Mẹ và Con - Khi bị say nắng, con có thể mệt, choáng váng, mất nhận thức, rơi vào hôn mê và thậm chí là tử vong. Vậy trẻ bị say nắng phải làm sao bây giờ? Và liệu có cách nào để phòng ngừa bé yêu bị say nắng không nhỉ?

Những ngày này, nhiệt độ tại TP.HCM tăng cao, nắng nóng kéo dài, chỉ số UV cao ngất ngưỡng, độ ẩm 40-55%. Với sức đề kháng yếu, trẻ em là đối tượng rất dễ bị say nắng, say nóng khi nhiệt độ có sự thay đổi bất thường như thế. Tạp chí Mẹ và Con mách mẹ một số bí quyết để xử trí và phòng ngừa bé yêu say nắng sau đây, mẹ nhé!

bị say nắng

Các “hệ luỵ” đi kèm trẻ có thể gặp phải khi bị say nắng

Suy kiệt cơ thể, mệt lả người, say nắng… là những vấn đề mà trẻ sẽ gặp phải khi môi trường nóng bức, nhiệt độ cao. Không dừng lại ở đó, trẻ còn có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe như:

Mất nước

Vào những ngày trời nắng, cơ thể trẻ sẽ toát ra nhiều mồ hôi hơn. Nếu lượng nước thoát ra khỏi cơ thể do mồ hôi và nước tiểu nhiều hơn lượng nước trẻ hấp thụ, bé sẽ dễ bị mất nước và để lại nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trẻ em khi bị mất nước ở mức độ thấp (khoảng 2% cân nặng) cũng sẽ bị giảm khả năng điều hòa thân nhiệt, tăng nguy cơ bị say nắng, hoa mắt chóng mặt, không còn tỉnh táo.

Các triệu chứng thường thấy khi trẻ mất nước:

  • Môi khô, khát nước
  • Trẻ đi tiểu ít hoặc không tiểu. Khi đi, nước tiểu cô đặc, sẫm màu
  • Trẻ quấy khóc, khó chịu nhưng khóc không có nước mắt
  • Cơ thể ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi
  • Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: Mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê

Cách xử trí: Nếu trẻ có các biểu hiện cơ thể thiếu nước, mẹ cần lập tức đưa trẻ đến nơi thoáng mát hơn. Sau đó, cho trẻ uống nhiều nước. Lúc này, mẹ ưu tiên cho con uống nước lọc thay vì các loại nước giải khát có ga mẹ nhé!

Chuột rút 

Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, trẻ có thể bị say nắng và sau đó tay chân cứng lại. Đây chính là dấu hiệu con đang bị chuột rút do trẻ vận động quá mức trong thời tiết nóng, nhiệt độ cao, ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối. Lúc này, hàm lượng muối trong cơ thể của bé rất thấp, không thể duy trì ổn định để hỗ trợ các cơ hoạt động tốt khiến các cơ co rút lại và gây đau đớn.

Biểu hiện bị chuột rút: Trẻ cảm thấy đau cơ hay co cứng cơ. Thông thường, trẻ sẽ bị đau ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân.

Cách xử trí:

  • Cho trẻ uống nhiều nước
  • Yêu cầu trẻ ngừng các hoạt động thể lực
  • Đưa trẻ vào nơi có bóng mát, nhiệt độ phù hợp để nghỉ ngơi
  • Không cho trẻ hoạt động thể lực mạnh trong khoảng 3-4 giờ tiếp theo để cơ thể được hồi phục hoàn toàn
  • Ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát
  • Uống nhiều nước
  • Tiếp tục ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vòng vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức hay say nắng

Kiệt sức

Khi con bị say nắng, trẻ sẽ dễ bị kiệt sức và không còn đủ sức để làm bất cứ điều gì. Nếu không xử trí kịp thời, con sẽ có thể rơi vào hôn mê.

Triệu chứng:

  • Da lạnh và toát mồ hôi liên tục, vã mồ hôi như tắm
  • Người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất
  • Mạch nhanh và yếu
  • Thở nhanh và nông

Cách xử trí: Trước tiên, cần giúp trẻ hạ thân nhiệt, cho con uống nước. Sau đó, lau người con bằng khăn mát, cho con mặc quần áo mỏng nhẹ, thoải mái. Đừng quên đưa trẻ đến những nơi có nhiệt độ thấp hơn, nơi có bóng râm thoáng mát để con nghỉ ngơi.

bé bị kiệt sức

Say nắng mức độ nặng

Nếu trời quá nắng nóng, trẻ có thể sốc nhiệt và bị say nắng nghiêm trọng, nhiệt độ lên đến 39,5 độ C. Không xử trí kịp thời, con có thể rơi vào hôn mê, tàn phế vĩnh viễn hoặc rơi vào tử vong.

Biểu hiện:

  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao
  • Đau đầu nhức nhối
  • Mạch đập nhanh và mạnh
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Mê sảng
  • Mất ý thức
  • Da đỏ và khô

Cách xử trí:

  • Khi trẻ có những triệu chứng bị say nắng nghiêm trọng, cần ngay lập tức di chuyển trẻ tới nơi mát mẻ, áp dụng các biện pháp hạ nhiệt cho con như lau người bằng nước mát, dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người…
  • Để chữa say nắng trong trường hợp độ ẩm thấp, hãy bọc trẻ trong một tấm vải ướt rồi dùng quạt để quạt mát trẻ
  • Tiếp tục theo dõi nhiệt độ cho trẻ và làm mát cơ thể đến khi nhiệt độ còn 38,5 hoặc 39 độ C. Nếu nhiệt độ cơ thể bé không giảm, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.

say nắng

Những cách phòng ngừa trẻ say nắng bố mẹ cần biết

Che chắn cho con cẩn thận

Khi con đi học, đi chơi, bố mẹ cần chú ý chuẩn bị mũ, khẩu trang, áo khoác chống nắng hay ô che cho bé. Điều này có thể giảm thiểu nguy cơ bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và khiến trẻ bị say nắng.

Cho con mặc quần áo mỏng nhẹ

Khi nhiệt độ tăng cao, bố mẹ nên chú ý chuẩn bị cho con quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Một số loại vải thích hợp để mặc trong mùa hè có thể kể đến như:

  • Vải bông cotton: Loại vải này làm từ sợi bông tự nhiên 100%, có độ mềm mại cao, phù hợp với làn da nhạy cảm của bé. Vải bông cotton cũng có độ thấm hút nhanh, thoáng mát nên rất thích hợp để mặc trong những ngày trời nắng nóng, giúp trẻ hạn chế bị say nắng.
  • Vải sợi lanh (linen): Đây là một gợi ý hoàn hảo cho những ngày thời tiết oi bức. Vải linen mỏng, thích hợp để may thành những chiếc áo sơ mi kiểu, váy hay đồ ở nhà cho bé.
  • Vải Rayon: Thoáng khí, mềm mịn là ưu điểm của vải Rayon – một loại vải được kết hợp từ vải bông cotton tự nhiên và sợi tổng hợp. Vải Rayon có tính thấm hút mồ hôi tốt, nhiều màu sắc, dễ dàng cho bạn lựa chọn và biến tấu thành trang phục phù hợp với bé yêu.

Bổ sung nước cho con

Để hạn chế trẻ bị say nắng, mất nước hay chuột rút, việc cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể là việc vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc khuyến khích trẻ uống nhiều nước lọc hơn, bố mẹ có thể cấp nước cho con qua những cách khác như cho con ăn nhiều canh, uống các loại nước ép, ăn nhiều trái cây mọng nước…

Ngoài ra, không nên cho trẻ dùng các loại nước có ga bởi các loại nước này chỉ giải khát tạm thời, nhưng lại làm tăng nguy cơ mất nước, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

uống nước

Theo dõi dự báo thời tiết để lên kế hoạch vui chơi cho con

Tùy theo ngày mà nhiệt độ có thể dao động ở các mức cao thấp khác nhau. Vì thế, trước khi lên kế hoạch vui chơi cho con, đặc biệt là cho con ra ngoài chơi, mẹ nên theo dõi dự báo thời tiết xem ngày nào trời nắng nóng để lên kế hoạch phù hợp nhất, phòng ngừa say nắng ở trẻ.

Hạn chế cho trẻ ra đường trong “giờ cao điểm”

Từ 11-14 giờ là thời điểm ánh nắng gay gắt nhất. Vào lúc này, mẹ không nên cho trẻ ra ngoài để tránh bị say nắng. Nếu có việc cần phải ra ngoài như cho trẻ đi học, hãy chống nắng cho bé đúng cách như Tạp chí Mẹ và Con đã chia sẻ ở trên bạn nhé!

Không cho trẻ vận động mạnh/hoạt động ngoài trời quá lâu

Vận động quá nhiều, đặc biệt là tham gia các hoạt động ngoài trời có thể gây kiệt sức, mất nước, khiến cơ thể con kiệt quệ, choáng váng. Vì thế, bố mẹ nên canh thời gian khi cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Tốt nhất chỉ nên cho con chơi trong khoảng 30 phút và vẫn áp dụng các biện pháp che nắng cần thiết cho con.

trẻ bị say nắng

Sắp bước vào mùa hè, thời tiết cũng đã nóng dần lên. Vì thế, mẹ đừng bỏ qua cẩm nang phòng ngừa, xử trí tình huống trẻ bị say nắng để chăm sóc con yêu một cách tốt nhất nhé!

Bài viết liên quan