Mẹ&Con - Cột mốc 6 tuổi là cột mốc cực kỳ quan trọng của con. Từ một em bé chỉ biết chơi, biết ăn, biết ngủ, từ đây con đã chính thức phải bước vào một môi trường mới, với những bài học, những sự rèn luyện, cả 'kỷ luật' cũng trở nên nghiêm ngặt hơn. Con đã đủ lớn chưa? Và mẹ cần giúp gì cho con trong giai đoạn ấy? Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi sắp có em 3 cách nghĩ sai trong việc dạy con Lên 3, con thay đổi tâm lý, tính cách

6 tuổi là thời kỳ não bé phát triển nhanh và rõ nhất trong đời người. Song trẻ ở lứa tuổi này, công năng hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh chưa cân bằng, nên nếu để bé làm việc gì đơn thuần kéo dài sẽ dễ gây mệt mỏi. Do đó, dù con đã vào lớp 1 nhưng bạn cần hiểu rằng khoan vội đòi hỏi quá nhiều ở trẻ trong việc học hành. Việc học của con lúc này vẫn còn là một “trò chơi”. Đừng để một em bé lớp 1 phải học miệt mài, bé sẽ mau chán nản và đâm ra sợ học.

Cũng cần biết rằng khả năng tự kiềm chế, điều tiết của trẻ ở tuổi này còn kém, khi trẻ hưng phấn làm một việc gì đó thì rất tập trung, quên ăn quên ngủ. Cho nên bố mẹ không được để trẻ kéo dài thời gian hưng phấn (chẳng hạn dán mắt vào iPad chơi game cả tiếng đồng hồ), nhằm tránh gây mệt mỏi cho trẻ.

6-tuoi-con-da-lon-khon-hay-chua

Ý thức về cái tôi ở trẻ phát triển mạnh

6 tuổi, trẻ hiểu được mình như thế nào, những người xung quanh đối xử với mình ra sao (ai thương mình, ai ghét mình), vì sao mình lại làm việc này, mình làm việc này tốt hay chưa tốt, đúng hay sai.

Chính nhờ ý thức về cái tôi phát triển mạnh nên trẻ đã có thể điều chỉnh được hoạt động của bản thân. Trẻ hay đưa ra các lời nhận xét về bản thân mình và người khác. Trẻ cũng thể hiện cái tôi của mình bằng việc thích tự mình quyết định.

Bạn đã có thể đưa con vào nề nếp, uốn nắn những hành động, lời nói đúng sai của con trong độ tuổi này. Nhớ kỹ là không dùng bạo lực, đòn roi để đánh mắng trẻ như biện pháp “dạy bảo”. Thay vào đó, cần khéo léo sử dụng các biện pháp kỷ luật không nước mắt, để con hiểu thật rõ mình đang phạm lỗi gì, tại sao mình chưa đúng, từ đó có ý thức điều chỉnh bản thân để ngày một ngoan hơn.

Con bạn có biết làm những điều này?

Kỹ năng trẻ cần đạt được

Trẻ bắt đầu thích nghe chuyện có pha một chút kịch tính, phức tạp hơn chuyện của trẻ 5 tuổi. Tình tiết truyện lúc này cần nhiều hơn để kích thích trẻ.

Trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú. Trẻ có khả năng nhân cách hóa mọi vật xung quanh. Ví dụ trẻ sẽ nói với bạn là: “Tội nghiệp mèo con quá! Mèo con đang khóc huhu vì nhớ mẹ! Hay mình đưa mèo con đi tìm mẹ đi…”.
Do sự phát triển của cơ thể, trẻ lên 6 rất hoạt bát và hiếu động, chúng không thích ngồi một chỗ, chỉ thích được tự do chạy nhảy, không lúc nào chịu ngồi yên.
Trẻ rất hiếu kỳ, hay đặt câu hỏi tại sao. Bạn cảm thấy dường như con muốn biết về mọi thứ. (Hãy kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của con nhé!).
Trẻ 6 tuổi đã ý thức rõ về “thành công”. Không chỉ chơi là… chơi như khi còn bé, trẻ đã biết thắng thua, được mất. Có một số bé xuất hiện tính ganh đua, muốn mình chiếm vị trí cao từ rất sớm.
Các hình tượng cụ thể có sức hấp dẫn đặc biệt với trẻ. Trẻ rất thích xem phim hoạt hình, múa rối, truyện tranh ở tuổi lên 6 cũng vì lý do này.
Khả năng vận động của trẻ rất tốt. Bé có thể chạy, nhảy một cách nhanh nhẹn, thực hiện được nhiều động tác tinh tế.
Trẻ đã có thể tự mặc hay cởi quần áo. Bé gái thường thực hiện nhanh và chính xác hơn so với các bé trai.
Trẻ có sự hình dung rõ rệt, gắn liền với sự vật. Ví dụ khi nói đến con chó, trẻ chỉ nghĩ ngay đến con chó nhà mình chứ không có khái niệm chung chung về chó.
6 tuổi, con đã thích đặt tên cho những bức tranh của mình. Tranh vẽ của bé giai đoạn này không còn chỉ đơn thuần là nguệch ngoạc mà đã có sự phát triển dần về thế giới xung quanh.
Trẻ sử dụng thành thạo tiếng Việt trong sinh hoạt hàng ngày, nắm vững ngữ âm, ngữ điệu, phát triển vốn từ và các cấu trúc ngữ pháp, có thể diễn giải ngôn ngữ một cách mạch lạc.
Rất thích mẹ kể đi kể lại cho nghe một câu chuyện cổ tích, từ ngày này sang ngày khác. Đây là cách để trẻ học hỏi, và sau mỗi lần nghe kể, trẻ sẽ hiểu thêm vài tình tiết, hiểu thêm vài từ ngữ mà con chưa biết.
Trẻ đã hình thành tư duy sơ đồ và tư duy logic.

Trẻ đã có khái niệm về thời gian và các ngày trong tuần, khái niệm về con số, không gian, hình dáng, màu sắc.

6-tuoi-con-da-lon-khon-hay-chua1

Mẹ nên…

+ Đừng bao giờ ừ hử cho qua chuyện với trẻ ở lứa tuổi này. Trẻ lên 6 học hỏi rất nhiều thông qua các câu hỏi “tại sao”. Vì vậy, bạn nên tự… trang bị cho mình những kiến thức, cách lý giải đơn giản để trả lời tốt cho các câu hỏi của con. Nên kiên nhẫn và vui vẻ để khuyến khích con tìm hiểu nhiều hơn. Bạn cũng có thể hướng dẫn con cách tìm ra câu trả lời cho chính mình bằng một số loại sách tranh đơn giản về khoa học.

+ Tâm lý của trẻ lên 6 chưa ổn định nên vẫn khóc cười, chuyển trạng thái rất nhanh. Bạn không cần thiết phải lo lắng việc này. Hãy chấp nhận như một giai đoạn chuyển tiếp để khôn lớn của con. Cũng không cần đưa ra những nhận xét kiểu như: “Con là con trai mà sao khóc nhè hoài vậy hả?”.

+ Trẻ 6 tuổi có thể khá ích kỷ. Con bạn không muốn chia sẻ đồ chơi, hiếu thắng, đặt mình là trung tâm. Khi con chơi gần thua, con sẽ hay nói những câu như: “Thôi chơi lại đi ba!”, “Bây giờ mình đổi qua chơi kiểu khác đi”. Không nên chỉ dựa vào đó để “quy chụp” là trẻ.. khôn lõi, thích ăn gian hay thiếu trung thực, vì trẻ hoàn toàn chưa thật sự ý thức về điều này và đây cũng không phải tính cách “thật” của trẻ nên bạn đừng lo. Hãy thoải mái chiều theo con hoặc vui vẻ giải thích cho con biết là lần sau con cần làm thế nào để thắng.

+ Để hạn chế tính hiếu thắng ở trẻ, bạn có thể hướng dẫn con chơi các trò chơi, các hoạt động không có tính thắng – thua, ví dụ như trồng cây, đọc truyện, vẽ tranh…

+ Trẻ ở độ tuổi này rất nhạy cảm nếu bố mẹ không chú ý, buồn nếu bị mắng và thường cảm thấy rất có lỗi nếu làm sai việc gì. Bạn nên dành nhiều thời gian cho con. Đừng để trẻ tự ám ảnh mình rằng bố mẹ không thương mình, bố mẹ thích chơi với em bé hơn là với mình, mình chẳng có ai là bạn cả…

+ Hãy tích cực cho trẻ đi ra ngoài chơi, thăm công viên, sở thú để chúng học thêm được nhiều thứ. Cha mẹ hãy khơi dậy cho trẻ lòng ham hiểu biết, muốn khám phá thế giới xung quanh.

+ Nên tích cực hướng dẫn bé những qui tắc ổn định trong gia đình để giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường kỷ luật ở trường tiểu học.

+ Một cột mốc cực kỳ quan trọng cho con là trẻ bước vào lớp 1. Bạn nên chuẩn bị tâm lý thật chu đáo để giúp bé làm quen với môi trường mới. Nên thường xuyên đưa con đến thăm trường (trước khi năm học chính thức bắt đầu), cho bé tập quen dần với những dụng cụ học tập cá nhân.

Khả năng chú ý của trẻ 6 tuổi vẫn là chú ý ngắn hạn, trong khoảng 15 phút là nhiều nhất. Các bậc cha mẹ nên lưu ý đặc điểm này khi dạy trẻ.

Nếu con bạn vẫn tè dầm?

Khi được 6 tuổi, chỉ còn khoảng 15% trẻ bị tè dầm, đa phần là bé trai. Bạn không cần làm cho bé cảm thấy mình “có lỗi” với chuyện vẫn còn tè dầm ở tuổi này, nhưng nên kín đáo có sự theo dõi, đưa trẻ đi khám nếu cần. Thông thường, tè dầm ở tuổi lên 6 nếu ở bé gái có thể do một vài bệnh về tiết niệu. Ngoài ra, có thể gặp ở trẻ có sự biến đổi tâm lý, stress như: gia đình gặp rắc rối, bố mẹ ly dị, việc học hành của trẻ không tốt…

Kỹ năng trẻ cần biết để bắt đầu vào lớp Một

– Lắng nghe giáo viên và giơ tay khi muốn nói.

– Xếp hàng và đi cùng với nhóm mà không nói chuyện hoặc chọc phá người khác.

– Ngồi làm việc riêng mà không chọc phá các trẻ khác.

– Biết kiểm tra đồ dùng cá nhân và báo với cha mẹ khi thiếu hoặc mất.

– Biết lắng nghe người hướng dẫn và làm theo.

– Trao đổi được với giáo viên và các bạn cùng lớp về các hoạt động hàng ngày.

Bác sĩ Lê Phương Thúy
(Chuyên khoa Tâm lý Trẻ em)

Tags:

Bài viết liên quan