Mọc răng là giai đoạn đánh dấu mốc phát triển mới của trẻ nhỏ. Khi bắt đầu bước vào thời kì này, bé sẽ khó chịu trong vài ngày thậm chí bé sốt mọc răng cũng là điều thường thấy. Điều khó khăn ở đây là không chỉ sốt mà nhiều bé còn có các vấn đề sức khỏe khác đi kèm. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu vấn đề này nhé!
Trẻ bắt đầu mọc cái răng đầu tiên khi nào?
Thông thường trong giai đoạn từ 6-7 tháng tuổi bé sẽ mọc răng đầu tiên. Cũng có nhiều trường hợp mọc răng sớm hơn, khi mới khoảng 3 tháng tuổi. Răng mọc đầu tiên thường là hai răng cửa dưới, tiếp tới là răng cửa phía trên, rồi hai răng cửa bên hàm trên, sau đó mới đến hai răng cửa bên hàm dưới. Thời gian sau đó những răng hàm đầu tiên cũng dần xuất hiện và các răng nanh hàm trên mọc sau cùng.
Đa phần các bé đều có 20 cái răng sữa trước 3 tuổi nên nếu bé nhà bạn lớn hơn 3 tuổi mà vẫn chưa đủ răng thì hãy đưa con đi khám để biết rõ tình trạng sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, việc khám sức khỏe răng miệng thường xuyên giúp nha sĩ phát hiện kịp thời những vấn đề như sâu răng, răng mọc lệch, khớp cắn không khớp…
Dấu hiệu trẻ mọc răng
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, bên cạnh việc bé sốt mọc răng thì cũng có một số dấu hiệu khác dễ nhận biết gồm chảy nước dãi nhiều, dễ cáu kỉnh, hay quấy khóc, hay cắn, thích nhai, nướu sưng to và đỏ, bỏ bú, khó ngủ, hay xoa má, kéo tai, bỏ tay vào miệng và cắn, bé chán ăn, bỏ ăn (với trẻ đã ăn dặm), tiêu chảy…
Dấu hiệu nào để khẳng định trẻ sốt do mọc răng
Bé sốt mọc răng thì thân nhiệt thường rơi vào khoảng 38 – 38,5 độ. Trẻ thường bị sốt khi nướu răng bị sưng đỏ và sắp nhú ra, còn trong trạng thái khác thì bình thường. Do đó, nếu bé có hiện tượng sốt cao trên 38 độ kèm theo trạng thái tiêu chảy thì rất có thể đó là một bệnh nào khác chứ không phải sốt mọc răng.
Bé sốt mọc răng cũng thường lười ăn hơn nên thay vì ép con ăn, bố mẹ hãy chia thành từng bữa ăn nhỏ để con có thể ăn từng ít một. Thêm nữa, trong thời gian mọc răng, con thường xuyên cho tay bẩn vào miệng ngậm hoặc cắn những vật dụng không được vệ sinh dẫn đến nhiễm khuẩn và sốt. Do đó, hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác vấn đề sức khỏe mà con đang gặp phải.
Mẹo giảm đau nướu khi bé mọc răng
- Để quá trình mọc răng của bé diễn ra dễ chịu hơn, bé đỡ quấy hơn, mẹ có thể để bé cắn một chiếc vòng bằng silicon. Lưu ý, tránh mua vòng có chất lỏng bên trong vì vòng có thể bị nứt ra, rò rỉ dịch khiến bé nuốt phải. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng vì một số vòng không khử khuẩn bằng cách đun sôi và nếu bạn vẫn cố làm thì rất có thể khiến vòng bị hư hỏng, dễ nứt vỡ do sự thay đổi nhiệt độ.
- Khi nướu của bé bị sưng lên và đau, bạn có thể giúp con giảm cảm giác này bằng cách chườm mát. Cách đơn giản nhất là bỏ vòng nhai silicon của con vào ngăn mát tủ lạnh và để bé cắn sau đó. Tránh để vòng vào ngăn đá vì có thể khiến dụng cụ nứt vỡ hoặc thôi nhiễm hóa chất. Ngoài ra nếu không có vòng silicon thì có thể thay bằng chiếc khăn sạch và ướp mát. Chú ý, rửa tay thật sạch trước khi thao tác để tránh nhiễm vi khuẩn lên vùng nướu của con.
- Một số bé bước vào giai đoạn mọc răng cũng thường bị chảy nước miếng. Bố mẹ cần thường xuyên lau sạch miệng con để giữ vệ sinh và hạn chế tình trạng phát ban quanh miệng, má, cằm và cổ. Nếu bé chảy nhiều nước dãi, bạn có thể cho con đeo yếm và thoa kem chống hăm.
- Với các bé đã ăn dặm, bố mẹ có thể cho con ăn các loại bánh ăn dặm để thỏa mãn nhu cầu nhai và cắn của mình. Nhưng cũng cần phải để ý, theo dõi khi con ăn để tránh trường hợp, nghẹn, hóc đường thở gây nguy hiểm tính mạng.
- Tuyệt đối không dùng cồn, các loại gel hay thuốc nào để chà lên nướu của bé. Một số loại thuốc có chứa belladonna hoặc benzocaine có thể nguy hại cho sức khỏe của trẻ. Nếu nướu răng của con sưng đau khiến bé cáu kỉnh thì mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ, không được tự ý dùng các loại thuốc giảm đau nào.
Chăm sóc răng miệng cho trẻ khi bé sốt mọc răng
Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trước khi bé mọc cái răng đầu tiên là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng lâu dài của trẻ. Hàng ngày, bạn hãy lau sạch nướu răng của bé bằng khăn, gạc sạch, gạc rơ lưỡi hoặc chải nhẹ nhàng bằng bàn chải dành cho trẻ nhỏ và nước. Khi bé đã mọc răng, hãy chải răng cho bé 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Xây dựng thói quen chải răng mỗi ngày bằng cách cho bé xem và bắt chước các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, mẹ có thể kết hợp mở các bài hát về đánh răng để con có thể xem và làm theo. Trước khi con cầm bàn chải thành thạo, bạn có thể đánh thay con rồi dần để trẻ tự đánh có hỗ trợ chỉ dẫn. Như vậy, răng miệng của con sẽ được bảo vệ và đều đẹp hơn khi lớn lên.
Dù những chiếc răng sữa sẽ rụng khi trẻ khoảng 5 – 6 tuổi nhưng nếu không chăm sóc răng miệng cho con kỹ thì tình trạng sâu răng sẽ khiến những chiếc răng sữa rụng “trước thời hạn”. Điều này vô tình để lại khoảng trống quá sớm trước khi răng vĩnh viễn mọc lên. Do đó, các răng còn lại có xu hướng xích lại với nhau nhằm lấp đầy những khoảng trống khiến răng vĩnh viễn mọc lên khó khăn, thậm chí là mọc lệch, mọc không đúng vị trí.
Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng sâu răng của trẻ, bạn không nên cho bé uống sữa vào ban đêm. Việc trẻ uống sữa khi ngủ có thể gây sâu răng và hình thành mảng bám trên răng làm mất thẩm mỹ.
Khi nào cần đi khám khi bé sốt mọc răng
Trẻ thường quấy khóc, bỏ bú… khi mọc răng. Song nếu bé sốt mọc răng hoặc có các dấu hiệu sau, hãy đưa con đến bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Bé dưới 3 tháng tuổi và sốt trên 38°C
- Bé hơn 3 tháng tuổi và bị sốt trên 39°C
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Sốt cao có kèm tiêu chảy, nôn mửa hoặc phát ban
- Ngủ li bì, lơ mơ
- Quấy khóc không ngừng và bạn không thể dỗ được bé
- Tiêu chảy kéo dài hơn 1 tuần
- Có máu trong phân
- Cân nặng của bé giảm đáng kể
- Có dấu hiệu mất nước như môi khô, da khô, tiểu ít, khóc không có nước mắt…
Kinh nghiệm dân gian giúp bé ít bị sốt khi mọc răng
Ngoài việc vệ sinh răng miệng thường xuyên cho bé, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số phương pháp dân gian để dù bé sốt mọc răng nhưng cũng dễ chịu và nhanh khỏi hơn nhé!
Thoa nước lá hẹ vào nướu
Mẹ dùng đồ rơ lưỡi của em bé thấm nước lá hẹ thoa đều vào nướu cho con. Nếu bé không chịu được mùi lá hẹ sống mẹ có thể hấp cách thủy trong nồi hoặc hấp trong nồi cơm điện. Theo kinh nghiệm dân gian, bé gái dùng 9 lá và bé trai 7 lá, giã nát lấy nước và bắt đầu thoa lên nướu từ lúc 3 tháng tuổi. Làm như vậy khi mọc răng bé sẽ không bị sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ít đi ngoài hơn.
Ăn quả na (mãng cầu)
Quả na cũng được dân gian truyền lại là giúp bé ít bị sốt khi mọc răng hơn. Khi cho bé ăn, mẹ nên chọn loại quả to, nở gai và bóc ra thành múi nhỏ, lấy hết hạt. Vì bé chưa có răng nên mẹ chỉ cần cho con nếm vị ngọt là được chứ không nhất thiết phải nhai và nuốt.
Bé sốt mọc răng cũng là một giai đoạn phát triển trong đời của mỗi đứa trẻ. Do đó, mẹ cũng không cần quá lo lắng mà thay vào đó, hãy tập cho bé các thói quen vệ sinh răng miệng của mình để răng được khỏe mạnh hơn nhé!