Thờ cúng tổ tiên
Với truyền thống hướng về cội nguồn, thờ cúng tổ tiên là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đặc biệt là trong những ngày Tết đến. Việc thờ cúng tổ tiên có thể kéo dài từ ngày 30 Tết đến mồng 3 Tết âm lịch. Trong chiều ngày 30 Tết, bé sẽ cùng gia đình sắp dọn bàn thờ tổ tiên như chuẩn bị mâm ngũ quả, xôi nếp, bánh chưng/ bánh tét, nến, chưng đèn, hoa tươi, rượu nếp, bánh trái, các món như thịt gà, thịt heo… Đặc biệt, trong ngày tết mâm ngũ quả còn là đặc trưng không thể thiếu trên bàn thờ cúng. Mâm ngũ quả thường gồm 5 loại trái cây như mãng cầu, trái dừa, trái sung, đu đủ, xoài với ý nghĩa cầu năm mới gia đình sung túc và tiền tài vừa đủ tiêu xài. Tuy nhiên, tùy theo mỗi vùng miền mà các loại trái cây của mâm ngũ quả có đôi chút khác biệt. Sau khi bày cúng ông bà, bé sẽ mặc quần áo chỉnh tề cùng ba mẹ thắp hương, khấn vái trước bàn thờ. Với những gia đình có cội nguồn từ miền quê, bé sẽ được về quê ăn tết cùng cha mẹ, về thăm mồ mả tổ tiên và chúc Tết ông bà.
Mách bé: Bé có thể phụ giúp ba mẹ trong việc chuẩn bị các thứ đồ để cúng ông bà tổ tiên. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của bé. Bé có thể cùng mẹ rửa trái cây, mang hoa, dọn các món cúng lên bàn thờ… Chọn lựa công việc phù hợp, các bé sẽ làm rất tốt việc phụ giúp này đấy.
Nhắc bé: Bàn thờ tổ tiên là khu vực tôn nghiêm trong gia đình nên bé phải thể hiện sự lễ phép, kính trọng. Các bé phải mặc quần áo chỉnh tế trước khi thắp hương, khấn vái, không chạy giỡn, lớn tiếng trước khu vực thiêng liêng này.
Bữa cơm tất niên
Bữa cơm thường diễn ra vào ngày 30 Tết, đây là bữa cơm cuối cùng của năm cũ, kết thúc năm cũ nên được gọi là bữa cơm tất niên. Dịp này, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng nhau dùng bữa cơm gia đình trong không khí ấm cúng ngày cuối năm và cùng nhau chào đón năm mới. Trong bữa cơm, các thành viên và cả bé nữa có thể cùng chuyện trò và kể cho nhau nghe những việc đã xảy ra trong năm cũ, những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới… Các thành viên sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau hơn sau một năm bận rộn, không khí ấm cúng của ngày sum họp chính là những ý nghĩa của bữa cơm tất niên.
Mách bé: Trong bữa cơm, bé có thể tham gia vào cuộc chuyện trò, kể mọi người nghe những chuyện của bé như chuyện ở trường, chuyện các bạn trong lớp, trong năm qua các bé đã ngoan và giỏi ra sao, những chuyến đi và những trải nghiệm của bé… Ắt hẳn không khí bữa cơm gia đình sẽ thật rôm rả và ấm cúng hơn khi có thêm những câu chuyện của bé đấy.
Nhắc bé: Trong bữa cơm này sẽ có rất nhiều thành viên, bé đừng quên trước bữa ăn bé phải mời những người lớn dùng cơm. Bé sẽ mời theo thứ bậc từ lớn đến nhỏ, người lớn tuổi, có vai vế trước rồi đến nhỏ tuổi hơn, vai vế thấp hơn như mời ông bà rồi đến cha mẹ, cô chú… Điều này sẽ giúp bé ghi điểm cộng và được khen là em bé ngoan đấy.
Xuất hành và hái lộc
Trong ngày đầu năm mới, ngày mồng 1 Tết, bé sẽ cùng cha mẹ xuất hành (tức là đi ra khỏi nhà). Trước khi xuất hành, có thể cha mẹ sẽ chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Và thường thì ngày đầu năm mới, bé sẽ được lên chùa cúng vái, hái lộc đầu xuân với ngụ ý xin hưởng phước lộc, may mắn của Thần, Phật trong năm mới. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Cành lộc thường được đem về nhà cắm ở bàn thờ tổ tiên.
Mách bé: Trước khi xuất hành và hái lộc, bé có thể diện quần áo đẹp hoặc bộ quần áo dài truyền thống mà cha mẹ đã sắm cho bé. Những bộ quần áo mới không chỉ mang đến điều tốt đẹp, may mắn mà còn giúp bé trông thật xinh tươi nữa.
Nhắc bé: Hái lộc đầu năm để cầu xin may mắn, phước lộc nên bé và cha mẹ chỉ nên xin một cành lộc nhỏ mang về nhà. Không nên vì hái lộc mà ảnh hưởng đến các cây cối trong đền chùa, khiến chúng không còn tươi tốt.
Chúc Tết – Mừng tuổi
Ngày đầu năm mới – mồng 1 Tết là ngày con cháu chúc thọ ông bà, những người lớn tuổi. Bé sẽ mặc những quần áo mới và cùng ba mẹ đến thăm nhà ông bà, cô dì, chú bác… hai bên nội ngoại để chúc Tết. Khi đi chúc Tết, bé có gặp những người trong dòng họ mà bé chưa từng được biết, tùy theo vai vế, cách xưng hô của bé, bé sẽ dùng những lời chúc tết khá nhau, cho phù hợp. Những lời chúc Tết thường là chúc thọ, chúc sức khỏe, chúc cho công việc làm ăn, học hành. Bé có thể chúc thọ và sức khỏe ông bà, bé có thể cô chú làm ăn phát tài, phát lộc, các anh chị học tập giỏi giang. Sau lời chúc Tết, bé sẽ được tặng những phong bì lì xì màu đỏ, trong đó có những đồng tiền mới gọi là tiền mừng tuổi bé.
Mách bé: Ngay từ những ngày trước Tết, bé có thể học thuộc những lời chúc Tết hay để chúc ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác.
Nhắc bé: Sau khi chúc Tết, khi nhận được những phong bao lì xì, bé phải khoanh tay, cúi đầu và nói “Cảm ơn ông bà/ cô dì/ chú bác…”. Trong phong bao lì xì sẽ có những tờ tiền mới gọi là tiền mừng tuổi bé, bé không được mở phong bao trước mặt người mừng tuổi. Bé cũng không nên so sánh mức giá của tiền trong phong bao bởi đây là tiền mừng tuổi với ý nghĩa mong bé tuổi mới sẽ chóng lớn, học hành giỏi giang.
5. Xông đất
Vào ngày mồng 1 Tết, người khách bước vào nhà bé đầu tiên sẽ là người xông đất cho gia đình. Người ta thường quan niệm rằng người xông đất này có thể mang đến vận hên hoặc xui cho cả gia đình trong suốt năm đó. Cùng vì tục này mà trong ngày mồng 1 Tết, một số người thường kiêng kỵ và hạn chế không đến nhà nhau sớm vì sợ làm người đầu tiên… xông đất và mang đến những điều không may mắn. Trong khi đó, một số người thì chọn người hợp tuổi với gia đình và nhờ họ xông đất đầu năm.
Mách bé: Với người khách xông đất đầu tiên của gia đình bé, bé phải khoanh tay chào hỏi và chúc Tết. Bé cũng có thể phụ cha mẹ dọn bánh mứt và các thức ăn để mời khách nữa nhé.
Nhắc bé: Trong buổi sáng đầu năm mới, bé nên ở nhà chơi cùng với cha mẹ, những người thân trong gia đình. Bé chỉ nên đến những gia đình khác khi đi cùng ông bà, cha mẹ thôi nhé.