Thế nhưng, bữa ăn lại thiếu đi một thứ vô cùng quan trọng. Bạn nhận ra không? Rau đấy!
Ảnh minh họa
Khi bữa ăn thiếu chất xơ
Ăn Tết mới 1 – 2 ngày mà bé đã bắt đầu có biểu hiện khó chịu, táo bón, xuất hiện mụn nhọt, miệng có các vết lở nhỏ xíu gây đau nhức. Chất xơ tuy không phải là chất dinh dưỡng, cơ thể bé không thể hấp thụ chất này như đạm, tinh bột hay chất béo, nhưng nếu thiếu chất xơ, các hoạt động của nhiều cơ quan nội tạng, nhất là hệ tiêu hóa sẽ bất lợi ngay.
Chất xơ được chia làm 2 loại cơ bản là không hòa tan và hòa tan. Khi được cung cấp đủ chất xơ, bé sẽ được đảm bảo chống táo bón, béo phì, phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, làm sạch mật, đẩy những độc tố đọng trong gan ra ngoài, làm tăng khả năng bài tiết của gan, v.v.. Không những vậy, cung cấp chất xơ đồng thời với việc bổ sung cho cơ thể các vitamin quan trọng trong rau củ quả nữa chứ.
Theo suy nghĩ xưa nay của người Việt, bữa ăn ngày Tết chỉ có thịt là chủ yếu, rau bị “gạt” ra ngoài. Chính suy nghĩ ấy của người lớn đã làm sức khỏe bé bị ảnh hưởng theo. Thiếu rau củ, thiếu chất xơ, bụng bé sẽ trở nên khó chịu, ấm ách, chất thải cứng hơn gây đi ngoài bị đau, thậm chí chảy máu.
> 5 loại dầu ăn tốt cho tim mạch
Bàn tiệc ngày Tết thiếu một chút thịt mỡ, dưa hành hay lạp xưởng, xúc xích cũng không sao, nhưng bạn nhất thiết đừng để cơ thể bé thiếu chất xơ. Bé cần rau củ các loại trong bữa ăn chính, các loại bột ngũ cốc trong bữa sáng, những ly sinh tố, những dĩa trái cây trộn yaourt cho bữa ăn nhẹ buổi xế chiều.
Rau củ quả có vai trò đặc biệt quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bé. Rau củ cung cấp chất xơ, muối khoáng, các vitamin cho bé. Xenluloza của rau còn có khả năng bài xuất cholesterol và chất độc ra khỏi cơ thể.
Thêm rau mẹ nhé!
Ảnh minh họa
Có nhiều cách để đưa rau củquả vào mâm cơm ngày Tết khiến bé cảm thấy đây là bữa ăn đặc biệt mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất. Bạn có thể xắt dưa leo, cà chua thành lát mỏng để mọi thành viên trong gia đình có thể ăn sống hoặc kèm với cơm cho đỡ ngán các món thịt. Một số mẹ chọn cách trụng giá đỗ để ăn kèm với dưa chua cũng được xem là cách hay. Món măng hầm thịt xương cũng là một gợi ý hay cho bạn. Món ăn này vừa đảm bảo độ ngon, lạ miệng vừa cung cấp được cho bé một hàm lượng chất xơ nhất định.
Với nhiều gia đình miền Nam, ngày Tết thường có món canh khổ qua nhồi thịt. Đây là một món ăn bổ dưỡng vì canh khổ qua cực kỳ tốt cho bé, có khả năng giải nhiệt, lại cung cấp them cho bé vitamin, chất xơ. Nếu bé không chịu được vị đắng, bạn có thể làm thêm một món rau xào, một tô canh thập cẩm. Ví dụ như rau cải xào tôm, canh rau ngót nấu thịt nạc ăn giải nhiệt. Đơn giản hơn nữa, chỉ cần bạn mua một vài cây bắp cải lớn; đến Tết, mỗi bữa gỡ một ít lá bắp cải, luộc và cho bé chấm với nước tương dằm trứng luộc. Chỉ thế thôi cũng làm bữa ăn ngày Tết có nhiều chất xơ hơn.
Với nước uống, thay vì chất đầy nhà những lon nước ngọt, nước giải khát đóng chai, bạn nên thay vào đó là những ly nước ép trái cây nguyên chất hay những ly sinh tố cho con. Rất nhiều món sinh tố, nước ép hương vị thơm ngon như nước ép táo với cà rốt, lê, sinh tố xoài, sinh tố mít, sinh tố đu đủ, v.v.. Nước ép, sinh tố không cần bỏ đường thêm nữa. Bé bổ sung thêm cho cơ thể một lượng vừa đủ các loại trái cây, thức uống này rất tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp
Mẹ lưu ý!
Ngày Tết, nếu bé ăn thường xuyên các món nhiều chất béo như bánh chưng, thịt heo kho trứng, lạp xưởng, gà rô ti, chiên xào, v.v. dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như không tiêu, chướng hơi, đầy bụng, buồn nôn, thậm chí có thể gây nôn ói và tiêu chảy do tình trạng kém tiêu hóa. Trong khi đó, nếu cho bé ăn vừa phải các chất này và vẫn giữ nguyên cơm cho ấm bụng, cung cấp cho con đều đặn những món rau xào, canh nóng, thêm một ít trái cây ít ngọt các loại thì bé sẽ có những ngày Tết với cái bụng rất “nhẹ nhàng”.
Tại sao thiếu rau bé mau nổi mụn?
Các loại bánh kẹo ngọt, mứt tết chứa rất nhiều đường, khiến cơ thể dễ dàng sinh ra mụn nhọt. Thêm vào đó, tình trạng táo bón làm cho chất cặn bã, chất độc trong cơ thể không được thải ra ngoài, thậm chí còn bị hấp thu trở lại càng làm tăng nguy cơ nổi mụn. Thiếu rau xanh và trái cây tươi còn làm ảnh hưởng lượng vitamin C cung cấp cho cơ thể và làm làn da kém tươi sáng, mịn màng hơn.
Hỏi nhanh bác sĩ
Chuẩn bị bao nhiêu rau thì vừa?
H: Bác sĩ hướng dẫn giúp, chuẩn bị bao nhiêu rau quả cho các thành viên trong gia đình dịp Tết thì vừa ạ? Mọi năm tôi mua các loại rau về, nhưng không kịp chế biến rau đã hư. Nên phân bổ thế nào để bữa ăn ngày Tết có đủ rau củ quả một cách hợp lý mà rau mua không hư thưa bác sĩ?
Đ: Một người trưởng thành cần ăn khoảng 300g rau và 200g trái cây một ngày để cung cấp đủ lượng chất xơ. Trẻ em thì ít hơn một chút. Bạn lưu ý là rau cho bé ăn cần cắt nhỏ, cho bé ăn luôn xác.
Bạn nói đúng ở chỗ các loại rau có lá rất mau hư, nếu để lâu cũng mất hết vitamin nữa. Do đó, phải có sự phân bổ các loại rau củ quả hợp lý trong mấy ngày Tết. Bạn có thể thực hiện theo gợi ý này:
– Mua rau lá để chế biến thành món canh, món xào cho đêm Giao thừa và mùng 1.
– Mua các loại củ quả: bí, bầu, bắp cải, dưa leo, cà chua, v.v. cho ngày mùng 2, mùng 3. Các loại củ quả này để được lâu hơn.
– Từ mùng 4 trở đi, bạn có thể nấu các loại súp từ cà rốt, khoai tây, củ dền, v.v..
– Ngay khi chợ vừa họp lại, bạn nên bắt đầu mua những món rau mới về để bổ sung tiếp cho con.
Bạn cũng có thể mua khoai lang luộc cho bé ăn mỗi ngày cũng rất tốt. Một lời khuyên nữa dành cho bạn, đó là bạn nên lên thực đơn sẵn cho những ngày Tết để dự trù lượng thức ăn cần thiết, tránh mua quá nhiều thức ăn gây dư thừa, hư thối, lãng phí. Nhiều mẹ khi thấy thức ăn bị hỏng lại tiếc, ráng chế biến nhanh, ráng ăn nhiều. Khi đó, rau củ quả có thể chứa các chất độc gây bệnh, càng nguy hiểm hơn cho bé.
> Những thực phẩm kỵ nhau, mẹ biết để kết hợp đúng khi nấu ăn