1. Tại sao con không như… ?
“Con nhà người ta” là cụm từ mà gần như cha mẹ cũng sử đụng để so sánh trẻ với con mình. Ví dụ cha mẹ thường so sánh, tại sao con không như bạn A, B? Điều này thực sự gây tổn thương nặng nề với con trẻ, hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm của con.
Cha mẹ nên biết rằng, khi đã gây tổn thương cho con, trẻ sẽ có xu hướng không muốn cố gắng hơn, chúng sẽ sống thu mình, thậm chí là tự kỷ. Do đó, thay vì so sánh con, cha mẹ hãy tích cực khuyến khích những ưu điểm của con vì con là một cá thể độc lập, con khác với nhưng đứa trẻ khác.
2. Cứ chờ đến lúc bố/ mẹ về xử con
Những lời đe dọa này vừa khiến trẻ sợ vừa khiến trẻ cảm thấy tủi thân vì cho rằng, cha mẹ không hiểu mình. Ngoài ra, trẻ còn nhỏ nên khi nghe cha mẹ đe dọa sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần và tâm trí của trẻ. Nếu cha mẹ muốn phạt trẻ, hãy chỉ ra lỗi của trẻ ngay khi đó và phạt, tuyệt đối không gieo vào đầu trẻ nỗi sợ hãi về cha mẹ cũng như bất cứ ai và mọi thứ xung quanh.
3. Vết thương nhỏ thôi mà!
Khi trẻ bị ngã hay bị thương, dù là vết thương nhỏ nhưng chúng cũng muốn được cha mẹ an ủi, vỗ về một cách dịu dàng. Câu nói vết thương nhỏ thôi mà, con có làm sao đâu… khiến trẻ cảm thấy vô cùng tủi thân và bị tổn thương tinh thần nặng nề. Trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không thương mình nên không quan tâm tới tình trạng sức khỏe của trẻ.
4. Con đúng là đồ vô dụng!
Không có đứa trẻ nào là vô dụng cả. Quan trọng là cha mẹ chưa hướng dẫn trẻ làm việc đúng cách mà thôi. Đây là câu nói thực sự khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và buồn. Nếu cha mẹ cứ chì chiết mãi về việc trẻ vô dụng, vô hình trung, về lâu về dài trẻ sẽ nghĩ mình vô dụng và không phấn đấu nữa. Vì chúng cho rằng, cha mẹ không bao giờ ghi nhận sự cố gắng của chúng. Tốt nhất, nếu không hài lòng điều gì ở trẻ, cha mẹ hãy cẩn thận chỉ bảo cho trẻ để trẻ làm tốt hơn và đừng quên một vài lời động viên tới trẻ.
5. Con là đồ nhát gan!
Bất cứ ai cũng có một nỗi sợ hãi trong lòng, đó có thể là sợ tiếng mèo kêu, tiếng sấm chợp, tiếng còi báo đông… và trẻ cũng không ngoại lệ. Nếu thấy trẻ sợ điều gì đó, đừng chê trẻ nhát gan, hãy giúp trẻ khắc phục nhược điểm này nếu cha mẹ không muốn trẻ cảm thấy bị tổn thương.
6. “Im ngay!”
Khi trẻ muốn giải thích một điều gì đó, cha mẹ thường có xu hướng quát trẻ “im ngay” như thế sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ rằng cha mẹ không tôn trọng mình. Ai cũng có quyền bào chữa và nói lên quan điểm của mình. Do đó, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe trẻ nói thay vì cấm trẻ được phát ngôn. Hãy tưởng tưởng, khi bạn bị ai đó bảo “im ngay” khi đang nói hay giải thích một điều gì đó, cảm giác của bạn sẽ ra sao?
7. Không ai quý con cả!
Việc tuyên bố rằng mọi người đều ghét trẻ, trong đó có cả cha mẹ khiến trẻ cảm thấy vô cùng tủi thân. Vì với trẻ, bố mẹ là người gần gũi, yêu thương nhất cũng không quý mình thì chắc chắn trẻ sẽ cho rằng, trên đời này không còn ai yêu thương trẻ. Nếu trẻ làm điều gì sai, nghịch ngợm, quấy phá cha mẹ nên khuyên nhủ và đừng bao giờ nói ghét trẻ nhé.
8. Cha/ mẹ hứa
Cha mẹ luôn hứa với trẻ nhưng lại không bao giờ thực hiện. Điều này đã đánh mất sự tin tưởng quý giá mà trẻ đã dành cho cha mẹ. Nếu bạn trót hứa điều gì với trẻ hãy cố gắng thực hiện trong mức có thể.
9. Bằng tuổi con, bố mẹ đã…
Việc so sánh với quá khứ của bố mẹ và cuộc sống hiện tại của con trẻ là việc so sánh khập khiễng. Ở mỗi môi trường sống khác nhau, cha mẹ và trẻ sẽ có cách sống khác nhau, dĩ nhiên nó không vượt quá những chuẩn mực đạo đức xã hội. Cha mẹ hãy tìm hiểu cuộc sống hiện tại của con, bạn bè, môi trường học tập để thích nghi với con hiện tại. Đừng so sánh cuộc sống của mình trước đây với cuộc sống của con hiện tại, điều này chỉ làm con chán nản và tổn thương mà thôi.
10. Con phải làm cái này, làm cái kia
Cha mẹ thường có thói quen đứng bên ngoài và chỉ đạo hành động, suy nghĩ của trẻ như con phải làm thế này, làm thế kia khiến trẻ luôn cảm thấy mình vô dụng. Mỗi trẻ đều có suy nghĩ riêng của chúng, hãy để trẻ tự làm và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trong quá trình con làm cha mẹ có thể quan sát, sau đó khuyên nhủ chứ không ép buộc.