Có lẽ sẽ chẳng ai trong chúng ta nghĩ rằng một ngày nào đó, những người mà chúng ta yêu thương nhất lại ra đi, rời bỏ chúng ta. Và trong hàng trăm nỗi đau con người phải trải qua, nỗi đau mất người thân đột ngột dường như là nỗi đau khó vượt qua nhất. Thậm chí, điều này còn gây nên một cú sốc tâm lý, khiến nhiều người đau đớn nhiều năm liền…
5 giai đoạn diễn biến tâm lý khi mất người thân đột ngột
Mất người thân có thể dẫn đến những ảnh hưởng sâu sắc về thể chất và sức khỏe tinh thần. Đây là một tình huống không mong muốn, gây nên những tổn thương không thể bù đắp được. Một người đứng trước sự kiện mất người thân đột ngột thường trải qua nhiều giai đoạn diễn biến tâm lý. Trong đó, 5 giai đoạn chính thường gặp nhất bao gồm:
Chối bỏ, không chấp nhận
Khi nghe tin người thân qua đời, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là chối bỏ. Chúng ta cho rằng mình đã nghe nhầm, mình bị trêu đùa, đây không phải là sự thật,… Vì chưa được chuẩn bị tinh thần cho việc người thân qua đời nên hầu như tất cả chúng ta đều phản ứng bằng cách không chấp nhận người thân của mình đã vĩnh viễn ra đi.
Có nhiều cách để chúng ta phản ứng với thông tin người thân qua đời. Bạn có thể gào thét, khóc lóc hoặc dù bên trong đang vô cùng đau đớn nhưng vẫn cố tỏ ra bình thản. Dù cách phản ứng là gì thì trong tâm trí bạn lúc này vẫn chưa thể nào tin được mình đã mất người thân đột ngột như thế.
Tức giận
Có ba kiểu phản ứng chính để diễn tả về sự tức giận của một người khi người thân qua đời. Có người sẽ đổ lỗi cho người chết đã ra đi quá sớm, bỏ rơi mình. Lúc này, họ cho rằng việc mất người thân đột ngột là do người thân đang cố trừng phạt mình, khiến mình đau đớn. Cũng có người tự trách bản thân, cho rằng mình đã không dành đủ thời gian cho người đã mất, không chăm sóc họ và là nguyên nhân khiến họ ra đi.
Một trường hợp phản ứng khác thường thấy của một người khi mất người thân đột ngột chính là đổ lỗi cho người khác đã trực tiếp hoặc gian tiếp gây nên cái chết cho người thân của mình. Thường thấy nhất chính là những trường hợp người thân qua đời trong bệnh viện và người nhà sẽ không kiểm soát được cảm xúc, trách bác sĩ không tận tâm cứu chữa, khiến người thân của họ qua đời.
Thương lượng
Sau giai đoạn tức giận, chúng ta sẽ bắt đầu tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai tốt đẹp, tự trấn an bản thân để xoa dịu nỗi đau đang hiện diện. Nếu không thể vượt qua giai đoạn “tích cực ảo” này thì tâm lý về sau sẽ càng phức tạp hơn, khó vượt qua được cảm xúc tổn thương vì mất người thân đột ngột hơn. Đây cũng chính là giai đoạn dễ phát triển thành rối loạn tâm thần nếu không sớm vượt qua được.
Buồn bã sâu sắc
Trong giai đoạn thương lượng, tưởng chừng nỗi buồn đã qua đi nhưng thật chất bạn chỉ đang tạm gác nỗi buồn qua một bên và chưa sẵn sàng để đối diện với nó. Vì thế, cảm giác đau buồn sẽ qua đi nhanh và trở lại cũng trong một thời gian ngắn.
Qua khỏi giai đoạn này, bạn sẽ dần chấp nhận được người thân của mình thật sự đã không còn ở bên cạnh mình và cảm thấy đau đớn, buồn bã tột cùng. Có người dần trở nên bi quan hơn, không còn thiết tha gì với cuộc sống. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm và rất khó để nói trước khi nào một người có thể vượt qua được giai đoạn diễn biến tâm lý này.
Chấp nhận và vượt qua
Diễn biến tâm lý cuối cùng khi mất người thân đột ngột chính là vượt qua và phục hồi. Bạn không còn cảm xúc tổn thương, đau đớn, muốn buông xuôi tất cả mà dần ổn định tâm lý, quay trở lại với cuộc sống bình thường.
Có thể lúc này nỗi buồn bên trong bạn vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai nhưng bạn sẽ bắt đầu phục hồi tâm trạng và dần không còn cảm thấy như bị mắc kẹt trong cơn ác mộng và không thể thức dậy.
Tâm trạng khi mất người thân như thế nào?
Nếu không thể tìm được cách để cân bằng cảm xúc và vượt qua nỗi đau mất người thân, bạn có thể phải đối diện với nhiều vấn đề tâm lý. Nỗi đau này có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng, lo lắng, dẫn đến các rối loạn tâm thần như:
- Rối loạn lo âu lan tỏa
- Rối loạn lưỡng cực
- Rối loạn trầm cảm
- Rối loạn lo âu chia ly
- Trầm cảm
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn hoang tưởng
- Loạn thần cấp
Khi nỗi buồn diễn tiến thành vấn đề tâm lý thì rất khó để có thể hồi phục như khi bị sốc tâm lý bình thường. Do đó, nên cố gắng vượt qua nỗi đau mất đi người thân yêu để có thể ổn định cuộc sống trước khi mọi thứ diễn ra theo chiều hướng tồi tệ hơn.
Những đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý khi người thân mất
Mất đi người mình thân yêu là nỗi đau khó nguôi ngoai với tất cả mọi người. Tuy nhiên, với một số đối tượng thì cú sốc mất người thân làm ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, khiến họ bị tổn thương nặng nề. Một số đối tượng khó vượt qua cảm xúc đau đớn tột cùng khi mất người thân đột ngột bao gồm:
- Trẻ em: Trẻ chưa nhận thức được việc ai rồi cũng ra đi nên sẽ dễ cảm thấy buồn bã và khó chấp nhận được chuyện người thân yêu của mình đã rời bỏ mình. Trẻ cũng dễ cho rằng vì mình không ngoan nên người thân mới ra đi, từ đó hình thành tâm lý tự trách và ám ảnh đến suốt đời.
- Những người thân thiết với người đã mất: Nếu người thân ra đi là bố, mẹ, anh chị em ruột, vợ, chồng, con cái,… – tức những người có mức độ thân thiết cao thì bạn dễ cảm thấy đau buồn nhiều hơn, có cú sốc tâm lý nặng nề khó vượt qua hơn.
- Người có tính cách yếu đuối, nhạy cảm: Những đối tượng này sẽ dễ bị tổn thương tâm lý khi mất người thân đột ngột.
- Người đang có vấn đề tâm lý: Những người đang căng thẳng quá mức, phải đối diện với stress kéo dài, người liên tục đối mặt với các sự kiện sang chấn hay người có vấn đề tâm lý như trầm cảm nhẹ, rối loạn lo âu trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,… cũng có nguy cơ cảm thấy bi quan, tiêu cực, tuyệt vọng,.. cao hơn khi đối diện với việc người thân qua đời.
Làm sao để vượt qua nỗi đau mất người thân đột ngột?
Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để có thể xoa dịu nỗi đau của bản thân. Nếu bạn cũng đang trải qua cảm xúc đau buồn, mất mát khi mất người thân yêu, có thể thử một số cách sau đây:
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh
Nếu bạn chưa thể chấp nhận việc người thân đã ra đi mãi mãi, hãy thử trò chuyện và tâm sự với những người khác. Có thể họ sẽ không cho bạn được lời khuyên làm thế nào để vượt qua nỗi đau nhưng việc được thể hiện cảm xúc, nói ra nỗi đau của mình và những suy nghĩ ngổn ngang cũng là một cách để bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu bạn cứ mãi chịu đựng, bạn sẽ dần trở nên bi quan, nhìn nhận mọi thứ một cách tiêu cực và mãi không nguôi ngoai được cảm xúc đau thương này. Hãy cố gắng nói ra để nhận được sự lắng nghe và thấu cảm. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng chấp nhận mọi việc hơn và tâm trạng cũng được nhẹ nhõm hơn.
Thoải mái với cảm xúc của chính mình
Bạn không cần phải kiềm nén cảm xúc đau buồn của mình trước sự kiện mất người thân đột ngột. Càng cố kiềm nén, che đậy thì nỗi đau càng kéo dài và bạn sẽ càng khó vượt qua chúng mà thôi. Vì thế, hãy cứ giải tỏa những cảm xúc mà bạn đang gặp phải khi sự kiện mất mát này xảy ra, dù đó là khóc lóc hay la hét.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc của mình trước mặt người khác thì có thể tìm những không gian riêng tư để bộc lộ tâm trạng bản thân của mình.
Việc thoải mái thể hiện cảm xúc có thể giúp bạn nhanh nguôi ngoai, vượt qua nỗi đau một cách dễ dàng hơn. Ngược lại, tích lũy nỗi đau trước câu chuyện mất người thân đột ngột sẽ khiến cho tâm trạng của bạn trở nên nặng nề, tiêu cực, không còn hứng thú với mọi thứ,…
Dành thời gian nghỉ ngơi
Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Nhiều người sau sự kiện mất người thân đột ngột đã không còn bất kỳ hứng thú nào, dẫn đến tình trạng chán ăn, bỏ bữa, không ăn đủ bữa hay thức trắng nhiều đêm liền, không làm gì ngoài việc nhốt mình trong phòng và khóc,… Càng đau thương thì bạn càng có xu hướng bỏ bê mình, khiến sức khỏe thể chất suy giảm.
Có nhiều người vì muốn trốn tránh hiện thức, không chấp nhận được chuyện mất người thân đột ngột đã lao đầu vào công việc, làm việc đến quên ăn quên ngủ và không màng đến mọi thứ xung quanh. Với họ, làm việc chính là cách để họ có thể tạm quên đi cảm xúc đau khổ của mình.
Ở một khía cạnh khác, việc sức khỏe thể chất yếu đi mỗi ngày khiến sức khỏe tinh thần của bạn cũng khó hồi phục hơn. Não bạn không đủ năng lượng để tiết ra hormone hạnh phúc khiến nỗi đau mãi không nguôi ngoai được.
Nhìn chung, cho dù đau buồn như thế nào đi chăng nữa thì cũng hãy cố dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân mình bạn nhé! Dù cho không muốn ăn thì bạn cũng nên duy trì đủ 3 bữa một ngày, cố gắng ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều hơn.
Tập thể dục
Vì sao lại nên tập gym, yoga hay thiền để vượt qua nỗi đau mất người thân đột ngột? Các bài tập sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, trong khoảng thời gian bạn bị mất ngủ do sang chấn tâm lý. Điều này giúp bạn nhanh chóng ổn định tinh thần của mình, hạn chế những vấn đề sức khỏe như mất ngủ, đau nửa đầu, suy nhược cơ thể,…
Dành thời gian cho những hoạt động mà mình yêu thích
Một trong những cách để bạn có thể mau chóng cân bằng cảm xúc và vượt qua sự mất mát đó chính là dành thời gian rảnh rỗi cho những hoạt động mà mình yêu thích. Bạn có thể nghe nhạc, vẽ tranh, xem triển lãm, ra ngoài đi dạo mua sắm cùng bạn bè,…
Việc tham gia các hoạt động này sẽ giúp phát tín hiệu đến não của bạn, để não cảm thấy tích cực và hưng phấn hơn, dần có nhiều cảm xúc vui vẻ thay thế cho nỗi đau mất người thân đột ngột mà bạn đang đối diện.
Duy trì các hoạt động hằng ngày
Để “chữa lành” cho người ở lại khi rơi vào tình trạng người thân qua đời thì một trong những cách đơn giản nhất nhưng lại mang đến hiệu quả cao nhất chính là tiếp tục duy trì cuộc sống hằng ngày. Hãy cứ đi học, đi làm, ra ngoài gặp gỡ bạn bè,… như một ngày bình thường. Bạn có thể bắt đầu bằng những thứ đơn giản, dễ dàng nhất.
Khi bạn quay trở lại nhịp sống cũ thì bạn sẽ tránh được tình trạng có nhiều thời gian rảnh, bận tâm về câu chuyện mất người thân đột ngột của mình. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua nỗi đau một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, không chìm sâu vào những cảm xúc tiêu cực.
Tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý
Không phải ai cũng có thể mạnh mẽ vượt qua được mất mát khi mất người thân đột ngột. Có người dù hằng ngày vẫn ra ngoài đi làm, vẫn duy trì sinh hoạt như bình thường nhưng nỗi đau mãi không nguôi ngoai, thậm chí có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Lúc này, nên thẳng thắng nhìn nhận rằng bạn cần sự hỗ trợ nhiều hơn và giải pháp tốt nhất cho bạn lúc này chính là tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý.
Các bác sĩ, chuyên gia sẽ đánh giá mức độ tổn thương của bạn và cân nhắc phương pháp hỗ trợ điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể dùng các liệu pháp hành vi nhận thức – một dạng tâm lý trị liệu để xoa dịu nỗi đau của bạn. Trong một số trường hợp cần thiết, chẳng hạn như sự buồn bã này làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn, khiến bạn sụt cân hay mất ngủ, bạn có thể được kê đơn sử dụng một số loại thuốc an thần hoặc thuốc ngủ để khôi phục sức khỏe.
Chẳng ai có thể bên cạnh chúng ta mãi mãi. Vì thế, một ngày nào đó, chúng ta có thể phải đối mặt với câu chuyện mất người thân đột ngột và chắc chắn chúng ta đều bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề trước sự kiện đau buồn này. Tuy nhiên, hy vọng rằng bạn không vì vậy rồi từ bỏ mọi thứ, cảm thấy bi quan, tiêu cực mà vẫn có thể mạnh mẽ, dám đau khổ và dám đứng dậy, tiếp tục hành trình cuộc sống đầy ý nghĩa của những người ở lại bạn nhé!