Sau một thời gian dài ở nhà, tôi nhận ra rằng việc ở nhà chăm con và trở thành một bà nội trợ đích thực cũng có những ưu nhược điểm riêng như bao công việc khác. Những cảm xúc thăng trầm đã giúp tôi hiểu mình cần học cách từ bỏ nhiều thứ để trở thành một người mẹ đúng nghĩa.
Cảm giác tội lỗi
Tôi đã mất một năm đầu tiên để gặm nhấm cảm giác tội lỗi về quyết định của mình. Tôi cảm thấy đây giống như bản án dành cho mình. Cảm giác lạc lõng ngập tràn khi tôi nói chuyện với bạn bè về công việc. Dường như không còn mối liên kết nào giữa chúng tôi nữa bởi tôi đang bận chăm sóc gia đình thay vì chịu những áp lực công việc như họ. Tôi đã phải giải thích với mọi người rằng việc nghỉ làm đã khiến chúng tôi phải vật lộn với vấn đề tài chính và lối sống cũng theo đó mà thay đổi rất nhiều.
Thực sự không hề đơn giản khi bạn muốn trở thành một bà mẹ bao dung nếu bạn có một đứa con trai quá nghịch ngợm và nhạy cảm.
Tuy nhiên, bây giờ cảm giác tội lỗi đó đã được thay thế bởi suy nghĩ: Nên tìm việc trở lại! Đặc biệt là những lúc con trai giận hờn hét lên “Con không muốn nhìn thấy mẹ nữa!”, còn tôi thì đáp lại “Con không thể sa thải mẹ vì mẹ sẽ nghỉ việc trước đó rồi!”.
Không thể là một “bà mẹ siêu nhân”
Sau rất nhiều buổi gặp gỡ “tám” chuyện với hàng tá bà mẹ khác nhau, tôi nhận ra rằng các bà mẹ siêu nhân đang ẩn hiện đâu đó quanh ta. Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy mình bị lu mờ khi so sánh với những bà mẹ nội trợ khác và những bà mẹ vừa làm việc vừa chăm gia đình. Họ không chỉ biết nấu nướng mà còn có thể tự làm kem dưỡng da, kem đánh răng và kem chống hăm cho con. Tôi đã tự so sánh bản thân với họ: Nếu họ có thể làm tất cả những điều này thì tại sao tôi lại mất tới 45 phút để đi từ nhà tới công viên và bắt con mình mặc thứ khủng khiếp gì thế này?
Sau cùng tôi đành thừa nhận rằng bản thân không phải tuýp phụ nữ như vậy. Nhưng tôi biết mình là một người mẹ của tình yêu thương, và điểm này có thể bỏ xa bất kỳ ưu điểm nào khác. Tôi đã dành cả tiếng đồng hồ để làm món bánh khoai lang cho con nhưng nó chỉ mất 3 giây để nhả ra khỏi miệng và ném bay xuống sàn nhà. Thậm chí con còn lắc đầu đầy thất vọng khi bỏ đi nữa.
Những sự hối tiếc
Khi con trai tôi tròn 1 tuổi và tôi bắt đầu nghỉ làm ở nhà, tôi vẫn chưa nhận thức được rằng mình có một đứa con cứng đầu. Khoảng 2 tuổi rưỡi, con trai tôi bắt đầu có những dấu hiệu của chứng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng và chúng tôi vẫn phải tiếp tục để ý bệnh của con cho tới giờ. Bạn có thể sẽ bắt gặp tôi ôm một đứa bé trần truồng đang la hét ầm ỹ và chạy vụt qua cửa hàng tạp hoá.
Thực sự không hề đơn giản khi muốn trở thành một bà mẹ bao dung, người vừa có thể cười dịu dàng vừa hỏi han nhẹ nhàng khi con phá hỏng thứ gì chỉ vì nó thấy điều đó thú vị. Và nếu bạn hỏi tôi có hối tiếc vì quyết định ở nhà không thì câu trả lời sẽ là “Có”. Tôi luôn cảm thấy hối hận ít nhất một lần mỗi tháng. Tôi khá nhớ những ngày được để con ở nhà và tới công ty làm việc. Và đôi khi tôi thấy mình giống một món quà bất ngờ cho con trai khi trở về nhà sau ngày làm việc.
Công việc hiện tại đang vắt kiệt sức lực của tôi, nhưng bằng cách nào đó những sự mệt mỏi dần biến mất và tôi đã lấy lại được sự sung sức của mình khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của con.
Ảo tưởng về một cuộc hôn nhân hoàn hảo
Tôi đã từng nghĩ việc ở nhà sẽ làm cuộc hôn nhân của chúng tôi trở nên tuyệt vời hơn. Và tôi đã suýt cười vỡ bụng khi nhận ra mình đã quá ảo tưởng. Tôi không biết chính xác lý do gây ra các cuộc cãi vã khi mà chúng tôi đã có chung những đứa con và sống với nhau lâu như vậy. Nhưng chính sự căng thẳng về trách nhiệm chung và áp lực tài chính là nguyên nhân của sự căng thẳng đó.
Có một cậu con trai nhạy cảm, một người chồng chỉ biết làm việc đôi khi khiến tôi không còn chút sức lực nào vào cuối ngày. Mọi người thường nói chúng tôi có một sự phối hợp tuyệt vời, nhưng bí mật nhé, có những ngày tôi đã nghĩ rằng “mình phải giải quyết toàn bộ những căng thẳng này bằng một trận đấu boxing truyền thống mới được”. Tôi thì luôn hiểu những điều lũ trẻ muốn còn chồng tôi thì phải vật vã lắm mới bắt nhịp được.
Kết hôn giống chơi trò tung hứng vậy, có người tung thì cần có người hứng để tạo nên sự nhịp nhàng của hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, nhiều khi bạn cũng nên học cách vừa tung vừa hứng để giữ ấm cho lửa gia đình nữa.
Sự thiếu tự tin vào bản thân
Những thách thức tôi phải đối mặt khi làm mẹ đôi khi khiến tôi muốn đầu hàng. Tôi cứ nghĩ mình có thể cân bằng cuộc sống, nhưng nghĩ và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Có lần tôi đưa con trai út đi mua đồ nhưng nó phản đối việc đó bằng cách vùng vẫy và la hét om sòm. Lúc đó tôi chỉ muốn biến thành một bà mẹ siêu nhân để có thể giải quyết mấy sự cố này.
Dù bạn vừa đi làm vừa trông con hay chỉ ở nhà nội trợ, dù bạn có là những ông bố bà mẹ siêu nhân hay không thì việc tạo nên bầu không khí yêu thương cho con chỉ là một nửa trận chiến. Và nửa còn lại là cho các con thấy bạn chính là hình mẫu của một con người đầy tự tin.
Ngay cả trong những ngày cảm thấy chán nản, tôi vẫn nhận ra rằng mình thật may mắn khi có thể ở nhà chăm sóc các con. Đó vừa là niềm vui tột cùng, vừa là thách thức mà tôi phải vượt qua. Vậy liệu tôi có bất kỳ lý do nào để kêu ca khi trở thành một bà mẹ nội trợ không? Câu trả lời chắc chắn là “Có”. Nhưng đó chỉ là những thử thách để tôi thay đổi những điều chưa tốt và nắm bắt những cơ hội giúp tôi trở thành một bà mẹ đặc biệt với các trai mà thôi.
Jenifer DeMattia, một bà mẹ nội trợ có hai cậu con trai, là người đã từng gặp bế tắc nghiêm trọng trong cuộc sống gia đình. Cô đã ghi lại những trải nghiệm và cảm nhận về cuộc sống của chính mình. Dù chưa từng coi bản thân là một bà mẹ siêu nhân bởi cô rất vụng về, thường quên đi giầy cho con hay đôi khi cảm thấy kiệt sức nhưng Jenifer luôn kết thúc công việc với kết quả tốt và có một câu chuyện thú vị để chia sẻ.