Sở hữu khả năng giao tiếp tốt sẽ rất có ích cho trẻ trong tương lai. Chính vì thế, Mẹ&Con sẽ mách mẹ những mẹo nhỏ để có thể dạy bé tập nói sớm thật dễ dàng. Mời mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ
Trẻ 0 – 9 tháng:
Mẹ để ý xem bé có quay đầu khi cha mẹ gọi tên bé không? Trong giai đoạn này bé đã bắt đầu biết hóng chuyện và bập bẹ những từ như “ba ba”, “ma ma” rồi đó.
Trẻ 9 – 12 tháng:
Trong giai đoạn này bé đã biết “ê a” ít nhất là một từ rồi đó các mẹ nhé. Bé còn bắt chước được những cử động miệng của người lớn giống như đang học cách để trao đổi thông tin với mình nữa đó.
Trẻ khoảng 9 tháng tuổi đã biết “ê a”
Trẻ 12 – 18 tháng:
Trẻ sẽ bắt đầu biết nói một vài từ đơn như “Cá”, “Bóng”, “Tay”,.. ở giai đoạn này các mẹ có thể dạy bé tập nói nhiều từ hơn bình thường rồi nhé.
Trẻ 18 – 24 tháng:
Các mẹ ơi, giai đoạn này bé sẽ nhận biết được tên của những người, đồ vật và bộ phận cơ thể quen thuộc rồi đó. Bé còn biết chỉ vào một vật hoặc hình ảnh khi được mình hỏi nữa.
Ngoài ra, bé sẽ biết lặp lại các từ nghe lỏm trong cuộc trò chuyện của người khác. Giỏi nhất là bé hiểu và làm theo được những hướng dẫn đơn giản.
5 cách để mẹ dạy bé tập nói sớm
Sau khi biết được con đang phát triển khả năng học nói ở giai đoạn nào hẳn là mẹ cũng sẽ yên tâm một phần rồi đúng không? Nếu như bé có chậm hơn 1-2 tháng thì mẹ cũng đừng nên quá lo lắng, có thể bé “kiệm lời” thôi. Nhưng nếu như bé vẫn không chịu nói hoặc gặp khó khăn khi nói so với những giai đoạn ở trên thì mẹ nên đưa con đi bác sĩ khám ngay nhé. Và đây là những mẹo nhỏ giúp luyện bé nói sớm hơn. Mẹ thử áp dụng nhé!
Luyện nói cho bé từ sớm
Mẹ có thể dạy bé tập nói sớm ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Mẹ có thể nói, hát và đọc cho bé nghe để giúp bé học được cách cảm nhận. Khi con đã chào đời, hãy thử nói hoặc hát trong giờ ăn, giờ tắm và thậm chí trong khi thay tã. Những lúc như thế sẽ rất có ích cho bé và cũng có thể tạo niềm vui cho cả hai mẹ con. Mẹ nên nói với bé về những câu chuyện thường ngày và sẽ vui hơn nếu có cả hình ảnh, âm thanh minh họa.
Nên dạy bé tập nói càng sớm càng tốt
Trò chuyện, tranh luận với bé
Ngay cả khi bé vẫn còn đang trong giai đoạn bập bẹ, cha mẹ vẫn có thể có “cuộc trò chuyện” thú vị với bé như những người bạn với nhau. Hãy lắng nghe bé nói lảm nhảm như một “ngôn ngữ có thật” với mình và bạn sẽ trả lời lại bằng những từ ngữ có thật như thể bạn hiểu được những gì mà bé nói (ngay cả khi bạn không hiểu gì cả). Sau đó để bé trả lời với những từ bập bẹ “ê a” của mình.
Nhìn thì nó giống như một trò chơi ngớ ngẩn, nhưng thực tế thì các mẹ đang dạy cho bé tập nói sớm theo cách thức như một cuộc đối thoại thông thường, cách thay phiên nói và nghe đấy.
Chơi trò đoán tên đồ vật với bé
Cha mẹ có thể giúp bé học từ mới bằng cách nói tên những món đồ vật yêu thích của bé. Tốt nhất là với đồ vật đang ở gần đó và bé có thể thấy được. Mẹ sẽ nói với bé rằng “Đây là quả bóng” hoặc “Đây là búp bê” “Đây là ông A”…. Nếu mẹ thường xuyên với bé như thế sẽ giúp não bộ bé tư duy và phân biệt được từ rất sớm.
Trong quá trình dạy bé tập nói sớm, khi bé hiểu được một vài từ, chúng ta cũng có thể kiểm tra sự hiểu biết của bé bằng cách hỏi bé những câu hỏi như “Quả bóng đang ở đâu nhỉ?” để bé trả lời bằng cách chỉ vào quả bóng. Nếu như bé lớn hơn một chút và biết cách nói từ đó, mẹ cũng có thể hỏi bé “Cái gì đây nhỉ?” và bé sẽ trả lời “Bóng!”, “Búp bê!”.
Kết hợp giữa việc chơi trò chơi và học nói
Xây dựng và mở rộng thành câu cho bé
Trong giai đoạn tập nói, bé sẽ chỉ nói một vài từ và cố diễn đạt ý của mình, cha mẹ hãy trả lời bằng một câu nói bao gồm ý nghĩa đầy đủ của bé trong câu. Ví dụ nếu như bé nói “Không búp bê”, các mẹ sẽ trả lời với bé “Con không muốn búp bê?”, “Con không tìm thấy búp bê của mình sao?”,.. tùy theo trường hợp mà các mẹ ứng biến để hỏi bé.
Bằng cách đó, chúng ta có thể xác nhận rằng mình hiểu ý của bé và đồng thời giới thiệu cho chúng cấu trúc của một câu hoàn chỉnh như thế nào.
Không cho bé xem thiết bị điện tử quá nhiều
Trong quá trình dạy bé tập nói, các mẹ cần tích cực trò chuyện với con hơn là cho bé xem tivi, điện thoại quá nhiều. Nhiều mẹ có suy nghĩ mở những video cho bé xem để bé sẽ học được nhiều từ trên đấy, nhưng nó thật sự là một ý tưởng sai lầm. Mẹ nên biết rằng, khi cho trẻ xem tivi, máy tính quá nhiều, mặc dù trẻ có thể nghe và hiểu nhưng đó gọi là dạng “tương tác một chiều”. Bé không có cơ hội để giao tiếp, nói chuyện, lâu dần sẽ dẫn đến một số bệnh gần như tự kỉ, lười biếng không muốn nói.
Ví dụ như khi dạy bé về thế giới động vật, thay vì cho bé ngồi ở nhà xem trên thiết bị điện tử, mẹ nên cho con đi Thảo Cầm Viên. Nếu như không có điều kiện, thời gian, chúng ta có thể mua những postcard hoặc ngồi vẽ hình con vật cùng bé, cho bé biết thêm về thế giới bên ngoài ra sao, đồng thời bổ sung thêm rất nhiều vốn từ vựng cho trẻ.
Cha mẹ nào cũng sẽ rất hạnh phúc khi nghe những tiếng nói đầu đời, dù chỉ bập bẹ “ê a” của con nhỏ đúng không nào? Nhưng để đồng hành cùng bé từ những từ đơn giản đến khi bé nói được một câu hoàn chỉnh là chuyện không hề nhỏ tí nào. Mẹ&Con hy vọng với những mẹo nhỏ ở trên phần nào sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình dạy bé tập nói sớm. Chúc bạn và bé có thật nhiều kỷ niệm đẹp với những cột mốc quan trọng này!