1. Bạn cho trẻ nhỏ xem tin tức đau buồn
Trẻ em chưa từng vượt qua những câu chuyện đau buồn như vậy. Vì thế trẻ sẽ nghĩ rằng những câu chuyện đó rất thực và gần gũi, giống như chuyện buồn đó đang xảy ra ở nhà bên hoặc trong chính gia đình bạn. Ngay cả khi chuyện buồn đó xảy ra, bạn cũng không nên để trẻ biết và hứng chịu. Trẻ sẽ rất sợ hãi và ám ảnh. Hãy lưu ý đến những tin tức trẻ xem trên TV và những tin tức bạn kể với trẻ.
Một phụ nữ đã chia sẻ trải nghiệm của mình khi còn là một đứa trẻ. Khi đó, cô ấy vừa lên 5 và biết tin đứa con duy nhất của một gia đình nổi tiếng bị bắt cóc. Câu chuyện này được bàn tán khắp mọi nơi. Đứa trẻ đó bị bắt cóc khi đang ngủ vào ban đêm, vì vậy mỗi khi đi ngủ cô ấy rất sợ mình sẽ là người tiếp theo. Nhiều đêm, cô ấy khóc vì quá sợ hãi. Cha mẹ lại không hề biết về nỗi lo lắng của cô bé.
Trẻ em thường không biết nói thế nào về nỗi sợ hãi này. Vì vậy hãy gần gũi và khuyến khích trẻ nói với bạn về những điều chúng lo sợ. Cha mẹ phải nhạy cảm và biết cách bảo vệ trẻ khi trẻ tiếp xúc với những tin tức đáng sợ và đau buồn.
2. Vợ chồng bạn cãi nhau
Đôi khi các cặp vợ chồng đang nghe theo lời khuyên của Phyllis Diller: “Đừng đi ngủ khi bạn đang tức giận, hãy tỉnh dậy và tranh luận với nhau”. Vì sao bạn lại nghĩ rằng con cái sẽ không nghe thấy tiếng hai bạn cãi nhau? Trẻ có thể nghe thấy và chúng căm ghét chuyện đó. Nếu chúng nghe thấy hai bạn cãi nhau về vấn đề gì trong gia đình, đừng lôi trẻ vào cuộc.
Trẻ em không thể biết được những cuộc tranh cãi của hai bạn có nghiêm trọng hay không. Vì vậy, tất cả đều nghiêm trọng với trẻ. Hãy bình tĩnh và nói chuyện nhỏ như bạn đang thảo luận một vấn đề gì đó với bạn đời. Hoặc hai bạn có thể đi dạo hoặc lái xe đi đâu đó để trẻ không nghe được những lời mà cha mẹ chúng nói với nhau. Điều này không có nghĩa là trẻ em không được nghe những ý kiến trái chiều từ cha mẹ. Nhưng điều này tốt hơn cho chúng. Bạo lực, tiếng la hét, cuộc cãi vã chỉ làm tổn thương con trẻ và khiến chúng khóc thầm. Vì trẻ thường không được biết về những khoảnh khắc hai bạn làm lành với nhau.
3. Vợ chồng bạn ly dị
Đây là nỗi buồn khôn nguôi trong lòng một đứa trẻ. Hầu như không có cách nào để giảm bớt đau đớn cho chúng. Nếu bạn nghĩ rằng điều này sẽ không làm tổn thương con trẻ, xin hãy nghĩ lại. Một số người chỉ đơn giản nói rằng: “Chúng tôi chỉ không thể chung sống với nhau nữa. Ly dị sẽ tốt hơn cho con chúng tôi”. Điều này không đúng sự thật.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của New York Times “Unexpected Legacy of Divorce”, các tác giả đã nói: “Đối với trẻ em, ly hôn là một bước ngoặt vĩnh viễn làm thay đổi cuộc sống của chúng. Thế giới mới sẽ ít đáng tin cậy, nguy hiểm hơn vì các mối quan hệ gần gũi nhất trong cuộc sống của chúng đã không còn được lâu bền. Hơn hết, nỗi lo lắng sẽ bao trùm thời thơ ấu của trẻ”.
Khi kể cuộc hôn nhân tan vỡ của mình, một người phụ nữ đã nói: “Ồ, điều này sẽ không làm tổn thương những đứa trẻ. Chúng rất mạnh mẽ. Chúng sẽ vượt qua nó”. Ba năm sau khi ly hôn, đứa con cả trong 4 đứa con của cô ấy cho biết: “Mẹ không biết những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua và nỗi đau ấy sẽ còn mãi. Nhiều đêm, chúng tôi chỉ ôm nhau và khóc. Chúng tôi sợ không dám khóc trước mặt mẹ vì sợ mẹ sẽ thất vọng. Chúng tôi vẫn còn rất đau đớn. Chúng tôi vẫn không hiểu vì sao mẹ không biết rằng chuyện ly dị của cha mẹ đã ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi. Chúng tôi không thể không ngừng tự hỏi mình, tại sao cha mẹ không cố gắng vì con cái?”
Nếu đang cân nhắc việc ly hôn, mong bạn hãy làm mọi thứ có thể để hàn gắn. Hãy cố gắng vì con cái. Đừng là nguyên nhân khiến trẻ phải khóc thầm trong đêm.
4. Bạn chửi mắng, đánh con
Người Mỹ có câu: “Gậy gộc và đá có thể làm gãy xương tôi nhưng lời nói thì chẳng hề gì”, điều này không đúng sự thật. Xúc phạm con trẻ bằng cách gọi chúng là lười biếng, hư hỏng, vô giá trị, có thể làm tổn tương trẻ. Hãy nhìn lại mình và xem cách bạn xúc phạm trẻ khi khiển trách chúng. Xúc phạm làm trẻ tổn thương nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Nó không làm trẻ ngoan hơn.
Nếu bạn đánh con mình, bạn đang dạy cho trẻ rằng đánh người khác là hành vi chấp nhận được. Bạn nên dạy dỗ trẻ mà không gây tổn thương đến chúng. Hãy thiết lập ranh giới bằng một cách nhẹ nhàng, tôn trọng và hợp tác với trẻ. Kết quả sẽ thực sự tích cực và trẻ sẽ không phải khóc trong khi ngủ.
Hãy mang đến cho trẻ tình yêu và những gì chúng xứng đáng nhận được. Hãy nói cho con biết bạn yêu con bằng lời nói cũng như hành động. Trẻ sẽ ghi nhớ mãi mãi.