Với sự phát triển của khoa học công nghệ 4.0 ngày nay thì việc trẻ dùng smartphone từ rất sớm được xem như một câu chuyện hiển nhiên. Thế nhưng bạn có biết, những chiếc điện thoại di động sử dụng công nghệ tân tiến có thể dần hủy hoại cuộc sống của trẻ?
9 tác hại khôn lường khi cho trẻ dùng smartphone
Smartphone là phát minh vĩ đại của nhân loại, nhưng nếu cho trẻ dùng quá sớm sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần của bé.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư não
Bộ não của trẻ nhỏ chứa nhiều dung dịch hơn người lớn nhưng hộp sọ lại mỏng hơn nên lượng bức xạ hấp thụ cũng nhiều hơn so với người lớn. Do đó, nếu trẻ em, thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh khi còn nhỏ thì nguy cơ mắc ung thư não sẽ cao hơn khoảng 4-5 lần so với những đứa trẻ không sử dụng.
Béo phì
Trẻ dành quá nhiều thời gian để chơi điện thoại, không tham gia các hoạt động thể chất có nguy cơ bị béo phì rất cao. Bên cạnh đó, quá trình chơi smartphone còn kích thích cảm giác buồn miệng, thèm ăn vặt và uống nước ngọt ăn trẻ khiến lượng đường tiêu thụ vào quá lớn mà không được đốt cháy. Điều này dẫn đến thực tế trẻ nhỏ hiện nay dễ bị béo phì, tiểu đường thiếu niên.
Thị lực kém, mắc các bệnh về mắt
Ánh sáng xanh từ điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác nếu tiếp xúc quá thường xuyên và trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị giác vốn yếu ớt và chưa hoàn thiện của bé. Bé có thể bị giảm thị lực hoặc các bệnh về mắt nếu bố mẹ không phát hiện sớm.
Rối loạn hành vi
Một nghiên cứu cho thấy việc trẻ nhỏ dùng smartphone khi còn quá nhỏ gây ra triệu chứng rối loạn khó tập trung hoặc hiếu động thái quá. Tình trạng này sẽ khiến trẻ bị bạn bè xa lánh và thiếu gắn kết tình cảm với các thành viên trong gia đình.
Chậm phát triển, kém thông minh
Các chuyên gia đều khẳng định rằng, bức xạ điện thoại khiến trẻ chậm phát triển hơn. Đặc biệt, nếu bố mẹ sạc điện thoại ở gần nơi trẻ nằm thì bức xạ sẽ cao gấp 1.000 lần thông thường. Đây cũng là lý do trẻ thường quấy khóc và chậm lớn.
Trầm cảm và lo âu
Hiệp hội Tâm lý học Anh khẳng định, smartphone gây ra chứng trầm cảm, lo âu cùng các vấn đề sức khỏe thần kinh khác. Điều này là do xã hội gắn liền với điện thoại yêu cầu bé luôn phải có mặt và sẵn sàng ứng nên vô tình đặt áp lực lên con.
Ngoài ra, khi tiếp xúc nhiều với điện thoại, các trang mạng xã hội mà không được kiểm soát thì cảm xúc của bé sẽ bị chịu tác động, bé không hiểu được rõ ranh giới giữa đời thực và mạng ảo gây nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Thụ động
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ thường xuyên dùng smartphone, xem điện thoại như một người bạn thân thường có xu hướng thụ động hơn. Đầu tiên, trẻ sẽ thụ động trong việc suy nghĩ. Khi có bài tập khó, con “hỏi chị Google”. Khi thắc mắc một vấn đề nào đó, thay vì suy nghĩ thì con tìm trên Internet cho nhanh. Lâu dần, việc này sẽ hình thành một thói quen thụ động tìm kiếm kiến thức của trẻ.
Hơn nữa, với chiếc smartphone của mình, trẻ có thể đặt đồ ăn nhanh thay vì phải ra ngoài mua thức ăn hoặc nấu ăn tại nhà. Con cũng dần yêu thích việc chỉ nằm dài và nghịch điện thoại thay vì ra ngoài, tận hưởng cuộc sống. Tất cả các vấn đề này sẽ khiến trẻ ngày càng thụ động hơn với chính bản thân mình.
Khó giao tiếp xã hội
Smartphone “giữ chân” trẻ chỉ ở trong nhà, hạn chế thời gian ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Càng lớn lên thì các mối quan hệ cũng gói trọn trong một chiếc điện thoại nên bé càng cảm thấy việc kết bạn ngoài đời thực không cần thiết. Chính vì thế, việc dùng smartphone quá nhiều sẽ khiến trẻ nhỏ khi trưởng thành thường khó giao tiếp xã hội do bị mắc kẹt giữa thế giới thực và ảo.
Những suy nghĩ không đúng chuẩn mực
Với chiếc smartphone trên tay, những đứa con của chúng ta giờ chẳng cần chờ bố mẹ, thầy cô cung cấp cho mình những kiến thức mà chúng chưa biết nữa. Bởi chỉ cần gõ gõ vài từ khóa, mạng Internet sẽ cho ra hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, trăm ngàn kết quả hiển thị khác nhau.
Khi trẻ tiếp cận với quá nhiều nguồn thông tin, xác suất con đọc phải những nguồn tin không chính thống, những tin tức đi ngược lại với định hướng giáo dục mà nhà trường và gia đình đang cố gắng chia sẻ với con là rất cao. Việc tiếp xúc những thông tin này lâu ngày có thể khiến con có sự lệch lạc trong tư tưởng, không còn suy nghĩ đúng với chuẩn mực như trước.
3 sai lầm phổ biến của bố mẹ khi cho con dùng smartphone
Việc cho con dùng điện thoại di động khi còn nhỏ là điều khó tránh khỏi vì trong xã hội ngày nay điện thoại trở thành một thứ vô cùng quan trọng. Nhưng cũng có những sai lầm mà bố mẹ dễ mắc phải khiến vật tưởng như không thể thiếu này gây hại cho trẻ nhỏ.
- Cho con chơi bất cứ khi nào con muốn. Đối với trẻ nhỏ, điện thoại được coi là một trong những món đồ chơi “thần kỳ”, hấp dẫn và thú vị nhất của bé nên lúc nào bé cũng muốn chơi mà không biết chán. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu đòi hỏi được chơi điện thoại mọi lúc dễ khiến trẻ bị “nghiện” điện thoại và không còn hứng thú với các hoạt động ngoài trời hay giao tiếp với bố mẹ, bạn bè.
- Cấm trẻ hoàn toàn không được phép sử dụng. Như đã nói smartphone ngày nay trở thành một vật thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Việc cấm bé hoàn toàn sẽ khiến bé tủi thân thậm chí bị bạn bè xa lánh nếu ở trường các bạn vẫn được dùng bình thường.
- Không biết con dùng điện thoại cho những mục đích gì. Internet và mạng xã hội ngày nay tiềm tàng rất nhiều nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Thực tế nhiều em trở thành mục đích công kích, tẩy chay trên mạng xã hội mà bố mẹ không biết dẫn đến cái chết thương tâm. Do đó, bố mẹ cần quản lý nội dung bé xem cũng như mục đích sử dụng điện thoại của con.
4 điều bố mẹ cần lưu ý khi cho con dùng smartphone
Smartphone vừa có lợi vừa có hại đối với trẻ nhỏ. Vậy nên khi cho con sử dụng điện thoại, bố mẹ cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần bé:
- Thảo luận cùng con về những quy tắc khi sử dụng điện thoại: Hãy đặt cùng con thời gian biểu cho việc học tập và chơi, thời gian con được chơi điện thoại để trẻ tự giác hoàn thành. Tùy vào từng độ tuổi để thay đổi và chỉnh lý các quy định bởi trẻ càng lớn thì càng phải dùng nhiều điện thoại hơn để tra tài liệu.
- Quan sát trẻ thường xuyên để kịp thời phát hiện những biểu hiện kỳ lạ. Đồng thời, bạn cần nắm rõ những cách mà trường học đang sử dụng thiết bị điện thoại trong giáo dục, học tập của con.
- Dành nhiều thời gian chơi với con hơn: Bé càng dùng smartphone nhiều, tiếp xúc với điện thoại sớm thì sẽ càng xa cách với bố mẹ hơn. Thế nên, bạn hãy dành những ngày cuối tuần đưa bé ra ngoài chơi hoặc tạo những trò chơi tại nhà.
- Trò chuyện cùng bé để tìm hiểu về tình hình và những việc khi con sử dụng mạng xã hội: Tìm hiểu về những gì chúng đang thích, nếu cảm thấy không phù hợp với lứa tuổi hoặc gây ảnh hưởng xấu, hãy cùng nhau bàn bạc cách xử trí vấn đề. Tránh quát mắng, đánh bé vì học những thói hư tật xấu mà phải từ từ nhẹ nhàng khuyên răn, nói với bé không nên hoặc nên dùng lúc nào mới phù hợp.
Dùng smartphone không có hại, nếu dùng đúng cách! Vì thế, để những chiếc điện thoại không trở thành thủ phạm giết chết cuộc đời con trẻ. Ngay từ hôm nay hãy thay đổi cách bạn cho con sử dụng điện thoại, bạn nhé!