Sự thật, chính những dưỡng chất bạn cung cấp cho trẻ hàng ngày là nền tảng giúp trẻ phát triển hoàn thiện trí não, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung, giúp bé thông minh hơn đúng như những gì bạn mong ước.
Chất béo: món đầu tiên giúp bé thông minh
Nhiều bà mẹ mới đọc tựa đề đã giãy nảy lên: “Trời, chất béo hại lắm! Nó chỉ làm trẻ béo phì chứ sao thông minh được!”. Trong những truyện cười, phim hài, bạn cũng toàn thấy những nhân vật “trí tuệ có vấn đề” thường là to béo. Chính vì nỗi “ám ảnh” vô lý này mà nhiều người nghi oan và hiểu sai chất béo.
Chất béo không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chuyện làm bé béo phì, thừa cân bạn ạ. Chất béo vốn là nguồn sinh năng lượng. Bạn hình dung nhé, 1g chất béo khi “đốt cháy” trong cơ thể sẽ cho ra 9kcal. Trong khi đó, 1g chất đạm hay chất bột thì chỉ cho ra được 4kcal mà thôi. Chưa hết, còn một yếu tố quan trọng nữa. Chất béo là dung môi rất tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K. Hiểu nôm na là cơ thể trẻ muốn hấp thụ và sử dụng tốt các vitamin này thì bắt buộc cần dầu mỡ.
Trẻ thừa chất béo sẽ gặp nhiều nguy cơ bệnh tật. Nhưng trẻ thiếu chất béo cũng sẽ gặp nguy cơ nhiều không kém. Bạn nên biết rằng chất béo tham gia trực tiếp vào cấu tạo các tế bào và dịch thể của các tổ chức, đặc biệt là tổ chức não. Các axit béo không no (như DHA mà nhiều bà mẹ thường nghe nhắc) là yếu tố cần thiết để cấu tạo màng tế bào, các tổ chức liên kết, tổ chức thần kinh.
Nghe đến đây, chắc hẳn bạn đã phần nào hiểu tại sao chất béo lại liên quan đến trí thông minh cho bé yêu của mình rồi. Trọng lượng não lúc sinh chỉ nặng 350g, nhưng khi trẻ 1 tuổi thì trọng lượng não nặng gấp 3 lần (khoảng 1.100g). Làm được điều đó, bắt buộc cần chất béo vì não bộ và các mô thần kinh đều đặc biệt giàu chất béo.
Tất nhiên, có một vấn đề nho nhỏ được đặt ra ở đây: mẹ nên cho bé sử dụng chất béo nào? Có lẽ nhiều người cũng từng đọc trên báo chí rằng chất béo thực vật nhìn chung là tốt. Bạn có thể chủ động rót vào tô canh của trẻ một muỗng nhỏ dầu mè, dầu hướng dương, dầu ô-liu trong các bữa ăn như cách bổ sung chất béo cho trẻ. Tuy nhiên, cũng xin được nhắc thêm đến chất béo từ động vật. Nhiều người rất e ngại loại chất béo này vì mỡ động vật chứa nhiều cholesterol, vốn là thứ nghe rất “nguy hại”. Nhưng kỳ thực, chuyện cấm tiệt hẳn chất béo nguồn gốc động vật không hề tốt như bạn tưởng, vì với trẻ em, cholesterol cũng đóng một số vai trò cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bạn vẫn có thể cho trẻ ăn thêm một chút mỡ heo, mỡ gà, mỡ cá. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn/uống sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, kem, sữa tươi nguyên kem, v.v..
Mẹo thêm chất béo vào bữa ăn cho con
1. Một chút sốt mayonnaise
Trong 100g sốt mayonnaise có chứa tới 79g chất béo. Vì thế bạn đừng lạm dụng quá nhiều. Khi trộn xà lách hoặc làm bánh mì cho con, bạn có thể thêm một chút sốt mayonnaise như cách bổ sung chất béo.
2. Phô mai
Trong 100g phô mai có chứa 33g chất béo. Một miếng phô mai cho trẻ vào bữa ăn nhẹ lúc xế chiều sẽ rất thích hợp. Bạn có thể chế biến thành bánh mì kẹp phô mai, hoặc cho bé ăn phô mai kèm một trái chuối đều tốt cả.
3. Vài muỗng bơ đậu phộng
Trong 100g bơ đậu phộng có chứa 50g chất béo. Bạn có thể dùng trực tiếp bơ đậu phộng phết lên bánh mì cho con ăn sáng, món này rất ngon. Tuy nhiên, nhớ là mỗi tuần chỉ nên cho bé ăn 2 bữa có bơ đậu phộng thế này thôi.
4. Thịt cá
Chất béo trong cá tốt hơn trong thịt nên bạn hãy tăng tỷ lệ bữa cá hàng tuần của con. Với thịt, nên xen kẽ thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm. Có thể lọc bỏ bớt da hoặc chỉ giữ lại ít mỡ. Bạn cũng nên hạn chế dùng nhiều dầu mỡ trong quá trình chế biến, chiên thịt.
5. Trái bơ
Trong 100g trái bơ có 17g chất béo. Chất béo chứa trong trái bơ là chất béo tốt cho sức khỏe. Vì thế, bạn có thể tích cực cho con một ly sinh tố bơ nho nhỏ mỗi ngày. Sẽ cực kỳ tốt cho bé đấy.
6. Một muỗng dầu ô-liu vào món rau trộn hoặc canh
Thức ăn sau khi đã chế biến xong, để hơi nguội một chút, lúc này bạn có thể rót vào một muỗng dầu ô-liu cho con. Hương vị dầu ô-liu rất thơm ngon. Và đây là một trong những chất béo tốt nhất cho cơ thể bé yêu của bạn.
Ngoài chất béo, trẻ cần…
Tất nhiên chất béo không thì chưa đủ! Để giúp bé yêu của mình thông minh, minh mẫn, học đâu nhớ đó, linh hoạt và luôn có những “sáng tạo” khiến bạn bất ngờ thì chế độ dinh dưỡng của bé cần thêm nhiều “món” nữa. Kết thúc giai đoạn 6 tháng đầu đời phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ hoặc sữa công thức, bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ cần được cung cấp chất đạm, chất sắt qua nguồn thức ăn động vật như: thịt, cá, trứng, sữa, ăn muối i-ốt. Trẻ cũng cần các axit béo không no từ dầu, dầu gan cá, cá biển, các loại vitamin và muối khoáng khác từ nguồn rau xanh và quả chín, uống các loại sữa có bổ sung DHA, ARA, i-ốt, sắt, taurin và các vi chất dinh dưỡng khác.
> 5 loại dầu ăn tốt cho tim mạch
> 7 loại thực phẩm tốt cho mắt
Cụ thể, không được để trẻ thiếu đạm vì đây là chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với sự phát triển của cơ thể trẻ em, trong đó có não bộ. Protein là vật liệu xây dựng lên các tế bào mô, cơ quan, cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự hình thành các dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, các men và các vitamin. Khi thiếu chất đạm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nói chung và não bộ nói riêng.
Không được để trẻ thiếu i-ốt vì i-ốt là thành phần cấu tạo của hocmon tuyến giáp trạng giữ vai trò chuyển hóa quan trọng. Chế độ dinh dưỡng thiếu i-ốt có thể làm suy giảm sự phát triển não bộ và dẫn đến bệnh đần độn do thiểu năng tuyến giáp. Cũng không được để trẻ thiếu sắt vì thiếu sắt là loại thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất dẫn đến thiếu máu. Sắt vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Nhiều nghiên cứu chứng minh thiếu sắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ trong thời thơ ấu. Trẻ bị thiếu sắt có chỉ số phát triển tâm thần và vận động thấp hơn trẻ cùng trang lứa, cùng môi trường sống. Khi trẻ đã lớn, thiếu máu do thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ và kết quả học tập khiến trẻ hay ngủ gật trong giờ học và thiếu oxy não.
Một số vitamin cũng sẽ góp phần giúp con bạn tăng cường khả năng tập trung, nhớ lâu, phản xạ nhanh nhẹn, chẳng hạn như vitamin B. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho trẻ uống bổ sung vitamin B9 (axit folic) nếu cần. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin B qua con đường dinh dưỡng tự nhiên như cho trẻ ăn nhiều rau xà lách xoong, lòng đỏ trứng gà, các loại hạt ngũ cốc. Trong một số bữa ăn sáng của trẻ, nên cho trẻ thêm một ly bột ngũ cốc sẽ có tác dụng cải thiện trí thông minh, trí nhớ, sự sáng suốt minh mẫn đáng kể.
Cuối cùng, mách nhỏ thêm với mẹ rằng dinh dưỡng cũng chỉ chiếm một phần “trách nhiệm” trong việc giúp bé thông minh hơn. Ngoài chế độ ăn uống hàng ngày của bé, bạn cần chú ý đến môi trường sống, tránh để trẻ sống trong môi trường ô nhiễm. Cần đảm bảo cho trẻ một môi trường không bụi bặm, không tiếng ồn, không mùi hôi. Không gian nhà cửa cũng cần thoáng mát, gọn gàng để trẻ có thể ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc mỗi ngày.
Giấc ngủ ngon cũng là yếu tố quan trọng giúp phát triển trí não. Bạn cần đảm bảo trẻ ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày. Trong đó, việc trẻ lên giường vào khoảng 9 giờ tối rất quan trọng vì điều này nghĩa là trẻ có thể ngủ say vào khoảng 12 giờ đêm, khoảng thời gian cơ thể hồi phục và phát triển tốt nhất.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành