1. Đừng bỏ qua giai đoạn 0-12 tháng tuổi!
Rất nhiều mẹ nghĩ rằng, cứ đợi khi nào trẻ bắt đầu tuổi học nói thì mới cần tập trung phát triển ngôn ngữ cho bé. Ồ, bạn nghĩ thế là nhầm đấy! Trước khi bập bẹ được những từ ngữ đầu tiên, trẻ trải qua một quá trình rất dài, để quan sát, làm quen với môi trường xung quanh, lắng nghe, tiếp nhận âm thanh – ngôn ngữ và tích lũy từ từ trong trí nhớ.
Nghe có vẻ chẳng liên quan gì cả, nhưng khả năng thị lực của bé từ 0-12 tháng tuổi lại rất quan trọng cho việc phát triển tốt ngôn ngữ sau này. Vì sao ư? Bạn hãy thử ngắm cái cách mà bé chăm chú không rời mắt khỏi bạn, quan sát từng động tác môi bạn mấp máy ra sao, khẩu hình miệng như thế nào, bạn sẽ hiểu vấn đề.
Giai đoạn 0-12 tháng tuổi là giai đoạn vàng để bé quan sát, lắng nghe, tích lũy vốn từ vựng cho bản thân mình. Thế nên, bạn đừng quên dành thật nhiều thời gian để ở bên con, đọc cho bé nghe những bài thơ, hát những câu hát ru ngắn, chơi với bé những trò chơi giúp bé thấy được biểu cảm gương mặt, tập cho bé thè lưỡi, chu miệng, mấp máy môi, “e e” những âm thanh tưởng chừng vô nghĩa ban đầu.
Bạn cũng cần tăng cường đưa bé ra ngoài trời, chỉ cho bé xem từng thứ mới mẻ và phát âm thật rõ ràng những từ như: “Hoa”, “Bướm”, “Ong”, “Cỏ”, “Bò”, “Chó”… Cứ nói, đừng sợ bé nghe không hiểu. Tất cả những điều ấy đều rất có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của bé sau này.
2. Không ngừng làm phong phú vốn từ cho con ở giai đoạn 1-2 tuổi
Đây là giai đoạn quan trọng kế tiếp của con. Từ 1-2 tuổi là khoảng thời gian trẻ phát triển rất mạnh về ngôn ngữ và tư duy. Trẻ đã có thể tập trung trong khoảng thời gian 3-5 phút và thật sự có thể ghi nhớ được rất nhiều.
Hãy tận dụng điều đó để làm giàu vốn từ cho con, chứ đừng nghĩ rằng con còn quá bé, chưa biết nói thì làm sao mà “làm giàu vốn từ” được.
Cách đơn giản cho bạn: Tắt chiếc tivi đi, tắt những game bạn thường xuyên mở trên iPad và đưa con chơi cho con chịu… ngồi yên! Thay vào đó, tranh thủ dành thời gian nhiều nhất ở mức có thể cho con, để “tương tác ngôn ngữ” với bé. Nếu bạn phải đi làm, hãy đảm bảo rằng ông bà hoặc người giúp việc có thể dành thời gian “nói chuyện” với con. Thật sự không có gì khó hiểu khi nhiều bé đến tuổi đi học mẫu giáo vẫn chỉ nói được rất ít, khi mà suốt ngày bé phải dán mắt vào chiếc tivi hoặc chỉ được người giúp việc lo cho ăn, ngủ, đưa ít đồ chơi để bé… tự chơi.
Những bài tập phát triển ngôn ngữ lý thú nhất bạn có thể thực hiện cho con là lấy nhiều thẻ hình khác nhau, sau đó bạn gọi tên từng vật, ví dụ: “Hoa” để bé nhận diện được trong các thẻ hình, lấy ra đúng thẻ có in hình tương ứng với từ bạn phát âm.
Ở tuổi này, khi bạn bảo “Gà” và bé biết biểu hiện, biết háo hức chỉ ngay vào con gà trước mặt là bạn đã “thành công” rất lớn đấy. Hãy gọi tên từng đồ vật xung quanh cho bé biết, chơi với bé trò chơi mắt – mũi – miệng (gọi tên từng bộ phận cơ thể và giúp bé chỉ đúng từng bộ phận mà bạn vừa gọi tên). Hãy nhấn mạnh từng từ một, cho bé nhìn trực diện vào gương mặt bạn khi bạn phát âm từ đó. Mỗi tối trước khi bé đi ngủ, bạn cũng bắt đầu nên cho bé xem các trang sách lớn in màu và kể chuyện cho bé nghe.
3. Từ 2-3 tuổi: Lắng nghe và trả lời câu hỏi của con!
Nếu bạn thực hiện hoàn hảo các bước 1 và 2 thì đây là thời điểm bạn đón nhận thành quả của mình. Bé bắt đầu thật sự nói những từ đầu tiên và tăng vốn từ phát âm ra được rõ ràng nhanh đến mức khiến bạn bất ngờ.
Đừng dừng lại ở đó nhé! Hãy tiếp tục giúp con bằng cách tỏ ra lắng nghe trẻ, khuyến khích trẻ không ngừng, trả lời mọi câu hỏi của con. Trẻ sẽ càng lúc càng trở nên hào hứng và chủ động làm giàu vốn từ của mình hơn lên khi trẻ cảm giác rằng người khác “hiểu” đúng trẻ nói gì.
Một số phát âm của trẻ lúc này còn chưa thật rõ ràng, bạn cần để ý lắng nghe và chỉnh sửa cho con từng chút một. Thời gian tập trung của trẻ 2-3 tuổi đã tăng lên từ 5-10 phút. Vì vậy, bạn bắt đầu có thể dạy cho con những thứ khó hơn như tập đếm từ 1 đến 10, tập những bài thơ dài lên đến 8 câu hoặc thậm chí dài hơn.
Tiếp tục dành thời gian đưa con đi chơi ngoài trời, đặc biệt nên đưa con đến các điểm vui chơi công cộng dành cho trẻ em, nơi con có thể “giao lưu” và tập hiểu các bạn cùng tuổi với mình bằng ngôn ngữ. Bạn cũng lưu ý không thực hiện cho con bất kỳ yêu cầu gì trước khi bé nói. Chẳng hạn, đừng vội đưa con ly nước khi con chỉ tay hay ra dấu (dù bạn biết tỏng tòng tong là bé khát!). Hãy giả vờ hỏi: “Con muốn gì?” cho đến khi con chịu nói: “Nước!”.
4. Chú trọng dinh dưỡng
Bạn lại tiếp tục tròn mắt lần nữa: “Dinh dưỡng thì liên quan gì đến chuyện phát triển ngôn ngữ, nói thật giỏi của con?”. Ồ, có chứ! Dinh dưỡng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng để giúp trẻ phát triển hoàn thiện, cả thể chất lẫn tinh thần. Một đứa trẻ suốt ngày suy dinh dưỡng, biếng ăn, ốm yếu gầy còm thì kéo theo đó sẽ là ít được đi chơi, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hay mệt mỏi nên khả năng quan sát, ghi nhớ cũng kém đi. Hệ quả tất yếu dẫn đến chính là ngôn ngữ của bé sẽ không thể phong phú được.
Ngược lại, khi bé được ăn đủ chất, được mẹ chú trọng bổ sung đầy đủ các nhóm đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, chất xơ thì bé sẽ có được sức đề kháng tốt, thể chất khỏe mạnh, năng động, hoạt bát, thích quan sát, dễ ghi nhớ, từ đó vốn ngôn ngữ sẽ phát triển tốt hơn. Mẹ cũng nên bổ sung cho bé đầy đủ những dưỡng chất tốt sự phát triển não bộ như DHA, Cholin, Kẽm, Iốt, Axit Folic… Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho sự phát triển trí não và sức khỏe miễn dịch của trẻ.
Cá hồi, cá mòi, trứng, tim, gan, sữa được xem là những thực phẩm giàu DHA. Còn những loại thức ăn giàu Cholin bao gồm thịt bò, trứng, nước cam, chuối, sữa… Kẽm thì có nhiều trong hải sản và thịt. Axit Folic lại rất phong phú trong một số loại rau màu xanh đậm. Iốt được tìm thấy nhiều nhất trong hải sản, trứng, sữa, rau xanh.
Bạn hãy thử tham khảo bảng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 1-3 tuổi này nhé!
Chất |
Nhu cầu trẻ cần |
Đạm |
12-14% năng lượng |
Béo |
Trẻ càng nhỏ nhu cầu về chất béo so với % năng lượng càng cao. – Trẻ < 6 tháng tuổi: Chất béo chiếm 50% nhu cầu năng lượng – Trẻ 6-12 tháng tuổi: 40-45% nhu cầu năng lượng – Trẻ 1-3 tuổi: 35-40% nhu cầu năng lượng Cần chú ý các axit béo no không được vượt quá 10% năng lượng khẩu phần, nên ăn cả dầu và mỡ, lượng cholesterol không được vượt quá 250-300mg/ngày. |
Bột đường |
Trung bình 300-400g/ngày |
Khoáng chất, vitamin và các vi chất dinh dưỡng |
Sắt: 6-12mg/ngày tùy theo lứa tuổi. Canxi: 500mg/ngày. Iốt: 0,14mg/ngày. Vitamin A: 500-600mcg/ngày. Vitamin D: 200-400 UI/ngày Vitamin C: 60-75mg/ngày. Vitamin nhóm B: B1, B2 cần 1-2mg/ngày; PP cần 13-15mg/ngày. Axit Folic: 200-300mcg/ngày. Kẽm: 8-10mg/ngày. DHA: Trẻ dưới 12 tháng tuổi cần được bổ sung 17mg DHA/100Kcal và trẻ từ 12-36 tháng tuổi cần được bổ sung 75mg DHA mỗi ngày. |
Bổ sung đầy đủ các chất nói trên giúp trẻ phát triển tốt khả năng tư duy, nhận thức và cải thiện các kỹ năng tập trung, ghi nhớ và xử lý tình huống.
5. Tạo điều kiện cho con “giao tiếp”
Bạn có nhớ lúc mình học một ngôn ngữ mới, như tiếng Anh chẳng hạn, bạn mong muốn điều gì nhất không? Đó chính là giao tiếp, là được nói chuyện thật sự với người bản xứ. Ở trẻ, quá trình “học nói” diễn ra cũng hệt như vậy. Nếu bạn chỉ cho con ngồi nhà và “nói chuyện” với cái tivi hoặc vài ba người trong gia đình, ngôn ngữ của trẻ sẽ không thể phong phú được.
Hãy đưa con ra sân chơi, đưa con đến nhà trẻ, đưa con chơi đùa với mọi người trong xóm. Tạo điều kiện cho con chào hỏi mọi người, chuyện trò với mọi người. Bạn thấy đấy, ngôn ngữ không tự nhiên “trên trời rơi xuống”, không có đứa trẻ nào bỗng dưng… biết nói. Bé cần sự hỗ trợ của bạn trong suốt 3 năm đầu đời, để có thể một ngày kia “líu lo” không ngừng và khiến cha mẹ luôn tự hào rằng con mình có thể diễn đạt mọi điều rất thông minh, ngộ nghĩnh!
Bác sĩ Thái Thanh Thủy
(Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2)