Mẹ và Con sẽ mách bạn bí quyết giúp chăm sóc sức khỏe gia đình thời hiện đại nhé!
Xây dựng lại chế độ dinh dưỡng
Khi nhắc đến sức khỏe nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, đặc biệt là thực đơn vì đây chính là nguồn cung cấp dưỡng chất chính cho cơ thể. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, giới tính, cơ địa… mà mỗi người sẽ có nhu cầu bổ sung dinh dưỡng khác nhau. Nhưng nhìn chung mỗi cơ thể đều cần cung cấp một lượng dưỡng chất như: đạm, chất béo, vitamin, kẽm, sắt, khoáng chất… Mỗi dưỡng chất sẽ mang một chức năng khác nhau giúp cơ thể khỏe mạnh phát triển.
Nhưng đôi khi việc bổ sung các dưỡng chất qua bữa ăn vẫn không đủ cung cấp lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hay do cơ thể bạn hấp thu kém nên bạn thường xuyên không khỏe. Do vậy, các bạn có thể bổ sung bằng các viên uống chứa dưỡng chất. Ví dụ như các thành viên trong gia đình bạn có người trong giai đoạn tuổi dậy thì, mang thai, người mới khỏi bệnh… thường sẽ thiếu sắt nên việc sản xuất máu có phần kém hơn người bình thường. Bạn có thể bổ sung thêm các viên uống chứa sắt khi đã được bác sĩ thông qua.
Bên cạnh xây dựng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, để chăm sóc sức khỏe gia đình thật tốt bạn cần chú ý đến thời gian ăn đủ buổi theo đồng hồ sinh học của bạn để việc trao đổi chất tốt hơn. Vào những khoảng thời gian không phải là bữa chính mà các bạn cảm thấy đói bụng thì có thể chọn một vài loại trái cây hay ăn nhẹ bằng các hạt dinh dưỡng…
Uống “ĐỦ” và “ĐÚNG” lượng nước mỗi ngày
Cơ thể chúng ta hơn 70% là nước chính vì vậy khi nhắc đến chăm sóc sức khỏe thì không thể bỏ qua việc uống đủ và đúng lượng nước mỗi ngày. Nước hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra tốt hơn, giúp thải độc tố thông qua hệ bài tiết (mồ hôi và nước tiểu), giúp da săn mịn, hồng hào, móng tay chắc hơn. Đặc biệt nếu cơ thể thiếu nước có thể gây ra các bệnh liên quan đến bàng quang, sỏi thận, nhiễm trùng…
Nhưng hiện nay nhiều người đặc biệt là trẻ em đều rất thích uống các loại nước ngọt có gas, nước hương trái cây, trà sữa… hiển nhiên những loại đồ uống này không thể thay thế nước hàng ngày được vì chúng chứa rất nhiều đường hóa học không chỉ gây nóng trong mà còn khiến cân nặng tăng mất kiểm soát.
Vì vậy, để chăm sóc sức khỏe thật tốt các bạn nên uống đủ từ 2 lít nước mỗi ngày, bên cạnh đó các bạn cần chia lượng nước ra thành từng ly nhỏ để uống cả ngày.
Vệ sinh nhà cửa
Một cách chăm sóc sức khỏe của gia đình bạn chính là quan tâm hơn đến môi trường sống xung quanh. Bạn không nên xem nhẹ những hạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng… vì đây đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến dị ứng, mẩn ngứa, viêm mũi, hen suyễn. Chính vì vậy các bạn nên chăm vệ sinh nhà cửa hơn, đặc biệt là những nơi thường xuyên bám bụi như: chăn, nệm, sofa, kệ tủ…
Bên cạnh đó các bạn nên trồng thêm nhiều loại cây xanh gần cửa sổ, trong phòng khách nhằm cải thiện chất lượng không khí nhưng một lưu ý quan trọng chính là không được trồng cây xanh trong phòng ngủ đặc biệt là phòng kín, vì ban đêm cây sẽ thải ra khí CO2 ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các bạn.
Thường xuyên rửa tay
Bàn tay là vị trí thường xuyên tiếp xúc với nhiều vật dụng hàng ngày như: điện thoại, bàn phím máy tính, tay nắm cửa, tiền, thẻ ATM… đây đều là những nơi sinh sống của vi khuẩn, virus gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Vì vậy để chăm sóc sức khỏe toàn diện các bạn cần chăm rửa tay bằng xà phòng chuyên dụng hay nước rửa tay khô có chứa cồn nhằm loại bỏ những vi khuẩn có hại, hạn chế các bệnh nguy hiểm. Các chuyên gia thường khuyên chúng ta rửa tay trước khi ăn, khi tiếp xúc với các vị trí chung, sau khi đi vệ sinh. Sau đây là 6 bước rửa tay hiệu quả từ Bộ Y tế:
- Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, thoa xà phòng vào lòng bàn tay, chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu, kẽ ngoài của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay đến cổ tay dưới vòi nước chảy và làm khô tay.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ cũng giống như thời gian chúng ta “sạc” lại cơ thể sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể sinh ra các triệu chứng như: stress, khó chịu, mệt mỏi, bực tức, đau đầu… thiếu ngủ cũng là một trong những tác nhân làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, rối loạn thần kinh, ung thư…
Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, hiệu suất làm việc, mức độ tập trung. Đặc biệt là trẻ em nếu không ngủ đủ giấc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học, dễ căng thẳng và rơi vào trầm cảm.
Chính vì vậy, để chăm sóc sức khỏe thật tốt các bạn nên lên “plan” về giấc ngủ cho các thành viên. Mỗi thành viên cần ngủ đủ ít nhất là 7 tiếng để giúp cơ thể có đủ năng lượng cho các hoạt động thường ngày. Vì vậy đối với các thành viên thường xuyên làm việc ban đêm các bạn đừng vội đánh thức họ vào buổi sáng sớm, nên để họ “nướng” thêm một chút nhằm đảm bảo sức khỏe cho cơ thể.
Tiêm phòng đầy đủ
Mục đích chính của tiêm phòng chính là ngăn ngừa được các bệnh nguy hiểm, nên việc tiêm vắc xin là điều rất cần thiết. Đặc biệt, đối với trẻ em sức đề kháng còn non yếu nên rất dễ mắc các bệnh thường gặp. Bộ Y tế thường khuyến các các gia đình có trẻ nhỏ nên đi tiêm phòng đúng thời hạn, để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các thành viên khác trong gia đình cũng nên được tiêm phòng ở độ tuổi thích hợp để bảo vệ sức khỏe cả nhà.
Khám sức khỏe định kỳ
Nếu muốn chăm sóc sức khỏe gia đình toàn diện các bạn cần chú ý đến việc khám sức khỏe định kỳ cho các thành viên trong gia đình. Việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn chẩn đoán được các bệnh nguy hiểm như: iểu đường, ung thư, suy thận, các bệnh về hệ nội tiết, rối loạn thần kinh, cao huyết áp… Từ việc phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu sẽ giúp việc điều trị dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.
Chuẩn bị cho tủ thuốc gia đình
Thêm một bí quyết giúp bạn chăm sóc sức khỏe của gia đình chính là cần trang bị ngay cho mình một tủ thuốc gia đình nhỏ gọn. Tủ thuốc gia đình sẽ giúp bạn giải quyết được một số vấn đề cấp bách. Vì vậy, mỗi gia đình cần có một tủ thuốc gồm các loại thuốc sau đây:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: đây là loại thuốc thông dụng được bán nhiều dưới dạng không kê đơn.
- Thuốc tiêu hóa: hỗ trợ giải quyết tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
- Thuốc sát trùng: nên trang bị các loại sát trùng phổ biến như: cồn ethanol 70 độ, oxy già, betadine… để rửa vết thương nhỏ.
- Bông, gạc, băng y tế: đây là những dụng cụ cần thiết dùng để xử lý vết thương hiệu quả.
- Thuốc da liễu: Thông thường là các loại thuốc trị bỏng, vết côn trùng cắn.
Ngoài ra bạn còn nên trang bị nhiệt kế, kéo sạch, máy đo huyết áp, nước muối sinh lý… trong tủ thuốc để dùng khi cần thiết.
Sức khỏe là thứ chúng ta không thể mua được bằng tiền, chính vì vậy chúng ta cần học cách chăm sóc sức khỏe càng sớm càng tốt. Trên đây là 8 bí quyết sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc chăm sóc bản thân và các thành viên trong gia đình. Mẹ và Con chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe để thực hiện được ước mơ của mình nhé!