Mẹ và Con - Buồng trứng không chỉ thực hiện vai trò sinh sản mà còn thực hiện chức năng tiết ra các hóc môn để điều chỉnh hoạt động của nhiều cơ quan khác. Vậy bạn đã biết cách tăng cường sức khỏe buồng trứng chưa?

Trước khi tìm hiểu về cách tăng cường sức khỏe buồng trứng, Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ đến mẹ một số thông tin quan trọng về cơ quan nội tiết rất đặc biệt này nhé!

Buồng trứng là một cơ quan nội – ngoại tiết hình oval, có kích thước khoảng 4x3x1 cm, nằm đối diện nhau ở hai đầu xương chậu trong khoang bụng và hướng về hai phía của tử cung, được nối với nhau bằng dây chằng buồng trứng. Điểm đặc biệt của buồng trứng chính là chúng không được che phủ trong khoang phúc mạc, mà được nối vào thành cơ thể bằng dây chằng.

Ngoài chức năng sinh sản, dưới tác động của tuyến yên, buồng trứng còn tiết ra các loại hóc môn đảm bảo cho sự phát triển của đặc điểm giới tính nữ, hoạt động của các cơ quan khác và tác động lên hoạt động tình dục của người phụ nữ.

>> Xem thêm: Tất tần tật về đa nang buồng trứng

Đặc điểm giới tính nữ

Vào giai đoạn dậy thì, buồng trứng tiết ra estrogen giúp cho bộ ngực của các bé gái phát triển. Đồng thời, hóc môn này có hỗ trợ cho các đặc điểm sinh dục thứ phát như mọc lông mu, phát triển hông nang để sẵn sàng cho việc thực hiện chức năng sinh sản về sau.

Ở người phụ nữ trưởng thành, các hóc môn được buồng trứng sản sinh giúp cho da và tóc khỏe mạnh, giữ xương chắc khỏe và duy trì ham muốn tình dục. Bước vào giai đoạn mãn kinh, sự thiếu cân bằng hóc môn sẽ gây ra những hiện tượng “lạ” như tăng cân, lão hóa da, tính khí thất thường, nhu cầu tình dục giảm…

tăng cường sức khỏe buồng trứng
Tăng cường sức khỏe buồng trứng

Số lượng trứng thay đổi theo thời gian

Một điều rất đặc biệt mà ít người biết về buồng trứng chính là số lượng trứng được sản sinh sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm dần. Khi ở tháng thứ 5 của thai kỳ, buồng trứng của thai nhi gái có khoảng 7 triệu trứng. Khi chào đời, số lượng trứng sẽ giảm xuống còn khoảng 2 triệu và đến tuổi dậy thì chỉ còn lại 400.000 trứng.

Sau khi một bé gái được sinh ra, số trứng đã phát triển đầy đủ tiếp tục thực hiện chức năng sinh sản và buồng trứng không sản sinh ra trứng mới nữa.

Kích thước buồng trứng hay thay đổi

Bình thường, chiều dài của buồng trứng vào khoảng 3-5 cm. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn rụng trứng hoặc chu kỳ nguyệt san (kinh nguyệt), buồng trứng sẽ to hơn do trứng rụng và sự xuất hiện của các nang nhỏ. Sau giai đoạn đó, buồng trứng quay trở về kích thước ban đầu.

Quá trình này lặp đi lặp lại vào chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng cho đến khi buồng trứng hết nhiệm vụ sinh sản thì sẽ teo nhỏ lại, tức là khi người phụ nữ qua giai đoạn mãn kinh.

Sự rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt

Hàng tháng, chỉ một quả trứng trưởng thành được rụng. Sự rụng trứng này sẽ diễn ra một cách đều đặn ngay cả khi kinh nguyệt không đều. Sau khi rụng, mỗi quả trứng có thời gian tồn tại vào khoảng 12-24 giờ.

Nếu gặp tinh trùng, nhiều khả năng là sẽ có hiện tượng thụ thai và phát triển thành một cá thể mới. Ngược lại, quả trứng sẽ bị tan rã và hấp thu vào lớp niêm mạc tử cung, chuyển thành kinh nguyệt.

Biểu hiện của buồng trứng khỏe mạnh

Buồng trứng là một trong những cơ quan khá nhỏ bé và ẩn sâu trong cơ thể. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết được sức khỏe của buồng trứng? Biểu hiện của buồng trứng khỏe mạnh là chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn, nhất quán từ 25-35 ngày, lượng máu ổn định.

Ngoài ra, dịch nhầy cổ tử cung dẻo và trong suốt, không có mùi và màu lạ cũng là một biểu hiện của buồng trứng khỏe mạnh. Ngược lại, nếu bạn thấy mình có những biểu hiện bất thường như chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh, da thô xấu, tóc và lông mu rụng, khả năng tiết dịch âm đạo giảm, căng thẳng và hay quên… thì đó có thể là biểu hiện của buồng trứng không khỏe, cần phải được thăm khám ngay.

Biểu hiện của buồng trứng khỏe mạnh

Stress gây hại cho buồng trứng

Không chỉ các cơ quan có liên quan bị ảnh hưởng, khi bạn bị căng thẳng quá mức, buồng trứng cũng phải gánh chịu những hậu quả nhất định. Theo nhiều nghiên cứu khoa học đã được công bố, những lúc con người bị stress, các hoạt động của buồng trứng cũng sẽ bị ngưng trệ.

Nguyên nhân là do tình trạng stress làm gia tăng nồng độ hóc môn prolactyn (prolactin), một trong những yếu tố nguy hiểm, có thể gây vô sinh. Bên cạnh đó, stress còn khiến cho trứng rụng ít hơn bình thường, gây khó khăn cho việc sinh sản.

Buồng trứng và sự cân bằng hóc môn

Ngoài đảm bảo khả năng sinh sản, buồng trứng còn đảm nhiệm một chức năng quan trọng khác là tiết hóc môn estrogen và progesterol để duy trì sự ổn định của nhiều cơ quan khác. Cụ thể, hóc môn estrogen có thể đi theo máu đến gắn vào các tế bào tại mô đích giúp tuyến vú, não, xương, gan, tim… hoạt động.

Bên cạnh đó, estrogen còn giúp mạch máu hoạt động hiệu quả, da mềm mại, giảm căng thẳng mệt mỏi và điều hòa các quá trình chuyển hóa khác, bao gồm sự phát triển của xương cũng như nồng độ cholesterol.

Với progesterol, hóc môn này có chức năng giữ ổn định cho chu kỳ kinh nguyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm tổ của trứng và giúp cho thai kỳ an toàn, ngăn chặn các cơn co thắt tử cung, tạo thành hàng rào bảo vệ tử cung khỏi vi khuẩn xâm nhập…

7 cách tăng cường sức khỏe buồng trứng 

Buồng trứng tuy nhỏ bé, nhưng lại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, bạn cần phải biết cách chăm sóc buồng trứng thật tốt để đảm bảo sức khỏe sinh sản và cả những chức năng khác trong cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng

Để đảm bảo sức khỏe của buồng trứng, trước tiên, bạn cần đảm bảo duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng các nhóm thực phẩm chính. Đừng quên bổ sung một số vi chất đặc biệt như crôm, sắt và các loại thực phẩm chứa nguồn protein thực vật dồi dào để giúp buồng trứng phát triển khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, bạn còn có thể dùng rượu vang đỏ điều độ mỗi ngày. Hàm lượng polyphenol có trong vang đỏ sẽ giúp hoạt động của trứng tăng lên 20% giúp tăng cường sức khỏe buồng trứng hiệu quả.

Tránh thai an toàn là giúp tăng cường sức khỏe buồng trứng

Để duy trì cân bằng của buồng trứng, bạn cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hạn chế tác động hóa học bằng các loại thuốc tránh thai hàng ngày hoặc khẩn cấp. Ngoài ra, bạn còn phải bảo vệ buồng trứng, tuyệt đối không phá thai bừa bãi, làm buồng trứng bị mỏng và hoạt động kém đi.

Tránh thai an toàn là giúp tăng cường sức khỏe buồng trứng
Tránh thai an toàn là giúp tăng cường sức khỏe buồng trứng

Hạn chế bức xạ máy tính

Bức xạ phát ra từ máy tính có ảnh hưởng xấu đến buồng trứng. Vì thế, bạn nên dùng máy tính trong thời gian hợp lý và nghỉ ngơi khoảng 10 phút sau 1 giờ sử dụng.

Không để máy tính lên đùi, bụng để tránh nhiệt lượng tỏa ra quá mạnh. Tốt nhất, nên ngồi cách xa máy tính 1-2m. Nếu không cần thiết thì tránh dùng máy tính để không chịu ảnh hưởng từ các tia bức xạ.

Tránh “yêu” trong chu kỳ kinh nguyệt

Khi hành kinh, buồng trứng sẽ rất nhạy cảm. Chính vì thế, “yêu” trong lúc này sẽ khiến cho tử cung và buồng trứng dễ bị tổn thương, làm suy yếu hoạt lực buồng trứng. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục trong những ngày này còn khiến bạn dễ mắc các bệnh phụ khoa ở nữ do vi khuẩn xâm nhập.

Giữ tâm trạng ổn định

Như đã đề cập ở trên, sức khỏe buồng trứng và tâm trạng con người có mối quan hệ nhất định với nhau. Vì thế, để giữ cho buồng trứng khỏe mạnh, bạn nên giữ cho tâm trạng thật thoải mái, lạc quan.

Mỗi ngày, bạn dành thời gian để thả lỏng tinh thần, đọc sách, nghe nhạc và làm những việc mình thích để kích thích nguồn năng lượng tích cực. Đó là cách tăng cường sức khỏe buồng trứng hiệu quả.

Tập thể dục thường xuyên

Sự vận động điều độ có thể thúc đẩy sự trao đổi chất và tuần hoàn máu. Nhờ đó, các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả buồng trứng, hoạt động một cách nhịp nhàng hơn, làm chậm quá trình lão hóa và duy trì chức năng vốn có của chúng.

Không nên thức khuya

Các chuyên gia sức khỏe nhận định, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đến sức khỏe con người bởi chúng sản sinh ra các yếu tố tăng cường hệ miễn dịch. Do đó, khi bạn thức khuya, các chất này bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến quá trình tiết ra các hóc môn giúp bảo vệ sức khỏe của buồng trứng.

Cách tăng cường sức khỏe buồng trứng không quá khó khăn. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con hy vọng rằng bạn có thể thực hiện được đúng không nào? Chúc bạn thực hiện thành công và luôn khỏe mạnh. 

Bài viết liên quan