1. Qua những câu hát
Trước khi bé hiểu về từ ngữ, bé cần biết về từng chữ cái. Nên bắt đầu với những bài hát trong bảng chữ cái như “o tròn như quả trứng gà”… Hoặc hát bảng chữ cái tiếng Anh. Hãy cùng bé hát trong bồn tắm, khi mặc quần áo, khi ngồi chơi… Dần dần bé sẽ thuộc những bài hát mà mẹ dạy. Đồng thời, bé hiểu được là có những chữ cái trong từng câu hát.
2. Tập cho bé tự viết
Giúp bé nhận diện chữ cái nhanh nhất là viết nó ra. Bạn viết từng chữ cái một lên bảng trắng (hoặc viết lên tấm bìa, treo trên tường). Nên bắt đầu bằng chữ in hoa hoặc chữ thường (chọn 1 trong 2), bởi bé có thể bị lẫn lộn nếu bạn dạy cả chữ in hoa và chữ thường cùng lúc (ví dụ, chữ “A” và “a” cùng là một chữ nhưng lại gây khó hiểu cho bé).
3. Đọc & viết cùng lúc
Trẻ nhỏ sẽ biết đọc nhanh hơn nếu cùng tập đọc và viết một lúc. Mẹ nên khuyến khích con đồng thời đánh vần và viết chữ cái đó ra. Điều này sẽ kích thích trí não và giúp trẻ nhớ lâu bởi vừa đọc vừa viết chẳng khác nào “học đi đôi với hành”.
4. Mẹ hát, bé tìm
Hai mẹ con ngồi trên sàn nhà với bộ chữ cái nhựa trước mặt. Bạn ngân nga “A, B, C” hoặc bất kỳ chữ nào theo giai điệu tự chế. Sau đó hướng dẫn bé tìm chữ cái vừa được mẹ hát.
5. Chơi đố chữ
Một khi bé đã nhận được một chữ nào mới thì hãy chơi đố chữ: “Chữ nào bắt đầu bằng chữ ‘B’, ‘bò’, ‘bánh’, ‘bóng’… hoặc bắt đầu bằng chữ cái đầu tiên của tên bé: “Tên con là Bình, bắt đầu bằng chữ B, con thử nghĩ ra một chữ nào cũng bắt đầu bằng B xem?”.
6. Tìm cặp đôi phù hợp
Bạn chọn 3 chữ cái bất kỳ, mỗi chữ viết lên một mặt của 6 tấm bìa cứng. Sau đó, bạn úp 6 tấm bìa xuống và đố bé lật lần lượt 2 tấm bìa, làm sao tìm được một cặp hai chữ cái giống nhau. Khi bé tìm được một cặp, đặt hai tấm bìa đó sang một bên. Nếu bé không tìm được, bạn lần lượt mở các tấm bìa lên và chỉ cho bé những chữ cái giống nhau.Khi bé dần thành thục trò chơi này, có thể tăng số thẻ lên 10, với 5 chữ cái.
7. Sách chữ cái và chữ cái bằng nhựa
Mua (hoặc tự tạo) một quyển sách với từng chữ cái ở mỗi trang sách. Mua thêm một bộ chữ cái bằng nhựa. Trải bộ chữ cái bằng nhựa xuống sàn và để bé chọn một trang sách bất kỳ. Bé dừng ở đâu, bạn sẽ đọc chữ cái ấy và khuyến khích bé tìm chữ cái nhựa khớp với chữ cái có trong sách.
8. Ghép chữ cái
Bé lớn hơn có thể biết kết hợp các chữ cái thành một từ có nghĩa. Bạn có thể mua hoặc tự tạo bảng chữ cái. Sau đó, hướng dẫn bé ghép chữ cái thành tên của bé, tên loại quả, tên bố mẹ, ông bà…Lặp lại hoạt động này nhiều lần ngay cả khi bé đã đi mẫu giáo.
9. Có cơ hội là dạy
Tận dụng mọi cơ hội để chỉ cho bé những chữ cái xung quanh. Cho bé thấy những chữ cái trên bìa tạp chí tại nhà sách. Khi hai mẹ con đi dạo phố, chỉ cho bé thấy tên cửa hàng, cơ quan… Làm bánh thành các hình chữ cái và đưa cho bé chiếc bánh có chữ mà bé thích.
10. Kể chuyện bé nghe
Việc kể chuyện cho trẻ nghe hàng ngày thực tế không thể giúp con bạn biết đọc. Tuy vậy, nó lại có một tác dụng to lớn trong việc tạo niềm yêu thích và hứng khởi với sách và các chữ cái cho con. Trong khi đọc truyện, mẹ luôn tạo sự tương tác, hỏi con những nội dung có trong truyện. Điều này giúp con hiểu hơn những gì con được nghe.