Mẹ&Con - Nhìn một cô bé, cậu bé dạn dĩ trên sân khấu, thoải mái hát múa dù chỉ mới 5-6 tuổi, bạn không khỏi thầm ước ao “con mình cũng thế”. Không nhất thiết con sẽ trở thành một MC nhí nói năng lưu loát, nhưng nói trước đám đông thật ra là một kỹ năng rất quan trọng và cần thiết, để giúp bé có thể dễ dàng thể hiện mình khi lớn lên và bước xa dần khỏi vòng tay của mẹ. Những “mẹo” này sẽ giúp bạn rèn cho con kỹ năng sống đó. Trang bị cho trẻ 7 kỹ năng ứng phó khi lạc đường 14 kỹ năng tối thiểu mà ba mẹ cần dạy trẻ 5 điều cần nhớ khi cho con học kỹ năng sống

1. Luôn khuyến khích và khiến trẻ tự tin

Sự tự tin không phải… trên trời rơi xuống. Một đứa trẻ cảm thấy thoải mái trước đám đông, dễ dàng bày tỏ chính kiến của mình luôn là đứa trẻ rất tự tin vào bản thân. Và sự tự tin ấy có được chính là nhờ những khen ngợi kịp thời, những khuyến khích, động viên của phụ huynh từ khi con còn rất bé. Đừng chê bai hay so sánh trẻ với những đứa trẻ khác. Bạn không nên khiến trẻ ảo tưởng về bản thân mình, nhưng cũng đừng để trẻ phải mặc cảm hay cho rằng mình thua sút bạn bè, mình không thể làm điều gì đó. Luôn tôn trọng bé, luôn khiến bé cảm thấy mình có “vị trí” quan trọng, đó là cách đầu tiên để bạn dạy cho con vững vàng đứng và nói trước đám đông.

8-ky-nang-giup-con-ban-dan-di-truoc-dam-dong

2. Là “khán thính giả” đầu tiên của con

Mọi thứ đều phải cần có sự khởi đầu. Con bạn cũng thế! Đầu tiên, đó sẽ là cuộc nói chuyện chỉ giữa hai mẹ con với nhau. Bạn cần khuyến khích con bày tỏ ý kiến của mình, khuyến khích con nói và trình bày những gì con nghĩ. Thay vì mắng át con hoặc áp đặt con phải thế này, phải thế kia, bố mẹ nên tập thói quen lắng nghe con, đối thoại với con một cách công bằng, có thể “vặn vẹo” lại vấn đề khiến trẻ phải tập trung suy nghĩ, tìm cách để thuyết phục bố mẹ. Một khi trẻ thành công với cuộc nói chuyện nhỏ giữa 1-2 người, bé có thể tăng dần số lượng người nghe lên mà vẫn không bị… ngợp. Chẳng hạn, cả nhà cùng nghe bé hát, đọc thơ, kể chuyện. Khi thấy mọi người đều chăm chú, bé sẽ rất hào hứng. Bạn biết không, nếu việc này được lặp đi lặp lại, tập luyện nhiều lần thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nào đó con bạn tự tin đứng trước lớp thuyết trình hoặc thoải mái kể chuyện trong buổi văn nghệ trước toàn trường mà chẳng hề cảm thấy có gì khó khăn nữa cả.

8-ky-nang-giup-con-ban-dan-di-truoc-dam-dong

3. Tập cho con biết… lắng nghe!

Thật thú vị, nhưng trước khi trẻ có thể là người nói tốt thì trẻ nhất thiết phải là người nghe tốt đã. Bạn hãy hướng dẫn con cách đừng vội cắt ngang lời người khác, luôn lắng nghe một cách lịch sự, luôn quan sát thái độ của người khác, chờ đến lượt mình mới trình bày ý kiến. Việc này nghe thì to tát, nhưng thật ra bạn có thể tập với con hằng ngày. Chẳng hạn, khi bé và em tranh nhau “méc tội” với mẹ, bạn nên ngăn con lại, chấn chỉnh con một cách thật nhẹ nhàng, để từng đứa trẻ lần lượt nói, và đứa trẻ này nói phải có đứa trẻ kia nghe. Khi trẻ học được cách lắng nghe, trẻ sẽ “luyện” dần cho mình cách nói chuyện thuyết phục, có đầu có đuôi, logic để thuyết phục người khác.

4. Chia sẻ những “thất bại” của con

Có những đứa trẻ rất thoải mái trước áp lực đám đông, nhưng cũng có những đứa trẻ đột nhiên rơi vào trạng thái… đứng như trời trồng, chẳng biết nói gì, biểu diễn vụng về, nói năng lắp bắp dù trước đó đã được tập luyện và thử sức nhiều lần. Không sao cả! Những lúc này sâu thẳm trong trẻ rất mất tự tin. Bạn nên thể hiện sự chia sẻ thật chân thành để giúp bé vượt qua, khiến bé không sợ hãi khi lần sau lại đứng trước đám đông như thế nữa. Những lời động viên như: “Mẹ thấy con có phần chào hỏi đầu tiên rất tốt, nhưng sau đó có lẽ con hơi run phải không? Không sao, hồi nhỏ mẹ cũng hay bị như vậy. Nhưng dần dần thì hết. Con còn giỏi hơn mẹ lúc đứng trước đám đông lần đầu tiên đấy chứ!” sẽ giúp bé thấy bớt nặng nề với “thất bại” của mình và dám tự tin thử lại lần sau.

8-ky-nang-giup-con-ban-dan-di-truoc-dam-dong

5. Tạo cơ hội cho con thử sức

Nói trước đám đông, dạn dĩ thể hiện mình trước đám đông là một kỹ năng rất cần cho bước đường thành công sau này của bé. Đừng nghĩ chỉ MC mới cần điều đó! Con bạn muốn là một lớp trưởng, con bạn muốn trình bày cách giải một bài toán… đều cần đến kỹ năng nói trước đám đông. Hãy xem trọng kỹ năng này và tạo mọi điều kiện cho con thử sức, thay vì cứ xua tay: “Ôi, cần gì! Con mình sẽ thành bác sĩ, kỹ sư chứ có phải trở thành… MC hay ca sĩ đâu mà cần đến kỹ năng nói trước đám đông!”. Tạo cơ hội thử sức cho con nghĩa là bạn có thể đưa bé đến các lớp học phù hợp để bé học kỹ năng này, có thể cho con cơ hội lên sân khấu trong những buổi tiệc tùng chỉ để bé dạn dĩ dần với việc mọi người đang… lắng nghe con! Cơ hội không thiếu, nếu bạn thật sự muốn tìm và muốn con thử sức.

6. Chăm chút cho ngoại hình của trẻ!

Cũng như người lớn, trẻ sẽ tự tin hơn nếu cảm thấy mình có một vẻ ngoài không khác biệt với bạn bè. Đừng nghĩ đây là điều gì đó quá cao siêu, cũng đừng nghĩ sao chuyên gia tâm lý lại bảo phụ huynh quan tâm đến “hình thức”, “ngoại hình” của trẻ con! Thực tế, ngoại hình ở đây không có nghĩa là… quần là áo lượt! Nhưng bạn nên cho con một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thật tốt từ lúc con còn nhỏ, để bé có thể có được những nền tảng tự tin. Ví dụ một đứa trẻ cân đối, không suy dinh dưỡng, không béo phì, vóc dáng khỏe mạnh, cao lớn, được mẹ luôn nhắc nhở việc tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc tươm tất chắc chắn sẽ tự thấy mình thoải mái hơn khi đứng trước đám đông. Trang phục dành cho trẻ không cần cầu kỳ, diêm dúa, nhưng nó nên sạch sẽ, thẳng thớm, thể hiện sự chăm chút kỹ lưỡng. Điều đó sẽ giúp con bạn tự tin hơn hẳn!

8-ky-nang-giup-con-ban-dan-di-truoc-dam-dong

7. Tạo dựng cho con “giá trị bên trong”

Một đứa trẻ không thể nói tốt trước đám đông nếu như trẻ… chẳng biết nói gì! Nội lực bên trong của trẻ chính là thứ bạn cần vun đắp cho con từ từ, qua nhiều ngày nhiều tháng trong chính gia đình. Ví dụ như bạn có thể kể cho con nghe nhiều câu chuyện, hướng dẫn trẻ đọc các loại sách phù hợp độ tuổi, xem những bộ phim nội dung bổ ích… Tích tụ lâu ngày, những chất liệu này sẽ chính là “chất ngọc” giúp con bạn có được một kiến thức rộng, những suy nghĩ độc lập. Khi bé có được càng nhiều “giá trị bên trong”, những lời bé nói ra khi đứng trước đám đông sẽ càng mang tính thuyết phục, tự tin, chững chạc.

8. Và cuối cùng: Đừng ép trẻ!

Hãy nhớ rằng tất cả những rèn luyện này chỉ mang tính bước đầu, để tạo dựng nền tảng cho con về sau. Do đó, cần để trẻ làm tất cả trong trạng thái thoải mái nhất mà trẻ muốn. Nếu có một đám đông nào đó trẻ cảm thấy xa lạ, không muốn xuất hiện chẳng hạn, bạn đừng ra sức ép con. Tuy nhiên, bạn có thể đưa trẻ đến nhiều môi trường giao tiếp khác nhau để giúp trẻ làm quen từ từ. Bé có thể ở bên cạnh bạn, quan sát, sau đó làm quen với một hai người bạn… Cứ như thế cho đến khi bé cảm thấy môi trường mới này thật sự “an toàn”.

Trẻ tự tin trước đám đông phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp giáo dục trong gia đình ngay từ nhỏ nên cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức để giúp trẻ mạnh dạn chỗ đông người. Ngay từ nhỏ, nên giúp trẻ có tác phong tự chủ, thoải mái chào hỏi người lạ, biết cách trả lời lễ phép từng câu hỏi người khác đặt ra. Bố mẹ đừng nên làm thay cho trẻ việc gì nếu bạn tin rằng con có thể tự mình xoay sở được. Bằng cách đó, dần dần con sẽ tự chủ và mạnh dạn hẳn lên. 

(Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh tư vấn)

Tags:

Bài viết liên quan