn bè, đặc biệt là những đứa trẻ mà chúng thân thiết. Đôi khi chúng chỉ muốn được bộc lộ cá tính và cảm xúc của mình, cũng như được khẳng định “quyền” của mình lên món đồ chơi đó.

Việc tiếp theo mà cha mẹ cần làm sau khi hiểu được cá tính của con đó là hướng dẫn trẻ biết cách suy nghĩ, phán đoán xem có nên nhường nhịn hay không. Hãy thảo luận với con rằng trường hợp này nên xử lý như thế nào? Có nên nhường nhịn hay không? Lý do vì sao nên làm như vậy. Trong quá trình trao đổi cụ thể với trẻ, cha mẹ nên dẫn dắt trẻ nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn và xây dựng cho con lối tư duy biết đâu là “đúng – sai”, “hợp lý – vô lý”…

Dạy con tâm lý: Khi nào nên dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành 7

Để dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành đúng cách, cha mẹ nên hiểu tâm lý của con như thế nào. Trong tâm thức của một đứa trẻ, chúng vẫn nằm ở mức độ xem bản thân là nhân vật trung tâm, vì thế con sẽ thường có xu hướng không quan tâm đến cảm nhận và nhu cầu của người khác. Có thể nói, nếu như người lớn cứ áp lực lên trẻ, bắt con phải nhường nhịn và nói rằng đây là nghĩa vụ mà con phải thực hiện thì sẽ đi ngược lại hầu hết với nguyện vọng của con.

Từ đó, con sẽ dần khép kín hơn, không dám biểu đạt cảm xúc của mình ra bên ngoài, thậm chí là với cha mẹ, và đây giống như bóng đen trong tâm hồn trẻ thơ. Nguy hiểm hơn, trẻ sẽ trở nên nhút nhát, không cố gắng và không dám bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi trưởng thành.

Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có được sự trải nghiệm tất yếu trong việc chia sẻ quyền lợi và hiểu được nghĩa vụ giữa các mối liên hệ với nhau. Thực hiện việc này thông qua những câu chuyện kể hàng ngày hoặc từ những lần cùng trẻ giải quyết những mâu thuẫn thực tế, dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành đúng lúc, đúng cách.

Ví dụ như nếu trẻ cùng với em họ đang tranh giành đồ chơi với nhau, bạn khoan vội bắt con phải nhường đồ chơi cho em mà nên hỏi ý kiến của trẻ rằng “Bây giờ cả nên hãy oẳn tù xì, ai thắng sẽ được chơi trước, cứ 10 phút phải đưa lại cho người kia chơi. Hoặc là cả hai cùng nhau chơi được không?”

Sự nhường nhịn nên xuất phát từ nguyện vọng muốn chia sẻ, sự yêu thương từ tấm lòng của con chứ không nên là một sự áp đặt từ người lớn. Tuy nhiên, bạn vẫn giúp con rèn luyện sự yêu thương, dạy trẻ biết nhường nhịn nhưng vẫn giữ được quyền lợi của bản thân và không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Hãy xây dựng cho con thói quen biết thương lượng, kiểm soát thái độ, tránh khỏi những tranh chấp một cách khôn ngoan. Hướng dẫn con biết cách giải quyết vấn đề làm sao cho thỏa đáng cả đôi bên là một trong những bài học đầu đời quý giá dành cho con, một hành trang mang đầy lợi ích giúp trẻ trưởng thành hơn trong tương lai.

Trên đây là những bí quyết dạy trẻ biết nhường nhịn và tranh giành đúng cách mà Tạp chí Mẹ và Con muốn gửi đến cho bạn. Hy vọng bạn tìm được những phương pháp giáo dục trẻ phù hợp nhất. Chúc bạn áp dụng thành công, bé yêu luôn ngoan ngoãn, hạnh phúc nhé!

Bài viết liên quan