Mẹ và Con - Bệnh phụ khoa là một rắc rối khó nói và khiến các chị em e dè khi đi khám cũng như điều trị. Tuy nhiên, với các bệnh phụ khoa ở nữ, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ vô sinh.

Một trong những điều vừa khó chịu lại vừa khó nói mà phần lớn các chị em đều gặp phải đó chính là bệnh phụ khoa. Dù không phải những bệnh gây những nguy hiểm trông thấy được, nhưng nếu không được khám và điều trị đúng cách sẽ để lại nhưng hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con điểm mặt các loại bệnh phụ khoa ở nữ thường gặp để có thể kịp thời khám và chữa bệnh, bạn nhé!

Bệnh phụ khoa ở nữ 1

Bệnh phụ khoa là gì?

Bệnh phụ khoa là các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục của người phụ nữ, bao gồm cả “cô bé” và cả những phần không quan sát được bên ngoài mà phải thăm khám bằng mỏ vịt, tay hoặc siêu âm, điển hình như âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng… 

Các loại bệnh phụ khoa ở nữ có thể khiến bạn ngứa ngáy, khó chịu và có tâm lý tự ti trước mặt người ấy, đặc biệt là mỗi khi “yêu”. Bệnh phụ khoa có thể dẫn đến viêm âm đạo và nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ ngày càng tiến triển nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, ứ dịch vòi trứng, u nang buồng trứng. 

Thậm chí, bệnh phụ khoa ở nữ còn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng.

Các nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa ở nữ

Vệ sinh vùng kín không đúng cách

Vì môi trường âm đạo rất ẩm ướt nên vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh rất dễ sinh sôi và phát triển. Nếu vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hoặc không đúng cách, các loại vi khuẩn và nấm sẽ nhanh chóng “xâm chiếm” và gây nên các loại bệnh phụ khoa ở nữ giới. 

Thường xuyên căng thẳng, stress 

Làm việc liên tục, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, thường xuyên căng thẳng lo lắng chính là yếu tố gây mắc bệnh phụ khoa mà ít ai ngờ tới. 

Khi rơi vào căng thẳng, lo lắng, nội tiết tố bên trong cơ thể sẽ thay đổi, gây nên hiện tượng mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý của nữ giới. Lúc này, môi trường vi sinh vật và độ pH âm đạo thay đổi, chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, chậm kinh hoặc rong kinh kéo dài,… Đây đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa ở nữ.

Chế độ ăn uống không phù hợp

Một chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, thường xuyên sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, sử dụng đồ cay nóng, uống cafe, rượu bia và các chất kích thích cũng ảnh hưởng rất nhiều đến “cô bé”. Duy trì thói quen ăn uống không lành mạnh trong một thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa ở nữ giới.

Sau thủ thuật nạo phá thai

Nạo phá thai cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh phụ khoa ở nữ. Cụ thể, khi nạo phá thai tại cơ sở không uy tín, phòng phẫu thuật không được vô trùng, bác sĩ không có chuyên môn và kinh nghiệm, dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng kỹ lưỡng… đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa ở nữ.

Hơn nữa, sau khi nạo phá thai, “cô bé” thường rất yếu và nhạy cảm hơn bao giờ hết. Nếu không được hướng dẫn và thực hiện việc chăm sóc vùng kín đúng cách, các loại vi khuẩn sẽ dễ xâm nhập, phát triển làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Bên cạnh đó, việc quan hệ tình dục quá sớm sau khi phá thai cũng làm tăng nguy cơ tổn thương âm đạo và khiến nữ giới dễ mắc các bệnh phụ khoa hơn.

Các nguyên do khác

Ngoài các lý do kể trên, một số yếu tố khác như phụ nữ trong thai kỳ, sử dụng các chất tẩy rửa không phù hợp, dùng quần lót quá chật, tổn thương vùng kín do quan hệ tình dục… cũng ảnh hưởng đến “vùng tam giác” và có thể khiến bạn dễ mắc bệnh phụ khoa ở nữ hơn.

Các Bệnh phụ khoa ở nữ

Top 6 bệnh phụ khoa ở nữ phổ biến nhất

Viêm âm đạo do nhiễm nấm

Đây là tình trạng nhiễm nấm âm đạo – một loại bệnh phụ khoa ở nữ không lây qua đường tình dục. Khi nhiễm bệnh, bạn sẽ có cảm giác âm đạo ngứa ngáy, đôi khi nóng và có hiện tượng rát khi đi tiểu. Khi quan hệ vợ chồng, âm đạo sẽ đau và lớp niêm mạc viêm đỏ.

Ngoài ra, khi bị bệnh phụ khoa ở nữ nhiễm nấm âm đạo sẽ xuất hiện huyết trắng (dịch màu trắng đục, giống màu sữa, vón cục và đóng thành mảng), khi soi tươi nấm sẽ thấy có sợi tơ nấm hoặc bào tử nấm.

Viêm âm đạo do nhiễm khuẩn

Tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh phụ khoa ở nữ này xuất hiện khi có sự mất cân bằng của các nhóm vi sinh vật ở âm đạo. Ngoài ra, tình trạng suy giảm Lactobacillus cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Khi bị viêm âm đạo do vi khuẩn, bạn sẽ ít thấy các triệu chứng xuất hiện như khi viêm âm đạo do nhiễm nấm. Thông thường, bác sĩ chẩn đoán bệnh phụ khoa ở nữ này dựa trên các hiện tượng như huyết trắng chuyển màu trắng xám, có mùi hôi, dính đều vào thành âm đạo. 

Bệnh lây truyền qua đường tình dục – STDs (Sexually Transmitted Diseases) 

Một số bệnh phụ khoa ở nữ có thể lây qua đường tình dục nếu không thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Một số bệnh phổ biến có thể kể đến như: 

  • Bệnh lậu: Xuất hiện khí hư có màu đục như mủ trắng, tiểu khó.
  • Bệnh nhiễm chlamydia đường sinh dục: Do tác nhân Chlamydia Trachomatis gây ra, có biểu hiện giống bệnh lậu.
  • Bệnh trùng roi đường sinh dục: Bệnh phụ khoa ở nữ này khiến huyết trắng loãng, có bọt, chuyển màu vàng xanh, vùng kín có mùi hôi và ngứa.
  • Bệnh giang mai: Do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Nếu mẹ mắc bệnh khi mang thai thì có thể lây từ mẹ sang con gây giang mai bẩm sinh.

Bệnh phụ khoa ở nữ lây qua tình dục

U xơ tử cung

Bệnh phụ khoa ở nữ u xơ tử cung thường gây rối loạn kinh nguyệt như rong kinh và cường kinh dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng. Khi bị u xơ tử cung, bạn sẽ cảm thấy đau bụng, có khối u ở bụng dưới, bí tiểu,…

U nang buồng trứng

Tình trạng bệnh u nang buồng trứng có thể do dư thừa hàm lượng HCG trong cơ thể hoặc do các nang trứng phát triển kém hoàn thiện. Bệnh phụ khoa ở nữ này thường không có triệu chứng hoặc chỉ xảy ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt và đau bụng.

Viêm phần phụ (viêm vòi trứng, buồng trứng)

Khi bị viêm phần phụ, bạn có thể thấy bụng dưới đau dữ dội, tiểu buốt, có thể kèm theo sốt và cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra, cơ thể cũng xuất hiện nhiều khí hư có màu vàng và mùi hôi.

Ngoài các bệnh phụ khoa ở nữ kể trên còn có các bệnh khác như viêm nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, vulvodynia, rối loạn vùng chậu…

Phương pháp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh phụ khoa ở nữ

Để có thể ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh:

Quan hệ tình dục an toàn

Sử dụng bao cao su khi quan hệ, kể cả khi quan hệ bằng miệng. Ngoài ra, cả bạn và đối phương nên thực hiện khám sức khỏe sinh sản trước khi quan hệ để chắc chắn về tình trạng của cả hai.

Tuân thủ nguyên tắc một vợ – một chồng, nói không với các mối quan hệ “nguy hiểm” để tránh mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Việc lựa chọn tư thế quan hệ phù hợp cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh phụ khoa ở nữ. Không nên chọn các tư thế quan hệ vợ chồng quá mạnh hoặc tần suất quan hệ quá nhiều để tránh làm tổn thương âm đạo.

Vệ sinh “cô bé” đúng cách

Thường xuyên vệ sinh vùng kín và thực hiện vệ sinh đúng cách sẽ giữ cho bạn tránh được các nguy cơ mắc bệnh phụ khoa ở nữ. Khi vệ sinh âm đạo, cần lưu ý:

  • Vệ sinh và thay quần lót thường xuyên, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Vệ sinh “cô bé” hằng ngày, sau khi đi tiểu tiện
  • Nước vệ sinh phải là nước sạch, không nhiễm khuẩn
  • Sau khi vệ sinh, nên giữ cho “vùng bikini” khô thoáng
  • Không mặc các loại quần lót, quần ngoài bó sát để tránh ma sát vùng kín gây tổn thương
  • Khi đến kỳ kinh nguyệt, chú ý thay băng vệ sinh 4 giờ/lần
  • Không dùng xà bông và các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Để tránh tình trạng viêm nhiễm dẫn đến bệnh phụ khoa ở nữ, có thể chọn các loại dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, an toàn
  • Không tự thụt rửa âm đạo
  • Không dùng chung khăn tắm và đồ lót với người khác 

khám bệnh phụ khoa ở nữ

Khám phụ khoa định kỳ

Để có thể ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, điều trị các loại bệnh phụ khoa ở nữ, nên thực hiện thăm khám định kỳ, ít nhất 6 tháng/ lần hoặc khi có chỉ định của bác sĩ, không nên đợi đến khi có triệu chứng mới bắt đầu thực hiện kiểm tra.

Các loại bệnh phụ khoa ở nữ thường rất phiền phức, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, nên chủ động theo dõi và thăm khám thường xuyên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài viết liên quan