Vài năm trước, hè là khoảng thời gian cha mẹ đổ xô cho trẻ đi học thêm chương trình năm sau hoặc học các lớp năng khiếu. Nhưng thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh tranh thủ ngày hè để mong cho con học các chương trình liên quan đến kĩ năng sống. Tuy nhiên, không phải đơn giản để cho trẻ làm quen với kĩ năng sống! Có những nguyên tắc vàng mẹ cần biết đến khi trực tiếp dạy hoặc tìm lớp học cho con…
1. Đừng nghĩ kĩ năng sống nghĩa là… biến bé thành hoàn hảo!
Có không ít phụ huynh kỳ vọng quá nhiều, nhầm tưởng các lớp dạy trẻ kĩ năng sống sẽ biến con trở thành được như hình mẫu một cô bé, cậu bé “hoàn hảo”: giao tiếp tốt, phong thái tự tin, duyên dáng, hát hay, đàn giỏi, thông minh, đầy phong cách… dẫn đầu(!). Kỳ vọng này dẫn đến việc dễ gây áp lực cho chính các bé yêu. Bạn cần biết rằng dạy kĩ năng sống không phải là biến trẻ thành… người lớn hay thành hình mẫu hoàn hảo. Dạy kĩ năng sống là vẫn giữ cho trẻ những nét ngây thơ, đáng yêu, thậm chí vụng về đầy hồn nhiên nhưng giúp trẻ phát huy được những điểm mạnh của mình, hạn chế, uốn nắn dần những điểm chưa tốt theo một cách phù hợp với tâm lý của trẻ. Bạn nhớ nhé!
2. Hãy biết “chọn mặt gửi vàng”
Nô nức với tâm lý mong con được học kĩ năng sống, bạn sẵn sàng bỏ ra cả những khoản tiền lớn để gửi bé theo học các lớp được quảng cáo rầm rộ. Rốt cuộc, bạn thất vọng nhận thấy “kĩ năng sống” mà trẻ học được thực chất chỉ là một chuyến đi nghỉ, với vài trò chơi tập thể mà thôi. Hãy biết rằng trong tình hình “nở rộ” các trung tâm dạy kĩ năng sống cho trẻ em như hiện nay, không thiếu trung tâm đưa ra chương trình học rất sơ sài. Bạn cần cẩn thận chọn lựa, tham khảo ý kiến các phụ huynh đã từng cho con theo học, tìm hiểu rõ chất lượng của các lớp học này để có thể giúp trang bị cho con những kiến thức thật sự hữu ích.
Việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ phải thực hiện từ từ. Bạn cần tỏ ra tôn trọng bé, ghi nhận và luôn khuyến khích những gì trẻ làm được.
3. Ghi nhớ công thức: Trẻ chơi nghĩa là trẻ học!
Khác với người lớn, trẻ học kĩ năng sống chính trong quá trình chơi đùa. Tất cả mọi thứ, từ những khái niệm “cao siêu” như tinh thần tập thể, sự nhường nhịn, làm việc nhóm đến những điều giản dị như thế nào là phép lịch sự khi đến nhà người khác, thế nào là biết quan tâm đến người khác… đều được trẻ học thông qua chính các trò chơi. Các hành động chơi đòi hỏi trẻ phải suy nghĩ, giải quyết các vần đề, thực hành các ý tưởng. Khi trẻ tham gia vào trò chơi, trẻ sẽ biết lập kế hoạch chơi, sáng tạo cách chơi và cố gắng đạt mục đích. Bạn hãy luôn ghi nhớ công thức này để ưu tiên dành thời gian chơi thật nhiều cho con nhé!
4. Khuyến khích con kết bạn!
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng họ mong con phải tự tin thế này, dạn dĩ thế kia, nổi bật thế nọ… nhưng lại không muốn cho trẻ kết bạn hoặc chỉ muốn trẻ chơi với những bé “con ngoan trò giỏi” mà phụ huynh đánh giá rằng cùng “đẳng cấp” với con mình thôi! Điều này là một sai lầm rất lớn. Hãy luôn nhớ, tâm hồn trẻ con rất trong trẻo và tình bạn của chúng cũng vô cùng trong trẻo. Trẻ không thể phát triển các kĩ năng sống căn bản nhất nếu như không được phép tự chọn lựa bạn bè. Hãy tôn trọng con và tôn trọng bạn của con. Hãy luôn tạo điều kiện cho trẻ được mời bạn bè đến chơi nhà, có môi trường thoải mái, an toàn để chơi đùa cùng bè bạn.
5. Cha mẹ là người thầy dạy kĩ năng tốt nhất!
Cha mẹ hay cố gắng đi tìm kiếm những lớp dạy kĩ năng sống thật tốt để gửi con. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng thật ra cha mẹ mới chính là người thầy dạy kĩ năng sống tốt nhất. Bé ảnh hưởng trực tiếp từ bạn, quan sát bạn, bắt chước bạn một cách “nhuần nhuyễn” nhất. Ví dụ, bạn không thể đòi hỏi bé biết xếp hàng chờ đến lượt mình nếu như trong đời thường, bạn là người luôn che ngang, lấn giành với người khác! Bạn không thể đòi hỏi bé biết cách gọn gàng ngăn nắp nếu như trong nhà, bạn lại là người vô cùng bừa bộn và mất trật tự. Không có lớp kĩ năng nào lý tưởng như gia đình, và không có người thầy nào bằng cha mẹ. Bạn có thể đưa con đến những lớp dạy kĩ năng sống để bé học thêm nhiều điều, nhưng đừng “khoán” trắng con cho thầy cô. Hãy luôn nhớ bạn chính là người bé sẽ nhìn vào và bắt chước nhiều nhất.
Vì sao bạn muốn trang bị cho bé yêu kĩ năng sống?
* Tôi luôn lúng túng mỗi khi ở giữa đám đông. Hễ bạn bè đồng nghiệp kêu đứng lên hát hay góp vui gì đó thôi là tôi đỏ mặt lúng túng. Điều này “ám ảnh” tôi suốt thời đi học đến lúc đi làm, lập gia đình cũng chẳng thấy khá hơn. Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, tôi muốn con từ nhỏ phải thật tự tin, dạn dĩ, biết cách giao tiếp và sẵn sàng thể hiện mình mà không ngại ngần mắc cỡ. Tôi tin điều đó sẽ tốt cho cháu!
Nguyễn Thị Phương Lan
(Quận 10)
* Sếp của tôi là người nước ngoài. Trong vài lần dự tiệc công ty, ông thường đưa các con mình đến dự. Thật sự tôi ngưỡng mộ các cháu! Mới 5-6 tuổi mà các cháu đã rất hoạt bát, tự lập, không hề phải chờ mẹ đút cho ăn, không mắc cỡ nấp sau lưng mẹ. Các cháu biết cách chào hỏi rất lễ phép và rất tự tin làm quen với mọi người. Khi bố bảo lên hát cho các cô chú nghe, các cháu thoải mái như đang ở nhà mình, thể hiện một cách rất đáng yêu những bài hát thiếu nhi. Tôi thấy những đứa trẻ ở các nước phát triển hoặc các bé học ở những trường Quốc tế đều có được tố chất này. Khi chia sẻ điều đó với sếp tôi, ông bảo đấy là kĩ năng sống. Trang bị kĩ năng sống cho trẻ từ bé thì chúng sẽ tự lập, tự tin và năng động như thế. Từ đó, tôi luôn mong có thể trang bị kĩ năng sống cho con.
Lê Thị Hoài Phương
(Quận 2)
* Con trai tôi là con một, lại là cháu đích tôn trong nhà nên ông bà cưng khủng khiếp. Muốn gì được nấy nên đến năm cháu 6 tuổi, tôi bắt đầu nhận ra cháu có rất nhiều điều không ổn. Ví dụ như cháu không biết nhường nhịn bạn bè, chơi với bé nào cũng giành đồ chơi, đánh bạn… Tôi lo ngại về tính cách của con và càng lo ngại hơn khi cô chủ nhiệm của cháu cho biết ở trong lớp con không chơi được với ai, cũng không ai dám chơi với cháu. Tôi nghĩ cần dạy lại cho con những kĩ năng sống đơn giản này, nếu không cháu sẽ khó lòng hòa nhập được.
Phạm Minh Như
(Quận Tân Bình)
* Nghe một người bạn giới thiệu, tôi cho con tham gia một lớp dạy kĩ năng sống cho trẻ cấp 1. Ban đầu tưởng chỉ cho cháu đi để sinh hoạt cho vui thôi, nhưng sau đó tôi nhận ra những tác dụng rõ rệt. Bé biết cách lắng nghe người khác nói chuyện, biết cách chờ đến lượt của mình để phát biểu, biết cách kể chuyện, đưa ra ý kiến riêng. Ngay cả những điều rất đơn giản như làm sao tiết kiệm nước khi rửa tay, bé ho mà có bạn ở bên cạnh thì phải che miệng… cũng được dạy. Tôi thích lắm khi thấy con tiến bộ như vậy.
Nguyễn Thị Lệ Giang
(Quận 7)
Những kĩ năng cơ bản nhất nên dạy trẻ
+ Tự tin: Nghĩa là giúp trẻ cảm nhận được mình là ai, cả về cá nhân cũng như trong mối quan hệ với những người khác. Kĩ năng sống này giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc trong mọi tình huống ở mọi nơi.
+ Hợp tác: Thông qua các trò chơi, trẻ sẽ dần học được cách phải cùng làm một việc gì đó với bạn bè. Đây là một kĩ năng sống đặc biệt quan trọng với trẻ. Khả năng hợp tác sẽ giúp trẻ biết cảm thông và cùng làm việc với các bạn.
+ Giao tiếp: Trẻ cần biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu. Nếu trẻ cảm thấy thoải mái khi nói về một suy nghĩ hay ý kiến nào đó, trẻ sẽ dễ dàng học và sẵn sàng tiếp nhận những suy nghĩ mới.
+ Ngoài ra, cần dạy cho trẻ dần những kĩ năng khác như: biết làm chủ bản thân, kiềm chế cảm xúc, tự lập, tự bảo vệ mình, sai thì làm lại, biết bảo vệ chính kiến, biết trình bày và biết phản biện, biết thuyết phục, biết giải quyết các vấn đề cá nhân xung đột…