Vậy khi gặp say nắng, say nóng thì nên làm gì? Cách phòng tránh ra sao? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm câu trả lời ngay nhé!
Say nắng, say nóng là gì
Say nóng là tình trạng cơ thể tăng thân nhiệt lên mức cao, chủ yếu là do tác động từ môi trường (nhiệt độ) hoặc cơ thể hoạt động quá mạnh làm tăng nền nhiều trong cơ thể. Mức nhiệt này vượt ngoài khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt khiến chức năng này bị rối loạn và mất kiểm soát.
Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) tình trạng này xảy ra khi thân nhiệt tăng lên một cách nghiêm trọng (trên 40 độ C) kèm với đó là rối loạn các cơ quan như thần kinh (chóng mặt, nhức đầu), hô hấp (nhịp thở gấp, thở nhanh), tuần hoàn (tim đập nhanh)… xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động quá mạnh.
*Say nóng có thể chuyển thành say nắng!
Biểu hiện của say nắng
Như đã nhắc đến ở trên, một điểm giống nhau giữa say nắng và say nóng là tăng thân nhiệt. Chính vì vậy, khi thân nhiệt tăng lên sẽ dẫn đến quá trình thải mồ hôi lúc này cơ thể sẽ mất một lượng nước rất lớn. Khi cơ thể gặp tình trạng này nếu không được xử lý hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng rồi loạn chất điện giải, trụy tim… nguy hiểm nhất chính là gây tử vong.
Say nắng cũng giống như những triệu chứng khác sẽ có những biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Biểu hiện nhẹ thường sẽ tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp và trống ngực tiếp đến sẽ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và nhức đầu. Kế đến tay chân rã rời, khó thở tăng dần, chuột rút… chuyển sang nặng là ngất, trụy tim mạch, hôn mê thậm chí là tử vong nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Cách xử trí khi say nắng ra sao?
Một trong những điều quan trọng nhất chính là thời gian “vàng” để cấp cứu người bị say nắng – 1 giờ sau khi bị say nắng. Nếu được cấp cứu trong khoảng thời gian này thì hiệu quả đạt gần như là 100%.
Vì vậy, nếu người thân, bạn bè hay vô tình gặp người bị say nắng, say nóng các bạn cần thực hiện các bước như sau:
- Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát, …) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ
- Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch
- Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể
- Đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế
- Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt).
- Đắp khăn lạnh hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ
- Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được
- Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.
Các biện pháp phòng chống say nắng
Hiện nay, nhiệt độ cả nước đang tăng cao, các tỉnh tăng cao, có nơi lên đến 40 độ C. Nếu không có những biện pháp phòng tránh khoa học thì rất dễ bị say nắng. Sau đây là những biện pháp phòng tránh hiệu quả:
Uống nước ĐÚNG và ĐỦ
Như đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến say nóng hay say nắng chính là cơ thể mất nước. Vì vậy, bạn nên bổ sung nước đúng và đủ hàng ngày để tránh hiện tượng cơ thể mất nước. Nhưng việc này không đồng nghĩa với bạn phải uống thật nhiều nước cùng một lúc, hay bổ sung nước liên tục khi di chuyển ngoài trời. Sau đây là cách uống nước đúng mỗi ngày giúp ngăn chặn dấu hiệu mất nước cho cơ thể.
- Thức dậy: Uống 1 ly nước (250 ml) giúp cơ thể bạn thải độc sau một giấc ngủ dài
- Bữa sáng: Nhâm nhi 1/2 ly nước với bữa sáng
- Giữa bữa sáng và bữa trưa: Uống ít nhất 1 ly nước
- 30-45 phút trước bữa trưa: Uống 1 ly nước
- Ăn trưa: Nhâm nhi nửa ly nước trong bữa trưa
- Giữa bữa trưa và bữa tối: Uống ít nhất 1-1,5 ly nước
- 30-45 phút trước bữa tối: Uống 1 ly nước
- Bữa tối: Nhâm nhi 1/2 ly nước với bữa tối
- Giữa bữa tối và giờ đi ngủ: Uống ít nhất 1 ly nước.
Thông qua việc uống nước theo thời gian biểu sau đây là các bạn đã uống đủ 2 lít nước mỗi ngày rồi đấy (8 ly, mỗi ly 250ml). Bên cạnh đó, các bạn có thể ăn thêm thực phẩm giàu nước hay uống nhiều hơn một chút, nếu hoạt động nhiều và cảm thấy khát.
Tập thể dục thể thao điều độ
Tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến việc say nắng, nhưng tập luyện thể dục thể thao có thể hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể tốt hơn. Từ đó cơ thể bạn sẽ có khả năng chống chịu, nếu như hoạt động quá mạnh trong điều kiện nắng nóng.
Che chắn cẩn thận
Nếu bắt buộc ra ngoài lúc thời tiết nắng nóng, bạn nên che chắn cơ thể thật kỹ bằng các dạng quần áo rộng nhẹ thoáng mát để cơ thể thoát mồ hôi dễ dàng hơn. Đặc biệt nên che thật kỹ vùng sau gáy, vì đây là vị trí rất nhạy cảm dễ hấp thu nhiệt dẫn đến tình trạng say nắng.
Bên cạnh đó, nếu bạn bắt buộc phải di chuyển ngoài trời nắng thì không nên hoạt động mạnh, tránh tình trạng mất nước cho cơ thể.
Chọn trang phục sáng màu
Đây được xem là yếu tố rất quan trọng giúp phòng tránh say nắng, say nóng mùa cao điểm. Các màu sắc sáng màu sẽ có công dụng phản xạ ánh sáng, hạn chế tình trạng hấp thu nhiệt như các loại trang phục tối màu. Vì vậy, sẽ ngăn ngừa tăng sinh nhiệt trong cơ thể.
Thường xuyên theo dõi thời tiết
Bạn nên theo dõi dự báo thời tiết và cập nhật tình hình nhiệt độ của ngày hôm sau để trang bị những biện pháp phòng ngừa say nắng bên người: dù, nón, nước uống điện giải, áo khoác sáng màu…
Cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi và làm việc
Bạn nên cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay. Thông thường các bạn nên dành thời gian nghỉ như sau:
- Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 – 15 phút.
- Nếu làm ở nơi thoáng mát, các bạn có thể dành 10 phút nghỉ ngơi sau khoảng 3 tiếng làm việc.
Nhiệt độ cả nước đang tăng cao, có những nơi đã đạt đến 40 độ C nên bất kỳ ai cũng có thể gặp tình trạng say nắng, say nóng. Vì vậy, các bạn đừng bỏ qua những thông tin bổ ích trên đây nhé!