Mẹ và Con - Để có tiền nuôi con và trả nợ sau dịch Covid-19, chị Hằng cùng chồng dựng lại xe hủ tiếu gõ kiếm sống. Anh chị đành mang con trai mới 2 tháng tuổi theo để vừa bán vừa chăm và điều bất ngờ đã xảy ra.

Trụ lại và mong nhiều khách

Hơn 16 giờ, chị Đỗ Thị Hằng (32 tuổi) cùng chồng là anh Chu Văn Sáng (39 tuổi) gửi tạm con trai nhỏ 2 tháng tuổi cho hàng xóm, bắt đầu dọn xe hủ tiếu gõ ở góc Cao Lỗ – Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM) để mưu sinh sau dịch Covid-19. Sợ phiền hàng xóm, hơn 19 giờ, anh Sáng lấy xe chở con trai nhỏ từ nhà hàng xóm đến chỗ bán để tiện trông con.

Chị Hằng kể 4 năm trước, hai vợ chồng khăn gói từ Phú Thọ vào TP.HCM làm công nhân để nuôi 2 con nhỏ (12 tuổi và 4 tuổi, hiện đang sống với ông bà nội ở quê). Gần 1 năm nay, anh chị quyết định bán hủ tiếu gõ, cũng để tiện chăm sóc cho đứa con thứ 3 sắp chào đời. Dịch Covid-19 ập tới, sắp sinh nên không về quê được, 2 vợ chồng quyết định trụ lại Sài Gòn. Suốt giãn cách không làm gì ra tiền, trước dịch thì làm ngày nào ăn ngày đó, anh chị vay tiền người thân ở quê chi tiêu tằn tiện qua ngày.

Giữa dịch Covid-19, chị sinh con tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5), đứa con thứ ba là niềm hạnh phúc lớn của đôi vợ chồng trẻ nhưng áp lực từ đó cũng nặng nề hơn, nhất là giữa lúc dịch bệnh khó khăn. Khi TP.HCM “bình thường mới”, 2 vợ chồng sớm quay lại với xe hủ tiếu gõ để trả nợ và kiếm thêm tiền mua sữa, tã cho con. Tuy nhiên, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn vì không nhiều khách như trước.

hào sảng của người Sài Gòn

Em bé 2 tháng trong hoàn cảnh bất đắc dĩ ở cùng xe hủ tíu của cha mẹ

“Nói thật là vì không có tiền nên tiền trọ tôi vẫn chưa trả hết cho chủ, một tháng cũng tầm 3 triệu. Có con nhỏ với lại phải tuân thủ quy định của TP.HCM nên chúng tôi cũng không dám bán quá khuya, chứ hồi trước chừng 1 – 2 giờ khuya mới dọn hàng”, anh Sáng kể.

Niềm hạnh phúc bất ngờ từ cư dân mạng

Chị Hằng cười nói mấy hôm nay, đột nhiên nhiều khách lạ ghé quán mình để ăn, rồi hỏi thăm đứa con nhỏ của 2 vợ chồng. Chị kể: “Không chỉ đến ăn, có người còn đến cho thêm tiền, tã, sữa khiến chúng tôi cũng bất ngờ không hiểu tại sao. Hỏi ra mới biết có một khách mấy hôm trước đến ăn thấy thương 2 vợ chồng vừa bán vừa chăm con nhỏ, nên có đăng bài lên Facebook kêu gọi người ta tới ủng hộ”.

Điều đó khiến cho vợ chồng chị vừa hạnh phúc vì được quá nhiều người quan tâm và thương yêu nhưng cũng có phần ngại ngùng. Chị chỉ mong khách đến ăn, ủng hộ xe hàng của mình lâu dài đã là một niềm vui lớn rồi.

người Sài Gòn

Quán bắt đầu đông khách hơn sau khi trên mạng xã hội lan tỏa

“Tô hủ tiếu em nhiêu chị?/Dạ của anh 25.000 đồng/Đây 100.000 đồng nè, chị khỏi thối lấy tiền mua sữa cho đứa nhỏ!/Anh làm vậy vợ chồng em ngại quá/Chị đừng đưa lại, không tui giận á! Sài Gòn mình lạ lắm à nghen!”. Đó là cuộc trò chuyện giữa anh Nguyễn Ngọc Tài (38 tuổi, trọ Q.Tân Bình, shipper) khi anh đi gần 7 km sang ủng hộ quán chị Hằng vì vô tình biết câu chuyện trên mạng xã hội. Anh tâm sự mình không khá giả gì, tuy nhiên cũng muốn giúp đỡ phần nào để gia đình bé gượng dậy sau dịch Covid-19, anh tin cứ cho đi rồi sẽ nhận lại như cách mà người Sài Gòn đối đãi với nhau.

Sài Gòn

Anh Tài dù làm shipper nhưng chạy 7km sang ăn ủng hộ quán

“Hủ tiếu ở đây cũng ngon, chắc chắn có dịp là tôi lại ghé ăn. Mong cho người lao động mưu sinh như chúng tôi có thể vươn lên sau khủng hoảng vì dịch Covid-19”, anh shipper chào vợ chồng chị Hằng rồi chốt đơn tiếp.

Chỉ trong một buổi tối có rất nhiều người đã tìm đến xe hủ tiếu của chị Hằng để ăn cũng như hỏi thăm về em bé, về cuộc sống của 2 vợ chồng. Có người gửi cho anh chị tiền, người thì 100.000 đồng, người thì 500.000 đồng, chị Hằng ngại ngùng cảm ơn và nhận những tình cảm từ mọi người.

câu chuyện đẹp

Chị Nguyễn Ngọc Trân Châu (28 tuổi) cùng chồng đi từ Q.Tân Phú qua thăm vợ chồng chị Hằng và em nhỏ, gửi gia đình 500.000 đồng để mua tã, sữa cho bé

“Cháu cũng ngoan lắm, ít quấy khóc để bố mẹ yên tâm buôn bán. Mong rằng với tình yêu thương của mọi người, gánh hàng của vợ chồng tôi sẽ ngày càng phát triển để có thêm thu nhập trả nợ, nuôi mấy đứa con”, anh Sáng bộc bạch. Hành trình phía trước của 2 vợ chồng chị Hằng còn dài, nhưng chính tình yêu thương, che chở của người Sài Gòn tiếp thêm cho anh chị động lực, niềm vui để gượng dậy sau phong ba Covid-19.

Theo Thanh Niên

Bài viết liên quan