Mẹ&Con – Trên thực tế, đây giống như một bài tập về nhà bắt buộc hơn là học phí, nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn gọi đó là học phí bằng nhựa để nhắc nhở phụ huynh rằng, trường học hoàn toàn không miễn phí.

Hiện nay, Trái đất của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường, từ rác thải nhựa đến hiệu ứng nhà kính. Tất cả chúng ta đều đang bắt đầu hình dung ra một thảm họa ngay trước mắt, vì thế, nhiều người đã nảy ra những sáng kiến tích cực để có thể một phần thay đổi hiện trạng bi thảm mà chúng ta đang sống chung.

Nhựa hiện nay đang là mối đe dọa hàng đầu cho môi trường và sinh vật sống ngoài biển. Hàng tấn rác thải nhựa hiện đang được xả ra môi trường mỗi ngày, cho dù hiện nay chúng ta đã chung tay cố gắng hạn chế sử dụng đồ nhựa nhiều nhất có thể. Và ở Ấn Độ, có một ngôi trường đã thay thế học phí bằng nhựa, nơi mà học sinh sẽ mang theo một túi rác thải nhựa đến trường mỗi ngày.

Đó là trường Akshar, nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh ở Pamohi, Assam. Trong một cuộc phỏng vấn với BP, người đồng sáng lập của trường là ông Mazin Mukhtar đã nói rằng ông nảy ra ý tưởng này cùng với vợ mình sau khi cả hai gặp nhau ở New York vào năm 2013. Cả hai đều mơ ước xây dựng một ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ em nghèo, vì thế ông bà Mukhtar đã thành lập trường Akshar vào chính năm mà cả hai người gặp nhau.

Thay vì tiền, ngôi trường trong rừng này lại yêu cầu học sinh đóng học phí bằng một thứ không ai ngờ tới 5

Khi trường bắt đầu các hoạt động tái chế, ban đầu cha mẹ của các học sinh theo học ở Akshar đều không hợp tác. Sau đó, vợ chồng ông Mukhtar đã đưa ra quyết định đóng học phí bằng nhựa. Trên thực tế, đây giống như một bài tập về nhà bắt buộc hơn là học phí, nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn gọi đó là học phí bằng nhựa để nhắc nhở phụ huynh rằng, trường học hoàn toàn không miễn phí. Điều kiện tối thiểu họ có thể làm giúp nhà trường và giúp chính bản thân mình là gửi rác thải khô, sạch bằng nhựa từ nhà đến trường.

Người thành lập ra trường Akshar còn lại là bà Parmita Sarma nói rằng: “Chúng tôi muốn bắt đầu một trường học miễn phí cho tất cả mọi người, nhưng ý tưởng đóng học phí bằng nhựa nảy ra sau khi chúng tôi nhận ra một vấn đề xã hội và sinh thái đang vô cùng nghiêm trọng trong khu vực. Tôi vẫn nhớ lớp học của chúng tôi đã chứa đầy khói độc mỗi khi có ai đó gần đấy đốt nhựa. Ở nơi này, nhiều người thường đốt chất thải nhựa để giữ ấm. Chúng tôi muốn thay đổi điều này và vì vậy, chúng tôi bắt đầu khuyến khích học sinh của mình mang rác thải nhựa đến trường thay cho học phí. Chúng tôi nhận ra rằng giáo dục phải phù hợp với xã hội, kinh tế và môi trường cho những đứa trẻ này. Một trong những thử thách đầu tiên là thuyết phục dân làng địa phương gửi con đến trường, vì hầu hết trẻ con ở khu vực này đều làm việc ở mỏ đá. Vì vậy, chúng tôi phải thiết kế một chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của họ và xây dựng một hệ thống việc làm sáng tạo, hậu giáo dục cho lũ trẻ.”

Được biết, hầu hết trẻ em trong trường đều làm việc ở các mỏ đá gần đó trước khi theo học ngôi trường này. Trong các mỏ đá, họ kiếm được khoảng 2,5 đô mỗi ngày. Vì trường học không thể trả tiền cho trẻ em, nhà trường đã tìm một sự thay thế bằng cách đề nghị những học sinh lớn tuổi dạy cho những người nhỏ tuổi hơn, và bằng cách này, họ có thể có được một khoản “tiền đồ chơi” để mua đồ ăn nhẹ, sách vở và quần áo. Học sinh cũng có thể yêu cầu giáo viên của mình mua giúp một món đồ trực tuyến. Giáo viên chỉ cần đổi “tiền đồ chơi” thành tiền thật và đặt mua bất kì thứ gì họ muốn trên mạng.

Trường cũng dạy cho học sinh và phụ huynh về tác hại của nhựa. Theo Parmita, nhiều phụ huynh thường đốt nhựa để sưởi ấm căn nhà vào những ngày trời giá lạnh. Khi nhà trường bắt đầu giáo dục cộng đồng, hội đồng nhà trường và giáo viên đã bị sốc khi biết về những mối nguy hiểm mà các phụ huynh đang vô tình làm hại đến con cái và bản thân họ.

Thay vì tiền, ngôi trường trong rừng này lại yêu cầu học sinh đóng học phí bằng một thứ không ai ngờ tới 6

Khi được hỏi về phương pháp giảng dạy, Mazin Mukhtar nói rằng: “Chúng tôi sử dụng lao động trẻ em để chống lại lao động trẻ em. Trẻ em nghèo cần kiếm tiền để học tập và ở lại trường. Chúng tôi để học sinh của mình làm gia sư và nhân viên xã hội. Chúng tôi trả tiền cho học sinh dựa trên kĩ năng và kiến thức của họ và phạt họ vì những hành vi xấu. Khi học sinh chuyển từ cấp 1 sang cấp 2, tiền lương của họ cũng tăng lên. Ngoài ra, tiền lương tăng với kỹ năng giảng dạy.”

Học sinh sẽ ở lại trường cho đến khi trường tìm được nghề nghiệp phù hợp cho họ. Ngoài việc học tiếng Anh, Toán và Khoa học, trường còn kết hợp các kĩ năng nghề nghiệp khác như làm mộc, thêu, tái chế, nhiếp ảnh, sử dụng năng lượng Mặt trời, canh tác hữu cơ… Chương trình này được thiết kế theo nhu cầu của ngành và sở thích của các học sinh.

Trường học ban đầu chỉ có 20 học sinh, nhưng hiện nay đã có hơn 100 trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 15 tuổi theo học tại Akshar. Mỗi đứa trẻ sẽ mang ít nhất 25 mẫu rác thải nhựa mỗi tuần đến trường để đóng góp cho trường học. Hầu hết các học sinh đều là những người đã bỏ học hoặc đi lao động trẻ em, nhưng hiện tại, chúng kiếm được tiền ở trường bằng cách giảng dạy trong giờ học và vận hành Trung tâm tái chế.

Học sinh còn có thể làm thêm bằng cách nén hàng chục túi nhựa vào chai nhựa để tạo thành gạch Eco. Những viên gạch này được sử dụng trong xây dựng cùng với đất cát và xi măng.

Theo Mazin, gần đây nhà trường đã lên kế hoạch bắt đầu một khóa học đầy đủ về cảnh quan bền vững để giúp trẻ em có việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, Mazin và Parmita mong muốn đưa Akshar đi khắp đất nước và xây dựng 100 trường học tương tự trong 5 năm tới.

Theo Helino

Tags:

Bài viết liên quan