Mẹ&Con - Sắp thi học kỳ mà bé Kiên (lớp 3) vẫn mải chơi. Chị Thảo, mẹ bé tỏ vẻ lo lắng: “Mỗi lần nhắc, ép học, nó đã than mệt huống gì phải ôn lại cả chương trình. Mà học kỳ rồi, kết quả học tập của thằng bé có tốt đâu. Nó mà… đội sổ cuối năm chắc mình xấu hổ chết mất!”. Thực ra, giúp con ôn thi là chuyện khó mà không khó như nhiều phụ huynh vẫn tưởng! 2 cách nghĩ sai về chuyện học của trẻ Con lười học vì mê hát Trẻ đuối vì học quá tải

Lên lịch cho bé

Đừng nghĩ phải là siêu sao gì thì bé mới cần được ba mẹ lên lịch cho. Thường, bé nào mà chẳng có tâm lý thích chơi hơn thích học, thế nên sắp xếp thời gian học và chơi cho bé cũng là cả một “nghệ thuật”. Chứ còn gì nữa, thử bạn xếp toàn thời gian học hết trường này đến lớp nọ xem, bé có la é lên không thì biết!

Bé yêu, mùa thi đến rồi đó! 5

Chia sẻ về việc sắp xếp thời gian học cho con, chị Thùy (nhân viên marketing, Q.10) cho biết: “Thằng bé nhà mình mới học lớp 4 thôi nhưng lém lắm! Nói là xếp thời gian cho con vậy chứ mình cũng phải thông qua cu cậu hết đó. Nhiều khi cũng linh hoạt lắm, thấy nó mê bộ phim hoạt hình đó quá, mình cứ để cháu xem chứ hổng có cấm. Nhưng sau đó thì cắt lại thời gian đọc truyện tranh… Được cái, mình lên lịch cho con từ đầu năm nên đến dịp thi học kỳ, chỉ cần điều chỉnh, tăng giờ học lên đôi chút thôi”.

Điều quan trọng trong việc sắp xếp thời gian học cho bé, dù là trong mùa thi đi nữa đó là bạn cũng không nên cắt hết những hoạt động thư giãn, giải trí của con. Nếu không, chẳng những bé sẽ “biểu tình” phản đối mà đầu óc bé còn căng thẳng, khó mà tiếp thu tốt được. Lên lịch cho con, ai mà chẳng muốn bé làm theo y chang vậy, nhưng nếu bắt ép, tự nhiên bạn sẽ thấy bé “cứng đầu” khác thường! Trường hợp của chị Vân (nhân viên văn phòng, Q.3) là một ví dụ.

Chị kể: “Lúc đầu, được một chị bạn làm giáo viên mách, tôi mới biết thế nào là sắp xếp thời gian biểu cho con đấy chứ. Có điều, xếp lịch rồi mà con bé nó có chịu làm theo đâu. Hết la mắng rồi ép nó ngồi vào bàn, nhưng vừa quay đi thì nó lại trốn sang nhà hàng xóm chơi mất tiêu. Sau, mình phải nghĩ ra chiêu cắt dán trang trí bàn học để dụ cháu ngồi lại, rồi hỏi chuyện bài vở, kể chuyện mấy gương hiếu học thế nào. Ấy vậy mà từ từ nó tự giác học hơn hẳn đấy nhé!”

Mẹ dò bài giúp con nha!

Ngoài việc giúp bé phân chia thời gian ôn tập hợp lý cho các môn thi, chị Như (Q.4) có con đang học lớp 6 cho hay, chị còn thường xuyên khuyến khích bé bằng những lời khen, những món quà lặt vặt nho nhỏ như cây bút, cái kẹo mỗi lần con tự giác học. “Thấy con bé có hứng học, mình cũng vui vui!”. Chị cho biết thêm: “Mình tập cho con từ cấp một, đặt ra một khoảng thời gian cho con học bài rồi dò bài giúp. Lúc đầu mỗi lần muốn dò bài cho con, mình còn phải nhắc chứ dạo gần đây khi sắp thi là nó tự động học rồi nhờ Mẹ dò bài giúp con không à! Mình nghĩ đó cũng là một cách hiệu quả vừa theo sát chuyện học của con mà vừa giúp nó có hứng để ôn thi tốt”.

Có thâm niên giúp con ôn thi bằng việc “mẹ con mình cùng học”, chị Quyên (nhân viên bưu điện, Q. Bình Thạnh) bổ sung: “Tôi thấy dò bài cho con là cách giúp cháu ôn thi tốt lắm nghen. Tại mỗi lần dò bài, đặt câu hỏi cho con là mình đã đoán luôn những câu hỏi mà thầy cô nó cho rồi, thành ra cháu biết cách trả lời và nhớ bài lâu hơn nữa. Thú thật, bé nhà tôi học cũng không xuất sắc lắm nhưng tôi tự hào là kết quả thi của cháu lần nào cũng tốt hết trơn!”.

Và quả thực, việc học cùng hay dò bài cho con trong thời gian bé ôn thi tỏ ra khá hiệu quả và được nhiều phụ huynh áp dụng cũng có cơ sở đàng hoàng. Khi học một mình, bé sẽ chủ quan đã học rồi nên không biết mình nhớ phần nào và hay quên chỗ nào. Nhưng khi được ba mẹ dò bài, bé vừa có động lực để học mau hơn, vừa phát hiện ra được những phần bài mình còn “vấp”. Nhờ cố gắng nhớ và gắn kiến thức với những điều thân thuộc như “Khi dò đến bài lịch sử này mẹ có nhắc mình cái kia”… mà bé sẽ liên tưởng lại được bài học dễ dàng hơn rất nhiều so với bình thường.

Dinh dưỡng mùa thi:

– Cần cho bé ăn đủ 3 bữa chính (với đủ các nhóm thực phẩm) và có thể thêm vài ba bữa phụ như yaourt, trái cây, chè…

– Nên ưu tiên các loại thực phẩm bồi bổ trí não cho bé như sữa, bí đỏ, cá và các loại đậu.

– Tăng cường những loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa như rau, củ, quả và trái cây (cam, táo, chuối…)

“Hậu cần của bé”

Trong thời gian ôn thi, đầu óc bé phải nạp khối lượng kiến thức rất nhiều, do đó tâm lý thoải mái và dinh dưỡng đầy đủ là hai điều quan trọng để bé thi tốt rồi. Để bé không bị áp lực, tốt nhất bạn đừng làm con bị xáo trộn so với sinh hoạt ngày thường. Bạn có thể khuyên bé dậy sớm học bài nhưng không nên thức quá khuya và cũng nên giúp bé cảm thoải mái để không sợ thi cử ngay từ bây giờ.

Bé yêu, mùa thi đến rồi đó! 6

Về vấn đề dinh dưỡng, mẹ nào cũng muốn chăm lo cho con ăn uống đầy đủ, nhưng cũng không khỏi những sơ ý kiểu như cho con ăn quá nhiều của chị Liên (Q.6). “Thì mình cũng chỉ nghĩ là con phải ăn nhiều mới có sức mà ôn bài được. Ai dè đâu ăn no rồi, con bé cứ gục lên gục xuống trên bàn…”.

Mùa thi, nếu chuẩn bị cho bé một chế độ ăn hợp lý, vừa đủ chất dinh dưỡng cộng với kế hoạch ôn tập vừa phải, thoải mái thì lo gì bé yêu của bạn không có một kết quả thi thật mỹ mãn nhỉ!

Những điều nên tránh:

– Tránh giục bé “Con học nhanh lên, mẹ dò bài bây giờ đấy!”: Bạn sẽ làm bé rối lên và không tập trung được. Chỉ nên nhẹ nhàng nhắc “Con học bài đến đâu rồi. Khi nào thì mẹ có thể dò bài được?” hay “Khi nào con học xong thì nói mẹ dò bài nhé!”.

– Tránh ép con ăn quá no: Bạn nghĩ vậy bé sẽ khỏe và ôn bài tốt? Sai rồi đấy, ăn quá no, nhất là nhiều chất bột, đường, bé chỉ muốn “ngủ, ngủ và… ngủ” thôi, không tiếp thu kiến thức được đâu!

Tags:

Bài viết liên quan