Tết là ngày đoàn viên, cả gia đình cùng sum vầy nhưng cũng chính vì có nhiều thời gian bên nhau nên đây cũng là thời điểm dễ phát sinh các mâu thuẫn gia đình nhất. Vậy đâu là những mâu thuẫn thường gặp trong ngày Tết và liệu có cách nào để hóa giải những mâu thuẫn này hay không?
Các mâu thuẫn gia đình thường gặp nhất trong dịp Tết
Về nội hay về ngoại
Với các đôi vợ chồng thì một trong những mâu thuẫn gia đình dễ dẫn đến chuyện vợ chồng cãi nhau nhất đó chính là việc Tết thì nên về nội hay về ngoại. Vì Tết là ngày đoàn viên, ngày gia đình quây quần bên nhau nên ai cũng muốn dành thời gian ở bên bố mẹ của mình nhiều hơn và cho con cái được ở bên ông bà nhiều hơn.
Nếu cư xử không khéo thì rất dễ xảy ra chuyện bố mẹ anh, bố mẹ em và khiến đối phương tổn thương vì nghĩ rằng mình không tôn trọng gia đình của đối phương.
Xem thêm:
- 6 món canh ngày tết vừa ngon miệng, vừa hàm ý may mắn
- Top 10 kiểu quà Tết độc đáo và cách gói độc đáo, sang trọng
Ai là người dọn dẹp nhà cửa?
Ngày Tết, chúng ta thường quan điểm dọn dẹp nhà cửa thật sạch, thật tinh tươm như một cách để dọn hết những muộn phiền, xui rủi của năm cũ, cầu mong cho năm mới bình an, suôn sẻ và thuận lợi.
Tuy nhiên, mâu thuẫn gia đình sẽ xảy đến nếu những người phụ nữ mãi tất bận trong việc dọn dẹp, chuẩn bị cho năm mới mà không có sự trợ giúp hay hỗ trợ từ phía những người chồng, người cha.
Gia đình là mái ấm chung của tất cả các thành viên. Vì thế, trong bất kỳ chuyện gì thì nếu chỉ có một vài người làm thì cũng rất dễ gây ra cảm giác tủi thân, uất ức, sinh ra mâu thuẫn.
Biếu Tết bố mẹ hai bên bao nhiêu là đủ?
Tương tự như câu chuyện về nội hay về ngoại, chuyện biếu Tết, quà cáp cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Nên gửi cho bố mẹ chồng nhiều hơn hay bố mẹ vợ nhiều hơn hay gửi cho cả hai như nhau? Tại sao sống cùng với bố mẹ chồng, đã sắm sửa cho bố mẹ chồng nhưng vẫn phải gửi tiền biếu Tết giống như bố mẹ vợ?
Vào dịp Tết, khi hàng trăm, hàng ngàn thứ phải cần dùng đến tiền thì việc chi tiêu không hợp lý có thể khiến vợ chồng trở nên căng thẳng với nhau, khiến không khí trong gia đình trở nên mất vui.
Xem thêm: Bạn đã bao giờ nghe đến hội chứng buồn chán dịp lễ tết?
Lì xì
Lì xì là một phong tục truyền thống đẹp của người dân Việt Nam ta với ý nghĩa người lớn mong cầu những điều tốt đẹp với trẻ con, chúc cho trẻ con mau lớn, thông minh học giỏi và nhận được nhiều điều may mắn trong năm mới sắp đến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì chuyện lì xì dần trở thành gánh nặng và có thể gây ra nhiều mâu thuẫn gia đình khi ngày càng có nhiều người cho rằng việc lì xì như một nghĩa vụ và lì xì phải nhiều tiền thì mới gọi là thương yêu.
Vì thế, nhiều người lớn cảm thấy áp lực với chuyện tính toán chuyện lì xì cho em, cháu trong nhà và không vui khi vừa lì xì xong đã bị bố mẹ của cháu hay những người khác, thậm chí là con cháu chê vì sao tiền lì xì ít thế.
Vấn đề ăn nhậu, rượu bia
Trong không khí hân hoan của ngày Tết, các gia đình thường tổ chức những buổi tiệc hay các bữa ăn gia đình và hầu như những buổi này đều có sử dụng đến bia rượu. Và đây cũng chính là nguồn cơn cho vấn đề mâu thuẫn gia đình xảy ra.
Khi rượu vào, lời ra và không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình thì rất dễ gây khó chịu cho đối phương và khiến đối phương cảm thấy tức giận, từ đó dễ sinh cãi vã.
Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu
Dịp Tết là dịp mẹ chồng nàng dâu dễ sinh mâu thuẫn nhất bởi có rất nhiều việc nhà phải làm trong những ngày này. Mỗi người một ý, một cách làm việc khác nhau. Mẹ có thể muốn đón Tết theo kiểu truyền thống, con có thể muốn đón Tết theo cách hiện đại, từ đó sinh ra mâu thuẫn gia đình.
Điều này thường gặp ở những nàng dâu mới trong năm đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng, khi chưa quen với nếp sống và văn hóa đón Tết ở nhà chồng.
Mâu thuẫn gia đình về ăn uống
Trong các gia đình vào ngày Tết thì thường xảy ra tranh cãi với nhau chuyện ăn uống. Người không vào bếp thì muốn ăn món này món kia, người vào bếp lại cảm thấy mệt mỏi vì phải nấu quá nhiều món, từ đó dẫn đến mâu thuẫn.
Thời gian sinh hoạt
Ngày Tết, mâu thuẫn gia đình giữa bố mẹ, con cái và các thế hệ gia đình thường thấy nhất chính là mâu thuẫn trong thời gian sinh hoạt. Bố mẹ thường muốn thức dậy sớm hơn, trong khi những đứa con lại có muốn dậy muộn hơn. Khi không thể có thói quen sinh hoạt giống nhau thì dễ gây tranh cãi, mâu thuẫn, khiến không khí ngày Tết không còn vui vẻ.
Hóa giải mâu thuẫn gia đình trong ngày Tết
Làm sao để không khí gia đình trong ngày Tết luôn ngập tràn tiếng cười và vui vẻ? Bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây:
- Bỏ qua: Hãy học cách bỏ qua để tránh vướng vào những tranh cãi không đáng có. Thay vì cố gắng thay đổi suy nghĩ của một người, bạn chỉ cần im lặng và bỏ qua là đã có thể giúp cho không khí gia đình được yên bình hơn đôi phần.
- Thỏa hiệp: Mâu thuẫn gia đình là điều mà hầu như nhà nào cũng gặp. Tuy nhiên, mọi người có thể cùng nhau ngồi lại và thỏa hiệp, chọn lựa xem sẽ làm như thế nào thì tốt nhất. Hãy đưa ra góc nhìn cá nhân, và tôn trọng góc nhìn của đối phương, rồi cùng nhau tìm ra tiếng nói chung của cả hai để giải quyết những tình huống tranh cãi.
- Nhường nhịn: Trong ngày Tết, việc cả gia đình sum vầy và hạnh phúc bên nhau mới là điều quan trọng. Do vậy, với những chuyện không đáng, bạn có thể nhường nhịn để cả hai bên cùng cảm thấy vui vẻ.
- Có sự chuẩn bị và tính toán từ trước: Thay vì đợi sát Tết nguyên đán mới bắt đầu mua sắm hay tính toán cho việc chi tiêu ngày Tết, bạn nên để dành những khoản tiết kiệm và chuẩn bị sắm Tết từ sớm. Hãy lập danh sách những món quà hay đồ vật cần mua, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể để biết tình hình tài chính như thế nào, cân đo đong đếm sao cho phù hợp nhất.
Những mâu thuẫn gia đình trong ngày Tết cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đừng để những điều nhỏ nhặt này khiến không khí ngày đầu xuân trở nên mất vui mà hãy cố gắng để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum vầy đón năm mới hạnh phúc, an yên nhất bạn nhé!