Bạn có những cơn đau bụng dưới khi mang thai? Hoặc bạn thường xuyên gặp những cơn đau ở bụng trên trong thai kỳ? Hoặc tình trạng đau bụng khi mang thai râm ran cả vùng bụng của bạn?
Có thể thấy, rất nhiều phụ nữ mang thai thường xuyên bị đau bụng, cho dù là đầu thai kỳ hay ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Không phải cơn đau nào cũng nguy hiểm nhưng tốt nhất bạn nên tìm hiểu về những nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai để có thể nhận biết cơn đau của mình có nghiêm trọng hay không và kịp thời đến bệnh viện trong các trường hợp cần thiết.
Nguyên nhân lành tính gây đau bụng khi mang thai
Từ táo bón đến đau dây chằng tròn, dưới đây là một số nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai tương đối an toàn và “vô hại”:
Tử cung đang phát triển
Khi tử cung của bạn phát triển, bạn có thể cảm thấy buồn nôn, dễ no hơn hoặc chướng bụng. Giải pháp cho bạn chính là ăn thường xuyên hơn và chia nhỏ bữa ăn, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ và làm rỗng bàng quang thường xuyên.
Đau dây chằng tròn
Tử cung mở rộng khi mang thai có thể kéo căng các dây chằng tròn và đây chính là nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai. Đau dây chằng tròn thường bắt đầu từ tuần thứ 18 đến 24 (khoảng thời điểm nhiều bà bầu bắt đầu có dấu hiệu mang thai rõ rệt hơn) và thường xảy ra ở một bên bụng.
Bạn có thể cảm thấy cơn đau bụng dưới lan xuống háng. Tùy cơ địa mà cơn đau bụng khi mang thai này có thể âm ỉ hoặc đau nhói nghiêm trọng nhưng nhìn chung cơn đau thường chỉ kéo dài trong vài giây mỗi lần đau. Đặc biệt, cơn đau thường diễn ra khi bạn cử động và làm căng dây chằng, chẳng hạn như khi bạn ho, hắt hơi, cười hoặc đứng dậy đột ngột.
Táo bón và đầy hơi
Táo bón và đầy hơi là những thay đổi thường gặp trong thai kỳ. Và đây cũng chính là nguyên nhân bạn cảm thấy đau bụng khi mang thai.
Progesterone, một loại hormone tăng lên khi mang thai, làm chậm toàn bộ đường tiêu hóa của bạn, khiến thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa chậm hơn. Để chống táo bón, bạn nên uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ. Bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn dùng thuốc làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ.
Ngoài ra, nên chú ý tránh các thực phẩm tạo ra khí, chẳng hạn như đồ uống có ga, thức ăn cay, thực phẩm chiên, các sản phẩm từ sữa,…
Cơn gò Braxton – Hicks
Cơn gò Braxton – Hicks không liên quan đến sự giãn nở của cổ tử cung. Mặc dù cơn gò này có thể gây đau bụng khi mang thai nhưng nhìn chung, các cơn gò này tương đối an toàn và lành tính, không nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cần phải phân biệt được cơn gò Braxton – Hicks với tình trạng chuyển dạ sớm thực sự.
Các cơn co thắt Braxton Hicks thường sẽ dừng lại nếu bạn thay đổi tư thế và không xuất hiện đều đặn. Cơn gò Braxton – Hicks cũng không gây ra những cơn co thắt dữ dội, đau nghiêm trọng. Nếu bạn có thể tiếp tục trò chuyện, xem tivi hoặc đọc sách thì các cơn co thắt có thể không phải là chuyển dạ thực sự.
Nguyên nhân nghiêm trọng gây đau bụng khi mang thai
Đau bụng khi mang thai không phải lúc nào cũng an toàn như bạn nghĩ. Nhưng cơn đau ở vùng bụng có thể là triệu chứng của các biến chứng nghiêm trọng khi mang thai cần được can thiệp ngay lập tức. Một số dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý bao gồm đau bụng kèm theo chảy máu, đau dữ dội, sốt và rối loạn thị giác.
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi phôi làm tổ ở một nơi nào đó không phải tử cung, thường là ở ống dẫn trứng. Nếu bạn mang thai ngoài tử cung, bạn có thể bị đau bụng dữ dội và chảy máu âm đạo giữa tuần thứ sáu và thứ mười của thai kỳ do ống dẫn trứng trở nên căng phồng.
Sảy thai
Cơn đau bụng khi mang thai nếu diễn ra ở tam cá nguyệt đầu tiên thì có khả năng đây chính là dấu hiệu sảy thai. Một thực tế đáng tiếc là khoảng 10% số ca mang thai bị sảy thai (theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG)).
Các triệu chứng sảy thai bao gồm đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo, chuột rút,…. Do đó, nếu bạn đột nhiên đau bụng dữ dội, đặc biệt là trong thời gian đầu thai kỳ thì không nên chủ quan mà nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe của bạn cũng như nguyên nhân gây đau bụng.
Chuyển dạ sinh non
Nếu bạn cảm thấy các cơn co thắt thường xuyên trước khi mang thai được 37 tuần và kèm theo chứng đau lưng dai dẳng thì bạn có thể đang bị chuyển dạ sinh non. Các dấu hiệu sinh non bao gồm cơn co thắt đi kèm với rò rỉ dịch âm đạo hoặc máu hoặc cảm thấy thai nhi giảm chuyển động.
Nhau bong non
Nhau bong non cũng là một nguyên nhân làm bạn đau bụng khi mang thai. Nhau thai cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé trong thai kỳ. Nhau thai thường bám cao trên thành tử cung và không bong ra cho đến khi em bé chào đời. Nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp (cứ 200 ca sinh thì có 1 ca), nhau thai có thể tách ra khỏi thành tử cung trước khi sinh – một biến chứng gọi là nhau bong non.
Biến chứng thai kỳ nguy hiểm này thường gặp nhất trong tam cá nguyệt thứ ba. Lúc này, bạn sẽ gặp những cơn đau bụng dưới dữ dội, liên tục và ngày càng trầm trọng hơn. Tử cung của bạn có thể trở nên cứng như đá (nếu bạn ấn vào bụng, bạn sẽ không thấy vị trí này lõm xuống) và bạn cũng có thể bị chảy máu âm đạo màu đỏ sẫm mà không có cục máu đông.
Tiền sản giật
Tiền sản giật và các rối loạn tăng huyết áp khác xảy ra ở 5% đến 8% tổng số ca mang thai. Tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ nhau bong non. Dấu hiệu tiền sản giật thường là những cơn đau ở bên phải của bụng, kèm theo triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, rối loạn thị giác,…
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một nguyên nhân tương đối phổ biến gây đau bụng khi mang thai. Các triệu chứng điển hình bên cạnh cơn đau bụng bao gồm buồn tiểu đột ngột, đau hoặc rát khi đi tiểu và nước tiểu có máu,…
Nhiễm trùng tiểu khi mang thai có thể tiến triển thành nhiễm trùng ở thận, làm tăng nguy cơ sinh non. Nếu UTI được phát hiện sớm thì sẽ dễ dàng điều trị bằng kháng sinh. Vì thế, nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ, nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa có thể khó chẩn đoán trong thời kỳ mang thai bởi vì khi tử cung mở rộng, ruột thừa kéo lên và có thể đến gần rốn hoặc gan và làm ảnh hưởng đến kết quả thăm khám. Việc chẩn đoán bị trì hoãn, khó đưa ra chẩn đoán chính xác có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nếu bà bầu bị viêm ruột thừa trong thai kỳ.
Mặc dù dấu hiệu thông thường của viêm ruột thừa là đau ở góc phần tư phía dưới bên phải của bụng, nhưng bạn có thể cảm thấy cơn đau ở vị trí cao hơn khi mang thai. Các triệu chứng khác bao gồm chán ăn, buồn nôn và nôn.
Sỏi mật
Sỏi mật là một nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai nguy hiểm. Các thống kê cho thấy, sỏi trong túi mật phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thừa cân, trên 35 tuổi hoặc có tiền sử sỏi mật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, có thể cần phẫu thuật để điều trị (đôi khi có thể trì hoãn cho đến sau khi sinh).
Cơn đau bụng khi mang thai do sỏi mật (còn gọi là viêm túi mật) rất nghiêm trọng và tập trung ở góc phần tư phía trên bên phải của bụng. Trong một số trường hợp, cơn đau cũng có thể lan ra quanh lưng và dưới bả vai phải.
Cách để giảm đau bụng khi mang thai
Bạn đang tự hỏi liệu có điều gì bạn có thể làm để giảm bớt sự khó chịu do đau bụng khi mang thai hay không? Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau bụng của bạn là gì. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau để cảm thấy bớt khó chịu:
- Thay đổi cách bạn di chuyển, đặc biệt nếu bạn đang bị đau dây chằng tròn. Ví dụ, bạn có thể thử ngồi xuống và đứng dậy chậm hơn và tránh xoay mạnh ở thắt lưng.
- Chọn thực phẩm giàu chất xơ
- Uống nhiều nước
- Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên
- Tập thể dục thường xuyên, điều độ và chọn các bài tập phù hợp
- Làm trống bàng quang của bạn thường xuyên
- Xoa bóp vùng bụng nhẹ nhàng
- Nghỉ ngơi thường xuyên
Và cần lưu ý, nếu cơn đau khi mang thai có kèm với các dấu hiệu như đau dữ dội, đau đầu nghiêm trọng, sốt ớn lạnh, chảy máu âm đạo, rối loạn thị giác, sưng phù tay chân,… thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đau bụng khi mang thai có thể xuất phát từ cả nguyên nhân lành tính lẫn những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Vì vậy, nếu có bất kỳ lo ngại nào hoặc bạn đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào có vẻ nguy hiểm, hãy liên hệ ngay với bác sĩ thay vì chủ quan tự điều trị tại nhà bạn nhé!