Mẹ&Con – Trong đời sống hôn nhân, có một số dạng tâm lý tiềm ẩn những nguy cơ mà bạn và người bạn đời cần nhận ra và loại bỏ, để tránh gãy đổ cho cuộc hôn nhân của mình.

Tâm lý tự ti

Tâm lý này thường xuất hiện khi một trong hai vợ chồng có xuất thân, điều kiện kinh tế, trình độ học vấn, v.v. quá chênh lệch so với người kia. Mặc cảm tự ti càng nặng nề hơn nếu như cán cân “thua thiệt” lại nghiêng về phía người đàn ông, người lẽ ra là trụ cột gia đình. Vì mặc cảm mình “kém cỏi”, sẽ là tất yếu khi bạn phản ứng gay gắt, tự làm đau chính mình và gây căng thẳng cho cả người bạn đời.

Thực tế, mối quan hệ vợ chồng vốn là mối quan hệ rất cần sự kính trọng lẫn nhau, bình đẳng, yêu thương, thấu hiểu. Hãy biết rằng, một khi vợ chồng bạn đã đến với nhau thì đã là “duyên nợ” rất lớn, và bạn phải có những ưu điểm nổi trội mới khiến người bạn đời của bạn chọn và quyết định đi cùng bạn suốt quãng đời còn lại.

Vì thế, thay vì mặc cảm vì mình kém cỏi, hãy tích cực mở lòng yêu thương, hiểu “thế mạnh” của mình, cũng như nỗ lực để xóa nhòa khoảng cách bằng những cố gắng của bản thân. Chẳng hạn bạn có thể thua kém về trình độ học vấn ban đầu, nhưng nếu luôn hướng tới phía trước, học hỏi không ngừng, chắc chắn sẽ có ngày bạn ngang bằng với người bạn đời của mình.

Tâm lý ngại nói

Có những đôi vợ chồng đồng điệu với nhau ở mọi mặt nên họ dễ dàng chia sẻ, góp ý cùng nhau. Tuy nhiên, cũng có không ít đôi gặp những vấn đề như cách biệt tuổi tác (chồng lớn hơn vợ nhiều tuổi), về vị trí (chồng từng là sếp hoặc là thầy của vợ), hoặc lấy nhau vì mai mối khiến vợ chồng không dễ nói ra những điều chưa vừa ý với người kia.

5 dạng tâm lý ảnh hưởng hạnh phúc hôn nhân

(Ảnh minh họa)

Sợ làm phật lòng đối phương, cần giữ “hình tượng” của mình, sợ điều mình nói ra có thể đường đột (ví dụ về chuyện tình dục), hai người trong cuộc ít khi cãi nhau, ít khi bất hòa nhưng thật ra trong bụng lại chứa đựng nhiều dồn nén. Điều này lâu dần thành nỗi thất vọng ngấm ngầm. Chẳng thế mà có nhiều đôi vợ chồng sau 3 – 4 năm cưới nhau bỗng… ngỡ ngàng vì hóa ra những gì mình “tưởng” về người kia đều trật lất.

Để thay đổi, bạn nên biết rằng vợ chồng rất cần nền tảng của một “tình bạn” bên cạnh tình yêu. Đó là sự thẳng thắn, chân thành, sẵn sàng góp ý cho nhau thay vì giữ cho hình tượng của mình hay của người kia đẹp lung linh. Nền tảng càng vững thì tình cảm vợ chồng bạn càng bền chặt hơn.

Tâm lý khắt khe

“Bệnh” này thường xuất hiện ở các bà xã nhiều hơn. Nhiều chị cưới xong, liền đưa ra ngay những tối hậu thư cho chồng. Nào là cơ thể phải sạch sẽ, thơm tho. Nào là không được có mùi thuốc lá. Nào là nhà cửa phải ngăn nắp, gọn gàng, đồ đạc phải đúng nơi quy định. Nào là phải về nhà đúng giờ, không được bỏ bữa cơm tối. Sự khắt khe ban đầu không sao, nhưng dần dần khiến đối phương cảm thấy muốn nổi khùng vì bị kiểm soát chặt chẽ quá mức.

Tâm lý khắt khe

(Ảnh minh họa)

Thực tế, mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ rất cần sự linh động uyển chuyển, vì nó là sự kết hợp giữa hai con người rất khác nhau – khác về giới tính, tâm lý, khác về sở thích cá nhân, khác về quan niệm và thói quen. Bạn nên đưa ra một số thỏa thuận giữa vợ chồng, nhưng nhớ rằng thỏa thuận chỉ nhằm giúp cả hai biết đâu là “cái khung” cần có cho một cuộc sống nề nếp. Còn lại, hãy luôn chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý bao dung và có thể du di, thấu hiểu và sẵn sàng nhượng bộ khi cần thiết.

Tâm lý phòng thủ

Nghe những chuyện kiểu như ngoại tình, tranh chấp tài sản khi ly hôn, nhiều người đang cơm lành canh ngọt cũng đâm… nhột. Từ sự lo lắng đó, không ít người nảy sinh tâm lý “phòng thủ”, để rủi có gì còn có cái mà lo cho cuộc sống của mình, của con. Không ít chị vợ phân chia tài sản rạch ròi. Không ít anh chồng giấu “quỹ” riêng vì sợ khi có việc gì cần hỏi vợ lại không muốn đưa. Cứ thế, sống chung trong một gia đình nhưng sự phòng thủ, dè chừng đã được khơi lên. Đến một lúc, khi đối phương biết được, họ có thể hụt hẫng rất nhiều và không còn toàn tâm toàn ý với gia đình nữa.

> 5 tình huống các cặp đôi thường gặp phải sau khi cưới

Bạn nên làm gì? Hãy biết rằng mối quan hệ nào cũng vậy, sự tin tưởng luôn rất cần. Mối quan hệ vợ chồng càng nên vậy. Tất nhiên, bạn có quyền giữ riêng những tài sản trước hôn nhân hoặc những khoản thu nhập nhất định. Nhưng tốt hơn hết nên chia sẻ thẳng thắn với vợ hoặc chồng mình, cho họ biết mục đích bạn cần giữ riêng. Những bàn bạc rõ ràng, thống nhất ấy sẽ giúp bạn vẫn giữ được cho mình những gì bạn muốn, nhưng lại luôn dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau.

Tâm lý thích đi tìm cái mới

Tâm lý thích đi tìm cái mới

(Ảnh minh họa)

Đã khá hài lòng với cuộc sống gia đình ổn định, vợ đẹp con ngoan, nhưng không ít đức lang quân vẫn dễ dàng xao xuyến, rung động trước những điều “mới mẻ”. Ngay cả phụ nữ cũng vậy. Cuộc sống 2 – 3 năm sau khi cưới thường mất dần đi sự lãng mạn, trở về với những “cơm áo gạo tiền”. Thế nên khi có một người thứ ba nào đó xuất hiện, mang đến những cảm xúc mới, bạn rất dễ nhận ra mình say nắng, xao lòng.

Nhiều người cho rằng có đáng lo gì đâu vài ba phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Nhưng thực tế, một khi đã thiếu đi sự thủy chung và toàn tâm toàn ý với mái ấm, bạn sẽ không bao giờ có thể xây dựng một cuộc sống đúng như mong ước được. Sự thiếu chung thủy và thích “cái mới” là tâm lý nguy cơ vào hàng bậc nhất, có thể dẫn đến tan vỡ gia đình. Để ngăn ngừa nó, không chỉ cần nhắc nhở chính mình mà bạn cần phải liên tục làm mới tổ ấm. Tin đi, nghe có vẻ bạn phải “hi sinh” rất nhiều giây phút “vui vẻ” bên ngoài, nhưng bù lại, bạn sẽ có một mái ấm mà bất kỳ ai cũng ước ao, ngưỡng mộ.

> Vợ chồng cãi nhau nên làm gì để hạn chế hôn nhân đổ vỡ?

> 7 lý do ngoại tình của các ông chồng, chị em nhất định phải biết!

Tags:

Bài viết liên quan