Giải thích cho bé hiểu hai từ “Nhà trẻ”
Với những bé đã hiểu được lời ba mẹ nói thì bạn nên giải thích với bé nhà trẻ là gì? Vì sao bé lại đi nhà trẻ? Cách tốt nhất để bé hình dung được hai từ “Nhà trẻ” là hãy kết hợp hình ảnh, clip với lời nói. Bạn có thể cho bé xem hình những ngôi trường và kể ngắn gọn mọi thứ diễn ra trong trường bằng giọng hào hứng, vui vẻ để khơi gợi sự tò mò của bé. Điều này cũng làm giảm bớt cảm giác bỡ ngỡ, “bám váy mẹ” trong ngày đầu tiên.
Hãy quan sát môi trường nơi bé sẽ đến
Trước khi cho trẻ đi học, mẹ phải tìm hiểu kĩ nơi mà bé sẽ đến, để ý xem bạn bè của bé. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên quan sát, cách nuôi dạy và chăm sóc của các cô ở đấy.
Quan trọng nhất là mẹ hãy thường xuyên đưa bé ra sân chơi với các bạn trẻ khác và theo dõi xem bé của bạn cư xử như thế nào để so sánh với các bé khác. Nhưng không phải để phê bình bé, mà để bạn tự rút ra kết luận: Bé của bạn đã biết những gì, cái gì cần phải học hỏi thêm và lý do ứng xử của bé,…
Điều cần làm nhất đó chính là các mẹ cần nên ở tư thế sẵn sàng, quan sát và giúp đỡ các bé nếu cần. Bạn cũng đừng quá lo lắng, mâu thuẫn giữa các em nhỏ diễn ra thường xuyên, và kết thúc cũng nhanh như bắt đầu ấy, các em sẽ học hỏi dần dần trong tương lai thôi !
Hãy dẫn trẻ tham quan trường trước khi đi học
Sau khi “nhắm” được trường định gửi bé, bạn hãy tranh thủ thời gian dẫn bé qua đó tham quan và làm quen với cô giáo, các bạn trước khi cho con nhập học. Đừng quên dẫn bé đến khu trò chơi nhé! Một khi trẻ đã thích thú với những thứ diễn ra trong ngôi trường này thì việc đi học cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, những ngày đầu sẽ khó tránh khỏi tình trạng trẻ khóc nhè. Vì vậy, thời gian đầu mẹ có thể sắp xếp thời gian gửi bé một buổi rồi sau đó mới để bé ở trường nguyên ngày.
Tạo ra nhiều tình huống cho bé
Nếu hàng ngày, bạn tạo cho bé nhiều tình huống như: bé bị bạn giật đồ thì phải ứng xử như thế nào? Bị cơm dính ở chân phải làm sao… thì bé sẽ đỡ lúng túng khi đối diện với những tình huống diễn ra ở nhà trẻ. Có một điều quan trọng nữa là khi đặt ra tình huống, bạn nên gắn liền với hình ảnh cô giáo. Ví dụ như bạn giật đồ của con thì con có thể nhờ cô giáo can thiệp vì cô giáo cũng giống như mẹ ở nhà vậy, sẽ lo chuyện ăn, ngủ và bảo vệ con. Thói quen này vừa giúp trẻ có ấn tượng tốt với cô giáo, vừa giảm bớt nỗi sợ hãi khi không có mẹ bên cạnh.
Trang bị cho bé một số kỹ năng cần thiết
Đi nhà trẻ đồng nghĩa với việc bé làm quen với cuộc sống tập thể và sẽ tuân theo một số quy định của lớp học. Vì vậy, để hạn chế nỗi sợ hãi của trẻ, mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng gần thiết như: Tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự thay quần áo và chủ động nhờ cô giáo khi có nhu cầu. Trong đó việc tự đi vệ sinh là một vấn đề bạn cần để ý vì rất nhiều trẻ đi học đã “nhịn tiểu” hoặc tè dầm do không dám gọi cô giáo hoặc bị cô giáo trách phạt vì đi tiểu… nhiều lần.